Giá trị của các làn điệu hò và lý ở đồng nai

Đồng Nai là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa khác nhau như Chơ ro, Mạ, X’tiêng, Khơ me, Việt…, vừa thống nhất trong đa dạng, vừa thể hiện những nét đặc trưng, độc đáo riêng có của mỗi tộc người. Chiếm hơn 90% dân số, người Việt đã đưa những đặc trưng văn hóa của mình, đặc biệt là các làn điệu dân ca hò và lý, làm phong phú hơn kho tàng văn hóa Đồng Nai.


1. Những giá trị nổi bật mang đậm chất nhân văn của các điệu hò

Loại hình văn nghệ dân gian có lịch sử phát triển lâu đời

Thể loại hò ra đời từ rất sớm, là một hình thức sinh hoạt, giao lưu văn nghệ đầu tiên của con người trong mọi môi trường lao động. Hò không chỉ để mua vui, giải trí mà còn là một yếu tố thúc đẩy tăng năng suất lao động. Lịch sử cho thấy, con người trong xã hội công xã nguyên thủy, không có phương tiện nào khác ngoài sức người, do đó muốn di chuyển một vật nặng, con người đã biết kết hợp với nhau để tạo nên sức mạnh. Để có sức mạnh tổng hợp ấy, con người sử dụng hò làm hiệu lệnh.

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, miền Trung Việt Nam là nơi có nhiều điệu hò nhất, đồng thời cũng là nơi sản sinh ra các điệu hò nổi tiếng. Có lẽ từ miền Trung, hò đã lan tỏa ra cả hai miền Bắc và Nam. Vào khoảng cuối TK XVI, đầu TK XVII, người Việt ở miền Trung di cư đến vùng đất Đồng Nai, đã mang theo điệu hò của quê hương mình. Căn cứ vào nội dung, hình thức của các điệu hò, đặc biệt là việc miêu tả công việc lao động, chúng ta có thể khẳng định, hò ra đời trong giai đoạn cuộc sống sinh hoạt còn đơn giản, thô sơ, đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Hò gắn bó mật thiết với đời sống con người

Hò được bắt nguồn và hình thành từ chính cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân, gắn bó mật thiết với cuộc sống của họ. Có thể thấy, khi đang trực tiếp lao động, nghỉ ngơi, giao đãi, hay chỉ là trong tưởng tượng, con người cũng đã sáng tác ra các điệu hò. Điều kiện địa lý cũng tạo nên sự đa dạng cho các điệu hò. Ở đâu có nhiều sông ngòi thì ở đó có nhiều điệu hò dưới nước, ngược lại ở đâu có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay thì ở đó có điệu hò trên cạn – hò cấy.

Đối với người Việt, trồng lúa nước, hoa màu là công việc chủ yếu để làm ra lương thực, nuôi sống con người. Trong lúc lao động, con người thường tạo nên các cuộc hò. Người ta hò thi bên cối giã gạo, trong những đêm trăng đập lúa, rồi hò trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi, giỗ chạp, mừng tân gia… Bên cạnh những điệu hò phục vụ lao động, con người còn hát lên những lời ca trữ tình, giao duyên ngay trong lúc đang lao động mệt nhọc. Theo đó, những khúc tình ca được hình thành từ cấp độ thăm dò ý tứ, đến những lời hỏi thăm trìu mến, rồi dần dần họ thổ lộ những tâm tư, tình cảm, hứa hẹn những lần hò sau đó hoặc hẹn thề tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Ngoài ra, hò dưới nước với các điệu như hò chèo thuyền, hò đánh cá, hò chở khách, hò kéo lưới, hò quăng chài… cũng chứa đựng nội dung trữ tình, biểu hiện tình yêu đôi lứa, đề cao nhân cách con người trong lao động.

Trong thời kỳ kháng chiến, ở Đồng Nai cũng xuất hiện những câu hò là lời dặn dò của người mẹ, người vợ với các chiến sĩ khi lên đường đi chiến đấu, hoặc là lời nhắn nhủ của các chiến sĩ khi đang đối mặt với quân thù nơi chiến khu gửi về quê hương.

Cũng như nhiều loại hình văn nghệ dân gian khác, hò là một sản phẩm được sáng tác mang tính trí tuệ tập thể. Các điệu hò đầu tiên bắt nguồn và phát triển từ trong môi trường lao động. Tuy nhiên, tùy từng hình thức lao động, tính chất công việc, hoàn cảnh, không gian, thời gian, khả năng sáng tạo của mỗi người mà có cách sáng tác, vận dụng khác nhau, nên mỗi thể loại hò đều có đặc trưng riêng. Thể loại hò rất phong phú, đa dạng, phản ánh khá chân thực, sinh động các loại hình văn học dân gian, âm nhạc dân gian trong lịch sử của người Việt trên vùng đất Nam Bộ nói chung và Biên Hòa, Đồng Nai nói riêng.

Hình tượng nghệ thuật trong các điệu hò rất phong phú

Hình ảnh con người được phản ánh trong những câu hò luôn gắn bó mật thiết với thiên nhiên nơi họ sống và lao động:

Làm giàu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai

Nước sông trong chảy lộn sông ngoài

Thương người xa xứ lạc loài tới đây

Những câu hò than thân trách phận cũng luôn được gắn bó với lao động và cảnh quan thiên nhiên quanh mình:

Bước xuống ruộng sâu, mảng sầu tấc dạ

Tay ôm bó mạ, nước mắt hai hàng

Trách ai làm lỡ chuyến đò ngang

Làm cho sông cạn, đôi đàng biệt ly

Ngay cả lời tỏ tình của chàng trai – cô gái cũng gắn với thiên nhiên:

Ngó lên trời thấy sao giăng nguyệt bạch

Ngó ra ngoài rạch, thấy con cá chạch đỏ đuôi

Nước chảy xuôi, con cá đỏ đuôi lội ngược

Anh muốn thương nàng biết được hay không?

Lao động là trung tâm mà các thể loại văn nghệ dân gian luôn đề cập tới:

Rủ nhau đi cấy, đi cày

Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu

Môi trường lao động ở trên cạn hay dưới nước đều được phản ánh rõ nét và sinh động trong các điệu hò:

Nước giữa dòng có khi trong, khi đục

Người ở đời có khi nhục, khi vinh

Chẳng ai vô sự như mình

Đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa

Hò phản ánh lao động với nhiều công việc khác nhau trên các lĩnh vực của đời sống, đã được ông bà ta đưa vào các điệu hò lao động khá tính tế và sắc sảo. Mỗi công việc đều được biểu hiện sắc thái riêng rất rõ ràng và cụ thể.

Quan hệ tình yêu và gia đình như một hình tượng nghệ thuật đã tạo nên tính nhân văn sâu sắc cho làn điệu hò. Trong các phường cấy ngày xưa, khi muốn làm quen nhau, bên nam hò mang tính chất thăm dò:

Mù u bông trắng lá quấn nhị vàng

Thấy em đi cấy một mình anh thương

Bên nữ hò đáp lại và bên nam tăng dần mức độ tình cảm lên, hò đáp. Cũng có khi các cô gái lại chủ động hò tấn công các chàng trai trước:

Nghe anh học ở Sài Gòn

Cho em hỏi thử trăng tròn mấy đêm

Bên nam hò đáp lại rất sát nghĩa và biểu hiện người đàn ông vô cùng chung thủy:

Trăng tròn chỉ có đêm rằm

Tình anh vẫn giữ trăm năm vẫn tròn

Trong các câu hò huê tình, hò tiễn bạn cũng thật đằm thắm nghĩa tình, thể hiện nỗi nhớ thương da diết khi phải xa nhau:

Anh về không lẽ em nằm

Dang tay đón bạn ruột bầm như dưa

Anh về không lẽ em đưa

Vái trời đừng nắng, đừng mưa cho anh về

Mọi cung bậc tình cảm của con người đều được phản ánh sinh động và chân thực trong mỗi câu hò huê tình. Trong mỗi câu hò đều ẩn chứa nhiều cảm xúc của con người, theo đó những bài học, những kinh nghiệm được truyền dạy cho thế hệ sau theo cách gần gũi và dễ tiếp nhận:

Cục đá lăn nghiêng, lăn ngửa

Mà em sửa cho cục đá lăn tròn

Giận thì nói vậy chớ em còn thương anh

Trong xã hội, các hiện tượng tiêu cực, cái phi đạo lý, gian dối, cái xấu vẫn thường xảy ra. Thông qua việc phản ánh những tiêu cực trong xã hội, người xưa đã truyền đạt nhiều bài học ý nghĩa cho các thế hệ sau. Trong đó luôn ẩn chứa những lời khuyên sâu sắc, như khuyên con người không nên có những mối quan hệ thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình người khác:

Nhất nhật phu thê là bá dạng anh

Nhất nhật đồng sàng tam quân dạ ái

Làm trai anh đừng có chọc gái có chồng

Đêm lo, ngày sợ phập phồng nó ghen

Hay khuyên người con gái không nên ham giàu có, lấy nhau mà không xuất phát từ tình yêu thì cuộc sống chỉ chuốc lấy bất hạnh mà thôi:

Em ơi! Đừng ham chi nhà ngói đỏ, cột gỗ, cao nền

Em lâm vô chốn đó liệu có bền hay không?

2. Những giá trị nổi bật mang đậm chất nhân văn của các điệu lý

Là loại hình văn nghệ dân gian có lịch sử phát triển lâu đời

Lý là một trong những thể loại âm nhạc dân gian vốn thịnh hành trong sinh hoạt và đời sống tinh thần của nhân dân lao động. Đó là những khúc hát bình dân của người Việt, thể hiện sâu sắc đề tài và nội dung của mọi khía cạnh, mọi hiện tượng trong cuộc sống, mọi trạng thái tình cảm, mơ ước của quần chúng qua nhiều thế hệ nối tiếp.

Cũng như hò, thể loại lý có lịch sử phát triển lâu đời, cùng xuất phát từ miền Trung Việt Nam. Lý ra đời trong môi trường thôn dã, dành riêng cho dân quê. Lý ở Đồng Nai đã chịu ảnh hưởng của lý miền Trung từ cách đặt tên cho các điệu lý, khi hát những bài mang nội dung nào thì lấy ngay nội dung đó, hoặc mấy chữ đầu của bài để đặt tên… Các điệu lý được lưu truyền ở Nam Bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng là do các yếu tố: cảnh quan thiên nhiên, lao động sáng tạo, phong tục, tập quán, các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và xã hội, lề lối sống, sinh hoạt, ăn uống, hội hè, lễ, tết, tín ngưỡng, tôn giáo… Nếu như các bài lý về lao động có nhịp điệu khẩn trương, khỏe khoắn thì các điệu lý về tình yêu lại nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn. Chính môi trường lao động đã sản sinh ra các điệu lý và chúng quay lại phục vụ cho lao động như những yếu tố kích thích, làm thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu trong lao động. Nhờ những yếu tố căn bản này mà lý được lưu truyền ở Đồng Nai và trở thành thể loại dân ca của tầng lớp bình dân trên mọi lĩnh vực đời sống. Từ đó, thể loại lý đã trở thành nhu cầu cần thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày của nhân dân và phát triển thành sắc thái văn hóa đặc trưng của vùng đất Đồng Nai.

Là loại hình văn nghệ dân gian có nội dung phản ánh phong phú

Theo các nhà nghiên cứu, nội dung phản ánh trong các bài lý bao gồm: công việc lao động hàng ngày của con người như đi cày, đi cấy, chèo thuyền, đánh cá, kéo chài, thả lưới, kéo gỗ, gặt lúa, trồng cây…; sự vật, dụng cụ sinh hoạt như cái áo, cái nón, mâm cơm, cái chiếu, mâm thau, cái trống, chiếc ghe, chiếc cầu, cây đàn…; các con vật như long, ly, quy, phụng, trâu, bò, ong, bướm, khỉ, vượn, ngựa, chim cu, con cóc…; các loại cây cối như cây chanh, cây mít, cây chuối, cây ổi, cây khế, cây dừa, cây đa, bông sen, bông súng…; các loại bánh, thức ăn như bánh bò, bánh canh, bắp rang, xôi, cơm, cháo, thịt…; các chức sắc, quan lại thời phong kiến, như ông hương, ông xã…; tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, gia đình, cha mẹ, họ hàng…; phong tục, tập quán, nghi lễ, hội hè, chùa chiền…

Cũng giống như hò, lý còn phản ánh những mặt trái của xã hội, phê phán những thói hư, tật xấu, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Là loại hình văn nghệ dân gian có hình tượng nghệ thuật đa dạng

Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong các điệu lý được vận dụng rất chân thực và sâu sắc. Hình ảnh thiên nhiên, quê hương, đất nước được hiện lên một cách bình dị, gần gũi, thân thương, làm cho tâm hồn con người thư thái, thêm yêu đời và gắn bó với quê hương:

Hoa nở đầy trên núi ớ ơ

Chim chưa về, chim vẫn bay

Xanh xanh lá vườn cành non…

Trên cây cổ thụ vang lời chim ca

(Lý Phước Châu)

Hay:

Nghe gió lộng bồng bềnh thênh thang

Trên đất giồng là mầm đậu lên

Sáng nay nắng ấm, trời trong

Đồng xanh xanh sắc lá,

Mắt em hay mắt trời…

 (Lý đất giồng)

Thông qua cách sử dụng hình ảnh so sánh, nhân cách hóa, thiên nhiên được phản ánh một cách sinh động. Hình ảnh trong những câu lý hiện lên vừa thực vừa hư, đã tạo nên khung cảnh làng quê thật hữu tình, lãng mạn:

Trăng trắng sương trên đồng ơ

Như tóc em bồng bềnh ờ

Đường về Châu Hưng ớ ơ

Ngập ngừng bước chân ớ ơ…

(Lý sắt son)

Bên cạnh nội dung ca ngợi thiên nhiên, hình tượng nghệ thuật tình yêu đôi lứa cũng được phản ánh sinh động và mang đậm chất nhân văn. Ngay cả nỗi niềm riêng sâu kín cũng được thể hiện thẫm đượm trong mỗi câu chữ. Hình ảnh đôi lứa chia ly được khắc họa một cách sinh động:

Để anh lau hộ dòng châu trên mắt em

Mai mốt xa nàng, xa cách lòng

Tình ta đôi ngả cách ngăn

Biết ai lau hộ dùm em, hỡi em!

          (Lý dặn dò)

Bằng cách sử dụng hình ảnh tượng trưng, tình cảm luyến tiếc, đau thương của người vợ khóc chồng được khắc họa thật rõ nét:

Tiếng lá xanh, thương tiếc lá vàng ra đi,

Trái tim sầu nữ nhi, đang khóc than tình biệt ly,

Nỉ non lúc đêm về, nghe chua xót não nề…

(Lý con sáo)

Ngay cả hình ảnh những con người nghèo khổ cũng được vẽ lên gần gũi và ẩn chứa đầy sự cảm thông:

Năm tháng cơ hàn, đi khắp xóm làng

Lụa này là lụa tốt, ai có mua đến đây cầm xem

Để rồi em đi nơi khác

Ai có thương hãy mua dùm em

(Lý bán lụa)

Như vậy, hò và lý là loại hình folklore có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống của người Việt ở Đồng Nai. Là những sản phẩm tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn con người, hò và lý có giá trị nhân văn rõ rệt, giúp con người hăng say sản xuất, tạo sự thăng hoa cho niềm vui hạnh phúc, tạo niềm an ủi cho buồn tủi, chia ly. Nhờ có những câu hò, điệu lý mà hình ảnh thiên nhiên, xã hội xung quanh con người được khắc họa sống động, gần gũi. Có thể thấy, hò và lý mang những giá trị đáng trân trọng, cần được lưu truyền và gìn giữ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : VŨ HOÀNG QUỲNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *