Đặc điểm văn hóa xã hội của người sán dìu ở vùng đệm vườn quốc gia tam đảo

Vùng đệm vườn quốc gia Tam Đảo gồm 23 xã, thị trấn thuộc 4 huyện của 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Trong đó có 6 xã, 1 thị trấn thuộc huyện Tam Đảo, 1 xã thuộc huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), 10 xã thuộc huyện Đại Từ (Thái Nguyên) và 5 xã thuộc huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Người dân sinh sống ở đây từ lâu đời, ngoài dân tộc Kinh còn có 7 dân tộc thiểu số khác: Sán Dìu, Dao, Sán Chỉ, Cao Lan, Tày, Nùng và Hoa, trong đó dân tộc Sán Dìu chiếm tỷ lệ đông nhất. Dân số của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc là 8.412 hộ với 39.539 khẩu (2011), phân bố rải rác ở các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên, tập trung đông nhất ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (chiếm 87,5%), 11/13 thôn có 100% dân cư là người Sán Dìu. Vì vậy, những đặc điểm văn hóa xã hội của cộng đồng người Sán Dìu sẽ được nghiên cứu chủ yếu tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

1. Đặc điểm văn hóa

Tín ngưỡng – tôn giáo

Người Sán Dìu có hệ thống tín ngưỡng đa dạng và phong phú: ngoài thờ cúng tổ tiên, họ còn tôn thờ Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo với quan niệm Lão giáo và Nho giáo để răn dạy người còn sống, còn cõi Phật là nơi siêu thoát. Họ cho rằng vũ trụ không phải do thượng đế sinh ra, vạn vật xung quanh con người đều có linh hồn, hồn và xác luôn gắn bó với nhau. Họ quan niệm rằng thế giới gồm có 3 tầng thiên, trần và âm. Trong đó tầng trên trời là thế giới của các vị thần, của tổ tiên cai quản hai cõi dưới; cõi trần là nơi thử thách, nơi con người sinh sống và tồn tại; cõi âm là nơi linh hồn được hưởng những điều tốt lành hoặc bị trừng phạt tùy theo duyên nghiệp đã tạo ra ở cõi trần. Từ niềm tin ấy các nghi lễ và tập tục thờ cúng đã hình thành như một ngọn đuốc soi sáng, dẫn đường chỉ lối cho con người (1).

Thế giới tâm linh của người Sán Dìu là sự bình đẳng giữa thần, thánh, phật, ma quỷ. Họ phân chia thế giới ma thành 2 loại: ma lành và ma dữ. Ma lành thường bảo vệ con người, gia súc, gia cầm, mùa màng, giúp con người chống lại các ma khác. Tuy nhiên ma lành đôi khi cũng trừng phạt con người nếu như họ thờ phụng thiếu chu đáo. Ma lành thường được thờ trong nhà hay đền, đình, miếu; còn ma khác chỉ cúng mà không có nơi thờ (2).

Ma dữ là loại ma tìm mọi cách để làm hại con người, thường là ma rừng, ma cây, ma sấm sét hay ma người chết bất đắc kỳ tử. Người Sán Dìu rất tin ở ma thuật, có ma thuật làm hại và ma thuật chữa bệnh. Họ tin tưởng rằng những người Sán Dìu cùng dòng họ sẽ không dùng ma thuật để làm hại nhau, vì làm như vậy là trái đạo lý, ma thuật sẽ không linh nghiệm. Do đó ma thuật thường được dùng để báo thù những người khác họ và khác dân tộc.

Người làm nghề thày cúng thường hay thờ Tam Thanh, Phật bà Quan Âm tại nhà. Bàn thờ phật bà Quan Âm được đặt ở một nơi riêng biệt, trang nghiêm, bên trên có một bát hương và cao hơn bàn thờ tổ tiên. Những người có bàn thờ Phật bà Quan Âm phải kiêng ăn thịt trâu, thịt chó và hạn chế sát sinh.

Bát hương Táo quân được đặt chung với bàn thờ tổ tiên, nhưng bát hương được đặt thấp hơn bát hương tổ tiên 1 cấp; ngày cúng Táo quân là ngày 23 tháng chạp hàng năm với các đồ cúng tế như bánh dậm, bánh giò, thịt gà, thịt lợn, đặc biệt người Sán Dìu không cúng cá chép như người Kinh.

Thổ công thường chỉ được thờ bằng một ống hương bằng tre để ở dưới gầm bàn thờ tổ tiên chứ không có bàn thờ hay bát hương. Thổ công được thờ phụng với ý nghĩa là vị thần trông nom, chăm sóc người cũng như vật nuôi trong nhà.

Đồng bào dân tộc Sán Dìu sống dựa vào nông nghiệp là chủ yếu, do đó việc thờ cúng Thần Nông không thể thiếu. Thần Nông là một vị thần quan trọng trong việc điều tiết khí hậu, cai quản mùa màng… do vậy thường được cúng tế vào các dịp như tết mừng cơm mới, lễ cầu đảo cho mưa thuận gió hòa, lễ thượng điền và hạ điền.

Bàn thờ sư tổ thường chỉ có những người làm nghề thày cúng lập nên để thờ ông tổ của nghề cúng bái. Bàn thờ sư tổ được làm đơn giản, đặt ngang hàng với tổ tiên và Táo quân. Trước khi cúng, thày cúng phải xin phép sư tổ và khi về cũng phải thắp hương báo đáp.

Tại mỗi thôn bản của người Sán Dìu đều lập đình thờ thành hoàng làng để thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, không có thiên tai, dịch bệnh. Vị thần thành hoàng được người Sán Dìu tôn thờ là thần thổ địa, theo từng thôn bản mà vị thần này được gọi là thần núi hay gắn với chức vị như đại vương. Họ cho rằng thần thổ địa là vị thần bảo vệ an toàn cho con người và gia súc trong làng, cai quản các loại thú rừng không cho phá hoại mùa màng. Mỗi làng người Sán Dìu đều chọn nơi có thế đất linh thiêng, cao rộng để xây dựng nơi ở cho thần thổ địa vì họ quan niệm vị thần này thường hay ở nơi thoáng mát, cây to, thế đất rồng cuộn, hổ ngồi. Nơi thờ tự thần thành hoàng thường nhỏ, để thông phía trước với những đồ thờ tự đơn giản như bát hương, rượu. Hàng năm vào ngày mùng một tết, mỗi nhà trong làng đều cử một người đại đến xin lộc cầu an tại nơi thờ thành hoàng. Người xin được âm dương sẽ là người đã được thần thổ địa chọn và được dân làng trọng vọng. Hàng tháng vào ngày mùng một và rằm, người này phải tới nơi thờ thổ thần để chăm lo công việc hương khói. Kết thúc buổi lễ, dân làng sẽ hạ lễ thụ lộc trong không khí vui vẻ, đầm ấm (3).

Bàn thờ mụ thường được đặt ngay tại đầu giường của sản phụ mới sinh với mục đích bảo hộ trẻ con những lúc sài, đẹn, đau yếu. Tục thờ mụ rất phổ biến trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu, vì họ quan niệm rằng bà mụ nặn ra người nên cũng có nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ nhỏ. Bàn thờ mụ thường rất đơn giản, được làm bằng một phên tre cỡ 40 x 40cm, bên trên đặt một bát hương. Bàn thờ mụ thường được làm khi đứa trẻ mới sinh và cúng cho đến khi đứa trẻ lên ba tuổi mới thôi.

Mỗi gia đình người Sán Dìu đều có một bàn thờ được đặt ở sát tường, ngay tại gian giữa của ngôi nhà chính. Bàn thờ thường được đặt ở nơi tôn nghiêm nhất, trên bàn thờ có một bát hương tổ tiên, đối với những gia đình không có con trai thì gia đình mới cho phép đặt bát hương bên ngoại trên bàn thờ tổ tiên để thờ cúng. Thờ cúng tổ tiên là một nghi lễ được cúng vào các dịp lễ tết, tuần tiết. Lễ cúng có cả lễ chay, lễ mặn, nước cúng không phải nước sôi mà phải là nước chè.

Hôn nhân và gia đình

Kiểu gia đình của người Sán Dìu là gia đình phụ quyền, chủ yếu là chế độ gia đình nhỏ 2 hoặc 3 thế hệ, khi con cái đến tuổi lập gia đình thì được cho ra ở riêng, xây dựng gia đình mới. Do đó, quan hệ cộng đồng, làng xóm đều là anh em họ hàng với nhau hoặc là những gia đình có quan hệ về hôn nhân. Đối với những người ở xa tới thì họ nhận nhau bằng cách xem họ và căn cứ vào tên đệm là có thể nhận ra họ hàng.

Do ảnh hưởng sâu sắc của chế độ phụ quyền, thông thường người chồng sẽ là người đứng đầu trong một gia đình, có trách nhiệm điều hành mọi công việc lớn, nhỏ, đối nội hay đối ngoại, từ việc làm ăn, ma chay, cưới hỏi… cho đến các việc đối nhân xử thế với làng xóm, dòng tộc, bạn bè từ phương xa tới… Người vợ sẽ là người hỗ trợ đắc lực trong các công việc sinh con, nội trợ, chăn nuôi…

Trong gia đình người Sán Dìu rất ít khi xảy ra chuyện bố mẹ đánh chửi con cái. Đứa trẻ khi sinh ra được bố mẹ chăm nom chu đáo, hết cữ người ta đặt tên tục cho đứa bé. Khi con trai lên 13 tuổi sẽ được cha dạy làm những công việc nặng nhọc của đàn ông như phát nương, săn bắn hoặc cách làm ăn, lo toan điều hành công việc. Đối với con gái, khi được 11 tuổi, mẹ sẽ dạy làm những việc nội trợ, bếp núc hay lớn lên một chút sẽ đi làm đồng, chăn nuôi…

Đối với người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, khi con trai lấy vợ thì bố mẹ cho ra ở riêng ngay, nếu gia đình có nhiều con trai thì khi con trai thứ lấy vợ, người cha cho cặp vợ chồng anh cả ra ở riêng trước để làm gương cho các em sau. Bố mẹ cũng cho phép con gái đến tuổi trưởng thành thì có quyền gây dựng vốn riêng để chuẩn bị lấy chồng và ra ở riêng.

 Người Sán Dìu từ 15 tuổi trở lên được cộng đồng công nhận là trưởng thành. Đến tuổi này, các chàng trai bắt đầu rủ nhau sang thôn làng khác hát đối (hát soọng cô). Sau một thời gian tìm hiểu, chàng trai về báo với gia đình để làm lễ dạm hỏi. Trong nhiều trường hợp, người vợ của mình lại không phải là người mà chính mình đã gặp gỡ, hẹn hò trong buổi hát, mà lại là người do bố mẹ lựa chọn, vừa môn đăng hộ đối vừa hợp lá số do thày mo cho biết.

Gia đình Sán Dìu rất coi trọng con trai, vì thế nếu không có con trai hoặc không có con thì người chồng được lấy vợ lẽ. Nhiều người phụ nữ không sinh được con trai hay không có con coi việc lấy vợ lẽ cho chồng là hợp lý. Có trường hợp chính người vợ đi kiếm vợ lẽ cho chồng, những người như vậy được dư luận xã hội coi là khôn ngoan. Người Sán Dìu quan niệm không có con trai thì không có người thừa tự, khi bố mẹ chết đi sẽ trở thành con ma đói, khát, sống vất vưởng không nơi nương tựa.

Trong quan hệ hôn nhân, người cùng họ không được lấy nhau, nhất là trong cùng một hệ thống tên đệm (mỗi họ có một hệ thống tên đệm riêng). Nếu cùng một dòng họ mà khác chi muốn lấy nhau cũng phải qua 4 – 5 đời. Người Sán Dìu không có tục lệ hôn nhân nối dây.

Hiện nay, chế độ hôn nhân của người Sán Dìu đã có nhiều nét thông thoáng hơn, trai gái có thể tự do tìm hiểu và đi đến quyết định cuối cùng. Việc hôn nhân cũng không bó hẹp trong nội bộ cộng đồng người Sán Dìu mà có thể lấy người thuộc dân tộc khác.

Phong tục và nghi lễ

Người Sán Dìu cho rằng, đám cưới mà không được gia đình chấp nhận thì không bao giờ có hạnh phúc. Các thành viên có mối quan hệ thân thuộc tính theo huyết thống cha (họ nội) không được lấy nhau. Những người xa gần, cùng chi hay khác chi đã gọi là cùng họ cũng không được lấy nhau. Nếu để xảy ra hôn nhân giữa các thành viên cùng dòng họ thì sẽ bị trị tội nặng và phải làm lễ tạ tội với tổ tiên.

Trong xã hội Sán Dìu, con gái chịu sự can thiệp và ép duyên của cha mẹ với quan niệm mai nhúy hay là bán con. Tính chất mua bán được thể hiện rõ trong hôn nhân bởi đồ thách cưới của nhà gái thường rất cao và nhà trai chấp nhận được thì coi như là mua người con gái.

Theo luật tục của người Sán Dìu, nếu người vợ ngoại tình sẽ bị đuổi ra khỏi nhà chồng và phải bồi thường tài sản cho nhà chồng, nếu người chồng ngoại tình sẽ phải nộp phạt lợn, gà, bồi thường danh dự cho nhà gái. Nếu cô gái bị chửa hoang sẽ bị dân làng chê cười và bị phạt vạ tẩy uế ở đình làng. Nếu trai, gái chưa thành hôn thì sẽ phải kết hôn với nhau.

Người phụ nữ mang thai phải kiêng một số đồ ăn thức uống để tránh bị băng huyết hoặc hậu sản. Buồng của bà chửa không được di chuyển đồ đạc, nếu muốn đặt bất kể vật gì vào buồng thì họ phải nín hơi quét trong buồng, ngoài nhà.

Người Sán Dìu cho sản phụ đẻ ngồi vì họ quan niệm nếu đẻ nằm thì máu chạy lên đầu khó chữa gây tử vong và khó đẻ. Nhau thai nhi chủ trong gia đình cho vào một chiếc nồi đất có nắp đậy đem thả xuống sông, hồ sẽ mát mẻ và tốt cho đứa trẻ. Trong thời gian 3 buổi sáng sau khi sinh, gia đình không cho người lạ đến thăm, vì sợ vía độc sẽ làm tổn hại đến đứa trẻ. Khi trẻ được 30 ngày tuổi, gia đình tổ chức lễ ăn đầy tháng cho trẻ, trong lễ này bố mẹ trẻ cũng làm lễ, giả lễ cửa mụ.

Người Sán Dìu quan niệm, nam tuổi 18 như hoa có nụ, gái 18 như hoa đã nở. Các cô gái đã bắt đầu biết làm duyên, tập đi soọng cô, hát ống đêm trăng. Các chàng trai bắt đầu tập cày bừa, nhổ mạ hay theo các anh chị lớp trước đi hát soọng cô, đi hộ đám… Ngoài những dấu hiệu về thể chất, tâm sinh lý biểu hiện sự trưởng thành ở một con người, còn có một số nghi lễ biểu hiện tâm linh đánh dấu sự trưởng thành như: trả lễ thánh (thót quẹn), cấp sắc, đại phàn (lễ cầu mùa).

Dân tộc Sán Dìu cho rằng, sau khi chết phần hồn ở trên trời, phần ở bãi tha ma, phần về với con cháu ở bát hương. Tất cả các siêu linh đều được gọi là ma. Người chết phải được làm chay lập đàn phá ngục giải oan, rửa hết các vết nhơ ở trần gian để được lên trời, vì vậy trong tang ma không thể thiếu được khâu làm chay cho người chết. Một số nghi lễ trong tang ma như: tắm rửa cho người chết, cho tiền vào mồm người chết, cúng áo quan, đưa tang, 100 ngày và đoạn tang…

Trang phục – ẩm thực

Dịp tết, lễ hội, nam thường mặc áo dài màu đen, quần trong màu trắng, áo năm thân và có hò cài khuy bên phải, ống tay hẹp, áo chỉ dài quá gối một chút; nữ gồm có khăn đội đầu, áo ngắn, áo dài, dây lưng, yếm, xà cạp. Áo ngắn và áo dài cùng kiểu chỉ khác nhau về độ dài, áo thường mặc thành từng cặp, miếng áo bên ngoài, áo ngoài bao giờ cũng là màu chàm, áo trong có thể là màu trắng. Áo dài được cắt theo kiểu áo bốn thân, cổ cao, nẹp trơn, không đính khuy, bên trong là vải màu trắng khi mặc để lộ ngực ra ngoài. Ngang lưng có thắt dây lưng màu tím, đỏ hoặc hoa văn trang trí nhiều màu.

Phụ nữ Sán Dìu thường mang một kiểu váy rất độc đáo, đó là kiểu váy không khâu, gồm hai hoặc bốn mảnh vải cùng đính trên một cạp, mảnh này chờm lên mảnh kia từ 15 – 20 cm. Nếu là váy hai mảnh thì mảnh có từ 3 – 4 bức can lại với nhau. Và, không thể không nhắc đến túi đựng trầu, một món đồ trang sức đặc biệt. Túi được thêu bằng chỉ nhiều màu, với nhiều họa tiết trang trí đẹp. Miệng túi được luồn từ 4 – 8 sợi dây, đầu dây tết núm và có tua dài đeo một chuỗi xu đồng để vắt qua vai ra sau lưng, giữ túi không bị tụt khi gỡ túi lấy trầu. Bên cạnh túi phải kể đến con dao cau với vỏ gỗ được chạm khắc tinh tế được người phụ nữ luôn đeo bên thắt lưng như một món đồ trang sức.

Trong ngày thường và những lúc lao động, người Sán Dìu mặc áo ngắn, kiểu áo 5 thân, màu nâu và thân cụt, ở trong thân có 1 túi đựng thuốc lào, giấy tờ hoặc tiền bạc… Quần thường là màu nâu hoặc màu trắng, cắt theo kiểu chân què, cạp lá hoa, thắt lưng màu chàm, xanh.

Trong khi lao động, không ai mang giày, dép, phổ biến là đi guốc mộc đẽo bằng gỗ hoặc tre nhưng có hai vết lõm nơi ngón chân thứ hai đặt vào để có thể bám chặt vào guốc.

Cách mặc áo của người Sán Dìu cũng có sự phân biệt giữa trẻ và già. Người trẻ thường mặc áo vạt phải vắt sang bên trái còn người già thì ngược lại. Đối với phụ nữ có con mọn thì thường hay mặc áo ngắn, cắt theo kiểu áo 5 thân, nhưng không có khuy, chỉ đính vải để buộc.

Tập quán ăn uống thường ngày của người Sán Dìu thường có hai bữa chính, bữa trưa và bữa tối. Ngoài ra, có thể còn có thêm 2 bữa phụ. Thành phần thực phẩm thường rất đơn giản, chủ yếu là cơm tẻ, rau xanh, cà muối, tương, cá và họ rất ít khi ăn thịt. Thêm vào đó, trong các gia đình thường có tục lệ uống trà và nước giải khát. Các loại trà thường được trồng tại vùng núi Tam Đảo còn nước giải khát thường là nước vối, nhân trần, bồ bồ, lá cây thanh thạnh.

2. Đặc điểm xã hội

Tổ chức xã hội

Ở các dân tộc khác, người tộc trưởng đóng vai trọng quan trọng trong dòng họ, nhưng đối với người Sán Dìu, tộc trưởng không vai trò gì quan trọng. Đôi khi người trong họ cũng mời tộc trưởng đến chủ trì các nghi lễ về ma chay, cưới hỏi. Trong gia đình, người cha hoặc người chồng có quyền định đoạt mọi việc. Nếu như có việc gì hệ trọng, các thành viên khác trong nhà cũng chỉ có quyền bàn bạc, không được quyết định. Riêng con trai trưởng được tôn trọng gần ngang với bố. Tài sản thừa kế cha mẹ để lại chỉ giành cho các người con trai. Giữa bố chồng và con dâu, anh chồng và em dâu có sự cấm kỵ rất nghiêm ngặt. Con dâu không được ngồi ăn cùng mâm với bố chồng và anh chồng, thậm chí không được dùng chung một chậu rửa mặt, không được uống chung một ấm nước, muốn bố chồng hoặc anh chồng bế hộ con mình cũng không được đưa trực tiếp mà phải đặt đứa bé xuống đâu đó rồi sau đó bố chồng hoặc anh chồng mới bế. Bố chồng và anh chồng cũng không bao giờ được vào phòng con dâu, kể cả khi con dâu không có mặt trong phòng.

Con gái trong gia đình người Sán Dìu không được coi trọng, họ không có quyền thừa hưởng tài sản của cha mẹ, trừ trường hợp những gia đình không có con trai. Con gái đi lấy chồng thì chồng phải ở rể mới được hưởng tài sản của cha mẹ để lại và con rể có nghĩa vụ của con trai phụng dưỡng bố mẹ. Đối với các cháu khi chưa thành niên mà bố mẹ đã mất sớm thì quyền nuôi nấng, dạy bảo cũng do các bác, chú họ nhà nội chăm sóc chứ không giao cho cậu họ nhà ngoại chăm sóc.

Kết cấu làng xóm, nhà cửa

Người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc thường sống thành từng làng xóm nhỏ ven chân đồi hoặc núi thấp, trước nhà là những cánh đồng hoặc ruộng lúa. Phía trên của nhà là khu rừng trồng hoặc rừng tự nhiên.

Nhà ở của người Sán Dìu ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo trước năm 1950 thường là nhà trệt một gian hai trái kiểu hàm ếch. Nhà làm bằng tre gỗ, nền bằng đất, vách đất hoặc nứa, mái lợp cỏ tranh. Sau năm 1950, người dân làm nhà ba gian hai trái vẫn kiểu hàm ếch, tuy nhiên diện tích lớn hơn và đặc biệt hệ thống cột được làm theo kiểu con chồng kẻ nghé có nghĩa là sử dụng các cột kê bắt khóa, không sử dụng hệ thống vì, kèo. Nhà vẫn sử dụng nền đất, vách được bưng gỗ và mái vẫn được lợp cọ tranh. Ngày nay, do điều kiện kinh tế phát triển, người Sán Dìu xây nhà theo kiểu nhà của người Kinh. Hình dạng nhà vẫn xây theo kiểu hàm ếch, ba gian hai trái nhưng được xây bằng gạch và đổ bê tông, nền nhà được lát đá hoa. Nhà nào có điều kiện thì xây nhà 2 – 3 tầng (hiện tại ở Đạo Trù cao nhất là 3 tầng), nhà nghèo thì làm nhà cấp 4 lợp mái ngói.

Giáo dục – y tế

Xã Đạo Trù có 3 bậc học với 7 trường (2 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS) với chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Tính đến năm 2015, toàn xã có 346 người có trình độ đại học, 154 người có trình độ cao đẳng. Hàng năm tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp các trường đạt 97% trở lên, có 255 học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh (cấp huyện 176 học sinh, cấp tỉnh 74 học sinh), 294 học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, 84 giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh. Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường đều đáp ứng cho việc dạy và học cho trên 3.000 học sinh của 3 cấp học đến lớp. Hội khuyến học hoạt động tích cực và có ý nghĩa thiết thực như vận động quỹ khuyến học khuyến tài với tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Trong địa bàn xã còn có Trung tâm học tập cộng đồng đã mở được 92 lớp tập huấn có trên 19.123 người tham gia với các nội dung: phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân đưa vào sản xuất nhằm giảm chi phí trong đầu tư, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt.

Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm đều đặn, thường xuyên. Toàn xã Đạo Trù có 10 trạm y tế, trong đó có 1 trạm y tế có bác sĩ, 2 trạm y tế có nhân viên hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Các chương trình y tế quốc gia, chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình uốn ván sơ sinh và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống sốt rét… được triển khai hàng năm và đều đạt các chỉ tiêu kế hoạch. Đồng thời thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo kịp thời khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

____________

1. 3. Lâm Quang Hùng, Người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, Hội Sử học Vĩnh Phúc xb, 2011.

2. Diệp Trung Bình, Phong tục và nghi lễ chu kỳ đời người của người Sán Dìu ở Việt Nam, Đề tài cấp Bộ, 2004

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : NGUYỄN XUÂN HÒA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *