Giải pháp bảo tồn âm nhạc trong lễ tế nam giao

Trong quá trình tiến hành lễ tế đàn Nam Giao, âm nhạc là yếu tố không thể thiếu. Yếu tố này đã tạo ra những giá trị nghệ thuật từ nhiều góc độ khác nhau trong quá trình hành lễ. Từ công việc luyện tập đến các chương trình liên quan, các dàn nhạc, ca công, vũ công, đến nội dung của cả quá trình tiến hành nghi thức lễ đều phải hợp thành một chỉnh thể thống nhất, trọn vẹn, được tập luyện rất công phu.

Vai trò chủ đạo của âm nhạc trong lễ tế Nam Giao

Phần khó khăn nhất trong việc sử dụng âm nhạc trong tế lễ Nam Giao là quá trình luyện tập các ca chương để cùng hòa nhịp với dàn nhạc, các vũ công trong ca thài bát dật. Vai trò của âm nhạc trong lễ tế đàn Nam Giao không chỉ đơn thuần mang tính phụ họa, tạo sự hoành tráng, tôn nghiêm, uy nghi cho không khí của một ngày hội mà nó còn tạo ra nét đẹp trong văn hóa âm nhạc tâm linh, là mối liên kết, giao hòa giữa trời, đất, con người trong những giờ phút thiêng liêng của một ngày trọng lễ. Âm nhạc đã được bao trùm lên không khí của ngày hội lễ tế đó bằng những yếu tố tâm linh, tín ngưỡng trong tâm thức của người Huế. Vai trò của âm nhạc trong lễ tế Nam Giao không chỉ mang yếu tố của âm nhạc học đơn thuần mà nó còn có sự kết hợp với văn hóa âm nhạc học tâm linh.

Những giá trị của nghệ thuật âm nhạc

Khi nhìn nhận về giá trị của nghệ thuật âm nhạc trong lễ tế Nam Giao, phải đánh giá về phương tiện biểu hiện, nghệ thuật trình diễn, phong cách, tính biểu cảm được kết hợp với nhạc công, ca công, vũ công để tạo ra những giá trị thẩm mỹ.

Giá trị của nghệ thuật âm nhạc trong lễ tế Nam Giao không chỉ đơn thuần ở các phương tiện biểu hiện như: quãng, âm điệu, tiết tấu, làn điệu, thang âm điệu thức mà còn là sự tổng hòa bởi các yếu tố khác, đặc biệt là văn hóa âm nhạc tâm linh, tín ngưỡng, ứng xử của con người với những di sản dân tộc mà ông cha ta đã để lại từ bao đời nay.

Cái tổng hòa những giá trị của nghệ thuật âm nhạc trong tế lễ Nam Giao là các phương tiện biểu hiện được nâng tầm thành những giá trị thẩm mỹ, tư tưởng, truyền thống văn hóa dân tộc đã tiềm ẩn trong lòng người dân xứ Huế từ bao đời nay. Đó là những giá trị của nghệ thuật âm nhạc được nhìn từ nhiều phía để quy tụ lại nhằm phục vụ cho những mong ước của nhân dân trong ngày đại tế lễ.

Theo sử liệu của các nhà nghiên cứu thì triều đình Nguyễn đã có được những tiến bộ nhất định trong việc phát triển nhiều lĩnh vực của đất nước, trong đó có văn hóa nghệ thuật cũng như việc mở mang bờ cõi. Trên cơ sở tiếp cận với nghệ thuật âm nhạc trong lễ tế Nam Giao, sẽ làm rõ một số những giá trị của nghệ thuật âm nhạc ở tầm vĩ mô.

Thứ nhất, trong quá trình phát triển nền âm nhạc nước nhà, triều đình nhà Nguyễn đã biết tiếp thu những tinh hoa của âm nhạc nước ngoài để phát triển, làm phong phú thêm cho âm nhạc dân tộc mà âm nhạc trong lễ tế Nam Giao đã thể hiện điều này. Bên cạnh các dàn nhạc, hệ thống các nhạc cụ, chúng ta còn thấy nghệ thuật ca hát trong những ca chương đã đạt tới một trình độ nhất định trong phong cách thể hiện, kỹ thuật diễn tấu của nhạc công trong các dàn nhạc. Sự kết hợp của nhạc công, ca công, vũ công đã tạo nét hài hòa nhất quán, tuân theo những nguyên tắc của tiền nhân để lại mà vẫn giữ được dáng vóc, sắc thái dân tộc. Đây chính là giá trị lịch sử của văn hóa âm nhạc cung đình trong khuôn khổ lễ tế Nam Giao được duy trì, tồn tại qua con đường truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề.

Thứ hai, khác với thời kỳ nhà Lê TK XV, âm nhạc triều đình nhà Nguyễn đã đưa âm nhạc dân gian vào cung đình để tạo ra những sắc thái mới, lễ tế Nam Giao sau này được thừa hưởng những thành quả đó. Ở đây đã có sự coi trọng âm nhạc, nghệ sĩ dân gian; đặc biệt trong các ca chương dần dần đã xuất hiện những âm điệu của âm nhạc dân gian kết hợp với thang ngũ cung Trung Hoa, nhằm làm giàu thêm bản sắc cũng như sắc thái âm nhạc độc đáo của dân tộc.

Thứ ba, đã có những tư duy về sắc thái âm nhạc, phát huy tính độc đáo trong kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ bằng các thủ pháp luyến láy, nhấn nhá, vuốt, vỗ, rung… để phân biệt sự khác nhau với âm nhạc Trung Hoa. Tuy có tiếp thu hệ thống điệu thức cung, thương, giốc, trủy, vũ trong âm nhạc Trung Hoa, nhưng đã sáng tạo về hơi, điệu, phong cách biểu diễn, tạo sự khác nhau về diễn tấu, sắc thái; việc đưa ra tên gọi các điệu thức năm âm cùng với tính chất của chúng được thể hiện trong các bản hòa tấu nhạc cụ cũng như trong các dàn nhạc nơi cung đình.

Thứ tư, bước đầu đã thành lập được các giáo phường để truyền nghề âm nhạc, bổ nhiệm các quản giáp trông coi; phát huy trình độ diễn tấu, độc tấu, hòa tấu trong dàn nhạc cung đình, đặc biệt là sự sáng tạo trong biên chế dàn nhạc, pha màu trong việc thể hiện âm sắc. Điều đó được thể hiện khá rõ nét trong nghệ thuật âm nhạc lễ tế Nam Giao như đi tòng hoặc đối vị theo kiểu dân gian giữa các nhạc cụ, các bộ trong dàn nhạc, giữa dàn nhạc với ca chương, giữa ca chương với nhau. Khẳng định tính bác học chuyên nghiệp của nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc cũng như khi trình bày các ca chương trong tổng thể nghi thức, lễ thức, trình thức lễ tế.

Thứ năm, âm nhạc trong lễ tế Nam Giao là mối liên kết chặt chẽ, hữu cơ, mang tính giao hòa với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng ở một tầm cao của tư tưởng, triết lý phương Đông, giá trị thẩm mỹ. Những giá trị của nghệ thuật âm nhạc trong lễ tế đã kết nối được nguồn mạch của tiền nhân để lại, tạo dáng vóc, hồn nhạc dân tộc Việt Nam, nền tảng, bền chặt, vững chắc.

Giải pháp bảo tồn âm nhạc truyền thống trong lễ tế Nam Giao

Bảo tồn trong công tác đào tạo ở các trường chuyên nghiệp

Cần giáo dục cho học sinh, sinh viên nhận thức một cách sâu sắc về những giá trị, vai trò của nền văn hóa phi vật thể trong công tác bảo tồn. Điều đó được thể hiện qua ý thức trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu cũng như công tác sưu tầm, tiếp cận trong quá trình điền dã, xử lý tư liệu ở giai đoạn hậu điền dã.

Công tác bảo tồn phải được đưa vào chương trình giảng dạy cùng với sưu tầm, điền dã. Trong quá trình đào tạo âm nhạc di sản, Học viện Âm nhạc Huế cũng đã có sự trợ giúp của các giảng viên, các nghệ nhân cao tuổi có rất nhiều kinh nghiệm về hệ thống chữ nhạc cổ. Những hệ thống này cần được đưa vào nghiên cứu cho học sinh, sinh viên để có thể sử dụng vào các bài bản hòa tấu, đặc biệt là hiểu được những ký hiệu cổ trong các bản nhạc cung đình, đòi hỏi phải có một quá trình đầu tư, tìm kiếm, học hỏi. Trong âm nhạc phục vụ cho lễ tế Nam Giao, phần ca chương có rất nhiều từ bằng chữ Hán, chữ Nôm cũng như các chữ nhạc khác đã tạo ra những khó khăn không ít cho công tác đào tạo di sản. Việc phục chế lại các bài bản bằng cách phổ chữ nhạc, việc dạy ký xướng âm chữ nhạc cho học sinh, sinh viên trên các bài bản đã phục chế, việc dịch nghĩa các ký hiệu, các chữ nhạc bằng chữ Hán và chữ Nôm là một việc làm cần thiết.

Để đào tạo ngành âm nhạc di sản có hiệu quả, có tính khả thi thì những tư liệu của các thời trước cần được sống lại bằng hiệu quả của âm thanh, những hình ảnh tái hiện lại phương thức diễn tấu của các dàn nhạc cung đình trước đây. Như vậy, âm nhạc di sản trong cung đình của các triều đại trước cần được phục chế, dàn dựng lại để làm tư liệu sống, giúp cho sinh viên học tập tốt hơn. Vấn đề này phải được đặt vào vị trí thiết yếu trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, học tập; bởi chữ nhạc cổ truyền hiện nay là vấn đề rất khó khăn, phức tạp.

Học viện Âm nhạc Huế cũng không nên chỉ lấy chữ nhạc dân tộc cổ truyền để áp dụng một cách máy móc, bảo thủ trong công tác đào tạo âm nhạc di sản mà phải có sự kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả với cách ghi, nốt nhạc trong âm nhạc châu Âu để tạo ra tính hài hòa. Trong giao lưu văn hóa nghệ thuật với các quốc gia trên thế giới, chúng ta vẫn tiếp thu, học hỏi những tinh hoa của âm nhạc nước ngoài để bổ sung, phát triển nền âm nhạc dân tộc nước nhà, nên trong công tác đào tạo âm nhạc di sản của Học viện Âm nhạc Huế cũng phải tiếp thu theo hướng này.

Bảo tồn trong công tác đào tạo ở các trường tiểu học, trung học phổ thông

Với những đối tượng ở các cấp học phổ thông thì hình thức truyền bá, diễn giải, kể chuyện, giới thiệu rất quan trọng, hữu hiệu. Đây là môi trường rất tốt để chúng ta có thể bảo tồn vốn âm nhạc di sản dưới mọi hình thức khác nhau từ đơn giản đến phức tạp.

Tuy nhiên, để làm tốt việc này thì tính hấp dẫn, hăng say, lôi cuốn trong phương pháp truyền đạt là điều rất quan trọng. Thực tiễn đào tạo âm nhạc di sản cho thấy, giới thiệu các nhạc cụ dân tộc cũng như tính năng, cách diễn tấu dưới hình thức đơn giản là có hiệu quả nhất. Trong hệ thống nhạc cụ dân tộc khi giới thiệu cho các em học sinh trong nhà trường phổ thông phải đảm bảo được 3 yêu cầu: nghe được âm thanh, sờ thấy nhạc cụ, xem được hình dáng cấu trúc. Đối với các thể loại âm nhạc đã được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể truyền khẩu của nhân loại như tế lễ Nam Giao, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hát quan họ, ca trù… thì việc giới thiệu hệ thống các bài bản, dàn nhạc ở dạng đơn giản cũng là điều rất có hiệu quả trong công tác bảo tồn.

Bảo tồn trong tâm thức cộng đồng

Trải qua lịch sử mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước, nhân dân ta đã có một truyền thống yêu những giá trị văn hóa dân tộc mà ông cha để lại. Truyền thống đó được thể hiện ở tinh thần chống sự xâm lược, đồng hóa văn hóa dân tộc, nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa.

Trước sự phát triển kinh tế, đô thị hóa đã có những tác động tiêu cực vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Từ những quan niệm mang tính tương đồng này của các quốc gia trên thế giới đã khẳng định việc bảo tồn, phát huy những giá trị của nền văn hóa vật thể, phi vật thể là trách nhiệm chung của loài người trong bối cảnh hiện nay.

Việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho mỗi cá nhân vừa mang tính định hướng, vừa mang tầm chiến lược trong việc bảo tồn những giá trị của truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó có công tác bảo tồn âm nhạc trong tế lễ Nam Giao.

Những chính sách, định hướng của ngành văn hóa trong công tác bảo tồn

Đây là điều kiện để Học viện Âm nhạc Huế tìm ra cho mình một hướng đi mới trong công tác đào tạo âm nhạc di sản, dân tộc nhạc học đã được Bộ VHTTDL cho phép, trao trách nhiệm. Việc đưa âm nhạc di sản vào đào tạo tại Học viện Âm nhạc Huế đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề, khó khăn trong những bước đi ban đầu. Để thực hiện tốt, hiệu quả vấn đề này trước hết cần có sự ủng hộ, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Một điều không thể thiếu được là sự đầu tư của Bộ VHTTDL, chính sách, định hướng mang tầm chiến lược, bền vững, lâu dài. Đó là những cơ sở nghiên cứu, trang thiết bị phục vụ cho sự nghiệp đào tạo, công tác bảo tồn.

Ở các quốc gia trên thế giới người ta coi chính sách nuôi dưỡng nghệ nhân tài năng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong công tác bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Họ coi sự đóng góp của những nghệ nhân tài năng trong công tác truyền thụ, bảo tồn là những tài sản vô giá cần phải đầu tư thích đáng để họ có thể tái tạo tài năng để phục vụ tốt cho công tác bảo tồn.

Trong việc bảo tồn những giá trị của văn hóa vật thể, phi vật thể, ngoài hình thức lưu trữ bằng văn bản dưới mọi hình thức thì cũng cần phải đem những giá trị đó đến với mọi tầng lớp nhân dân dưới hình thức truyền khẩu. Những kinh nghiệm về bảo tồn các giá trị văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới đã chỉ ra rằng, bảo tồn trong quần chúng nhân dân ở mọi tầng lớp khác nhau là tốt, bền vững, lâu dài nhất. Trong quá trình thực hiện công việc bảo tồn các di sản truyền thống, ngành văn hóa phải tạo ra được những thương hiệu, đặc biệt là chiến lược, định hướng bảo tồn, phát huy được nhiều giá trị của những di sản đó. Xa hơn nữa, việc bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở mỗi nước không chỉ mang ý nghĩa của vùng miền, địa phương hay quốc gia, mà nó còn mang tính cộng đồng, quốc tế.

Trong đời sống tâm linh người Việt, đàn Nam Giao như là nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, nơi tiềm ẩn trong sâu thẳm những linh khí đất trời, nơi giao hòa của thiên, địa, nhân trong một không gian văn hóa đã có sự lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng về luật phong thủy. Như vậy, ý nghĩa của nơi tế trời đất mang tính nhân văn, lòng hướng thiện, tính cộng đồng, nhân loại. Tuy đàn Nam Giao Huế chỉ là sự tiếp nối của những nguồn mạch tâm linh ở những thời đại khác nhau từ xa xưa, nhưng nó vẫn toát lên được cái hồn của văn hóa Việt với luân lý, đạo đức mà các bậc tiền nhân để lại. Định hướng việc nhìn nhận đàn Nam Giao là những vật thể mang tính sống động trong tâm thức nhân dân, bạn bè khu vực, quốc tế là việc làm quan trọng. Đây là chiến lược to lớn mang tầm vĩ mô trong xu thế hội nhập, là sự đặc sắc, độc đáo, tiêu biểu cho mỗi quốc gia trong thời đại ngày nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : NGUYỄN VIỆT ĐỨC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *