Cốt truyện và nhân vật trong sử thi ba na


Trong số 75 tác phẩm đã công bố của Dự án cấp Nhà nước Điều tra, sưu tầm, biên tập, biên dịch và bảo quản sử thi Tây Nguyên, có tới 30 tác phẩm của người Ba na. Đây là lượng tư liệu sử thi lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay của dân tộc này, thực sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc khảo sát đặc điểm loại hình sử thi của một trong những tộc người cổ nhất tại cao nguyên Nam Trung Bộ, điều trước kia chưa được thực hiện một cách thuận lợi do những hạn chế về tư liệu. Xin bước đầu đề cập tới một số vấn đề liên quan đến yếu tố cốt truyện và nhân vật trong di sản sử thi của dân tộc này.

1. Cốt truyện

Cơ sở của cốt truyện là biến cố (sự di chuyển của nhân vật qua ranh giới các trường ngữ nghĩa, và những yếu tố nội tại của văn bản nghệ thuật) được xây dựng trên nguyên tắc đối lập nhị phân ngữ nghĩa, với sự phân hóa thế giới thành hai cực: quen thuộc – xa lạ, chính giáo – tà giáo, dương gian – âm thế, giàu – nghèo, thân thiện – thù địch… Một hành động được đánh giá là, hoặc không phải là, biến cố thông qua việc xác định vị trí của nó trong trường cấu trúc này. Ranh giới giữa hai tập hợp đối lập vốn không thể vượt qua trong những điều kiện thông thường, nhưng có thể, ở những điều kiện nhất định: biến cố xuất hiện khi nhân vật xâm nhập vào môi trường không thuộc về mình. Với việc có hay không sự tồn tại của biến cố, văn bản được phân biệt thành hai loại tương ứng – có cốt truyện và phi cốt truyện (1).

Trong các tác phẩm sử thi, bên cạnh những h’mon có cốt truyện chiếm đa số, một số h’mon dường như ở trạng thái trung gian giữa văn bản phi cốt truyện và văn bản có cốt truyện. Đây là một trong những vấn đề khiến chúng tôi lưu tâm, bởi về mặt lý thuyết, các tác phẩm thuộc loại hình tự sự phải là những văn bản có cốt truyện.

Theo khảo sát của chúng tôi, loại h’mon có cốt truyện thường mô tả một trong ba dạng hành động của nhân vật chính: Xâm nhập vào môi trường đối nghịch → cải tạo môi trường đó; xâm nhập vào môi trường đối nghịch → trấn áp môi trường đó; xâm nhập vào môi trường đối nghịch → xóa bỏ môi trường đó.

Ở trường hợp thứ nhất, nhân vật tìm cách tác động để môi trường đối nghịch chuyển sang trạng thái mà anh ta có thể thích nghi. Chẳng hạn, trong sử thi Chàng Kơtam Gring Mah, sau nhiều trận chiến căng thẳng, Giông đã chủ động đối thoại với kẻ thù, chỉ ra những sai lầm của đối phương và thuyết phục nhân vật này chấp nhận ngừng cuộc đấu. Sau khi kết nghĩa anh em, đối thủ cũ trở thành bạn chiến đấu của Giông trong những cuộc chiến mới. Còn ở sử thi Giông ngủ ở nhà rông của làng bỏ hoang, nhân vật chính đã cùng một số trai tráng đến ngôi nhà rông nơi làng cũ của Bok Rơh để tìm hiểu xem tại sao hồn ma người chết hay trở về quấy nhiễu dân cư. Sau khi Bok Rơh làm lễ cầu hồn cho người chết và cúng thần linh theo lời khuyên của Giông, buôn làng bình yên trở lại và Giông trở thành một thành viên mới thông qua đám cưới với con gái chủ làng.

Trong trường hợp thứ hai, nhân vật vô hiệu hóa những kẻ thù thuộc môi trường đối nghịch và thực hiện các mục tiêu đã dự định, ví dụ cướp người con gái đẹp, cứu người thân… Tuy nhiên, do đối thủ chưa bị triệt hạ tận gốc, cốt truyện không chấm dứt. Một tình trạng bất ổn định mới sẽ xuất hiện, và nhân vật chính vẫn tiếp tục phải hành động. Sử thi Giông giết sư tử cứu làng Set là một ví dụ. Cha con Giông bắt trói được con sư tử đội lốt người đến ăn thịt dân làng. Nhưng mặc dù biết sư tử bị lũ người xấu ở hạ nguồn sai đến, Giông chỉ trừ khử con quái vật để tránh hiểm họa trước mắt cho dân làng, chứ không xuống cuối nguồn triệt hạ những kẻ thù giấu mặt. Bởi thế, ít lâu sau, biến cố mới xảy ra: kẻ thù kéo quân lên đánh vùng đầu nguồn. Giông phải tiếp tục xử lý… Và cốt truyện vẫn tiếp tục cho đến khi trạng thái ổn định ban đầu được khôi phục hoàn toàn.

Trong trường hợp thứ ba, nhân vật diệt trừ toàn bộ những đối tượng làm nên môi trường đối nghịch với anh ta, như ở sử thi Giông làm nhà mồ, Giông săn trâu rừng, Set xuống đồng bằng thăm bạn… Vì trường ngữ nghĩa đối cực không còn, hoạt động tiếp theo không thể diễn ra được nữa nên trong trường hợp này, sự phát triển của cốt truyện lập tức dừng lại.

Tuy nhiên, như đề cập ở trên, ngoài những h’mon có cốt truyện, một số tác phẩm khác có vẻ đang còn ở trạng thái trung gian giữa văn bản phi cốt truyện và văn bản có cốt truyện. Văn bản phi cốt truyện mang tính phân loại rõ ràng, chúng “lập thành một thế giới và cơ cấu riêng”, theo cách mà việc di chuyển những yếu tố để phá vỡ trật tự đã thiết lập là không được phép. Văn bản có cốt truyện được xây dựng trên cơ sở văn bản phi cốt truyện với tư cách là sự phủ định nó. Nếu hệ thống phi cốt truyện là hệ thống cơ sở thì hệ thống cốt truyện có tính thứ cấp và luôn là một tầng được đặt lên trên cấu trúc cơ sở phi cốt truyện này(2).

Ở sử thi Ba na, sự đối lập của các tập hợp thuộc trường ngữ nghĩa được thể hiện rất rõ, trong đó vùng đầu nguồn – quê hương nhân vật chính Dăm Giông – là mảnh đất của đạo đức, trí tuệ, sức mạnh và sự bình yên, tương phản với vùng cuối nguồn – địa phận của sự xấu xa, tăm tối, hèn nhát và những bất trắc. Biến cố diễn ra khi người ở vùng này, vì một lý do nào đó, xâm nhập vào vùng kia. Tất nhiên, chỉ có một số nhân vật nhất định có thể vượt qua ranh giới, ví dụ như anh em Giông (vùng đầu nguồn), hay Jrai, Lao, Xor Mam, Jrung Măng… (vùng cuối nguồn). Việc anh em Giông đương đầu với những kẻ xấu cuối nguồn để cứu người con gái đẹp hay nhóm nhân vật phản diện cuối nguồn kéo nhau lên đánh phá đầu nguồn là những hành động quen thuộc trong nhiều sử thi Ba na.

Nhưng, với một số ít h’mon, không gian đầu nguồn – cuối nguồn không được đặt trong thế tương phản tuyệt đối ấy. Lấy ví dụ như tác phẩm Giông kết bạn với Glaih Phang. Trong h’mon này, Jrai, Lao – những nhân vật lười biếng vùng cuối nguồn – tình cờ lạc vào vùng đất đầu nguồn, được đón tiếp tử tế và chứng kiến thành quả lao động của con người nơi đây. Khi trở về, họ đã kể điều mắt thấy tai nghe đó với cư dân cuối nguồn, nơi vốn có trình độ làm rẫy kém hơn hẳn. Nhận lời mời của người cuối nguồn, anh em Giông xuống thăm miền đất này và bày cho họ cách canh tác hiệu quả. Kết thúc câu chuyện là những cuộc hôn nhân của trai gái hai vùng. Có thể thấy, trong tác phẩm trên, các nhân vật xâm nhập vào không gian không thuộc về họ một cách tương đối dễ dàng. Đúng là vẫn có sự đối lập giữa hai vùng đất, nhưng không triệt để – sự khác biệt ở đây chỉ là khả năng lao động của dân cư từng vùng. Với việc nhân vật “vượt ranh giới”, biến cố đã xuất hiện, nhưng người vùng này vẫn được người vùng kia đón nhận mà không nảy sinh bất cứ xung đột nhỏ nào. Theo Lotman, biến cố được quan niệm như là cái đã xảy ra dù nó có thể không (nhất thiết) xảy ra, và một biến cố càng ít có khả năng xuất hiện càng chiếm vị trí cao trên thang độ tính cốt truyện. Ở Giông kết bạn với Glaih Phang, việc nhân vật xâm nhập vào môi trường đối lập là điều không khó thực hiện, do vậy tính cốt truyện mờ nhạt. Kết quả là, hành động truyện hầu như không phát triển, tác phẩm nghiêng về dạng phi cốt truyện nhiều hơn.

Bên cạnh những h’mon kịch tính với các cao trào xung đột và sự giải quyết xung đột, việc tồn tại những tác phẩm có tính cốt truyện thấp kiểu Giông kết bạn với Glaih Phang có vẻ lạc lõng. Nhưng đây không phải trường hợp duy nhất.

Chúng ta đều biết, hệ thống sử thi Ba na được hình thành từ sự liên kết các tác phẩm (truyện đơn) độc lập, xoay quanh câu chuyện chung về gia tộc nhân vật chính Dăm Giông. Liệu có thể đề cập đến khả năng Giông kết bạn với Glaih Phang chỉ là phân đoạn của một truyện đơn như vậy, nhưng hình thức tồn tại sơ khởi của nó đến nay đã thất truyền, và do bản thân “phân đoạn” này cũng có cấu tạo gần giống một chỉnh thể nên hiện tại, nghệ nhân diễn xướng nó như một tác phẩm riêng? Nếu giả thuyết trên là hợp lý, ta cũng có thể đặt câu hỏi như thế với một số h’mon ở tình trạng tương tự. Từ đó, trên cơ sở xem xét số lượng nhất định tác phẩm với tư cách là mảnh vỡ của các tác phẩm lớn hơn, có thể nghĩ đến việc khôi phục trạng thái ban đầu của chúng.

Những tác phẩm nào có thể kết hợp với nhau, và không thể? Nếu kết hợp thì dựa trên tiêu chí nào? Theo chúng tôi, nên đặt những “phân đoạn” được nghi vấn vào chùm tác phẩm có chung đề tài, nhân vật hoặc motip để đối chiếu, so sánh và phân tích. Trong trường hợp có sự kết nối logic giữa phân đoạn với một tác phẩm lớn hơn hoặc giữa phân đoạn này với phân đoạn khác, cần tạm thời cố định tình trạng đó để tiếp tục tìm hiểu. Trước khi có đủ điều kiện xác minh, không nên tiếp cận những phân đoạn nói trên với tư cách truyện đơn độc lập. Điều này sẽ dẫn đến những tiền đề sai đối với thao tác nghiên cứu, vì, như ta biết, những tác phẩm không có hoặc hầu như không có cốt truyện vốn nằm ngoài phạm vi của loại hình tự sự nói chung.

2. Nhân vật

Nhân vật, theo định nghĩa phổ biến, là con người cụ thể của tác phẩm văn học, và bao gồm cả các thần – nếu đó là văn học dân gian. Được miêu tả chủ yếu qua các biến cố, nhân vật có sự gắn kết tất yếu với cốt truyện. Và h’mon, có rất nhiều nhân vật là các thực thể siêu tự nhiên. Từ hai thực tế này, có thể nói đến loại nhân vật hành động bất hành động, nhân vật có hình dạng nhân chủngkhông có hình dạng nhân chủng trong sử thi Ba na.

Nhân vật hành động và nhân vật bất hành động

Sự tồn tại của biến cố (hay cốt truyện), đã dẫn đến việc phân hóa hệ thống nhân vật của tác phẩm thành hai tuyến: nhân vật hành động và nhân vật bất hành động. Nhân vật hành động là nhân vật vượt qua “ranh giới”, còn nhân vật bất hành động được cố định trong môi trường quen thuộc của mình. “Khởi điểm của hoạt động cốt truyện là sự thiết lập giữa nhân vật – kẻ hành động và trường ngữ nghĩa bao quanh nó những quan hệ của sự khác biệt và tự do tương hỗ: nếu nhân vật phù hợp với môi trường xung quanh nó về bản chất, hoặc không có khả năng tách rời khỏi nó, thì không diễn ra sự phát triển cốt truyện” (3). Những nhân vật bất hành động tuân theo cấu trúc của loại cơ sở, tức loại phi cốt truyện. Chúng ở trong hệ phân loại và bản thân cũng xác lập hệ phân loại đó. Đối với chúng, khả năng vượt qua ranh giới đã bị loại trừ. Trong khi đó, nhân vật hành động, với việc khắc phục ranh giới này, luôn đi vào trường ngữ nghĩa đối cực so với điểm khởi đầu. Để hoạt động ngừng lại, anh ta cần phải hòa nhập với nó, biến từ nhân vật hành động sang nhân vật không hành động (4).

Trong nhiều sử thi cổ đại và cổ sơ, nhân vật hành động là thần linh, còn con người chỉ đóng vai trò như công cụ của hành động. Cuộc chiến trong sử thi Iliade, như dịch giả Hoàng Hữu Đản nhận xét, là cuộc chiến hai tầng, trong đó thần linh nắm vai trò quyết định. Trong sử thi Ramayana, thần linh cung cấp cho người anh hùng cả tướng lĩnh, quân lính, người hướng đạo và những sinh vật hậu thuẫn (như Giambumana, Nila, Hanuman…). Ở sử thi một số dân tộc Tây Nguyên (cả bản địa và gốc Nam Đảo) như M’nông, Raglai…, thần linh cũng giữ vai trò điều khiển hành động của con người. Chiến tranh trong các tác phẩm này chủ yếu diễn ra giữa hai tập thể thần, người anh hùng chỉ đóng vai trò thứ yếu. Không phải không có cơ sở khi có những ý kiến cho rằng, thần linh trên sân khấu sử thi vẫn là những diễn viên chính, như họ đã là/ ở thần thoại.

Tuy nhiên, trong sử thi Ba na, tình hình không như vậy. Ở đây, con người là nhân vật hành động đích thực. Dù gối đầu với thần thoại, h’mon không thể hiện con người như một đối tượng đóng vai trò thụ động trước các thế lực siêu nhiên. Đúng là có thời điểm nhân vật phải nhờ sự trợ giúp của các thần để kết thúc cuộc chiến, như ở sử thi Chàng Kơ Tam Gring Mah hay Giông đánh quỷ Bung Lung, nhưng những trường hợp như vậy không nhiều. Hơn nữa, sự trợ giúp này có mức độ, và chỉ khi được con người yêu cầu, do đó các thần hoàn toàn bị động. Nhìn chung, thần linh không can thiệp trực tiếp vào cuộc đấu, càng không bao giờ tham chiến. Về cơ bản, trong h’mon, con người phải tự giải quyết những vấn đề của mình. Trong khi ở sử thi một số dân tộc khác, thần linh và vấn đề của thần linh là trung tâm, hoặc chí ít cũng được đặt ngang với vấn đề của con người, thì trong sử thi Ba na, con người và vấn đề của con người mới là điều chính yếu.

Tại sao nhân vật trong sử thi Ba na ít phụ thuộc vào thế lực siêu nhiên? Hay nói cách khác, tại sao nhân vật hành động trong h’mon chủ yếu là con người?

Lý do của điều này, theo chúng tôi, có lẽ bắt nguồn từ đặc điểm của hệ thống thần linh Ba na.

Trong quan niệm cổ của người Ba na, thế giới được phân thành 3 tầng: trời, đất và dưới mặt đất. Tầng trời là nơi cư trú của các thần khởi nguyên và thượng đẳng thần. Các thần khởi nguyên gồm Yă Bok Kei Dei – thủy tổ thứ nhất, Yă Bok Rok – thủy tổ thứ hai và Yă Bok Sơ Gơr – thủy tổ thứ ba. Các thượng đẳng thần gồm thần mặt trời, thần mặt trăng, thần sấm sét, lúa, nước, núi, rừng, thần đất… Các thần được xem là ngự trên đỉnh núi Kăh Kinh, thuộc huyện Kông Chro, Gia Lai ngày nay. Tầng đất là tầng của con người và các hạ đẳng thần: thần cây, đá, lửa, thần chiến tranh, thần nhà rông, thần nồi, ché, cối, thần khiên… Các thần ngụ quanh buôn làng, rừng cây, sông suối… hoặc lơ lửng trên không. Tầng dưới mặt đất là nơi cư trú của vong hồn, được cai quản bởi vợ chồng Bia Brâu – vua của các ma (5).

Thế giới siêu linh của người Ba na tuy bao gồm nhiều thần, nhưng chủ yếu là nhiên thần. Số lượng thần khởi nguyên rất hạn chế, chỉ gồm ba thế hệ kế truyền và cách truyền với vài nhân vật. Các nhiên thần đa số vô hình vô ảnh, không cụ thể (hãn hữu mới có vài vị thần mang hình dạng nhất định, như thần sét – người khổng lồ, thần lúa – bà già xấu xí hoặc con cóc, thần nước – con rắn…). Thần linh, cả thần khởi nguyên và nhiên thần, đều bình đẳng, không lệ thuộc vào nhau. Giữa các thần không có mối quan hệ thứ bậc, do đó chưa xuất hiện một “xã hội thần linh” giống như ở tín ngưỡng một số dân tộc khác. Thần linh của người Hy Lạp cổ đại, chẳng hạn, đã được miêu tả như một vương triều giữ vai trò cai quản tất cả các tầng thế giới. Thần linh của một số dân tộc Tây Nguyên khác cũng được tổ chức thành một cấu trúc tương đối có tính hệ thống, hơn những gì ta vẫn nghĩ. Lấy ví dụ như dân tộc M’nông, hàng trăm thần và bán thần của tộc người này được tổ chức thành một thần điện (panthéon) với 27 bon ở tầng trời và 48 bon tầng đất, trong đó mỗi bon có một số thần nhất định với chức năng cụ thể. Mỗi vị thần trong số lượng đông đảo đó đều mang những đặc điểm và cá tính riêng (6). Thực tế nói trên cũng được phản ánh phần nào vào các sử thi. Trong khi hầu hết các thần của người Hy Lạp đều bước vào cuộc chiến hai tầng của Iliade, các thần của người M’nông đối đầu nhau trong những cuộc chiến của ot ndrong thì trong h’mon Ba na, thần linh xuất hiện chỉ như những hiện tượng rời rạc, đơn lẻ. Yang (trời, thần) dù được nhắc đến tựa câu cửa miệng song đơn thuần vẫn chỉ là những hình ảnh xa xăm của một thế lực vô định. Đặc biệt, các thần khởi nguyên đôi khi xuất hiện trực tiếp trong h’mon là Kei Dei, Kung Keh hay Glaih lại là thế hệ cha ông của nhân vật chính Dăm Giông, được miêu tả như một người ông, người bà hơn là vị thần. Như vậy, có thể thấy, thần linh trong sử thi Ba na hoặc xa xôi đến mức hư ảo, hoặc gần gũi đến mức “người hóa”. Một lực lượng như vậy không thể đóng vai trò là nhân vật hành động trong tác phẩm. Vai trò này phải thuộc về chính những nhân vật là con người.

Trong sử thi Ba na, tuy thần linh không phải là nhân vật hành động, nhưng nhân vật hành động – con người – lại có những khả năng vô hạn của đấng siêu nhiên. Trong khi nhân vật của sử thi Hy Lạp hay một số sử thi Tây Nguyên khác không có quyền hành động như một thực thể độc lập, hoặc nếu nhân vật hành động, kết quả sẽ hoàn toàn không phụ thuộc vào ý định cũng như sự cố gắng của nhân vật, thì nhân vật của sử thi Ba na nhìn chung có thể làm những gì mình muốn, vì có đủ khả năng, mà không phải cầu viện đến thế lực thiêng. Có thể nói, yếu tố thần linh và yếu tố con người cùng tồn tại bên trong nhân vật anh hùng.

Nhân vật có dạng hình thể nhân chủng và không có dạng hình thể nhân chủng

Nhân vật có dạng hình thể nhân chủng, dĩ nhiên, là những con người. Nhưng là nhân vật của sử thi, dù có hình thái nhân chủng, họ vẫn mang trong mình những đặc điểm khác thường. Anh em Giông là những chàng trai mới lớn, có sức vóc, ngày thường vẫn cùng dân làng đi săn, đan gùi, làm rẫy, xúc cá…, song, khi biến cố xảy ra, những nhân vật này ngay lập tức có thể bay lên bầu trời, lặn dưới nước vài mùa trăng, biến hình thành các loại muông thú, chết đi và sống lại nhiều lần… như bất cứ một nhân vật thần kỳ nào. Chính đặc điểm “vừa là người, vừa không phải là người” này đã khiến thính giả h’mon tiếp nhận những nhân vật của sử thi như một đối tượng đặc biệt. Theo đó, mọi sự việc xảy ra với nhân vật đều được coi là có thể. Glaih Phang trong Giông bọc trứng gà mỗi lần giận dỗi cha mẹ là bỏ nhà đi, chân bước đến đâu “tiếng sấm sét vang lên đến đấy”, nhưng khi đến nhà bà Xut Lao, gã lại mò cơm nguội “ăn lia lịa, chẳng khác nào con quạ nhặt cành cây làm tổ”. Hri Kơ Dông, Chrông Dơ Xi, Hơkar Kiăk… trong Giông đánh hạ nguồn cứu dân làng là những kẻ vô dụng, sống ỷ lại người khác, song cuộc chiến trên không giữa chúng và anh em Giông cũng đủ để “núi sập”, “đất lở”, “bóng tối phủ khắp cõi trần”… Việc thừa nhận mặc nhiên sự tồn tại đồng thời những đặc tính đời thường và khác thường ở nhân vật đã dẫn đến điều này. Nói cách khác, theo quan niệm thẩm mỹ thời đại sử thi, nhân vật không cần lý do cho những hành động của mình. “Trong folklore, sự việc diễn ra như thế này chứ không phải như thế khác, đó không phải là vì trong hiện thực sự việc diễn ra như thế mà là bởi vì theo quy luật tư duy nguyên thủy thì sự việc được hình dung như thế” (7).

