Dấu ấn rồng trong tâm thức người việt qua tục ngữ, thánh ngữ, ca dao

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt, từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên của người Việt. Các vị vua Việt Nam phải xăm lên đùi mình hình ảnh rồng để giữ truyền thống của cư dân ven biển. Đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xăm rồng trên đùi nhà vua. Rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (bệ rồng, mình rồng). Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh (long, lân, quy, phụng). Đặc biệt, hình tượng con rồng Việt Nam tương phản với hình tượng con rồng độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước phương Tây.

1. Hình tượng rồng qua các triều đại phong kiến Việt Nam

Hình tượng rồng từ thời Hùng Vương đã được hình dung là con vật thân dài, có vẩy như cá sấu, được chạm trên các đồ đồng. Qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, con rồng Việt Nam xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Hình ảnh rồng bay lên (Thăng Long) tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được lấy làm tên cho mảnh đất đế đô. Rồng thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên xuất hiện trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời Lý là con vật mình dài như rắn, thân trơn nếu là con nhỏ, còn con lớn thì thân có vẩy, lưng có vây. Hình tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Rồng xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi, đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng. Có vẩy như những nửa hình hoa tròn, nhiều cánh đều đặn, có vẩy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.

Rồng thời Lê (TK XV) thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài, uốn lượn đều đặn mà ở nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm tứ linh tượng trưng cho uy quyền của vương triều rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là: lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), quy (tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và phụng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).

Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi.

Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vậy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.

Hiện nay hình tượng con rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật… Trong mọi thời điểm nào, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt.

2. Rồng trong tâm thức người Việt qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao

Theo cách tính dân gian của người xưa, trong một giáp (địa chi) có 12 năm. Khởi đầu bằng năm con chuột (tí) và kết thúc bằng năm con lợn (hợi). Qua thống kê ở một tài liệu khoa học gần đây về 12 con vật này cho thấy đây là những con vật có tần số xuất hiện cao và khá cao trên tư liệu thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Trong số này, chỉ có tên gọi các con vật như: khỉ, dê, có vị thế thấp hơn, những con vật còn lại đều có tần suất xuất hiện cao.

Trong số 12 con vật được dùng vào hệ địa chi, rồng ở vị trí thứ 5. Rồng là con vật tuy chưa ai nhìn thấy diện mạo thật của nó nhưng trong lịch sử và nghệ thuật, trong văn học và đời sống của người Việt, nó là con vật xuất hiện nhiều hơn cả, xuất hiện một cách vừa thực vừa hư, vừa gần, vừa xa, vừa giản dị lại vừa linh thiêng. Có thể nói rồng là một con vật huyền thoại. Hình tượng rồng là một biểu tượng văn hóa, phương Tây thường đối lập với sức mạnh chính nghĩa và cuối cùng bị sức mạnh chính nghĩa đánh bại.

Con rồng ở phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng là một hình ảnh đẹp, là biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và sức sống vĩnh hằng… Hình tượng con rồng rất quen thuộc trong tâm thức người Việt. Người Việt có tục thờ cúng Lạc Long Quân, có tục xăm mình bằng hình rồng. Mỗi khi nói đến “con rồng cháu tiên”, người Việt đều cảm thấy hãnh diện, tự hào.

Trong suốt chiều dài năm tháng dựng nước, giữ nước, hình tượng rồng đã gắn chặt với đất nước Việt Nam, con người Việt Nam từ tên sông, tên núi, tên đất, tên người. Nào là vịnh Hạ Long – cảnh quan thiên nhiên được xếp hạng di sản văn hóa thế giới mới; thủ đô nước Việt từ năm 1010 đến nay vẫn được gọi là đất Thăng Long (rồng bay). Con sông lớn nhất phía Nam đang chuyển tải phù sa, cấp nước cho vựa lúa Nam Bộ được gọi là sông chín rồng (Cửu Long Giang); có hàng trăm địa danh gắn với tên rồng trên khắp đất nước. Trong dân gian, rồng tượng trưng cho thần linh và điềm lành, rồng đi mây về gió, có thể đem lại sự tốt tươi cho cây cối, muôn vật:

Rồng đen lấy nước thì nắng

Rồng trắng lấy nước thì mưa?

Người Việt ngày trước thường cầu khẩn Long Vương ban cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu. Hình tượng con rồng muôn vàn dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết, thơ ca, trên các sản phẩm mỹ nghệ, điêu khắc. Rồng còn được thể hiện trong nhiều phong tục tập quán, lễ hội dân gian… Nhiều người chọn đặt tên con trai là: Long (rồng) với mong muốn con mình sẽ có sự uy vũ, cương nghị của đấng nam nhi. Thời phong kiến, rồng trở thành biểu tượng của quyền lực thiên tử. Chỉ có vua mới được mặc áo thêu rồng. Hình tượng rồng mang vẻ cao quý, tôn nghiêm, tượng trưng cho uy quyền: long nhan, long trượng, long thể… Rồng đứng đầu trong tứ linh: long, ly, quy, phượng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhà nước phong kiến, rồng vẫn gần gũi với cuộc sống nhân dân. Nhiều khi rồng được dân gian lấy làm vũ khí đấu tranh chống áp bức cường quyền, phê phán những thói hư tật xấu nịnh bợ trong xã hội:

Vóc rồng thì để hầu vua

Vải thô, lụa xấu thì chừa cho dân

Truyền thuyết Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đã đi vào ý niệm, tiềm thức đã làm cho người dân Việt tự hào mình là “con rồng cháu tiên”. Rồng đi vào trong tâm thức của người Việt từ trò chơi trẻ con: rồng rắn lên mây. Rồng được chạm khắc trên các đình làng, cổng xóm; trong tranh tết Đông Hồ, Hàng Trống mỗi dịp tết đến xuân về.

Trong ngôn ngữ dân gian, rồng còn xuất hiện với tần số lớn trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, có đến trăm câu về rồng. Trong hôn nhân vì nhiều lẽ, người con gái tài sắc bị gả ép lấy phải người chồng không ra gì, rồng trong câu ca dao sau được so sánh như một sự nghịch lý trớ trêu:

Rồng vàng tắm nước ao tù

Người khôn ở với người ngu bực mình

Tư duy về rồng trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt cũng khá phức tạp, không phải lúc nào cũng nhất quán trong các ý biểu đạt về hình tượng đó. Để chỉ người giàu sang đến thăm người nghèo hèn có thành ngữ: “rồng đến nhà tôm”, còn khi con người thỏa mãn về mong ước cao sang nào đó lại nói: “như rồng gặp mây”. Phê phán những thói ba hoa, dân gian cũng viện đến rồng:

Trong lưng chẳng có một đồng

Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe

Các từ trong tiếng Việt, kiểu kết hợp “rồng – phượng” cũng như trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao thường được hiểu theo nghĩa tích cực. Ví như người có kiểu chữ viết phóng khoáng, không gò bó thì ứng với thành ngữ: “rồng bay phượng múa”. Các kết hợp “rồng – mây”, “rồng – phượng”, “rồng – vây” trong tiếng Việt đều được hiểu theo nghĩa tích cực, đẹp đẽ, được vận dụng vào trong những bối cảnh thuận lợi, phát triển. Còn các kết hợp “rồng – giun”, “rồng – liu điu” lại theo chiều hướng tiêu cực, tương phản. Ví như nói đến tình cảnh chung đụng vợ chồng mà một người chẳng ra gì làm mình bực bội lại có ý liên tưởng: “rồng ở với giun”. Các kết hợp “rồng – phượng” có khi vẫn được dân gian dùng với ý nghĩa phê phán: “chạm rồng trổ phượng” (ngoài nghĩa đen còn có nghĩa phê phán sự tô điểm rườm rà thái quá…).

Nói cho cùng hình ảnh rồng được người Việt sử dụng khá đa dạng nhằm biểu đạt các quan điểm, nhận thức, tư tưởng phong phú về đời sống:

Ăn như rồng cuốn

Làm như cà cuống lội sông

Hoặc nhằm để phê phán lối sống thiếu trách nhiệm, đánh lừa người và đánh lừa cả chính mình:

Học chẳng biết chữ cu chữ cò

Nói những chữ như rồng như rắn

Tâm thức về rồng – hình ảnh con vật vừa thực vừa hư, vừa cao quý thiêng liêng vừa gần gũi là cách tiếp cận uyển chuyển, phóng khoáng đầy tự tin của người Việt. Rồng đã trở thành biểu tượng văn hóa, một biểu tượng thiêng liêng gắn với tâm thức về cội nguồn dân tộc Việt. Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, rồng lại càng thể hiện độc đáo nhiều ý nghĩa, mang biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và sức sống vĩnh hằng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11- 2017

Tác giả : PHẠM THỊ THANH NGA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *