Sáng 15-1-2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổng kết và trao giải thưởng Âm nhạc năm 2021. Có 10 giải A, 25 giải B, 37 giải C và 1 chương trình biểu diễn xuất sắc đã được vinh danh và trao giải.
Năm 2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được 176 tác phẩm của 176 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi tham dự ở các thể loại: thanh nhạc; giao hưởng, hợp xướng và ca cảnh; hòa tấu thính phòng; chương trình biểu diễn; công trình lý luận và cụm bài báo chí âm nhạc…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân trao giải A cho các tác giả đạt giải
Đánh giá về các tác phẩm dự giải, nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, các tác giả thể loại khí nhạc đã mạnh dạn đầu tư cho hòa tấu dàn nhạc hỗn hợp: dân tộc, giao hưởng với điện tử, với những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đề tài về tình yêu quê hương đất nước con người, hay dàn nhạc kèn đã khai thác tính dân tộc, kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc phương Tây. Có một số tác phẩm có tìm tòi sáng tạo trong cấu trúc và ngôn ngữ thể hiện. Tuy nhiên, còn ít các tác phẩm có chất lượng cao, thật sự sáng tạo và ngôn ngữ mới trong quá trình xây dựng tác phẩm…
Về thanh nhạc, đã có tác phẩm thật sự gây được xúc động mạnh mẽ qua sự tìm tòi về âm điệu và bút pháp được Hội đồng thẩm định đánh giá cao. Đề tài viết về Đảng, Bác Hồ, về người mẹ, về tình yêu quê hương đất nước, về lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, về phòng chống dịch COVID-19 đã thực sự có hiệu quả trong cuộc sống. Mặc dù vậy vẫn còn nhiều ca khúc thiếu sự tìm tòi trong cách tiến hành giai điệu hoặc cấu trúc hòa âm. Bên cạnh đó có những ca khúc được ca sĩ thể hiện hay phối khí thu âm không trùng khớp với văn bản về âm nhạc giai điệu và tiết tấu.
Tác phẩm “Đẹp nhất bông sen”, sáng tác Trương Quang Lục – Giải A thể loại Ca khúc
Về các công trình lý luận phê bình, giải thưởng được phân theo hai thể loại: sách biên soạn và các bài báo về âm nhạc, năm nay không có sách nghiên cứu. Số lượng tham gia dự giải không nhiều, tập trung ở phía Bắc, gồm 5 cuốn sách và 4 chùm bài viết (đều của Hà Nội). Đề tài và thể loại khá đa dạng, từ cổ chí kim, từ sưu tầm điền dã, biên soạn giáo trình đào tạo chuyên nghiệp và dàn dựng chương trình ca nhạc lễ hội, đến bình luận ca nhạc, giới thiệu tác giả tác phẩm. Vì thế đối tượng hướng đến cũng khác nhau: giới nghiên cứu sưu tầm dân ca, giảng viên đào tạo chuyên ngành biểu diễn thanh nhạc, người quản lý âm nhạc, công chúng các lứa tuổi. Các tác giả hướng đến phần nổi nhiều hơn là đầu tư vào chiều sâu…
Tác phẩm “Thắp sáng những ngôi sao tương lai”, sáng tác: Trần Nhật Bằng – Giải A thể loại Ca khúc Thiếu nhi
Về Ca khúc với 6 giải A: Voi không đuôi (Lê Minh Sơn), Về bên mẹ (Lê Tự Minh), Đẹp nhất bông sen (Trương Quang Lục), Tháng năm rực rỡ (Nguyễn Hồng Sơn), Hồn buôn (Nguyễn Công Tích) và Mùa xa vắng (Trần Xuân Tiên).
Trong số đó, bài hát Đẹp nhất bông sen sáng tác: Trương Quang Lục (TP.HCM) lập “cú đúp” vừa đạt Giải A Giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam 2021, vừa nhận Giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc của các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.
Ca khúc thiếu nhi có 2 giải A: Thắp sáng những ngôi sao tương lai (Trần Nhật Bằng), Dòng sông cho em tiếng hát (Bùi Bá Quảng).
Ca khúc nghệ thuật có 1 giải A: Lá rơi (ý thơ: Lê Ngọc Nam, tác giả: Nguyễn Đình Thậm).
Ca khúc Thính phòng có 1 giải A: Vãng cổ du ca (Hòa tấu nhạc cụ phương Tây và bộ gõ Dân tộc, sáng tác: Nguyễn Ngọc Tú).
Chương trình biểu diễn xuất sắc nhất thuộc về DVD: Cảm ơn những thiên thần (Trần Thị Thanh Trà).
Tin: NGỌC BÍCH – Ảnh: TRUNG DŨNG
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z