Như những tác phẩm sử thi cổ sơ nói chung, h’mon Ba na còn có một dạng nhân vật không có hình thể nhân chủng. Cọp thần, rắn thần, cua, kiến, cá thần… trong các h’mon, xét ở khía cạnh nhất định, là hình ảnh ẩn dụ của các hiện tượng tự nhiên đầy hiểm nguy mà tầm hiểu biết và kiểm soát của con người nguyên thủy chưa thể bao quát được. Rắn thần “thân nằm dưới đáy biển, đầu trên bờ, rình nuốt trâu bò vùng cuối sông xứ Lào, xứ Kinh”; cá thần “vây giương lên chót vót tận mây xanh”, “trên lưng cây cỏ mọc như rừng”; cọp khổng lồ “thân to bằng quả đồi”, “mỗi khi cất tiếng gầm lá cây rừng rụng xuống ào ào”…, ít nhiều là sự hình tượng hóa những thử thách mà con người gặp phải trong quá trình chinh phục tự nhiên. Theo Guxep, “những tác phẩm sử thi của xã hội tiền giai cấp phản ánh sự thống nhất toàn bộ lạc, cuộc đấu tranh của tập thể người chống lại những lực lượng của thiên nhiên thù địch với nó hoặc những kẻ thù thuộc một bộ lạc khác được hiện thân ở hình tượng những quái vật có dạng động vật và dạng người…” (8). Một nhận định tương tự cũng được Meletinsky đưa ra: “Những kẻ thù trong sử thi cổ sơ thông thường là bọn quỷ sứ, lũ khổng lồ, lũ quái vật thần thoại mà trong hình ảnh của chúng cũng như trong hình ảnh folklore nguyên thủy đã phản ánh tính hỗn hợp khái niệm về sức mạnh thiên nhiên và về những kẻ thù lịch sử của bộ tộc…” (9). Việc tồn tại những nhân vật không có dạng hình thể nhân chủng cho thấy tính chất cổ sơ của sử thi Ba na, loại sử thi mà trong đó những hồi ức lịch sử của nhân dân còn mang lớp vỏ thần thoại, cổ tích, thay vì được thể hiện dưới một hình thức thích hợp hơn qua việc miêu tả các nhân vật và các sự kiện lịch sử như ở sử thi cổ đại.

Có thể nhận định sơ bộ, yếu tố cốt truyện và nhân vật trong sử thi Ba na vừa mang những nét chung của thể loại sử thi, lại vừa có những nét riêng đáng lưu ý. Sự xuất hiện những h’mon có tính cốt truyện thấp, sự chuyển giao gần như hoàn toàn vai trò nhân vật hành động từ thần linh sang con người, sự phong phú đặc biệt của nhóm nhân vật không có dạng hình thể nhân chủng… là những vấn đề cần quan tâm. Những đặc điểm trên cũng cho thấy các tác phẩm truyền miệng lâu đời của một trong những nhóm cư dân cổ xưa nhất trên vùng đất cao nguyên nước ta còn chứa đựng nhiều vấn đề cần đi sâu khảo cứu, hứa hẹn sẽ đưa lại những phát hiện mới.

_______________

1, 2, 3, 4. Iu. M. Lotman, Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.405-406, 406-407, 410, 411-412.

5. Bùi Minh Đạo (chủ biên), Dân tộc Ba na ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.197-210.

6. Tô Đông Hải, Những phát hiện mới xung quanh sử thi nrong, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, 2002, tr.36-40.

7. V. Propp, Tuyển tập V. Ia. Propp, Nxb Văn hóa Dân tộc – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, t.1, 2003, tr.290.

8. V. Guxep, Mỹ học folklore, Hoàng Ngọc Hiến dịch, Nxb Đà Nẵng, 1999, tr.42.

9. E.M. Meletinsky, Nguồn gốc sử thi anh hùng, Nxb Văn học Phương Đông, Moskva, 1963. Bản dịch của Phan Xuân Tâm (chưa xuất bản), tr.432.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 298, tháng 4-2009

Tác giả : Lê Thị Thùy Ly

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *