Gần một thế kỷ qua, Bảo Lộc được biết đến là“thủ phủ” nghề ươm tơ dệt lụa nổi tiếng của Việt Nam, dù trải qua những thăng trầm của cái nghề “ăn cơm đứng” trong cơ chế thị trường với nhiều biến động. Song, hơn 10 năm trở lại đây, tơ lụa Bảo Lộc đã hồi sinh và tìm chỗ đứng mới trên thị trường trong và ngoài nước…
Lịch sử tơ lụa Bảo Lộc
Về thành phố trẻ Bảo Lộc trong những ngày giáp Tết, bạn sẽ được chứng kiến cảnh làm việc khẩn trương, rộn ràng tiếng cười, nói của các cô gái trên những nương dâu xanh rờn. Vào các nhà máy xe tơ, dệt lụa, không khí càng rộn ràng hơn bởi tiếng máy quay tơ khua vang hòa cùng nhịp điệu làm việc tất bật của công nhân. Những tưởng mùa xuân đã đến sớm ở nơi này.
Bảo Lộc có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, khí hậu quanh năm ôn hòa, rất phù hợp phát triển các loại cây công nghiệp. Bởi vậy, từ những năm 1960 -1965, Chính phủ Nhật Bản đã cử chuyên gia sang Việt Nam khảo sát và trồng thử nghiệm các giống dâu, nuôi thử giống tằm tại Bảo Lộc. Năm 1968, người Nhật cho xây dựng Trung tâm tằm tang Bảo Lộc, do đó, Bảo Lộc – Lâm Đồng là địa phương có nghề trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ phát triển sớm nhất ở Việt Nam.
Trước năm 1975, Bảo Lộc đã có Trung tâm nghiên cứu tằm tang thuộc Công ty Nông nghiệp Lâm Đồng. Từ sau năm 1975, tiếp tục thành lập Trại tằm giống Trung ương – tiền thân là Công ty cổ phần (CP) Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, chuyên sản xuất giống tằm cấp I, cấp II cung cấp cho cả nước. Trại tằm giống Bảo Lộc cũng đã tiến hành thực nghiệm về cơ cấu giống dâu, giống tằm, mùa vụ trồng dâu, nuôi tằm, chăm sóc, thu hoạch để có số liệu khoa học báo cáo Nhà nước đầu tư phát triển dâu tằm ở tỉnh Lâm Đồng.
Hiện nay, Bảo Lộc có hơn 2.000 ha trồng các giống dâu mới có chất lượng như S7-CB; VA-201; TBL-03; TBL-05, các giống dâu này chiếm trên 60% tổng diện tích cây dâu toàn tỉnh. Các giống dâu mới thích ứng tốt với điều kiện sinh thái và điều kiện sản xuất tại Lâm Đồng cho năng suất cao, trung bình khoảng trên 30 tấn/ha. Về giống tằm, qua nghiên cứu, lai tạo… ngày nay đã có nhiều giống tằm mới đang được nuôi tại các hộ dân ở Bảo Lộc như: LTQ, TQ112, TN1278, LĐ – 09.
Ngành ươm tơ, dệt lụa bắt nhịp và phát triển khá mạnh. Trên địa bàn TP Bảo Lộc hiện có 30 doanh nghiệp: Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc, Công ty CP Tơ tằm Á Châu, Công ty TNHH Dệt tơ tằm Vietsilk, Công ty CP tơ lụa Đông Lâm, Công ty TNHH Xe tơ dệt lụa Hà Bảo, Công ty TNHH Tơ tằm Phú Cường… Năm 2020, hình thành thêm các doanh nghiệp ươm tơ dệt lụa mới như: Công ty Minh Thành, Công ty Toàn Silk…Trong đó, có 10 doanh nghiệp ươm tơ, 12 doanh nghiệp dệt, 5 doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa, 3 doanh nghiệp sản xuất trứng giống tằm, 1 doanh nghiệp in, chải, nhuộm, 1 doanh nghiệp kinh doanh trứng giống tằm và gần 30 cơ sở ươm tơ, dệt lụa hộ gia đình.
Các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc gồm tơ xe từ tơ cấp A đến tơ cấp 5A; vải lụa tơ tằm các loại: Satin (dùng may áo kimono), lụa Yozu (may khăn choàng), vải lụa Habutae, lụa CDC, lụa GGT, lụa Jacquarol (may áo dài, quần áo cao cấp, caravat, trang trí nội thất xe hơi, nội thất nhà)… Lụa Bảo Lộc hiện chiếm trên 80% sản lượng lụa toàn quốc và khẳng định trên thị trường quốc tế. Hằng năm, các doanh nghiệp ở Bảo Lộc sản xuất khoảng 1.000 tấn tơ các loại và khoảng 3-4 triệu m2 lụa.
Nhằm quảng bá và khẳng định thương hiệu tơ lụa, năm 2017, UBND TP Bảo Lộc xây dựng nhãn hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: “Sợi tơ tằm, vải lụa tơ tằm Bảo Lộc”.
Ngoài 4 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tơ lụa tại Bảo Lộc và Đà Lạt, Công ty TNHH SilkHouse đã mở cửa hàng bán, ký gửi sản phẩm tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ninh… và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ý, Pháp, Thái Lan, Lào, Campuchia, Bangladesh, Apganistan. Kim ngạch xuất khẩu tơ lụa hằng năm đạt từ 16 – 18 triệu USD. Đặc biệt, tháng 10/2019, lụa tơ tằm Bảo Lộc đã tham gia triển lãm tại Thủ đô Moscow (LB Nga) với sự ra mắt bộ sưu tập thời trang “Bí ẩn chim Phượng” của nhà thiết kế Minh Hạnh, làm “choáng ngợp” bạn bè phương Tây và quốc tế.
Lung linh tơ lụa trong những ngày hội lớn
Tơ lụa Bảo Lộc không chỉ là niềm tự hào của Bảo Lộc, của Lâm Đồng mà còn của Việt Nam. Sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ ngành ươm tơ dệt lụa Bảo Lộc hơn một thập niên qua đã thúc đẩy ngành công nghiệp may mặc đậm nét văn hóa Việt, mang thương hiệu Việt đến với các thị trường khó tính trên thế giới.
Quảng bá và tôn vinh nghề trồng dâu nuôi tằm và tơ lụa Bảo Lộc đã và đang là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và TP Bảo Lộc. Nhìn lại 5 kỳ tổ chức “Tuần văn hóa Trà Bảo Lộc”, ngay tên gọi tơ lụa dường như bị lép vế trước thương hiệu trà B’lao nổi tiếng. Song, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, lần đầu tiên “Tuần văn hóa Trà và Tơ lụa” đã được bố trí trong 16 chương trình chính thức của Festival. Và lần đầu tiên, du khách trong, ngoài nước ngỡ ngàng trước sự xuất hiện sản phẩm tơ lụa mượt mà, nền nã trong đêm hội “Bảo Lộc ngày mới, óng ánh sắc tơ” khiến nhiều nghệ nhân gắn bó cả đời với nghề trồng dâu nuôi tằm trên thành phố trẻ bật khóc vì hạnh phúc trước sự “hồi sinh”, phát triển ngành tơ lụa một thời hoàng kim, một thời gian dài bị quên lãng và đã tìm lại vị thế mới.
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII – 2019, “Tuần văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng” tiếp tục đưa vào chương trình chính thức. “Bảo Lộc – Thành phố hương trà – sắc tơ” với 3 chương trình chính: “Lung linh đêm hội B’Lao”; “Trình diễn thời trang Tơ lụa Bảo Lộc”; “Bay cao – Vươn xa” và 10 chương trình hưởng ứng tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trồng, sản xuất và kinh doanh trà, tơ lụa đã làm cho 2 sản phẩm đặc thù, nổi tiếng của Bảo Lộc thực sự bay cao, vươn xa.
Báo cáo Chính trị và Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Bảo Lộc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nêu: “Tiếp tục xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm Tơ lụa Bảo Lộc, Trà B’lao; khuyến khích phát triển diện tích cây dâu, mở rộng hợp tác nhằm chủ động trứng giống tằm, tạo ổn định sản xuất nguyên liệu kén tằm chất lượng cao cung ứng công nghiệp chế biến. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, khai thác và liên kết sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, gắn phát triển, quảng bá, nâng tầm thương hiệu Trà B’lao, Tơ lụa Bảo Lộc”.
Với tinh thần nỗ lực của Bảo Lộc và sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng, tơ tằm Bảo Lộc chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vươn xa trong thời gian tới.
Tác giả: Thanh Dương Hồng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)