Phát triển văn hóa ứng xử của điều dưỡng viên

Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, theo đó văn hóa ứng xử là một trong những cách thức biểu hiện mối quan hệ đó. Thuật ngữ văn hóa ứng xử nhấn mạnh giá trị nhân cách, khả năng giao tiếp xã hội của con người. Tuy nhiên, văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân khác nhau, được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành dưới sự tác động của môi trường văn hóa gia đình, xã hội.

Theo nghĩa hẹp, văn hóa ứng xử được hiểu là hệ thống các khuôn mẫu ứng xử, biểu hiện qua tri thức, thái độ, trách nhiệm, hành vi ứng xử của con người trong các mối quan hệ với cộng đồng, công việc và với bản thân theo những giá trị, chuẩn mực văn hóa, phù hợp với yêu cầu và lợi ích xã hội nhất định. Theo cách hiểu này, văn hóa ứng xử bộc lộ ở cả ba chiều cạnh cơ bản: với xã hội, công việc và bản thân. Hồ Chí Minh cho rằng, “bất kỳ ở tầng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm ba mặt: 1) Mình đối với mình, 2) Mình đối với người, 3) Mình đối với công việc” (1). Về thực chất, đó chính là cách thức hành động để con người chung sống và làm việc dưới chiều cạnh văn hóa, nhằm làm cho cá nhân và cộng đồng xã hội giàu tính nhân văn hơn.

Điều dưỡng viên ở các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội là một lực lượng quan trọng, có vai trò cốt cán trong hệ thống y tế, trực tiếp thực hành việc chăm sóc, tư vấn, động viên bệnh nhân. Văn hóa ứng xử của điều dưỡng viên tác động trực tiếp đến hiệu quả quá trình khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện, thể hiện giá trị nhân cách người cán bộ y tế, như lời Hồ Chí Minh dạy lương y phải như từ mẫu và nét đẹp văn hóa trong thực hành khẩu hiệu quy tắc bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo. Sự hài hòa trong ứng xử, tận tình trong công việc của điều dưỡng viên đem lại cho người bệnh niềm an ủi, tin tưởng khi điều trị bệnh. Điều dưỡng viên biểu hiện văn hóa ứng xử qua cách nhận thức, thái độ, trách nhiệm và cách giao tiếp đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân trong toàn bộ quá trình khám, điều trị ở bệnh viện.

Những năm qua, phát triển văn hóa ứng xử của cán bộ y tế nói chung và của điều dưỡng viên ở các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội nói riêng đã được các cơ quan chuyên môn và cả xã hội quan tâm. Đội ngũ điều dưỡng viên đã phát huy tính tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, từng bước tích lũy văn hóa ứng xử cơ bản theo đúng nội dung quyết định số 29/2008/QĐ- BYT về việc Ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế của Bộ Y tế. Phần lớn điều dưỡng viên đã thực hiện nội quy bệnh viện, thực hành chăm sóc bệnh nhân chu đáo, tận tình, để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh nhân cách trong lòng người bệnh và gia đình bệnh nhân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tác động của nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là những tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận cán bộ y tế, điều dưỡng viên đã có biểu hiện lệch chuẩn về giá trị đạo đức, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong quan hệ với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân… Thực trạng về văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ y tế, điều dưỡng viên đã gây dư luận bức xúc, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên trong các bệnh viện.

Trong điều kiện hiện nay, các cơ sở y tế đang từng bước chuyển đổi từ mô hình chăm sóc truyền thống một chiều sang chăm sóc y tế toàn diện. Nếu như trước đây người cán bộ y tế chỉ quan tâm chủ yếu đến việc khám, điều trị, thì nay cần phải quan tâm đến cả kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Người bệnh có quyền được đưa ra những yêu cầu, tăng tính chủ động trong quá trình điều trị, chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện. Dưới sự hướng dẫn, tư vấn, động viên của đội ngũ cán bộ y tế, người bệnh tự quản lý, quyết định những vấn đề liên quan đến sức khỏe bản thân. Như vậy, cách thức thay đổi mô hình chăm sóc sức khỏe đã và đang đặt ra những vấn đề mới về nhận thức, thái độ, trách nhiệm, hành vi văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ y tế nói chung, của điều dưỡng viên nói riêng. Người điều dưỡng viên phải thông hiểu bệnh nhân lúc khỏe cũng như lúc bệnh, thực hành tốt văn hóa ứng xử, biết áp dụng kỹ thuật hiện đại để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.

Phát triển văn hóa ứng xử của điều dưỡng viên ở các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội là quá trình vận động theo hướng đi lên của các yếu tố cấu thành văn hóa ứng xử, từ chưa phù hợp đến phù hợp với các chuẩn mực, giá trị văn hóa trong nghề. Thiết nghĩ để phát triển văn hóa ứng xử của điều dưỡng viên hiện nay cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh việc tự chuyển hóa về chất trong nhận thức, thái độ, trách nhiệm của điều dưỡng viên. Văn hóa ứng xử của điều dưỡng viên chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, cả về khách quan và chủ quan. Văn hóa ứng xử của họ hình thành, phát triển qua quá trình bồi dưỡng, tự rèn luyện thường xuyên, liên tục. Quá trình tự bồi dưỡng, chuyển hóa theo các giá trị văn hóa nghề y, giúp người cán bộ y tế từng bước hoàn thiện nhân cách, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh trong xu thế hội nhập và phát triển các loại hình chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều dưỡng viên cần tự giác học tập nâng cao nhận thức văn hóa ứng xử, tự điều chỉnh thái độ, trách nhiệm, hành vi trong các mối quan hệ, đặc biệt là đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và với chính công việc của mình trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế, quy định, chuẩn mực y đức.

Hai là, thường xuyên tạo động lực thúc đẩy phát triển hành vi văn hóa ứng xử. Hành vi ứng xử văn hóa của điều dưỡng viên biểu hiện cụ thể bằng thái độ, lời nói, cử chỉ, hành động, việc làm trong mối quan hệ với người bệnh, người nhà bệnh nhân, bạn bè, công việc và với bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở bệnh viện. Động lực thúc đẩy hành vi văn hóa ứng xử của điều dưỡng viên xuất phát từ ý nghĩa cao cả của nghề y. Nhận thức được ý nghĩa cao đẹp đó, giúp điều dưỡng viên giải quyết hài hòa các lợi ích cá nhân, xã hội trong quá trình chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bởi, hoạt động của điều dưỡng viên mang ý nghĩa hơn cả khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, việc chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân góp phần thực hiện tốt các vấn đề chính sách an sinh xã hội, đảm bảo chỉ số phát triển con người, tính nhân văn, cao đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa… Từ đó, đòi hỏi trong hành vi văn hóa ứng xử của điều dưỡng viên luôn phải thống nhất với hành vi đạo đức, tính nhân văn, nhân đạo. Mặt khác, hành vi văn hóa ứng xử của điều dưỡng viên còn phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt theo các giá trị của chân, thiện, mỹ, phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại ở các bệnh viện hiện nay.

Ba là, đẩy mạnh sự tương tác giữa chủ thể đến điều dưỡng viên nhằm làm thay đổi về chất trong văn hóa ứng xử. Chủ thể được xác định là các cấp, ngành, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong các mối quan hệ với điều dưỡng viên ở bệnh viện. Mọi mối quan hệ đều có sự tương tác qua lại, với tư cách là chủ thể, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần nâng cao nhận thức chung về y tế, biết hợp tác, chia sẻ với công việc của nhân viên y tế. Chúng ta bàn nhiều về đạo đức, nhân cách của đội ngũ cán bộ y tế, nhưng ít ai quan tâm đến văn hóa ứng xử, phép lịch sự, cách đối nhân, xử thế của người bệnh, người nhà bệnh nhân đối với cán bộ y tế trong bệnh viện Sự tương tác ngược lại của người bệnh, người nhà bệnh nhân trong bệnh viện có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển văn hóa ứng xử nói chung, thái độ, hành vi văn hóa ứng xử của điều dưỡng viên nói riêng. Cuộc sống xã hội văn minh luôn đòi hỏi mỗi người phải có cách đối nhân, xử thế đúng đắn. Người bệnh, người nhà bệnh nhân cần thể hiện phép lịch sự, nếp sống văn minh, biết tôn trọng nhân cách người khác, đặc biệt là cán bộ y tế. Tuy nhiên, cách ứng xử của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân luôn bị chi phối bởi nhận thức xã hội, tình trạng bệnh tật, sự khó khăn về vật chất, suy sụp về tinh thần khi phải đến bệnh viện điều trị… Bệnh nhân cũng cần có sự thông cảm, chia sẻ với sức ép công việc của bác sĩ, điều dưỡng viên, đặc biệt là sự quá tải ở các bệnh viện trung ương hiện nay.

Bốn là, đẩy mạnh quá trình xây dựng môi trường văn hóa ứng xử lành mạnh trong bệnh viện. Các bệnh viện cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa, tập trung vào đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục đổi mới hoạt động bồi dưỡng văn hóa ứng xử cho điều dưỡng viên theo hướng văn minh, lịch sự, thiết thực. Đẩy mạnh các nội dung giáo dục tuyên truyền, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, coi trọng thực hành y đức, văn hóa ứng xử, khuyến khích đề cao cái tâm của người thày thuốc, lấy việc phục vụ người bệnh là niềm vui, hạnh phúc. Mặt khác, các bệnh viện cũng cần quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ y tế. Khi vấn đề tiền bạc vẫn còn đè nặng, thu nhập của điều dưỡng viên chưa đảm bảo, môi trường làm việc độc hại… thì vấn đề xây dựng y đức hay phát triển văn hóa ứng xử khó có sự chuyển hóa về chất. Các bệnh viện trung ương cần từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng hiện đại, đạt chuẩn khu vực, quốc tế. Thông tin về tình hình bệnh nhân cần được cập nhật thường xuyên, giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân hiểu hơn về cách điều trị của bác sỹ, từ đó có cách ứng xử văn minh. Lãnh đạo, phòng, khoa ở các bệnh viện cần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện hành vi văn hóa ứng xử thiếu lành mạnh trong nội bộ bệnh viện và giữa bệnh nhân với cán bộ, nhân viên y tế.

_______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.129.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016

Tác giả : MAI THỊ MINH NGHĨA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *