ĐƯA CON VỀ NGOẠI MỘT TIẾNG THƠ BÌNH DÂN ĐẶC SẮC

Nhiều năm rồi, chúng tôi – gồm người viết bài này và một nhóm bạn – bị ám ảnh bởi một câu đọc được trong một tài liệu bằng tiếng Pháp: “Những nhà thơ vô danh mới là những thi sĩ đích thực”. Nghịch lý chính trị xã hội thì vẫn khá nhiều và có vẻ không thể hóa giải. Đấy ví như số phận kỳ lạ của dân Do thái. Lịch sử nhân loại cho thấy họ là những người tài giỏi nhất, đóng góp to lớn cho văn minh, tiến bộ. Những thiên tài Do thái cống hiến cho nhân loại những phát kiến và phát minh kỳ vĩ bậc nhất trong mọi lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. Có thể quả quyết rằng không có các nhà điện ảnh Do thái đến làm việc ở Mỹ, Hollywood không thể sinh thành và chói lọi như hôm nay. Song thật nghịch lý, dân Do thái liên tục bị đọa đày và nhục mạ suốt nhiều thế kỷ. Đến khi thành lập được một nhà nước của riêng mình, Israel, họ lại không thoát nổi sự ngạo mạn khủng khiếp của kẻ bề trên trịch thượng và chơi trội…Trong văn chương, các giá trị thơ ca của văn học Pháp chẳng hạn tưởng đã vĩnh viễn an bài. Thế nhưng, với tác phẩm Thi ca, xin để ngày mai, Jean Paulhan (1884-1988), một bậc thày phê bình Pháp, nêu lên như một bất công hiện tượng thi sỹ Delille (1738-1813), người quy tụ, theo J.Paulhan, những nét thiên tài nhất của nước Pháp thi ca, từ Ronsar, Villon, cho tới Hugo và Beaudelaire. Những tưởng từ phát hiện của Paulhan, Delille được đưa lên đỉnh cao thơ ca của một trong những nền văn học hút hồn nhất trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng, bất công đó vẫn không được sửa chữa! Khác gì ở Việt Nam, bốn năm năm nay, ý tưởng trả lại cho Ngọc Giao vị trí văn chương và xã hội đích thực của ông, “như một chân dung tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại” (Phong Lê, lời giới thiệu Quan báo, 8-2010) xem chừng vẫn là vô vọng. Đơn giản, nhiều tác phẩm của Ngọc Giao, nào các tập truyện ngắn, nào các tập tạp văn, lần lượt được in lại, song dư luận chung, kể cả giới nghiên cứu và phê bình, vẫn ít nhắc tới “một tài năng lớn bị thiệt thòi”. Đôi chuyện bâng khuâng như vậy để bạn đọc thể tất cho một “nhà không nhà” đã mạo muội viết về một nhà thơ Việt Nam vô danh hiện thời, dù trình bày đôi điều về thơ ông, không phải để khẳng định ông là thi bá thi hào gì, mà chỉ là để đề nghị ghi nhận và thụ hưởng một giá trị văn chương thứ thiệt. Thi sĩ bình dân ấy là Trần Xuân Thiệp, một tiến sĩ lâm sinh học. Những người như ông, dù làm gì và ở đâu, vẫn thường xuyên dùng thơ ca để cảm nhận, thụ hưởng cuộc sống bất tận và muôn màu. Ông sinh năm 1940 tại Nông Cống, Thanh Hóa, làm thơ từ nhỏ và tình yêu thơ hầu không vơi cạn bao giờ. Đối với ông, thơ là nhu cầu sống tự thân, nhu cầu hiển nhiên, đối với tinh thần, không khác gì cơm ăn nước uống, đối với đời sống vật chất; thơ là một phương tiện bộc bệch nỗi lòng tinh tế và hiệu quả hơn cả, sự bộc lộ không thể thiếu đối với những người biết sống cân bằng và mỹ mãn. Hàng ngàn hàng vạn trang facebook cá nhân, ít ra ở Việt Nam, đang chứng tỏ điều này. Ở những trang nhật ký ấy, người không làm thơ cũng dẫn thơ người khác để chia sẻ thật đúng thật hết những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Tại trang facebook của mình, không hiếm người làm khoa học tự nhiên, hay dân đen trăm phần trăm, sáng tác thơ, vô tư, thật bụng, tỏ ra nhạy cảm và sành điệu đáng trân trọng…Trần Xuân Thiệp liên tục sáng tác thơ về mọi việc và mọi người mà ông tiếp xúc và gần gặn trong suốt cuộc đời hoạt động của ông. Mãi khi về hưu, ông mới lần hồi tập hợp hàng trăm bài thơ thành một tập mà ông chép tay chân phương, như bất cứ ai biết tự trọng. Ông không hề gửi đăng báo, cũng không đem khoe, hay biếu tặng lu bù. Chỉ với những người mà ông cảm thấy có thể hiểu đúng thơ mình, ông mới chia sẻ đôi bài hay gửi tặng cả tập. Một vài người được tặng đã khuyên ông đem xuất bản. Nhưng ông chỉ ậm ừ. Ông không bảo vợ con phải đọc. Song, một cô con gái, khá thành đạt, có thể xem là một đại gia, không hiểu do cố ý hay vô tình, đã đọc tập thơ đó. Cô đã thuyết phục bố chấp nhận để cô đưa thơ bố tới tay công chúng, qua một tập thơ in sang trọng, do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Lấy tên là Đưa con về ngoại, tập thơ ra mắt cuối năm 2013. Dĩ nhiên, như đa phần các tập thơ hiện tại, Đưa con về ngoại chỉ dành tặng người thân và bạn hữu. Tiếp xúc sơ bộ với tập thơ, chúng tôi dù muốn dù không đã không khỏi ngỡ ngàng. Trước hết, khác hẳn vô vàn tuyển tập hay toàn tập vẫn nối đuôi nhau ra đời, lời nói đầu của Đưa con về ngoại không phải của nhà xuất bản hay của một nhân vật lừng lẫy, mà của chính tác giả. Phía sau việc này, dĩ nhiên có nhiều chuyện nhân tình thế thái và văn chương nghệ thuật. Một đôi nhân vật có tiếng từng muốn viết lời giới thiệu tập thơ. Gặp gỡ, hỏi chuyện, bàn bạc… đủ cả. Cuối cùng, Trần Xuân Thiệp vẫn “phải làm cái việc bất đắc dĩ là tự nói về thơ mình”. Hẳn ông chưa thấy ai hiểu đúng sáng tác của ông chăng? Thơ quả là một cái gì cuốn hút không cưỡng nổi, nhưng bí ẩn đến ám ảnh! Ngỡ ngàng thứ hai là sự chỉn chu với từng chi tiết thơ, sự chỉn chu mà hôm nay chúng ta hầu không còn gặp nữa. Những từ ngữ của một thời, nếu không chua rõ, người đọc, nhất là giới trẻ, khó hiểu được. Ví dụ ở Bài ca đi đốn củi, bài mở đầu tập thơ, Cốt cán đã đành nghèo/ Thành phần đi đốn củi”, tác giả chú thích (1) Cốt cán: Người Đội Cải cách ruộng đất chọn làm hạt nhân đấu tố địa chủ, (2) Thành phần: Chỉ gia đình địa chủ, phú nông… Từ ngữ địa phương hay thổ ngữ cũng được Trần Xuân Thiệp trân trọng như từ ngữ bác học. Trong câu thơ Đếm từng ngày em đợi, háy pù vào phiên chợ tới (Bắc Hà chiều chợ tan), háy pù được ghi là tục đi cướp vợ của người Mông. Những ghi chú về địa lý hay lịch sử cho thấy tác giả cẩn trọng trong phát biểu đến dường nào. Những ghi chú ấy vô tình đưa đến không ít hiểu biết về đất nước, mà vì nhiều lý do, chúng ta còn chưa có nổi. Chắc nhiều độc giả cảm thấy thú vị khi được Trần Xuân Thiệp dẫn Đến sông Nho Quế, với phụ chú (3) “Sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc), phần chảy vào Việt Nam 46 cây số qua Đồng Văn và Mèo Vạc, Hà Giang rồi nhập vào sông Gâm ở Bảo Lâm, Cao Bằng. Cùng với đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế là điểm du lịch mạo hiểm”. Bài Bên sông Kỳ Cùng, nhớ nàng Tô Thị, có chú thích ghi rõ: “Sông Kỳ Cùng chảy về sông Tây Giang (TQ), Kỳ Cùng Thạch Độ (Bến đá Kỳ Cùng) là 1 trong 8 cảnh đẹp (Trấn doanh bát cảnh) mà Ngô Thì Sỹ phát hiện khi làm đốc trấn Lạng Sơn (1777-1780)”. Xin mở ngoặc đơn, chú thích này giúp độc giả hiểu đúng và hiểu hết ý tưởng của nhà thơ, qua câu Chờ lâu hóa đá, đá giờ nung vôi, rằng chủ nghĩa thực dụng đang giết chết văn hóa, đang hủy hoại tính người. Ngỡ ngàng thứ ba, Trần Xuân Thiệp theo đuổi đề tài hay vấn đề một cách dai dẳng hiếm thấy. Không ít bài thơ được ông nung náu, hay điều chỉnh trong nhiều năm trời. Đấy có lẽ ông chưa thấy ưng ý với nhìn nhận của mình về sự kiện được đề cập. Đấy cũng có thể ý thì thấy được rồi, song diễn đạt thì chưa đạt. Khởi thảo một bài thơ, không ít lần, năm bảy năm sau, ông mới hoàn thành và mãn ý. Có những bài, thời gian sáng tạo còn dài hơn. Chẳng hạn, bài Bút ký ngủ rừng, ông viết những dòng đầu năm 1964 ở Quỳ Châu, Nghệ An, mãi năm 2009, mới viết xong ở Hà Nội. Tác phẩm này đúng là một hồi ký bằng thơ. Trần Xuân Thiệp suốt ngày phải chạy trốn voi rừng. Thế là lạc, và bất ngờ gặp một đồng nghiệp, ông Phạm Đình Thức. Đời sống một thân một mình của cán bộ lâm nghiệp sao mà đáng khâm phục! Làm lán mà ở. Hái cải xoong lòng khe và bắt cua suối nấu canh mà ăn. Dù heo hút vắng vẻ kinh người, vẫn cố làm cho đời thật tươi thật chất lượng… Đêm ngủ rừng già, co ro chăn chiếu hẹp; Tiếng hoẵng kêu xa, tiếng vượn gọi đàn, Tiếng tắc kè điểm (canh), Tiếng chày giã gạo cối nước thình thịch nổi lên giữa tiếng nước rào rào… Những giấc ngủ Mơ, những giấc ngủ Thơ! Song con người vẫn vướng bận vào, vẫn trăn trở với những được mất vui buồn rất nhân loại. Vẫn mong mỏi trở về mái ấm gia đình, nhưng nhà cửa mất rồi, chưa biết Tết về đâu… Cũng bâng khuâng xúc động như thế là Chốc lát với bà mẹ Lào Bản Đông. Tiến trình sinh thành của bài thơ này kéo dài từ tháng 10- 1972 đến tháng 10-2012, bốn mươi năm đằng đẵng. Bài có ba chú thích nặng ký, trong đó chú thích (4) A Loui: tên người Lào gọi Bản Đông. Nơi đây, quân Mỹ và VNCH đặt cứ điểm trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, từ 31-1-1971 đến 20-3-1971, (ngày) Bản Đông được giải phóng. Đôi ngạc nhiên như vậy đã đủ để thấy nhà thơ vô danh Trần Xuân Thiệp tự trọng biết chừng nào. Chất nhân văn, chất Người là bản chất của họ. Phẩm chất cốt tử đó là mảnh đất màu mỡ đương nhiên cho văn học nghệ thuật. Đọc Trần Xuân Thiệp, chúng ra thấy yên tâm rằng đây là chân thật, chân thật tuyệt đối, chân thật từ gan ruột một người đúng là Người. Cảm giác được tôn trọng và tin tưởng ấy trong lòng ta khơi mở nhiều cảm xúc và hạnh phúc thẩm mỹ rất khó được hưởng thời buổi loạn giá trị, bội thực vẻ đẹp ảo hôm nay. Thích thú đầu tiên là ta được lãng du bất tận qua Đất nước mình. Bao thân thương và mới lạ từ những tên xóm, tên làng, tên phố, tên bản trong Nam ngoài Bắc, miền ngược miền xuôi được nhắc đến trân trọng qua những vần thơ tuồng như mộc mạc. Nào Bản Cáy, Thổng Báo Sao, Thạch Khoán, nào Bù Chó, Đại Phạm, Phú Hộ, nào Yên Ấp, Bộ Đầu, Vạn Thủy… Tên nào cũng hay, tên nào cũng đẹp. Có thể dẫn ra ngẫu nhiên bài Về Vạn Thủy tìm lại sắc chàm xưa. Bên cạnh chuyện tình như bâng quơ một thuở là nét đáng yêu đáng trọng biết mấy của cô gái Nùng: Tôi ngồi đun bếp lửa hồng/Em ngồi kéo sợi váy chùng gót chân. Lối sống sâu sắc ấy bộc lộ ở nhiều chi tiết khác nữa, ví như câu nói bất chợt về vải nhuộm chàm: Suối nhỏ cũng phải có nguồn. Câu thơ như câu nói bất chợt làm sâu sắc thêm câu Uống nước nhớ nguồn. Vải nhuộm chàm kết tinh bao công sức, tâm huyết và yêu thương của bố mẹ, của cha ông, tiên tổ. Có lẽ tâm niệm ấy khiến cô gái xưa, bà già hiện nay vẫn theo đuổi nghề nhuộm chàm đang mai một. Bể dâu mà vẫn nắng mưa với chàm, đâu chỉ là chuyện không muốn bỏ nghề xưa, mà là chuyện giữ gìn truyền thống ông cha, giữ gìn tấm lòng của những thế hệ đi trước. Như ở nhiều bài khác trong tập, bốn chú thích của bài này là bộ phận cấu thành tất yếu tạo nên một câu chuyện, bộc lộ rõ ràng thông điệp của tác giả. Qua các chú thích, ta biết rằng cặp trai gái Nùng lấy nhau, người chồng phải ra trận, vợ đi tìm không gặp, chết hóa thành cây chàm. Truyền thuyết dân tộc ấy khiến người Nùng trân trọng xiết bao vải nhuộm chàm của họ. Trồng bông, kéo sợi, dệt nên vải, rồi đem nhuộm. Ở công đoạn cuối, họ xôi vải trong chõ với rượu cho vải mềm. có mùi thơm. Vì vậy, hiện nay, dù hiếm hoi, một vài gia đình ở Vạn Thủy, Bắc Sơn, Lạng Sơn, vẫn làm nghề nhuộm chàm. Chuyện Thơ đã bao hàm chuyện văn hóa, văn minh và xã hội. Cùng những nỗi lòng tương tự Vạn Thủy, nơi nào trên đất nước ta chẳng ẩn chứa những kỳ ảo tưởng như lạ lùng. Ở thượng nguồn sông Lô, gần một bản làng mờ tỏ trong hoàng hôn, tác giả ngẫu nhiên được chiêm ngưỡng một thiếu nữ dậy thì một mình tắm tiên trong dòng suối vắng sau giờ lao động. Giữa ruộng bậc thang trơ vàng cuống rạ, không xa gùi củi sém với rau cà và bắp ngô trên đó, trong tiếng cối nước thậm thình, Bức tranh khỏa thân số một toàn cầu khiến ông rưng rưng lệ! Ấy là chuyện trong Chiều mờ quan ải. Vẻ đẹp con người còn cảm động hơn trong Lan man chuyện thành phố cổ. Hội An có ngôi mộ của thương gia Nhật Bản Banjiro đã hơn ba thế kỷ. Hiện người Việt vẫn lui tới tưởng niệm ông. Hương và diêm, khách vẫn được bà cụ hơn chín mươi tuổi biếu. Cụ là hàng xóm của ngôi mộ, điếc và nghèo. Nhưng bao năm rồi vẫn cứ tặng khách như thế khi họ đến với người thiên cổ. Khách có muốn làm quà cho cụ chút đỉnh, thì Cụ nhất định không nhận. Thật đáng giận và đáng thương cho những ông vua bà chúa đã cho mình là nhất trần gian, quyết bế quan tỏa cảng bao năm dài ! Sáng tác của Trần Xuân Thiệp đều đại loại như thế. Thơ ông là phóng sự đường trường, là bút ký nhân sinh, là tạp văn thế sự, là hồi ký dân gian, là nhật ký chuyện đời muôn mặt được nghiền ngẫm tới cùng. Rất nhiều chuyện thời sự chính trị được ông đưa vào thơ. Cải cách ruộng đất xảy ra từ giữa thế kỷ trước. Năm 2005, Trần Xuân Thiệp mới viết về nó trong Bài ca đốn củi với câu kết nhấn mạnh sự hiền minh như động lực và sự sống vĩnh cửu của cõi đời. Năm 1965, không quân Mỹ oanh tạc cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Phục vụ chiến đấu, Bà Ngô Thị Tuyển vác một lần hai hòm đạn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể Bà. Khi tuyên huấn đến quay phim, Bà không lặp lại nổi kỳ tích. Sự thăng hoa của lòng yêu nước mới đáng sợ làm sao ! Sự thật này, năm 2006, Trần Xuân Thiệp mới kể lại, hay mới lý giải nổi để kể lại ? (Chị Tuyển khi nghĩ về Tổ quốc). Chuyện mà tác giả nghe lỏm ở một cuộc họp chi bộ, Yên Ấp, Nghệ An, đáng suy ngẫm vô cùng. Dạo ấy, 1989, nơi này đang lụt lội. Ba hai đảng viên vẫn về dự họp. Người lớn tuổi ngồi chõng tre, người trẻ ngồi quanh bệ cửa. Mấy đảng viên trao đổi: “Bác dạy: Không có gì quý hơn độc lập tự do/ Nhà nước đi vay tiền ngoại quốc/ Nghĩa là lại bước vào lệ thuộc/Con cháu đời sau công nợ chất chồng/ Đường nước mình đi có phải thế không?” (5). Câu này là câu kết bài thơ, Trần Xuân Thiệp ghi thời gian sáng tác: Yên Ấp, 23-9-1989. Hà Nội, 2008. Chú thích (6): Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam (CG) tháng 12-2006, ThủTướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chúng tôi sẽ không để thế hệ tương lai của Việt Nam phải chịu gánh nặng trả nợ và phê phán thế hệ đi trước đã lãng phí nguồn vốn này”. Nhân dân thâm trầm và bao dung vậy đó. Sự thâm trầm và bao dung ấy là linh hồn của Đưa con về ngoại. Để kết lại đôi cảm nhận một tiếng thơ đích thực, xin dừng lại ở một chuyện đời bí ẩn. Sau Trương Chi, truyện dân gian và ca khúc nằm lòng, sau Dì Nga của Trần Nhuận Minh, khác chi một nhói lòng chuyện như đùa có thật, chúng ta cúi đầu trước Chuyện hai người cháu và ông bà ngoại thôn Văn của Trần Xuân Thiệp. Chuyện rằng một cô gái lỡ làng, sinh đôi hai bé gái mà cha chúng chối từ; mẹ không hé răng chút gì cho đến khi qua đời mười năm sau; ông bà chăm nuôi khôn lớn, hai cháu không theo nghề giáo của ông và mẹ, mà quy y cửa Phật; các cháu vẫn về thăm ông bà; ông vẫn sửng sốt, không trách cháu, nhưng “Các cháu đi rồi, cửa nhà trống vắng/Con chó bâng khuâng, con mèo lắng lặng/ Đêm đêm con quốc kêu hoài ở phía bờ sông/ Ước gì ở lại… cháu đi lấy chồng”. Bậc học giả có thể đúc kết sâu xa từ những trớ trêu đó. Chẳng hạn, nền tảng của cuộc sống là sự hài hòa giữa vẻ đẹp vật chất và vẻ đẹp tinh thần, hài hòa giữa niềm vui, sự mãn nguyện và hạnh phúc của thế hệ trước và thế hệ sau, của mọi thành viên trong cộng đồng, hài hòa mà nền tảng là tình yêu đúng nghĩa, nghĩa là tôn trọng và phát huy tột độ cái cao quý của trái tim người và trái tim ta? Các phó thường dân như chúng tôi, có người không cầm được nước mắt khi đọc bài thơ của Trần Xuân Thiệp, thì thấy đó là những giọt nước mắt mà đời không trông thấy, những giọt nước mắt đắng cay và chua xót biết chừng nào! Những giọt nước mắt như vậy, làm sao để chúng càng ngày càng ít và hết hẳn? Câu trả lời có vẻ chung chung, ấy là hạn chế và xóa bỏ sự lợi dụng lòng tốt và tính người của số đông áp đảo. Ôi, cuộc chiến đấu còn vô cùng gian khổ. Gương tày liếp đang trước mắt chúng ta: lực lượng IS chẳng đang hả hê thóa mạ văn minh và nhân loại đó sao ?!…
 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016

Tác giả : ĐƯỜNG THI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *