Giá trị của lễ hội truyền thống trong xã hội hiện nay


 

1. Những giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống

Lễ hội truyền thống một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, vừa độc đáo, vừa phong phú. Có thể coi lễ hội là hình ảnh thu nhỏ của nền văn hóa dân gian, với các hình thức văn học (truyền thuyết, thần thoại, thần tích, thần phả, văn tế, văn bia, ca dao hò vè…); nghệ thuật biểu diễn (diễn xướng, sân khấu, dân ca, dân vũ, dân nhạc…); tôn giáo, phong tục và tín ngưỡng (nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, tục lệ, thờ cúng, đức tin…).

Lễ hội gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và củng cố ý thức cộng đồng. Nhiều yếu tố văn hóa tinh thần được lễ hội bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành di sản văn hóa vô giá của dân tộc. “Hội lễ là nơi bảo tồn, tích tụ văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử, trong quá khứ, dồn nén lại cho đương thời”(1). Hiện nay, lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ hôm nay hiểu được công lao của cha ông và thêm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.

Chứa đựng và phản ánh nhiều mặt của cuộc sống kinh tế, văn hóa, xã hội, lễ hội là chỗ dựa tinh thần để mỗi người hướng về tổ tông, dòng tộc, về thế giới tâm linh và gắn bó với thiên nhiên, từ đó thêm thăng hoa trong một không khí vui vẻ, trang nghiêm, vừa trần tục, vừa linh thiêng. Rõ ràng, lễ hội là sinh hoạt cộng đồng để mỗi người cùng nhau chuẩn bị lễ vật và trò diễn, vui chơi, giao cảm, hưởng thụ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Những giá trị của lễ hội được thể hiện trên một số mặt sau:

Giá trị cố kết cộng đồng: lễ hội thuộc về một cộng đồng người nhất định, “có thể được xem như sự phản chiếu sinh động của truyền thống, bản sắc văn hóa cộng đồng cũng như là biểu tượng của tinh thần cố kết cộng đồng làng xã được hun đúc qua thời gian”(2). Mỗi cộng đồng hình thành và tồn tại trên cơ sở gắn kết địa vực và sở hữu tài nguyên, lợi ích kinh tế (cộng hữu), gắn kết số mệnh chịu sự chi phối của một lực lượng siêu nhiên (cộng sinh), gắn kết nhu cầu đồng cảm trong các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa (cộng cảm)… Bất kể một lễ hội nào, dù là lễ hội nông nghiệp, lễ hội lịch sử, suy tôn các vị thần linh hay anh hùng dân tộc thì bao giờ cũng là lễ hội của một cộng đồng; biểu dương các giá trị văn hóa và sức mạnh của cộng đồng trên mọi bình diện, là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng. Như vậy, tính cộng đồng và cố kết cộng đồng là nét đặc trưng và là giá trị văn hóa tiêu biểu nhất của lễ hội.

Giá trị giáo dục: lễ hội là quá trình sân khấu hóa đời sống xã hội, mô phỏng, tái hiện sinh động các nhân vật, sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ dưới hình thức lễ tế, diễn xướng, trò diễn dân gian. Giá trị giáo dục của lễ hội được thể hiện trong tính hướng về cội nguồn. “Tất cả mọi lễ hội cổ truyền đều hướng về nguồn cội. Đó là nguồn cội tự nhiên mà con người vốn từ đó sinh ra… Hơn thế nữa hướng về nguồn đã trở thành tâm thức của con người Việt Nam”(3). Điều đó nhắc nhở mọi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý, truyền thống cha ông, về lịch sử làng, lịch sử dân tộc. Lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần thể hiện tình cảm con người với tổ tiên, thần thánh để cầu mong mọi lực lượng siêu nhiên che chở, phù hộ. Con người đến với lễ hội là đến với lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận và trách nhiệm của mình với ông bà, tổ tiên, dòng tộc… Do vậy, lễ hội có giá trị lớn trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống lịch sử của làng bản, quê hương, đất nước.

Giá trị văn hóa tâm linh: trong quá trình lao động sáng tạo, để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của mình, con người không chỉ biến đổi cải tự nhiên để tạo ra sản phẩm văn hóa, mà còn hòa mình vào với thế giới hữu hình và vô hình trong tự nhiên. Không ít người bất lực trước một sự việc nào đó và họ phải nhờ tới sự che chở của một sức mạnh siêu nhiên, của tổ tiên, dòng tộc, các vị thần linh… cầu mong cuộc sống được bình an, sức khỏe và thành đạt. Nhờ có lễ hội, các cộng đồng dân cư mới có dịp thỏa mãn đời sống tâm linh, có được những giây phút thiêng liêng, giao cảm, hồ hởi đầy tinh thần cộng đồng. “Đó là trạng thái thăng hoa từ cuộc sống hiện thực, vượt lên trên đời sống hiện thực”(4).

Đối với người dân Việt Nam, lễ hội có sức lôi cuốn, hấp dẫn, trở thành nhu cầu và khát vọng cần được đáp ứng, bởi “thông qua những hình thức biểu hiện của mình, lễ hội trở thành một hiện tượng văn hóa tổng hợp làm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh và tâm lý vật chất của con người”(5). Khi con người đến với lễ hội, được tắm mình trong dòng nước mát đầu nguồn của văn hóa dân tộc, tận hưởng những giây phút thiêng liêng, chính là lúc họ được sống những giờ phút giao cảm hồ hởi đầy tinh thần cộng đồng. Như vậy, lễ hội với những hình thức cúng tế, dâng lễ vật, cầu nguyện thần linh… đã hàm chứa giá trị văn hóa tâm linh.

Giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần: khi tham gia vào lễ hội, con người được sáng tạo, hóa thân thành văn hóa, văn hóa làm biến đổi con người. Đây chính là quá trình trao truyền văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong các lễ hội, nhân dân là người đứng ra tổ chức, sáng tạo, tái hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh. Khi tất cả mọi người chìm vào không khí thiêng liêng, hứng khởi của lễ hội thì khoảng cách giữa con người dường như không còn, mọi người cùng nhau sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Trong quá trình giao cảm với thế giới thiêng liêng bí ẩn, ai cũng có đức tin và mong muốn sự chứng giám của thế giới tâm linh về thái độ thành kính của mình. Hàng năm, vào các mùa lễ hội, mọi người cùng nhau hành hương, chiêm bái về cái thiêng và như vậy lễ hội lại nảy sinh ra những giá trị văn hóa mới mang tính thời đại.

Giá trị bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: lễ hội là một hình thức tái hiện quá khứ thông qua các hoạt động tế lễ, các trò diễn sinh động hấp dẫn như tế lễ, rước, trang phục, văn tế, trò diễn dân gian, dân ca, dân vũ… Các hoạt động ấy không những tái hiện cuộc sống mà còn góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc. Lễ hội với những hình thức, nội dung phản ánh đầy đủ, sinh động đời sống vật chất và tinh thần của xã hội trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới toàn thể cộng đồng làng xã, vùng miền, dân tộc, quốc gia, tùy theo tính chất và mức độ của lễ hội ấy. Đặc trưng của lễ hội là tính truyền miệng. Những sự kiện lịch sử, đời sống xã hội được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua dịp lễ hội hàng năm. Và như vậy, lễ hội góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc ngay trong chính tâm thức của cộng đồng.

Giá trị kinh tế: giá trị của lễ hội không chỉ ở phương diện văn hóa mà còn ở giá trị kinh tế. Bởi, lễ hội còn là sản phẩm độc đáo của du lịch, tạo nên môi trường du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, nhân tố tạo nên sự thư giãn, những ứng xử văn hóa. Không khí vui tươi, linh thiêng của ngày lễ hội làm cho mỗi người trút bỏ được những lo âu, phiền muộn của cuộc sống đời thường, thúc đẩy quá trình lao động sáng tạo, sống nhân ái và yêu thương nhau hơn. Lễ hội là một sản phẩm đặc biệt, mang lại giá trị kinh tế cao, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và giới thiệu, truyền bá những đặc sắc văn hóa của dân tộc, vùng miền cho du khách trong và ngoài nước. Như vậy, lễ hội tự mang trong mình giá trị kinh tế đặc biệt, kinh tế du lịch văn hóa tâm linh.

2. Hạn chế trong việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống hiện nay

Hiện nay, có hai quan điểm, đó là bảo tồn nguyên vẹn và bảo tồn kế thừa. Bảo tồn nguyên vẹn là “giữ lại, không để bị mất đi, không để bị thay đổi, biến hóa hay biến thái…”(6). Bảo tồn kế thừa là bảo tồn trên cơ sở kế thừa những giá trị độc đáo của quá khứ, nhằm khơi dậy ý thức, niềm tự hào của cộng đồng và phát huy các giá trị. Đây là cây cầu để chúng ta đưa lễ hội về với cộng đồng, giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết hơn về lễ hội với những giá trị văn hóa đặc sắc của nó. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc bảo tồn và phát huy lễ hội hiện nay đang tồn tại nhiều hạn chế.

Việc khôi phục các lễ hội một cách tràn lan, thậm chí sân khấu hóa một cách sai lệch, áp đặt một số mô hình định sẵn bắt chước nhau máy móc… khiến lễ hội trở nên nghèo nàn, đơn điệu, trần tục và mang nặng tính hình thức, phô trương. Việc tu bổ một số di tích còn sơ sài, thiếu kiểm soát, thậm chí làm biến dạng di tích, cảnh quan xung quanh di tích bị xâm hại. Nhiều di tích sau một thời gian dài không được quan tâm tu bổ, bị sử dụng sai mục đích, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí bị phá hủy. Công việc phục dựng di tích không được nhận thức một cách đúng mức, dẫn đến phá vỡ cảnh quan di tích, thậm chí biến dạng di tích gốc…

Bản chất của lễ hội là đa dạng, mang cốt cách, sắc thái riêng, nhằm hút khách thập phương. Tuy nhiên, hiện nay một số lễ hội đang bị nhất thể hóa, đơn điệu hóa, hội làng nào, vùng nào cũng na ná như nhau, làm mất đi tính đa dạng khiến du khách cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú đi chơi hội nữa. Hệ quả là vừa tác động tiêu cực tới chủ thể văn hóa, vừa khiến cho du khách hiểu sai lệch về nền văn hóa dân tộc.

Trong các lễ hội hiện nay xuất hiện không ít hoạt động mang tính thương mại hóa, lợi dụng tín ngưỡng tâm linh để thu lợi bất chính, ép buộc, bắt chẹt người đi trẩy hội. Đặc biệt, việc lợi dụng tín ngưỡng để buôn thần bán thánh, đặt lễ, khấn vái thuê, bói toán, đặt các hòm công đức tràn lan, tạo dựng các di tích mới để thu tiền…đang có chiều hướng gia tăng, làm xấu đi nét đẹp của lễ hội. Thực trạng này không chỉ tồn tại ở những lễ hội có quy mô lớn, mà còn len lỏi ở những lễ hội của nhiều vùng quê hẻo lánh.

Một số lễ hội có xu hướng trần tục hóa, không còn giữ được tính thiêng, tính thăng hoa và ngôn ngữ biểu tượng. Ngoài ra, việc dâng hương, đốt nhiều vàng mã gây tốn kém và ô nhiễm môi trường cũng là những hiện tượng phổ biến trong các lễ hội.

Hiện nay, trong các lễ hội, một số hủ tục và tệ nạn xã hội như nạn cờ bạc, hút sách, chè chén phung phí, mê tín dị đoan… đang có chiều hướng gia tăng, làm vẩn đục bầu không khí linh thiêng, trong lành của ngày hội và ảnh hưởng đến môi trường văn hóa của cộng đồng.

3. Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội cổ truyền hiện nay

Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội cổ truyền xin nêu một số giải pháp sau:

Công tác tuyên truyền và giáo dục cần được chú trọng và đi trước một bước nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về những giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội, trân trọng, gìn giữ và chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có biện pháp cụ thể đối với các hoạt động mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội đang sống ký sinh trong lễ hội; xây dựng các quy tắc về tổ chức và tham gia lễ hội theo đặc điểm của từng vùng, từng địa phương; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… trong việc tổ chức lễ hội; nêu gương người tốt, việc tốt trong việc tham gia tổ chức và quản lý lễ hội, góp phần làm cho người dân ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của họ đối với bảo tồn lễ hội.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện các thể chế luật pháp, chính sách, đưa ra những chế tài phù hợp, để xử lý các vi phạm, nhằm điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo tồn, tôn vinh và phát huy lễ hội cổ truyền. Cần có sự phân định rõ ràng trách nhiệm của các cấp trong quản lý, bảo tồn lễ hội và di tích, không để tình trạng các lễ hội phát triển tự phát, lai căng, làm mất đi giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm diễn biến, thay đổi đang diễn ra trong thực tiễn, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn để lễ hội phát triển, nhưng vẫn giữ được hồn cốt của lễ hội truyền thống.

Khuyến khích các nghệ nhân, những người cao tuổi hiểu biết về các nghi lễ, các trò chơi dân gian truyền lại cho hậu thế; khẩn trương quy hoạch và tiến hành bảo tồn các lễ hội, những mỹ tục cổ truyền đang có nguy cơ bị mai một.

Việc đầu tư tài chính cho các lễ hội cần được coi là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm tôn vinh các giá trị di sản, truyền thống dân tộc và các anh hùng lịch sử. Bên cạnh việc khai thác, phát huy tinh thần tự nguyện của cộng đồng duy trì và bảo tồn lễ hội, cần có chính sách quan tâm hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước ở các cấp, để lễ hội tạo ra nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, có khả năng thu hút khách du lịch, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương.

Phát triển mô hình du lịch văn hóa lễ hội và mở các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ về quản lý lễ hội. Trang bị cho người làm du lịch quan điểm, đường lối, quy chế và các văn bản pháp quy về lễ hội, nhấn mạnh việc tổ chức và quản lý lễ hội như một hiện tượng văn hóa.

Các giá trị văn hóa của lễ hội cần được tôn vinh và phát huy dưới góc độ kinh tế du lịch để thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của du khách trong nước và quốc tế, coi đây là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch. Vì thế, mỗi lễ hội phải tạo ra được sự hấp dẫn đặc thù, với các nội dung, hình thức phong phú, đa dạng mang đậm sắc thái vùng miền. Bên cạnh mỗi lễ hội đơn lẻ cần có kế hoạch tổ chức một số lễ hội lớn, trọng điểm, có sự đầu tư thích đáng nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu về du lịch tâm linh, tham quan, nghiên cứu, cùng các dịch vụ khác.

Lễ hội là sản phẩm văn hóa kết tinh lâu đời trong tiến trình lịch sử của cộng đồng dân cư. Việc tổ chức tốt lễ hội đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; tăng tình đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở các địa phương; trong bối cảnh hiện nay, rất cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và khai thác lễ hội; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội trên cơ sở những biện pháp quản lý phù hợp, tiêu chí cụ thể để nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của lễ hội, góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc.

_______________

1. Viện Văn hóa dân gian, Lễ hội cổ truyền, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr.24.

2. Ngô Đức Thịnh, Lê Hồng Lý, Về tín ngưỡng lễ hội và sự phát triển xã hội hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1-1997, tr.35-39.

3. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.343.

4, 5. Ngô Đức Thịnh, Những giá trị của lễ hội cổ truyền trong đời sống xã hội hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 3-2001, tr.8.

6. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Bảo tồn và phát huy hay kế thừa và phát triển văn hóa dân tộc trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trong 60 năm đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2003), Viện Văn hóa Thông tin xb, Hà Nội, 2004, tr.269.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 345, tháng 3-2013

Tác giả : Phạm Văn Xây

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *