Quản lý văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của văn hóa. Trước các tác động của tiến trình toàn cầu hóa, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh, làm biến đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của đất nước. Tính đến thời điểm hiện nay, đất nước ta đã xuất hiện trên 750 khu đô thị mới (KĐTM), riêng thủ đô Hà Nội có trên 30 KĐTM, đó là một trong những thành tựu lớn của chúng ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, với những yếu tố tác động khách quan và chủ quan, các khu đô thị hiện tại có rất nhiều biến thể so với 4 loại hình đô thị được giới chuyên gia đề cập đến: khu đô thị phụ thuộc vào thành phố mẹ – khu đô thị độc lập – khu đô thị mở rộng – khu đô thị xây dựng cho các khu chức năng đặc biệt.
Trên phương diện vĩ mô, hoạt động quản lý văn hóa sẽ góp phần định hướng, điều chỉnh sự phát triển của văn hóa quốc gia, giúp hiện thực hóa các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, từ đó tác động đến mục tiêu, bản chất của văn hóa dân tộc. Trên phương diện vi mô, hoạt động quản lý đời sống văn hóa trong các lĩnh vực, địa bàn, nhóm dân cư cụ thể sẽ giúp kiểm soát sự tùy tiện, sai lệch trong khi thực thi các cơ chế, chính sách của Nhà nước, các cấp, ban, ngành trên lĩnh vực văn hóa.
Không thể phủ nhận, sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng các KĐTM trên địa bàn thành phố Hà Nội một mặt đã đáp ứng nhu cầu sống của cư dân, phù hợp với xu hướng phát triển của một thành phố đang tích cực chuyển mình hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế. Những khu đô thị mới này góp phần giải quyết nhu cầu lớn về nhà ở cho hàng vạn gia đình cán bộ, nhân dân ở các tỉnh khác đến cư trú hoặc các gia đình thuộc diện giải tỏa, đền bù từ các dự án do nhu cầu của thành phố cần mở rộng, phát triển hệ thống giao thông đô thị, bên cạnh đó, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, làm nên diện mạo đời sống văn hóa văn minh, hiện đại hơn cho thủ đô Hà Nội, có môi trường sống, cảnh quan, sinh hoạt tốt nhất cho người dân. Song mặt khác, tốc độ phát triển nhanh theo hướng hiện đại đã bộc lộ những mặt yếu kém, bất cập ảnh hưởng không tốt đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi lối sống, sinh hoạt của cư dân cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi công tác quản lý văn hóa phải vào cuộc, xem xét lại việc thực hiện các văn bản quản lý, đồng thời đề xuất những yêu cầu mới phù hợp, khả thi nhằm nâng cao đời sống văn hóa trong các KĐTM, phát huy hiệu quả những xu hướng phát triển tích cực, đẩy lùi những xu hướng tiêu cực, phản tác dụng giáo dục, phản văn hóa, đồng thời nắm bắt thực tiễn phát triển của đất nước và xu thế hội nhập toàn cầu mạnh mẽ hiện nay trên thế giới.
Khi vấn đề lao động, việc làm chưa được giải quyết, tình trạng đô thị hóa nhanh đã đẩy một bộ phận lao động dư thừa từ nông thôn ra thành thị, tạo thêm gánh nặng cho các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội. Thực trạng dân cư nông thôn đang tự do di cư vào các thành phố lớn để kiếm sống, mà Nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Sự xâm nhập của các giá trị văn hóa nông thôn vào đô thị đã và đang tạo ra sự pha trộn phức tạp về văn hóa đô thị, bên cạnh đó, sự chênh lệch về văn hóa và mức sống giữa các tầng lớp cư dân ngày càng lớn, dẫn đến sự mất cân bằng trong sinh thái đô thị, nhất là giữa dân số và việc làm, giữa dân số và thu nhập, giữa dân số và kết cấu hạ tầng. Mức độ ô nhiễm môi trường đã vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng, trật tự đô thị chưa được đảm bảo. Nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, không gian văn hóa đô thị bị phá vỡ. Tất cả các vấn đề trên đang tác động làm biến đổi văn hóa đô thị. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do công tác quản lý Nhà nước về văn hóa đô thị của ta còn thụ động, bất cập.
Cơ chế thị trường đã làm cho dân cư đô thị nước ta bị phân hóa sâu sắc. Một bộ phận dân cư giàu lên nhanh chóng bên cạnh tầng lớp nghèo. Đặc biệt là qua các phương tiện truyền thông hiện đại, các giá trị của toàn cầu hóa đã tác động mạnh mẽ tới đời sống văn hóa Việt Nam, tạo ra những chuyển biến quan trọng trong lối sống của người dân các KĐTM trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đó là lối sống đã mở rộng theo nhu cầu của chủ thể văn hóa dưới các hình thức mới và có sự lựa chọn, là lối sống có phần khép kín, không cởi mở như lối sống truyền thống “tình làng nghĩa xóm” của đại bộ phận cư dân ở các miền quê Việt Nam.
Không gian khu đô thị Linh Đàm. Ảnh Quỳnh Giao
Có một thực trạng không thể phủ nhận, đó là sự ra đời của KĐTM ở Hà Nội đã để lại không ít hệ lụy. Dù xuất phát từ những lý do khác nhau, nhưng việc quy hoạch, xây dựng nhiều KĐTM thiếu đồng bộ, thiếu các tiện ích phục vụ đời sống cư dân như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em… (đây là tình trạng phổ biến ở hầu hết các KĐTM xây dựng thời kỳ đầu trên địa bàn thành phố Hà Nội), không chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa như rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, thiếu các công trình kiến trúc phục vụ nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí của cư dân như quảng trường, vườn hoa, công viên… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cư dân. Ở những KĐTM xa trung tâm thành phố như Linh Đàm, Văn Khê, Văn Phú… hầu như chủ đầu tư mới chỉ giải quyết được vấn đề nhà ở, mọi nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân đều hướng ra ngoài khu vực KĐTM, có nghĩa là người dân có nhu cầu gì, sẽ tự lựa chọn.
Bên cạnh những ưu thế của đô thị, KĐTM đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh từ quá trình đô thị hóa, tạo nên những biến đổi trong đời sống văn hóa cộng đồng KĐTM. Sự biến đổi văn hóa cũng khiến cho đời sống văn hóa ở các KĐTM trở nên đa dạng, thể hiện ngay chính trong cuộc sống hàng ngày của cư dân qua văn hóa ứng xử, qua các hoạt động văn hóa thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thiếu định hướng quản lý văn hóa của Nhà nước. Hiện nay, chủ sở hữu các căn hộ trong chung cư ở các KĐTM thuộc tầng lớp trung lưu mới nổi với đầy đủ các thành phần như công chức, viên chức nhà nước, các tiểu thương, nhà thầu khoán, người làm nghề môi giới và nhiều nghề tự do khác có mức thu nhập từ khá trở lên. Những người sống trong khu chung cư số đông thuộc nhóm tuổi trung niên và trẻ. Họ đang muốn khẳng định vị thế xã hội và bản sắc văn hóa riêng của mình, vì vậy mà lối sống, cách ứng xử văn hóa cũng muôn màu muôn vẻ. Nhiều người cho rằng chỉ cần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ở các KĐTM là có thể tập hợp, động viên được họ tham gia xây dựng thành công đời sống văn hóa ở các khu đô thị. Cách nhìn đó còn hình thức, phiến diện, khó đạt kết quả như mong đợi. Công tác quản lý sinh hoạt văn hóa tại các KĐTM có phần thả nổi, vì vậy đã xuất hiện không ít hiện tượng phản văn hóa nhưng vẫn được một vài bộ phận dân cư hưởng ứng nhiệt tình như việc hầu bóng, thờ cúng, đặt chùa trên nóc các tòa nhà chung cư, mở tiệc ở hành lang chung cư, nuôi chó mèo, thú cưng ở chung cư gây bất bình trong dư luận trong thời gian vừa qua.
Trong xu hướng quy hoạch KĐTM đặt mục đích nâng cao chất lượng sống tốt nhất cho cư dân làm tiêu chí hàng đầu, một loạt các KĐTM đã bổ sung nhiều hạng mục thiết thực phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Một KĐTM cao cấp hiện nay là phải có những tiện ích, thiết chế văn hóa kèm theo đúng nghĩa cao cấp như bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng tập gym, khu tắm nắng cạnh bể bơi, bể bơi người lớn, bể bơi trẻ em, khu tổ chức tiệc ngoài trời, hội trường đa chức năng, siêu thị, thư viện, nhà trẻ. Công viên dọc bên đường với những giàn hoa, lối đi rảo bộ uốn lượn, khu vui chơi và thể thao. Bên cạnh đó, là hệ thống an ninh đảm bảo, chốt bảo vệ tại cổng ra vào, hệ thống kiểm soát ra vào bằng thẻ điện từ, hệ thống tường bao và đèn chiếu sáng… như các KĐTM Royal city, Time city, ParkCity Hanoi, Ciputra… Xu hướng mỗi khu đô thị mới phải như một thành phố thu nhỏ với đầy đủ tiện ích, dịch vụ ra đời, chủ yếu đón chào những cư dân có thu nhập cao, ổn định. Tuy vậy, trong quá trình sinh sống, cũng lại nảy sinh không ít bất cập mà chủ yếu là phí dịch vụ, tiền sửa chữa, tôn tạo môi trường sống quá cao so với các KĐTM khác. Bên cạnh mặt tích cực là đáp ứng cao nhất điều kiện, như cầu cuộc sống của người dân, thì xu hướng này cũng vô hình chung biến các KĐTM mang sắc thái riêng thành những ốc đảo biệt lập với môi trường đô thị Hà Nội. Có thể nói, việc buông lỏng công tác quản lý văn hóa, phó mặc cho chủ đầu tư hiện nay tại các KĐTM dễ dẫn đến những tác hại khôn lường, thậm chí ảnh hưởng đến cả công tác an ninh quốc phòng, nhất là ở những nơi có nhiều thành phần quốc tịch cùng sinh sống trong các KĐTM.
Quản lý tốt văn hóa đời sống KĐTM, đồng nghĩa với việc phải xây dựng tốt đời sống văn hóa tại đó. Đời sống văn hóa trong các KĐTM chỉ được xây dựng và xác lập khi tất cả các thành viên của KĐTM cùng quyết tâm chung tay xây dựng, mỗi cá nhân trong KĐTM đều trở thành những hạt nhân tốt biết phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác và gương mẫu thực hiện các quy định, quy chế của khu dân cư, kiên quyết đấu tranh đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016
Tác giả : ĐINH ĐỨC THIỆN
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn