Hoành phi, câu đối lưu giữ những giá trị đẹp về truyền thống văn hóa đạo đức. Đó là cách ông cha ta lưu truyền những lời răn dạy, mong muốn cũng như lịch sử của gia đình, dòng tộc mình mãi mãi về sau. Trong mỗi gia đình, nhà thờ của mỗi dòng họ,… hoành phi, câu đối lại có sự độc đáo, riêng biệt, thể hiện nét đặc trưng của dòng họ, cũng như mục đích giáo dục muốn hướng cho con cháu đời sau. Mặc dù được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau song nội dung và mục đích chung của hệ thống hoành phi, câu đối cuối cùng đều nhằm đến một số nội dung cơ bản như: giáo dục chữ hiếu, giáo dục chữ nhân, chữ nghĩa, lòng yêu nước và tình cảm yêu thương, đoàn kết trong gia đình, làng, nước.
Qua các hoành phi câu đối, chúng ta nhận thấy được sự uyên bác trong việc chọn lựa câu, chữ để thể hiện mong muốn của từng gia đình, dòng họ. Những từ ngữ được chọn để làm hoành phi, câu đối luôn được chọn lọc rất kỹ càng bởi chữ ít, ý nhiều hay một chữ thôi cũng gửi gắm bao tâm tư, tình cảm của con người. Nó thể hiện một phần những giá trị truyền thống mà người dân Việt muốn lưu giữ và truyền dạy cho con cháu muôn đời. Chính vì vậy, việc tìm ra những giải pháp nhằm khai thác giá trị đạo đức, triết lý nhân sinh của hoành phi, câu đối trong việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ là một công việc cần thiết và vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
1. Ý nghĩa của việc giáo dục văn hóa truyền thống qua hoành phi, câu đối
Hoành phi giống như tiêu đề trong một bài văn, nó có thể làm rõ tư tưởng chủ đề của một đôi câu đối. Hoành phi có vai trò làm nổi bật nội dung cần biểu đạt và tăng thêm ý nghĩa, có tác dụng khái quát thuyết minh cho câu đối. Từ góc độ phạm vi sử dụng cho thấy hai vế đối của câu đối thông thường được treo dán hai bên phải trái của cửa ra vào hoặc các cột trụ, được phối hợp thêm bức hoành phi treo trên mi cửa tạo thành một hình thế chữ môn. Câu đối kết hợp với kiến trúc đối xứng tạo thành một hình thức đẹp.
Treo hoành phi, dán câu đối là một sắc thái văn hóa của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa. Văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa giới hạn là các sinh hoạt tinh thần và tình cảm của con người trong quá trình chọn lọc để tiến tới chân, thiện, mỹ.
Ý nghĩa của đại tự viết trên hoành phi thường mang nội dung ca tụng công đức của tổ tiên hoặc tỏ lòng kính trọng của con cháu đối với tổ tiên: kính như tại (con cháu kính trọng tổ tiên, như tổ tiên luôn luôn tại vị trên bàn thờ); phúc mãn đường (gia đình đầy đủ phúc đức); bách thế bất thiên (bao giờ con cháu ăn ở cũng đúng mực, không thiên lệch)… Trên bức hoành phi còn có ghi niên hiệu năm làm vào mùa, tháng nào. Nếu là bức hoành phi do một người con cháu nào đó cúng thì có ghi tên tuổi người đó. Hoành phi có ghi tên người cúng phần lớn treo tại các nhà thờ tổ họ hay trưởng chi họ.
Với vẻ đẹp nho nhã cùng ý nghĩa sâu sa, hoành phi được lưu giữ, tồn tại trong nhiều không gian linh thiêng, xứng đáng là một di sản văn hóa Việt.
Giá trị hình thức của hoành phi, câu đối
Đối xứng về thanh là đặc điểm của các ngôn ngữ đơn tiết tính như tiếng Trung Quốc, tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác của Á Đông, do đó nó cho phép tạo ra sự đối xứng hoàn toàn trong hai câu văn, trong khi ngôn ngữ đa âm chỉ tạo ra sự đối ý.
Nhà thơ Liễu Tông Nguyên (773-819) đã ca tụng lối đối liên: Biền tứ lệ lục, cẩm tâm tú khẩu, nghĩa là câu văn tứ lục phát ra lời ý đẹp như gấm vóc.
Hoành phi, câu đối thường được viết hết sức ngắn gọn, lối tu từ, dùng từ cũng được chắt lọc cẩn thận, tỉ mỉ, thể hiện phong cách cũng như tài năng của người viết. Xưa kia, tùy người, tùy hoàn cảnh mà người ta xin chữ, cho chữ. Điều này thể hiện lối sống, văn hóa nho nhã của người dân Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Nó cũng phần nào phản ảnh tư tưởng, lối sống và cách tư duy của từng vùng, miền. Vì vậy, mặc dù sử dụng những từ ngữ đơn giản nhưng thông qua cách thể hiện, lối viết chữ và chất liệu được sử dụng khi viết luôn thể hiện được rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống của người Việt. Giá trị về hình thức góp phần tô điểm và làm sâu sắc thêm giá trị về mặt nội dung.
Giá trị nội dung của câu đối
Nội dung của câu đối có một giá trị trọng yếu trong đời sống tinh thần, đạo đức, luân lý cũng như tình cảm của người Á Đông.
Cụ Nguyễn Văn Ngọc viết: “Có được một câu đối hay treo trên tường, khác nào có một ông thày nghiêm, người bạn tốt ở trước mặt, ý nghĩa nó như biết nói năng, nét bút nó như muốn cử động, lại nhờ thêm được tay thợ khéo khắc, nước sơn tốt màu, thì thật là khiến cho người tặng, lúc đưa cũng phải hài lòng, người nhận lúc treo cũng phải thích chí và sau đó, bao nhiêu người trông, người đọc cũng phải tấm tắc khen như lấy làm ưa chuộng quyến luyến, như lấy làm khoái lạc mê say vậy. Văn chương tuyệt cú đấy, bức họa thần bút đấy, mỹ thuật đấy, kỷ niệm đấy, lưu danh thiên cổ cũng đấy”(1).
Đời sống tinh thần, đạo đức luân lý của người Á Đông chịu ảnh hưởng to lớn của Nho, Phật, Lão. Nho giáo là một hệ thống lý thuyết chính trị nhằm mục đích tái lập trật tự phong kiến, mong muốn quay trở lại thời hoàng kim Nghiêu, Thuấn. Ngày nay, tuy học thuyết này không còn vai trò độc tôn, nhưng nó vẫn duy trì được ưu thế với tư cách là một học thuyết nhân bản và quan niệm sâu sắc về luân lý xã hội, luân lý cá nhân.
Câu đối dù sử dụng bất cứ trường hợp hay hoàn cảnh nào thường là do các nho sĩ hay thày đồ làm ra. Cụ Phan Đình Long có nhận xét về gia trung đối liên: “Tôi thấy bất hạn nhà nào cũng có liễn thờ mấy đấng tiền nhân đã quá vãng. Tuy mấy câu liễn ấy, chỉ nghĩa biết ơn, tỏ dấu nhớ gốc tích, biết thỏa thuận. Song ở liễn thờ thì vậy mà con ở có hiệp liễn hay không, vẫn ở tại lòng con”.
Các câu đối là sự thực tập học đường ban sơ của các nho sinh bằng chữ Hán Việt. Thày đồ đặt ra câu đầu và học trò sáng tác các vế đối lại hoặc sóng đôi. Bởi sự tìm tòi các tư tưởng ứng với các ý tưởng sóng đôi hay đối nghịch, bởi sự phối trí và sự nhất quán của các thành phần trong câu văn, cái thi thố về đối liên tạo ra một môn thể dục thực sự trí tuệ, rất hữu ích cho sự phát triển tài năng trí thức của con người. Ngoài ra, sự sáng tác đó thường bộc lộ cái cá tính và năng khiếu của nho sinh. Ở đây, chính là cái trường hợp mà nói rằng văn phong chính là người.
Câu đối chỉ thực sự hay, có ý nghĩa khi chúng ta có những kiến thức đầy đủ về biền văn để có thể đặt ra các câu đối, bài văn, hay ít ra để nhập tâm các quy tắc mà chúng thống trị sự tạo ra chúng.
Đối diện với chốn thần tiên, trước một đền đài lịch sử, nhà nho sáng tác ra câu đối để ghi lại cảm tưởng của họ. Họ còn sử dụng chúng để hồi tưởng lại những câu chuyện xưa cũ, cảm tạ một tấm lòng, ca tụng những điều đạo đức tốt đẹp hay nói ý, nói kháy những thói hư tật xấu đương thời…
Cũng có những người lại thấy thích thú khi thử tài nhau bằng cách ra vế đối để phía bên kia đối lại cho hoàn tất các đối liên, xem ai đối hay, đối chỉnh với vế đối của người ra. Thậm chí đã có cả những cuộc bình luận, đánh giá về những vế đối hay, chỉnh, chuẩn và đúng luật, và đôi khi đó còn là một trong những tiêu chí để đánh giá về tài văn chương của các nhà nho.
Câu đối có khi còn được khắc trên cửa của các hang động, viết trên khung cửa, cột nhà. Hoặc tùy theo mục đích sử dụng mà có khi người ta viết câu đối trên vải, thêu trên lụa, khắc trên gỗ sơn đỏ bóng, cũng có khi người ta cẩn chúng trên xà cừ hay đồng, thậm chí cả trên đồ sứ, thủy tinh…
Những người có thú chơi câu đối thường tuyển chọn câu đối không chỉ nhằm mục đích cho các chất liệu được dùng có giá trị và cho sự hoàn tất của việc thực hiện, mà còn cho mỹ cảm của bài văn và nghệ thuật của thư pháp. Một đồ vật, một chất liệu mà được chạm khắc trên đó một câu đối hay, thư pháp đẹp thì càng nâng được giá trị của nó, qua đó cũng phần nào thể hiện cái phong nhã của người chơi.
Thực chất của câu đối chính là nghệ thuật chơi chữ, là cách rèn luyện cho người ta tài ứng phó nhanh nhẹn, hoạt bát. Nghệ thuật chơi chữ khiến cho những câu đối thực sự trở nên thâm thúy. Người ta ăn nhau cũng chính ở chỗ chơi chữ ấy. Khen nhau, chửi mắng nhau, dốt hay giỏi cũng chính nhờ mấy chữ ấy. Người ta có khi chỉ vì một câu đối khẳng khái, tài tình mà nên danh giá, anh em, kết tình chồng vợ…
Thông qua nội dung và hình thức thể hiện, hoành phi, câu đối của người Việt đã thể hiện rõ nét tư tưởng văn hóa, đạo đức tập tục cũng như quan niệm về cuộc sống, về cách đối nhân xử thế của dân tộc. Vì vậy, việc giáo dục cho thế hệ trẻ hiện nay về nội dung, ý nghĩa của hoành phi, câu đối và những ảnh hưởng đối với đời sống văn hóa dân tộc là điều rất cần được quan tâm đúng mức. Phát huy giá trị của hoành phi, câu đối cũng là bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần giúp cho người Việt hòa nhập với thế giới nhưng không bị hòa tan.
2. Một số giải pháp giáo dục văn hóa truyền thống qua hoành phi, câu đối
Giáo dục trong gia đình
Con người muốn trở thành người theo đúng nghĩa phải có giáo dục. Từ nhỏ con người không được giáo dục, lớn lên không khác gì cây hoang, cỏ dại ở ngoài đồng. Và nếu không được sống trong môi trường gia đình và xã hội thì cũng không khác mấy loài động vật.
Quá trình nuôi dưỡng, giáo dục con người bắt đầu từ bào thai của mẹ và khi cất tiếng khóc chào đời là ở trong môi trường gia đình. Sứ mệnh nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ khi mới ra đời không thể giao phó, chuyển nhượng cho ai có trách nhiệm hơn, tốt đẹp hơn là gia đình. Gia đình là trường học đầu tiên đối với cuộc đời của mỗi con người.
Hoành phi, câu đối lại là một trong những nét văn hóa được lưu giữ tương đối phổ biến trong các gia đình Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, việc giáo dục thế hệ trẻ trong mỗi gia đình thông qua hoành phi, câu đối không chỉ khai thác những giá trị của hoành phi, câu đối mà còn góp phần lưu giữ một nét văn hóa xưa. Chúng tôi xin nêu một số biện pháp cụ thể nhằm giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ qua hoành phi, câu đối trong gia đình :
Một là, khôi phục lại hệ thống các nhà thờ họ, từ đường, có ý thức bảo tồn, lưu giữ các nếp nhà cổ, hệ thống hoành phi, câu đối của các dòng họ, cổ vũ việc người dân bảo vệ các ngôi nhà cổ trước sức mạnh đô thị hóa hiện nay. Hơn nữa, cần hợp nhất tư tưởng của hệ thống hoành phi, câu đối với hệ tư tưởng trong các điều lệ của dòng họ để có sự nhất quán trong giáo dục và truyền dạy tư tưởng đạo đức.
Hai là, nhân rộng việc tìm hiểu về hoành phi, câu đối và làm hoành phi, câu đối, có thể không chỉ là chữ Hán hay chữ Nôm mà bằng chữ quốc ngữ bởi làm hoành phi, câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm là rất khó khăn, đòi hỏi một trình độ hiểu biết nhất định, ít nhất cũng phải biết tiếng Hán, thông thạo việc sử dụng ngôn ngữ… Mở các cuộc thi sáng tác hoành phi, câu đối bằng chữ quốc ngữ trong những dịp đặc biệt của làng, xã (các ngày hội làng hay giao lưu văn hóa giữa các làng, xã với nhau) theo những chủ đề nhất định và có sự tổng hợp, ghi chép lại, trao giải thưởng… để tạo động lực cho việc nhân rộng mô hình này. Không chỉ vậy, cần tiến hành thu thập, lưu giữ hình ảnh về hoành phi, câu đối và tạo điều kiện tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dòng họ, các làng nhằm thể hiện nguồn gốc, ý nghĩa và sự hiểu biết về hoành phi, câu đối của dòng họ mình. Các buổi giao lưu như vậy sẽ tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ với nhau và cùng nhau chung sức lưu giữ những giá trị tốt đẹp trong hoành phi, câu đối.
Ba là, tại các nhà thờ họ, trong các buổi sinh hoạt tập thể của cả họ, cần nâng cao việc giáo dục đạo đức cho mọi người, nêu gương các gia đình kiểu mẫu để mọi người phấn đấu học hỏi. Hơn nữa là việc nêu ý nghĩa của các hoành phi, câu đối để truyền đạt lại lời dạy bảo của tiền nhân đối với hậu bối, từ đó tạo sức mạnh bền bỉ cũng như sợi dây xuyên suốt lưu giữ những giá trị văn hóa lâu bền.
Giáo dục trong nhà trường
Trước hết, nhà trường cần góp phần nâng cao tinh thần tự giáo dục của người dân, như vậy dân trí sẽ tăng và tự nhận thức một cách chính xác về những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Từ đó, tinh thần tự bảo tồn, lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, quê hương được nâng cao, trong đó có việc nâng cao hiểu biết của người dân về giá trị và ý nghĩa của việc sử dụng hoành phi, câu đối trong gia đình.
Câu đối là một thể loại được sử dụng rất nhiều trong văn học dân gian Việt Nam, đặc biệt là trong những câu chuyện về những trạng nguyên nhỏ tuổi trong lịch sử, đó cũng là một trong những nội dung giáo dục trong nhà trường. Để việc giáo dục cho thế hệ trẻ qua câu đối có hiệu quả, giáo viên không chỉ dừng lại ở việc kể những câu chuyện mà cần giảng giải một cách cụ thể ý nghĩa của các câu đối được sử dụng trong đó.
Hơn thế nữa, việc giáo dục trong nhà trường cần có thực tiễn, tránh sáo rỗng. Cần thành lập các câu lạc bộ dành cho những người yêu hoành phi, câu đối để sưu tầm, tìm hiểu và lưu giữ lại những nét văn hóa tinh hoa của truyền thống dân tộc.
Giáo dục trong các tổ chức chính trị xã hội
Do việc hiểu chữ Hán ngày nay không còn phổ biến, vì vậy, tại các di tích đình, chùa, miếu, nhà thờ, từ đường… nên nhờ những người có vốn hiểu biết sâu rộng về chữ Hán dịch và chỉ ra ý nghĩa một cách chính xác để tiến hành ghi chép, sao lưu lại làm tài liệu giáo dục cho các thế hệ sau. Bên cạnh đó, cần phiên âm, dịch nghĩa nhằm giải thích, tạo hứng thú cho người tìm hiểu.
Các cơ quan chức năng cần phối hợp giúp người dân giải quyết những vấn đề quan trọng để bảo vệ, gìn giữ những nếp nhà cổ, việc tiến hành tu bổ, sửa chữa cần có sự giúp đỡ của các chuyên gia, sự hỗ trợ vấn đề tài chính nhằm giữ nguyên kết cấu ban đầu của nếp nhà cổ, hoành phi, câu đối, di tích…
Hơn nữa xu hướng quay trở về với Nho giáo – học chữ Hán, hay việc chơi hoành phi, đại tự… ngày càng được nhân rộng. Đó là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên chúng ta cần có sự định hướng đúng đắn trong việc sử dụng nó nhằm mục đích giáo dục chứ không chỉ dừng lại ở việc trang trí hay trưng bày. Như vậy hoành phi, câu đối mới có thể phát huy hết những giá trị tốt đẹp tiềm tàng trong nó.
Hoành phi, câu đối đã, đang và sẽ là một trong những vật dụng lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và lâu bền của gia đình, dòng họ và cả dân tộc. Chính vì thế, việc áp dụng các biện pháp hợp lý sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc giáo dục thế hệ trẻ qua hoành phi, câu đối.
_______________
1. Nguyễn Văn Ngọc, Câu đối, Vĩnh Hưng Long thư quán, Hà Nội, 1931, tr.7.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014
Tác giả : Trần Trung Dũng
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn