Giáo dục nếp ứng xử với bản thân cho trẻ mẫu giáo


Trẻ em lứa tuổi mầm non chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và trí tuệ, vì vậy một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục mầm non là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đảm bảo cho trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, có thể tham gia tốt tất cả các hoạt động khác như học tập, vui chơi, lao động… nhằm phát triển trí tuệ, tình cảm, thể chất… Do đó, việc giáo dục nếp ứng xử với bản thân, trong đó có thói quen vệ sinh thân thể, cho trẻ mầm non có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp trẻ hiểu biết đúng đắn về sự cần thiết phải giữ gìn vệ sinh thân thể, đồng thời rèn luyện một số phẩm chất quan trọng như: tính tự giác, tính kiên trì, tính độc lập…

 

1. Khái niệm

Với tư cách là một phương thức ứng xử, thói quen vệ sinh thân thể được tự động hóa một phần trên cơ sở hệ thống phản xạ có điều kiện hay các động hình bền vững hình thành trên vỏ não nhờ quá trình lặp lại thường xuyên. Thói quen vệ sinh thân thể có nội dung tâm lý ổn định, bao gồm trật tự các thao tác vệ sinh hợp lý, hệ thống thái độ phù hợp với các thao tác vệ sinh gắn liền với nhu cầu của cá nhân, diễn ra trong những điều kiện ổn định về không gian, thời gian và những mối quan hệ nhất định (1).

Giáo dục thói quen vệ sinh thân thể (GDTQVSTT) cho trẻ mẫu giáo là hình thành và phát triển ở trẻ những hiểu biết, kỹ năng và thái độ đúng đắn đối với việc giữ gìn cơ thể luôn sạch sẽ, thoải mái, khỏe mạnh; đồng thời tác động đến tình cảm của trẻ để việc giữ gìn cơ thể luôn sạch sẽ trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày (2).

Việc GDTQVSTT cho trẻ ngay từ lứa tuổi mẫu giáo sẽ giúp trẻ có được một cơ thể khỏe mạnh, tạo tiền đề vững chắc để trẻ có thể tham gia vào các hoạt động khác như: vui chơi, học tập, lao động… nhằm phát triển toàn diện các mặt: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mỹ.

2. Phương pháp GDTQVSTT cho trẻ mẫu giáo

Việc GDTQVSTT cho trẻ mẫu giáo cần được tiến hành ngay đối với trẻ từ 3 – 4 tuổi. Ở lứa tuổi này, tư duy và ngôn ngữ của trẻ ngày càng phát triển, các mối quan hệ được mở rộng, trẻ vừa trải qua khủng hoảng tuổi lên 3 nên rất hiếu động và có nhu cầu tự khẳng định mình, muốn “tự mình làm tất cả”. Tuy nhiên, sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của trẻ còn rất hạn chế, các kỹ năng còn kém. Vì vậy, những thói quen vệ sinh cho bản thân rất cần thiết, giúp trẻ có thể tự khẳng định bản thân và tự bảo vệ sức khỏe của mình. Trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi rất nhạy cảm, nhanh chóng tiếp thu và nhớ rất lâu những điều mới lạ, phù hợp với nhu cầu của trẻ. Đồng thời khả năng phối hợp vận động đã tốt hơn nhiều so với tuổi nhà trẻ. Vì vậy, những hành động vệ sinh đơn giản có liên quan đến quá trình ăn, ngủ, vệ sinh… hằng ngày của trẻ được lặp đi lặp lại một cách đều đặn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành thói quen vệ sinh thân thể cho trẻ dễ dàng hơn, giúp trẻ ghi nhớ lâu hơn so với những lứa tuổi khác.

Phương pháp GDTQVSTT cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi là cách thức làm việc của giáo viên và trẻ, trong đó giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn trẻ hoạt động để tiếp thu những kiến thức, kỹ năng và hình thành thái độ đúng đắn, để từ đó, trẻ có nhu cầu, có ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ. Sau đây là những phương pháp có thể sử dụng để GDTQVSTT cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi.

Nhóm phương pháp dùng lời: phương pháp này được sử dụng để hỗ trợ cho các phương pháp khác như: trực quan, luyện tập, trò chơi… nhằm giúp cho tri giác trực tiếp của trẻ sáng tỏ hơn, tập trung hơn, trẻ hiểu vấn đề một cách sâu sắc hơn. Trong GDTQVSTT cho trẻ, giáo viên thường sử dụng các phương pháp dùng lời sau:

Phương pháp trao đổi (trò chuyện): là sự giao tiếp bằng lời có mục đích, có kế hoạch của giáo viên với từng trẻ hoặc nhóm trẻ, nhằm cung cấp và củng cố những kiến thức, kỹ năng và thái độ của trẻ đối với việc vệ sinh thân thể. Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện nên có thể tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, giáo viên có thể tận dụng mọi cơ hội để trò chuyện với trẻ trong các hoạt động hằng ngày.

Phương pháp kể chuyện: cung cấp và củng cố những tri thức cho trẻ thông qua các câu chuyện có nội dung phù hợp với mục đích cần giáo dục. Trong GDTQVSTT cho trẻ, phương pháp này được sử dụng nhằm tạo cho trẻ hứng thú đối với công việc vệ sinh thân thể, giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của nó đối với sức khỏe con người. Đồng thời, thông qua những hình ảnh minh họa cho những câu chuyện có nội dung giáo dục vệ sinh thân thể, giáo viên củng cố cho trẻ những kiến thức như: khi nào cần phải rửa tay, các đồ dùng vệ sinh để rửa tay, các thao tác rửa tay… Phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với nhiều phương pháp khác trong quá trình tổ chức các hoạt động (học tập, vui chơi, dạo chơi ngoài trời…), nhằm hướng trẻ tới việc giữ gìn vệ sinh thân thể.

Phương pháp giảng giải: được sử dụng để hỗ trợ cho các phương pháp khác như: quan sát, luyện tập, trò chơi… nhằm giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của việc làm vệ sinh, cách thực hiện các thao tác vệ sinh và các yêu cầu đối với công việc vệ sinh… hướng trẻ tới việc thực hiện đúng các thao tác vệ sinh thân thể.

Nhóm phương pháp trực quan – minh họa: gồm các phương pháp sử dụng những đối tượng hiện thực hay các vật mô tả làm đối tượng cho trẻ tri giác thông qua việc quan sát trực tiếp các đối tượng đó, nhằm làm cho việc tiếp thu những kiến thức, kỹ năng trở nên chính xác, dễ dàng hơn và giúp trẻ ghi nhớ lâu hơn. Nhóm phương pháp này không thể thiếu trong quá trình GDTQVSTT cho trẻ, gồm những phương pháp sau:

Phương pháp quan sát: là tìm hiểu, tri giác các sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh một cách có mục đích, có kế hoạch và tương đối lâu dài. Quan sát không những giúp trẻ nhận biết các thuộc tính bên ngoài của sự vật, hiện tượng mà còn giúp trẻ nhận biết sự biến đổi của hoàn cảnh xung quanh trong một quá trình. Trong GDTQVSTT cho trẻ, quan sát là quá trình tổ chức cho trẻ tri giác trực tiếp các đối tượng có liên quan tới việc vệ sinh thân thể một cách có mục đích, có kế hoạch, trong một khoảng thời gian nhất định, để cung cấp và củng cố những kiến thức, kỹ năng vệ sinh thân thể cho trẻ.

Phương pháp trình bày trực quan: được biểu hiện ở dạng trình bày các đồ vật, tranh ảnh, mô hình, băng hình…. có liên quan đến nội dung GDTQVSTT để hỗ trợ cho các phương pháp khác, nhằm củng cố và chính xác hóa những kiến thức, biểu tượng về việc vệ sinh thân thể của trẻ, giúp trẻ có thể vận dụng chúng khi luyện tập, thực hành.

Phương pháp làm mẫu: giúp trẻ ghi nhớ sâu hơn cách thực hiện từng thao tác, thứ tự thực hiện các thao tác để có thể thực hiện tốt hơn các công việc vệ sinh thân thể. Phương pháp này được sử dụng kết hợp với các phương pháp khác như: quan sát, giảng giải, trò chơi… sẽ có được kết quả tốt nhất.

 Nhóm phương pháp thực hành: gồm các phương pháp tổ chức cho trẻ tham gia trực tiếp vào các hoạt động nhằm khám phá những tri thức mới hoặc vận dụng những kiến thức đã có vào hoạt động thực tiễn, nhằm củng cố tri thức và rèn luyện kỹ năng. Nhóm phương pháp thực hành có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành thói quen vệ sinh thân thể cho trẻ mẫu giáo. Nhóm phương pháp thực hành gồm:

Phương pháp luyện tập: là tổ chức cho trẻ thực hiện các nhiệm vụ vệ sinh thân thể theo những yêu cầu của giáo viên, nhằm củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng trong quá trình cho trẻ luyện tập hình thành thói quen vệ sinh thân thể. Có hai cách giao nhiệm vụ. Thứ nhất, giao nhiệm vụ cho trẻ theo “mẫu có sẵn”, trẻ được quan sát và được giải thích rõ về các nhiệm vụ vệ sinh thân thể (phải làm gì và làm như thế nào…); sau đó trẻ phải thực hiện lại đúng như “mẫu có sẵn”. Với cách giao nhiệm vụ này, trẻ sẽ dễ dàng thực hiện nhiệm vụ được giao bởi trẻ chỉ cần ghi nhớ và tái hiện đúng như mẫu vừa quan sát. Thứ hai, giao nhiệm vụ cho trẻ theo điều kiện, trẻ chỉ được giới thiệu các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ (ví dụ: hãy lựa chọn những đồ dùng vệ sinh cần thiết để rửa mặt cho búp bê, hãy rửa tay cho búp bê bằng xà phòng…). Với cách giao nhiệm vụ này, yêu cầu đối với trẻ là phải nắm vững kiến thức về các điều kiện và cách thực hiện các thao tác trong mỗi công việc vệ sinh thân thể, nếu không, trẻ sẽ rất lúng túng.

Trong GDTQVSTT cho trẻ, việc tổ chức cho trẻ luyện tập phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Các nội dung và nhiệm vụ luyện tập phải được tiến hành từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Việc luyện tập có thể được tiến hành trong các hoạt động thực tiễn hoặc trong các trò chơi của trẻ.

Phương pháp trò chơi: thông qua việc tổ chức trò chơi cho trẻ, kích thích hứng thú, cung cấp và củng cố những kiến thức, kỹ năng vệ sinh thân thể, đồng thời thông qua đó, giáo dục trẻ có thái độ tích cực, tự giác đối với việc giữ gìn vệ sinh thân thể, bảo vệ sức khỏe của bản thân. Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo. Nó chi phối tất cả các hoạt động khác của trẻ như học tập, lao động… Do đó, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ (thể chất, trí tuệ, ngôn ngữ, tư duy, tưởng tượng…). Vì vậy, việc GDTQVSTT cho trẻ thông qua hoạt động vui chơi là một trong những biện pháp giáo dục phù hợp đối với sự phát triển của trẻ mẫu giáo.

Phương pháp động viên, khuyến khích, nêu gương: giáo viên thông qua hành động, lời nói của mình để bày tỏ thái độ đồng tình, khích lệ, giúp trẻ thêm tự tin, thích thú, tích cực, tự giác tham gia vào các hoạt động GDTQVSTT để chiếm lĩnh tri thức, kinh nghiệm. Trong quá trình GDTQVSTT cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi, phương pháp này cần được sử dụng thường xuyên nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là trong quá trình tổ chức luyện tập, thực hành các kỹ năng vệ sinh thân thể. Những lời động viên, khen ngợi kịp thời sẽ là động lực để trẻ tích cực hơn trong việc cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ thói quen vệ sinh thân thể.

3. Kết luận

Trên đây là một số phương pháp tiêu biểu có thể sử dụng để GDTQVSTT cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng, vì vậy, khi sử dụng nó cần phối hợp linh hoạt, đồng thời áp dụng nhiều phương pháp thì hiệu quả giáo dục sẽ được nâng lên. Bởi việc GDTQVSTT cho trẻ mầm non là vô cùng cần thiết, có tác động lớn đến sự phát triển toàn diện, cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng, thái độ đúng đắn đối với việc vệ sinh thân thể và bảo vệ sức khỏe của bản thân. Nếu không hình thành thói quen vệ sinh thân thể cho trẻ ngay ở lứa tuổi này thì sẽ rất khó sửa đổi ở những lứa tuổi lớn hơn.

______________

1, 2. Ngô Huyền Nhung, Một số biện pháp giáo dục thói quen vệ sinh thân thể cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi thông qua trò chơi đóng vai có chủ đề, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008.

 

Tác giả: Ngô Huyền Nhung – Dương Thị Thúy Vinh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *