Đồng chí Lê Đức Anh với việc tôn vinh các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng


Đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 01/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Chủ tịch Nước Lê Đức Anh cùng các mẹ Việt Nam anh hùng duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên Phủ Chủ tịch tháng 12.1994.     

Ảnh tư liệu 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân; đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định, đồng chí “là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.

Trọn cuộc đời vì đất nước, vì nhân dân, vì cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh xứng đáng là tấm gương cho các cán bộ, đảng viên thế hệ hôm nay noi theo, nhớ về đồng chí là chúng ta nhớ về một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi, thẳng thắn, chân thành, giàu tình yêu thương con người. Đặc biệt, việc tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng như đề xuất của đồng chí, là một việc làm hết sức thiết thực và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Trên cương vị Chủ tịch Nước (1992-1997), khi đi thăm nhiều nơi, đồng chí Lê Đức Anh phát hiện ra có nhiều bà mẹ có các con đi chiến đấu và hy sinh thì bản thân mẹ có đời sống rất khó khăn. Họp Bộ Chính trị, đồng chí nêu tình trạng đáng buồn này và trực tiếp chỉ đạo Bộ Quốc phòng (cụ thể là Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) làm ngay những khảo sát. Trong cuộc họp này, đồng chí cũng đã đề xuất phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Ngày 10/9/1994, với cương vị Chủ tịch Nước, đồng chí Lê Đức Anh ký Lệnh số 36L/CTN, công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Pháp lệnh ra đời: “Để ghi nhớ công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc” và “Để phát huy và giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta”.

Ngày 17/12/1994, đồng chí Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ trong cả nước.

Ngày 19/12/1994, nhân ngày Toàn quốc kháng chiến, Đảng, Nhà nước ta đã long trọng tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt I tại Thủ đô Hà Nội.

“Ngày 29/12/1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã đi bên tôi, trong cương vị người đứng đầu nhà nước, hay nói đúng hơn là lần đầu tiên trong đời tôi được đi bên các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên của Phủ Chủ tịch”, đồng chí Lê Đức Anh đã kể lại trong hồi ký của mình.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh với nhân dân xã Phú Ðình, huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái (tháng 1/1995)

Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là những tấm gương sáng để cho thế hệ con cháu noi theo. Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Quảng Nam lấy nguyên mẫu từ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Mẹ Thứ sinh sống tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Con gái cả của mẹ Thứ là Lê Thị Trị cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vì có chồng và hai con gái là liệt sĩ. Bởi thế, có thể nhận định, mẹ Thứ là đại diện cho 11.659 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Quảng Nam và 138 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước.

Ở “vùng đất thép” Quảng Trị có gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hẹ. Đây là một trong những gia đình cách mạng đặc biệt, đã có nhiều đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cả gia đình mẹ Hẹ có 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 17 liệt sĩ. Trong số 17 liệt sĩ có 11 liệt sĩ là con đẻ, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại của Mẹ Hẹ. Bản thân mẹ Hẹ có 1 con gái và 3 con dâu được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bên ngoại của mẹ Hẹ có 2 em dâu được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 6 liệt sĩ gọi mẹ Hẹ bằng cô ruột.

Có 10 mẹ vừa là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đồng thời là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là: Mẹ Văn Thị Thừa (sinh năm 1915, quê ở Quảng Nam), mẹ Nguyễn Thị Rành (sinh năm 1900, quê ở TP. Hồ Chí Minh), mẹ Phạm Thị Ngư (sinh năm 1912, quê ở Bình Thuận), mẹ Võ Thị Nhã (sinh năm 1921, quê ở Quảng Ngãi), mẹ Đỗ Thị Phúc (sinh năm 1906, quê ở Nam Định), mẹ Bùi Thị Thêm (sinh năm 1924, quê ở Kiên Giang), mẹ Huỳnh Thị Tân (sinh năm 1906, quê ở Sóc Trăng), mẹ Đoàn Thị Nghiệp (sinh năm 1925, quê ở Tiền Giang), mẹ Mai Thị Út (sinh năm 1913, quê ở Tiền Giang) và mẹ Nguyễn Thị Điểm (sinh năm 1941, quê ở TP. Hồ Chí Minh).

Có ba chị em ruột đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là mẹ Bùi Thị Hải (sinh năm 1908), mẹ Bùi Thị Tư (sinh năm 1916), mẹ Bùi Thị Nhỏ (sinh năm 1922) đều ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Hiện tại, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là tấm gương sáng để cho thế hệ con cháu noi theo. Bên cạnh đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực như phụng dưỡng cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và xây dựng nhà tình nghĩa cho các mẹ… Bởi dù năm tháng sẽ đi qua, nhưng sự hy sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sẽ sống mãi. Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ những hy sinh, công lao, đóng góp của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đúng như Giáo sư Vũ Khiêu (Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam) đã viết câu đối ca ngợi hình tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: “Tổ quốc ghi công con liệt sĩ/ Nhân dân nhớ nghĩa mẹ anh hùng”.

138.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước thật xứng đáng với tám chữ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen tặng dành cho người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Tác giả: Nguyễn Văn Toàn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *