Hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi Đảng ta phải thực sự trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng không những phải có trình độ trí tuệ cao mà còn phải thực sự mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống. Trong khi đó: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu… còn tiếp tục diễn biến phức tạp” (1). Đảng và Nhà nước ta đã tìm mọi biện pháp ngăn chặn, song những biểu hiện trên không những không giảm đi mà ngày càng có xu hướng gia tăng. Đó thực sự là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực thù địch lợi dụng tấn công vào nội bộ, làm phân hóa, gây chia rẽ đoàn kết trong Đảng, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn coi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của những người cách mạng, trái với đạo đức cách mạng. Người cho rằng, kẻ địch gồm 3 loại: chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc xâm lược; thói quen, truyền thống lạc hậu; chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tư sản ẩn nấp trong mỗi người chúng ta. Trong 3 kẻ địch đó thì chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm nhất, là giặc nội xâm, bạn đồng hành của 2 loại kẻ thù kia. Nó tồn tại dai dẳng trong mỗi người cán bộ, đảng viên, luôn chờ cơ hội để ngóc đầu dậy. Chủ nghĩa cá nhân là bất cứ việc gì cũng chăm lo, vun vén cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm tới lợi ích của tập thể, đặt lợi ích của cá nhân và gia đình mình lên trên lợi ích chung của giai cấp, dân tộc. Chủ nghĩa cá nhân là lợi mình, hại người, là công thần, kiêu ngạo, vô tổ chức, vô kỷ luật, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, tham lam, vụ lợi, háo danh. Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân trái với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng, một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng” (2).
Trong thực tiễn cuộc sống, chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng biểu hiện đa dạng, phong phú, dưới mọi hình thức. Những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng luôn có động cơ vụ lợi, tham vọng lớn, cả trong ý nghĩ lẫn hành động. Đôi khi, để đạt được mục đích cá nhân, họ sẵn sàng tìm mọi cách luồn lách, len lỏi, triệt để lợi dụng sự sơ hở của cơ chế, chính sách, sự yếu kém của công tác quản lý để đục khoét của công, biến của công thành của riêng. Những lúc cách mạng gặp khó khăn, hoặc chuyển giai đoạn là lúc những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng lộ rõ nguyên hình. Chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng tồn tại dưới nhiều cấp độ. Ở cấp độ thấp, nó có mặt mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực. Ở cấp độ cao, nó có sức mạnh ghê gớm, có thể làm lũng đoạn tổ chức, xóa nhòa ranh giới giữa cái tốt với cái xấu. Nó là thứ giặc nội xâm, một loại vi khuẩn độc hại, một thứ ung nhọt ẩn náu trong cơ thể Đảng.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, phức tạp vì nó không phân định ranh giới, chiến tuyến rõ ràng. Nó như con lươn đổi màu luôn luồn lách, len lỏi vào các ngõ ngách của cuộc sống, chi phối các mối quan hệ, luôn thay hình đổi dạng. Vì vậy, việc nhận biết không đơn giản, đấu tranh lại càng khó khăn. Những hành vi của nó đôi khi chưa cấu thành tội phạm để có thể tố cáo, xét xử theo pháp luật. Việc tìm kiếm bằng chứng, số liệu để chứng minh kẻ cơ hội gặp rất nhiều khó khăn. Điều hết sức nguy hiểm là chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng nếu tồn tại trong cán bộ, đảng viên sẽ làm tha hóa, biến chất về đạo đức lối sống, làm suy yếu Đảng, giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Đảng, tổn thương mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, quyền lực càng lớn mà mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng thì càng nguy hiểm cho cơ quan, đơn vị và xã hội.
Nhận thức được vấn đề đó, trong những năm qua, cùng với việc giáo dục đạo đức cách mạng, Đảng ta rất coi trọng đấu tranh chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng. Vì vậy, đa số cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững tư cách, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, được quần chúng tín nhiệm. Song bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phai nhạt lý tưởng cách mạng, tham nhũng, lãng phí, mang nặng chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng.
Chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng phát triển do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật kém, sống buông thả, xa hoa, lãng phí. Ngoài ra, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa thật đồng bộ, chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở. Một số tổ chức đảng chưa coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên, quản lý thiếu chặt chẽ, không thường xuyên tự phê bình và phê bình, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Công tác kiểm tra bị buông lỏng, không kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước, xử lý thiếu công bằng, hữu khuynh. Nhiều đảng viên có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, ngại va chạm, nể nang, né tránh, thiếu chính kiến trong việc xử lý các công việc và quan hệ nội bộ. Nếu không kiên quyết đấu tranh để loại bỏ nó tất yếu sẽ làm tổn hại đến sự nghiệp cách mạng, làm cho Đảng ta không giữ vững được sự lãnh đạo đối với toàn xã hội.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng, chặn đà suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết. Trong điều kiện hiện nay, để đấu tranh có hiệu quả với những căn bệnh này, trước hết cần tập trung vào một số biện pháp chủ yếu:
Nâng cao giác ngộ chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên
Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng chỉ thực sự có hiệu quả khi mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ mục tiêu lý tưởng, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng; nhiệm vụ, tiêu chuẩn, tư cách, đạo đức cách mạng của người cộng sản; hiểu rõ nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, tác hại của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Theo đó, phải thường xuyên giáo dục nâng cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng. Tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục tình thương yêu con người và truyền thống văn hóa dân tộc, tạo bầu không khí tâm lý lành mạnh, đoàn kết thân ái trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần coi trọng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải hiểu đúng, làm đúng di huấn của Hồ Chí Minh: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của tổ quốc, Đảng ta không có lợi ích nào khác… vô luận lúc nào, việc gì, đảng viên, cán bộ cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết” (3).
Thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình
Đây là phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị các căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng sinh ra. Mục đích của tự phê bình và phê bình là giúp cho mọi người học tập ưu điểm của nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm. Nhận rõ điều đó, Đảng ta đã nhiều lần mở cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng. Tuy nhiên, chất lượng tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng vẫn chưa được nâng cao, những biểu hiện e dè, nể nang, ngại phê bình cấp trên, che giấu khuyết điểm hoặc trù dập người phê bình vẫn còn. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải đề cao trách nhiệm, đấu tranh loại trừ tham nhũng, lãng phí, quan liêu; nêu cao vai trò tiên phong, nói đi đôi với làm, nói và làm đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực sự là tấm gương về mọi mặt cho quần chúng noi theo. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các tổ chức quần chúng phải tự phê bình và phê bình với tinh thần đồng chí trong sáng, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau; nghiêm túc, khoan dung, thấu tình đạt lý; tự giác, tự nguyện, trung thực, kiên quyết; khách quan, dũng cảm, xuất phát từ cái tâm trong sáng. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, kèn cựa, bản vị hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa làm tổn hại đến tình cảm đồng chí, làm suy yếu sức mạnh đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách
Để chống chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng, các tổ chức đảng cần giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên. Cần quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò và duy trì thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cho Đảng trở thành một khối thống nhất, có kỷ luật chặt chẽ, sức chiến đấu cao. Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của các tổ chức đảng và của từng đảng viên, khắc phục tình trạng độc đoán, chuyên quyền. Giữ vững, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng, mở rộng dân chủ, thảo luận thẳng thắn trước khi quyết nghị, đề cao ý thức trách nhiệm của đảng viên trong xây dựng và thực hiện nghị quyết. Phát huy dân chủ phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, dân chủ vô chính phủ. Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện quy chế lãnh đạo của các cấp ủy chi bộ, cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, có quy chế lãnh đạo công tác cán bộ, tài chính, kinh tế. Định kỳ tổ chức rút kinh nghiệm việc thực hiện các quy chế, quy định, kịp thời bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các quy chế, quy định của các cấp ủy, tổ chức đảng.
Làm tốt công tác kiểm tra Đảng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm
Thực tiễn cho thấy, ở những tổ chức đảng xảy ra vụ việc tiêu cực chủ yếu là do thiếu công tác kiểm tra hoặc kiểm tra không sâu sát, tỉ mỉ nên không phát hiện được. Những cán bộ, đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng vẫn ngang nhiên thách thức tổ chức, thách thức dư luận. Vì vậy, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần hết sức coi trọng công tác kiểm tra, kết hợp chặt chẽ công tác đó với thanh tra nhà nước cùng sự giám sát của quần chúng. Theo đó, công tác kiểm tra phải bám sát vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tình hình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Nội dung kiểm tra phải toàn diện song phải có trọng tâm, trọng điểm. Qua kiểm tra, phát hiện và ngăn ngừa, xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, thoái hóa biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nói và làm trái với đường lối, quan điểm của Đảng, những đảng viên tham ô, tham nhũng, gây chia rẽ bè phái, mất đoàn kết nội bộ, không còn đủ tư cách. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải lãnh đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, tôn trọng ý kiến của cơ quan và cán bộ kiểm tra, kiên quyết xử lý đảng viên, tổ chức đảng vi phạm khi đã có kết luận rõ của ủy ban kiểm tra. Kết hợp chặt chẽ ý kiến phát hiện của quần chúng với công tác kiểm tra Đảng, thanh tra nhà nước để xem xét, kết luận làm rõ mức độ sai phạm của cán bộ, đảng viên được nêu trong các đơn thư tố cáo, khiếu nại của quần chúng.
Cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, rèn luyện, thấm nhuần đạo đức cách mạng
Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà củng cố và phát triển. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (4). Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tích cực học tập, rèn luyện, thấm nhuần đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải có quyết tâm sửa lỗi, không hiếu danh, không kiêu ngạo, ít lòng ham muốn vật chất. Phải vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, biết hy sinh lợi ích cá nhân, phục tùng lợi ích tập thể, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường kiểm tra, giúp đỡ đảng viên tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước. Kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên nói và làm trái với nguyên tắc, điều lệ Đảng, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm. Đồng thời, cần có những biện pháp động viên, khen thưởng cán bộ, đảng viên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, có tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh.
_______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173.
2, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.283, 293.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.250-251.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : NGUYỄN TRỌNG TIẾN
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn