Du lịch văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa

Trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa, bài viết đánh giá những tác động của toàn cầu hóa tới văn hóa và phát triển du lịch văn hóa. Đồng thời, nhận định việc khai thác các giá trị văn hóa trong du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa.

1. Mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa

Có thể thấy, mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và du lịch trong quá trình vận động phát triển là rất rõ. Du lịch khai thác những giá trị văn hóa làm nền tảng cho mục đích của các chuyến đi và dựa vào văn hóa để phát triển. Sự phát triển của du lịch đã làm cho các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại ở một số vùng địa phương được khôi phục, phát triển. Do đó, văn hóa được coi là chìa khóa then chốt để mở đường cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp du lịch. Nói cách khác, sự phát triển của những loại hình du lịch mới có thể dựa vào sự phát triển của các loại hình sinh hoạt văn hóa làm tiêu chí phân loại. Và ngược lại, nhu cầu thưởng thức các tour du lịch mới cũng xuất phát từ nhu cầu thưởng thức những loại hình văn hóa mới. Do vậy, việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa vô hình chung gián tiếp đầu tư cho sự phát triển của du lịch. Điều này được chứng minh qua thực tế phát triển văn hóa và du lịch ở nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Anh, Ai Cập…

Du lịch và văn hóa có sự hội tụ và nhiều điểm tương đồng về mặt không gian và thời gian. Du lịch lấy không gian văn hóa làm không gian thu hút các hoạt động và ngược lại nơi nào có bóng dáng của du lịch, thì văn hóa có điều kiện phát triển. Hơn nữa, du lịch và văn hóa sẽ hợp lại thành một, như cách nói của Groen, “văn hóa và du lịch sẽ đi đến sự hợp nhất và tất cả cho nhau”. Vì mối quan hệ đặc biệt này, văn hóa được xem là đối tượng của du lịch và du lịch văn hóa được hình dung như một trong những cách thức tiêu thụ, thưởng thức văn hóa.

Sự phát triển của du lịch văn hóa mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, văn hóa, xã hội cho cộng đồng địa phương lẫn du khách. Điều này được khẳng định rõ hơn trong thập kỷ hợp tác phát triển văn hóa thế giới (1988 – 1998). Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã thiết lập mối quan hệ với Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Ngân hàng thế giới (WB) và Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), các tổ chức, công ty lữ hành và những chuyên gia hoạt động trong ngành du lịch để xây dựng nhiều chương trình hành động quan tâm sâu rộng đến ảnh hưởng và tác động qua lại giữa văn hóa và du lịch. Vì vậy, du lịch và văn hóa ngày nay đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và giao lưu văn hóa sâu sắc. Cuối cùng, mục đích sâu xa hơn của du lịch là xây dựng một công cụ đối thoại hữu hiệu giữa các nền văn hóa nhân loại.

2. Khai thác các giá trị văn hóa phát triển du lịch trong xu thế toàn cầu hóa

Xét về bản chất, toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động, phụ thuộc lẫn nhau của các khu vực, quốc gia, dân tộc trên thế giới. Vì vậy, xu thế này là động lực để các quốc gia đang phát triển thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, toàn cầu hóa là quá trình có tính hai mặt. Toàn cầu hóa trong điều kiện do các thế lực tư bản chi phối lại tạo nguy cơ làm mai một nền văn hóa dân tộc. Các quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển, phải đối mặt với vấn đề cân bằng giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Để làm được điều đó, từng quốc gia, dân tộc phải nhận thức rõ vai trò của văn hóa truyền thống trong nền kinh tế hiện đại.

Thế giới đang đứng trước những vấn đề mang tính toàn cầu như ô nhiễm môi trường, khai thác và bảo vệ tài nguyên, biến đổi khí hậu, khủng bố và tội phạm có tổ chức… mà mỗi quốc gia không thể tự giải quyết được. Do vậy, hội nhập để hợp tác, cùng nhau giải quyết những vấn đề chung là xu hướng tất yếu của thời đại mang lại cho các quốc gia nhiều lợi ích như trao đổi, giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm quản lý… Do đó, nếu không hội nhập cũng đồng nghĩa với việc quay lưng lại với những lợi ích mà toàn cầu hóa và hội nhập mang lại, đồng nghĩa với nghèo đói và chậm phát triển.

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ với sự bùng nổ về thông tin toàn cầu, do đó không một quốc gia nào có thể đóng cửa với thế giới bên ngoài. Trong khi đó, thông tin với tính nhạy cảm đóng vai trò quyết định đến hiệu quả nhiều mặt của các quốc gia nói chung, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. Hội nhập với khu vực và thế giới còn nhằm mục đích tận dụng triệt để các thành tựu khoa học, kỹ thuật của nhân loại, không phân biệt chế độ chính trị hoặc chủng tộc.

Nền kinh tế thế giới và khu vực cũng như mỗi quốc gia gắn kết chặt chẽ với nhau thông qua các hoạt động đầu tư, vay vốn, viện trợ… đã chứng minh hội nhập là xu thế tất yếu khách quan của nhân loại ngày nay.

Như vậy, toàn cầu hóa mà cốt lõi là toàn cầu hóa kinh tế có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề toàn cầu hóa văn hóa còn là câu hỏi được đặt ra và có nhiều ý kiến khác nhau.

Không có toàn cầu hóa về văn hóa: những người theo trường phái này tập trung nhấn mạnh tính đặc thù riêng biệt của nhiều nền văn hóa gắn liền với cơ sở địa lý, lịch sử, chủng tộc, truyền thống và giá trị tinh thần độc đáo do các nền văn hóa dân tộc tạo ra. Khuynh hướng này cho rằng có toàn cầu hóa về văn minh, về các giá trị vật chất do nhu cầu mở rộng thị trường, mậu dịch tự do, chu chuyển dòng tiền tệ, thành tựu khoa học công nghệ nhưng không thể có toàn cầu hóa về văn hóa bởi văn hóa là kết quả của sự sáng tạo tinh thần, cốt cách và bản lĩnh của từng dân tộc.


 Bến thuyền Tràng An. Ảnh Minh Quốc 

Có quá trình toàn cầu hóa văn hóa: quan điểm này dựa trên cơ sở khẳng định tính thống nhất giữa văn hóa và văn minh. C.Mác và Ph.Ănghen đã khẳng định trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới… Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa…”.

Từ phương diện văn hóa, có thể thấy toàn cầu hóa là quá trình đấu tranh để xác lập những giá trị và chuẩn mực trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là quá trình đấu tranh tự khẳng định những giá trị đặc thù của các nền văn hóa dân tộc. Quá trình toàn cầu hóa vừa phổ biến những giá trị chung trên phạm vi toàn cầu mang tính nhất thể hóa, vừa là quá trình đa dạng hóa, tự khẳng định bản lĩnh và bản sắc của các nền văn hóa. Đây là quá trình đấu tranh của các mặt đối lập, đầy mâu thuẫn, đa dạng và phức tạp.

Sự tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của xu thế toàn cầu đối với các nền văn hóa dân tộc thể hiện thông qua các lĩnh vực: phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống viễn thông toàn cầu, khoa học kỹ thuật, công nghệ, thương mại và xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, dịch vụ giải trí, du lịch, giao lưu văn hóa chính thức và phi chính thức.

Như vậy, quá trình toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh mẽ đến văn hóa của các quốc gia dân tộc. Dù muốn hay không, xu thế này cũng thâm nhập và có thể cấu trúc lại các nền văn hóa dân tộc trong khung cảnh mới của thế giới đương đại. Và trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia dân tộc đứng trước bài toán giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Từ góc độ kinh tế, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy nhiều ngành kinh tế – xã hội khác phát triển. Về mặt xã hội, du lịch là hiện tượng xã hội nảy sinh khi con người xuất hiện nhu cầu di chuyển khỏi nơi cư trú và làm việc thường xuyên để thỏa mãn các nhu cầu khác nhau. Ở góc độ môi trường, du lịch là ngành kinh tế có định hướng tài nguyên rõ rệt. Có thể thấy nếu không có tài nguyên thì không có sức hấp dẫn đối với du khách, do đó không thể có các hoạt động kinh doanh du lịch. Trong số các bộ phận cấu thành của tài nguyên du lịch, di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách. Các giá trị văn hóa truyền thống là thành tố không thể thiếu trong việc tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Cùng với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa là một trong hai loại hình được đặc biệt chú trọng ở Việt Nam trong tương lai. Việc định hướng phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam căn cứ vào tiềm năng du lịch nhân văn, điều kiện nguồn nhân lực và khả năng khai thác. Do đó, khai thác các giá trị văn hóa trong kinh doanh du lịch là nội dung hoạt động quan trọng, đòi hỏi trí tuệ và nhiệt tình trách nhiệm của cộng đồng, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là những chuyên gia văn hóa, chuyên gia du lịch…

Mục tiêu của việc khai thác các giá trị văn hóa vào kinh doanh du lịch là tạo ra các sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc, dấu ấn văn hóa dân tộc, tạo sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Xu thế chung của hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam trong khai thác các giá trị văn hóa là đòi hỏi cơ bản và lâu dài của quá trình phát triển kinh tế đất nước. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa cũng như thiết lập những chuẩn mực văn hóa trong kinh doanh và quản lý du lịch cần được thực hiện trong mối quan hệ gắn bó với sự phát triển chung của toàn ngành dựa trên đường lối phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Hơn thế, trong bối cảnh thế giới với nhiều mối quan hệ đan xen, đa dạng, phức tạp, văn hóa còn là nền tảng của quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa còn phải mang tính mở và tự đổi mới để thích ứng với những thay đổi của đời sống xã hội. Mặt khác, văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển, xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo. Ngày nay, các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại cùng với sự phát triển ồ ạt của quá trình đô thị hóa, di dân tự do đã thúc đẩy con người khám phá, tìm đến những miền đất lạ, để tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống còn được gìn giữ và bảo lưu nguyên vẹn. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia luôn phải đối mặt với một bài toán khó về giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chỉ khi nào mối quan hệ đó được giải quyết một cách đúng đắn và hài hòa, khi đó sự phát triển mới được coi là bền vững.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : VŨ THỊ LƯƠNG – NGUYỄN THỊ THẢO

1/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *