Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là một chuyên ngành của khoa học lịch sử. Đây là chuyên ngành mang nội dung khoa học chính trị, có quan hệ mật thiết với các khoa học về lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở nước ta, đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Chất lượng đào tạo giảng viên lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng mà còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Quá trình đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam gắn với nhu cầu học tập lý luận chính trị, Lịch sử Đảng và đường lối chính sách của Đảng từng giai đoạn. Đào tạo giảng viên lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với đào tạo lớp cán bộ tuyên truyền, giảng dạy, giữ gìn và phát triển hệ giá trị của xã hội. Những cơ sở giáo dục đầu tiên được giao sứ mệnh đào tạo giảng viên lịch sử Đảng phải kể đến: trường Tuyên huấn Trung ương nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền bắt đầu đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1962; năm 1974 – 1975, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tổng hợp TP.HCM nay là Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng bắt đầu đào tạo chuyên ngành này. Đây là những cơ sở đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, cung cấp số lượng đáng kể nguồn giảng viên giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nay là môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các trường đại học, cao đẳng.
Quá trình đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho các trường đại học, cao đẳng đã có những đóng góp lớn về số lượng, chất lượng đội ngũ. Góp phần phổ biến, khẳng định và phát huy văn hóa dân tộc, văn hóa Đảng ở nước ta. Đồng thời, góp phần đấu tranh tích cực trong lĩnh vực tư tưởng với chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là nhu cầu của thực tiễn nhằm cung ứng nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực Lịch sử Đảng, vừa là yêu cầu tất yếu của thực tiễn để bảo đảm “dân ta phải biết sử ta”. Bên cạnh đó, trong hoạt động đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.
Thứ nhất, quy mô đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng tại một số cơ sở đào tạo chưa phù hợp, tương xứng với nhu cầu của xã hội. Hiện nay, quy mô đào tạo của cả nước cho các lĩnh vực nói chung, chuyên ngành Lịch sử Đảng nói riêng đã vượt qua mức cho phép, tỷ lệ cung lớn hơn cầu. Nguồn tuyển dụng dành cho chuyên ngành Lịch sử Đảng hạn hẹp, nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Nhiều sinh viên của chuyên ngành sau khi tốt nghiệp phải làm các công việc khác. Trên thực tế, rất thiếu nguồn nhân lực giảng dạy Lịch sử Đảng được đào tạo bài bản, bảo đảm chất lượng, có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa.
Thứ hai, chương trình đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng ở một số cơ sở còn nặng hoặc quá thiên về lý thuyết, chưa thực sự chú trọng đến việc hình thành, rèn luyện kỹ năng giảng dạy, các kỹ năng mềm. Tại các cơ sở đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng, chương trình đào tạo thường được kết cấu từ 100 – 180 đơn vị học trình hoặc 120 – 130 tín chỉ, khoảng 40 – 50 môn học, trong đó các môn lý thuyết là chủ yếu. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy chủ yếu là thuyết trình, thi kiểm tra chủ yếu nhằm tái hiện kiến thức, nên sinh viên rất ngại học, phụ thuộc vào tài liệu trong thi cử. Nội dung nhiều môn thiếu cập nhật với sự phát triển của lý luận, kiến thức giáo điều, quan điểm xơ cứng, xa rời với thực tiễn, thiếu sức thuyết phục đối với người học.
Quyết định số 52/2008/BGD-ĐT của Bộ GD&ĐT ban hành chương trình các môn lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngànhMác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, điều chỉnh chương trình giảng dạy các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng cả nước đã tác động lớn đến quá trình đào tạo giảng viên lý luận chính trị nói chung, giảng viên lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Quyết định trên dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, vừa không chuẩn hóa giảng viên. Thừa những giảng viên dạy Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng và thiếu những giảng viên dạy môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đặc biệt, thiếu những giảng viên giảng môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam vì chưa có cơ sở nào đào tạo giảng viên này. Các cơ sở đào tạo giảng viên lý luận chính trị vẫn tiếp tục chương trình đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị học Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Xã hội lại khó khăn trong việc tiếp nhận những giảng viên này, bởi không đúng với yêu cầu môn học. Hoạt động đào tào giảng viên lý luận chính trị đang phải chắp vá chương trình sao cho đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đạo tạo giảng viên lý luận chính trị nói chung, giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng.
Thứ ba, quản lý đào tạo tại một số cơ sở còn hạn chế, chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Quản lý đào tạo được thực hiện ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo từ khâu tuyển sinh đến tốt nghiệp. Công tác quản lý thi và kiểm tra tại cơ sở đào tạo còn lỏng lẻo, chưa gắn với kết quả học tập, năng lực thực của sinh viên. Thực trạng này dẫn đến hậu quả sinh viên học chỉ để đối phó, khi đi làm thì thiếu kiến thức nền để có thể đảm nhận công việc.
Thứ tư, chất lượng đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học có nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam so với yêu cầu tương đối đầy đủ về số lượng, nhưng chất lượng còn bất cập. Việc ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực ở các môn học khác ngày càng hiệu quả thì giảng dạy chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam còn nhiều hạn chế. Một bộ phận giảng viên giảng dạy theo lối truyền thụ một chiều, chưa quan tâm tới đổi mới, phương pháp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện hiện đại để xây dựng giáo án và giảng dạy, tương tác với sinh viên. Một bộ phận giảng viên sử dụng phương tiện giảng dạy hiện đại với mục đích không cần phải nắm vững giáo án nhưng vẫn giảng dạy được, thậm chí còn giảng được nhiều bài bằng phương pháp trình chiếu, người học thì nhìn chép rất phản tác dụng.
Nghiên cứu khoa học là hoạt động góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, phương pháp giảng dạy cho giảng viên. Song, hiện nay còn mất cân đối giữa nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Số giảng viên tham gia các công trình nghiên cứu các cấp hoặc có bài đăng tạp chí chuyên ngành chưa nhiều. Hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ nâng cao chất lượng học thuật, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, thường xuyên cập nhật kiến thức, gắn với thực tiễn đời sống chưa trở thành hoạt động tự giác, thường xuyên của giảng viên. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng giảng dạy tại các chuyên ngành đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam chưa cao. Để nâng cao chất lượng đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới, thiết nghĩ cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, gắn với đặc thù môn học và nhu cầu của thực tiễn.
Trước hết, cần xác định đúng mục tiêu đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng cho các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Cần nhận thức rõ tương lai của đất nước, Đảng, hay dự báo nhu cầu phát triển của đất nước, Đảng là kết quả của hoạt động đào tạo, nghiên cứu một cách nghiêm túc, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần học hỏi, ứng dụng chủ động, sáng tạo các thành tựu, ưu điểm của giáo dục đại học trên thế giới vào thực tiễn của nền giáo dục đại học nước ta. Tương lai của đất nước, Đảng hay dự báo nhu cầu phát triển của đất nước, Đảng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng hoạt động đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng. Do đó, đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng phải gắn với mục tiêu bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước, kiên định lập trường chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đào tạo cần gắn chặt với nhu cầu của thực tế, yêu cầu xây dựng con người, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới công tác quản lý đào tạo, có cơ chế tuyển sinh, đào tạo nguồn giảng viên Lịch sử Đảng cho các trường đại học, cao đẳng. Thực tế cho thấy, chất lượng tuyển sinh các ngành lý luận chính trị nói chung, ngành Lịch sử Đảng nói riêng còn thấp. Trong các kỳ thi ba chung do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm, điểm chuẩn vào các ngành này thuộc loại thấp, có ngành điểm chuẩn ngang với điểm sàn. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống chính sách chọn lọc, khuyến khích học sinh giỏi đăng ký thi vào các chuyên ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị nói chung, giảng viên Lịch sử Đảng nói riêng. Có thể xây dựng các đề án đào tạo chất lượng cao trong nước đối với các chuyên ngành lý luận chính trị nói chung, đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng nói riêng dưới dạng học bổng cho các sinh viên xuất sắc, theo nhu cầu của ngành, của các cơ sở đào tạo. Cần đổi mới mạnh mẽ công tác thi, kiểm tra đánh giá. Các trường phải có lộ trình thực hiện đánh giá của cơ quan kiểm định quốc gia độc lập về chất lượng đào tạo. Cơ quan quản lý đào tạo của các trường cần quan tâm kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bổ sung, đổi mới công tác đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng.
Đổi mới chương trình nội dung đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam bảo đảm tính khoa học, hiện đại và thực tiễn. Các cơ sở đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cần nghiên cứu triển khai công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn, cập nhật chủ trương qua các kỳ Đại hội Đảng, tổ chức biên soạn đưa những nội dung mới, những quan điểm mới vào chương trình nội dung đào tạo. Mặt khác, phải tăng cường công tác nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đổi mới phương pháp giảng dạy để thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ nhận thức lý luận, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên.
Xây dựng chương trình, phát triển nội dung đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam hướng tới bảo đảm tính khoa học, hiện đại và thực tiễn; phát triển năng lực lý luận gắn với kỹ năng sư phạm. Do đó, phải quán triệt tinh thần cốt lõi của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư Trung ương về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 9-10-2014 về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2020 là chuyển từ nền giáo dục chủ yếu là truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu là rèn luyện phẩm chất và năng lực. Theo đó, chương trình đào tạo cần điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng khoa học, hiện đại, bảo đảm tính cân đối giữa tri thức khoa học lý luận và tri thức thực tiễn, giữa kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm và năng lực nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học trong đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng. Trước hết phải quán triệt thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết số29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tinh thần của Nghị quyết là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.
Để chất lượng đào tạo giảng viên Lịch sử Đảng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, bên cạnh việc chú trọng xác định đúng mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, cơ chế, chính sách… cũng rất cần chú trọng vai trò của người học. Cần có những biện pháp phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập của người học, tăng cường sự tương tác giữa người dạy – người học trong quá trình dạy – học. Từ đó, góp phần nâng cao hơn hiệu quả quá trình đào tạo.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018
Tác giả : NGUYỄN THỊ HIỀN
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn