DI SẢN TRƯỜNG LŨY TẠI QUẢNG NGÃI – BÌNH ĐỊNH

 
Trung tâm Viễn đông Bác cổ Pháp vừa tổ chức hội thảo đánh giá lịch sử và thực trạng di sản Trường lũy vào ngày 16-4 tại TP Quảng Ngãi.
Sau hơn 5 năm khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, Trường lũy đã có trên 400 tuổi, là một di sản chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, khảo cổ và lịch sử. Nó bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định) với chiều dài gần 200km. Trường lũy là một công trình kiến trúc lớn độc đáo nhưng đa dạng về cách kết cấu xây dựng, có phần làm bằng đá, có phần làm bằng đất, nhưng có phần vừa làm bằng đá lại vừa làm bằng đất. Điều ấy cho thấy, Trường lũy không chỉ do người Việt mà co9nf có cả người Hrê tham gia xây dựng với kỹ thuật xếp đá điêu luyện.
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy 50 đồn bảo và một con đường thiên lý nối kinh đô với các tỉnh phía Nam chạy dọc Trường lũy. Ngoài ra, các nhà khoa học còn cho rằng việc buôn bán, trao đổi hàng hóa đã diễn ra khá nhộn nhịp ở đây từ TK XVII đến nửa sau TK XVIII. Nhận định ấy là dựa trên cơ sở những đồ gốm mà các nhà khảo cổ tìm thấy khi khai quật 3 di tích đồn bảo thuộc huyện Nghĩa Hành.
Hội thảo kết luận, đây là một công trình kiến trúc lớn, quy mô, đa dạng và dài nhất Đông Nam Á. Vậy nên, trước mắt các cơ quan chức trách tại địa phương phải gấp rút làm hồ sơ trình lên cấp trên để nhanh chóng công nhận Trường lũy là di sản văn hóa, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân có ý thức bảo vệ và sống cùng với di sản văn hóa này.
 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 311, tháng 5-2010

Tác giả : H.H

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *