Những địa danh có sự hội tụ đầy đủ ba yếu tố: núi, đồng bằng, biển rất hiếm ở nước ta. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu về phong thủy, những địa danh như vậy được xem là vùng đất linh, sản sinh ra nhiều nhân kiệt. Hàm Rồng là một địa danh hội tụ các yếu tố như vậy.
1. Mở đầu
Thập kỷ 60 của TK XX, nhiều học giả đã ví “Thanh Hóa là một nước Việt Nam thu nhỏ”. Với diện tích trải rộng trên 200km2 nằm ở lưu vực sông Mã, có núi, thung lũng, đồng bằng và biển, Thanh Hóa còn có một chiều dài lịch sử bền chặt với lịch sử dân tộc, “Thanh Hóa không phải chỉ là một tỉnh, đó là một xứ” (1).
Xét tổng thể, chỉ vùng Hàm Rồng hội đủ các yếu tố: núi, đồng bằng, biển. Vùng Hàm Rồng còn được ví như cảnh quan đại diện cho Thanh Hóa hay “tỉnh Thanh Hóa thu nhỏ”. Yếu tố núi được minh chứng bằng dãy núi Đông Sơn phía Tây Bắc kéo dài xuống Đông Nam; phía Tây là dãy núi Phượng Hoàng, An Hoạch, Chồng Mâm kéo dài ra biển ở phía Nam. Các dãy núi uốn lượn tạo nên một Hàm Rồng với cảnh quan khác biệt, hiện diện ngay giữa đồng bằng châu thổ sông Mã. Quanh vùng vẫn còn nhiều ngọn núi nằm rải rác, được đặt tên gắn với những con vật thiêng như: núi Voi, núi Ngựa, núi Rùa, núi Mèo…
Vua Lê Thánh Tông từ khi lên ngôi (1460), trong suốt thời gian trị vì đất nước đã có 11 lần về thăm quê hương Lam Sơn. Trên đường về quê hay trở lại kinh kỳ, thuyền rồng của vua bao giờ cũng phải đi qua ngã ba Giàng (chính là ngã ba Đầu ngày nay) sau đó rẽ ngược phía Tây theo dòng sông Chu về với Lam Sơn hùng vĩ.
Ngã ba Đầu có vị thế địa kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng. Tuy nhiên, sự ra đời tên gọi ngã ba Đầu hiện vẫn chưa có những luận giải thuyết phục. Nhìn vào địa tự nhiên cũng thấy rõ, đây là ngã ba cuối cùng tính từ đầu nguồn sông Mã theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, nhưng lại là Ngã ba đầu tiên nếu tính theo chiều ngược lại. Theo quy luật sinh hoạt bao đời nay của người dân vùng sông Mã, sau mỗi ngày lao động trên đồng ruộng, đến chiều tối người nông dân lại gom sản vật – thành quả của những ngày lao động vất vả, đưa lên những con thuyền, đến khi trời chập choạng tối, người dân tất bật chèo thuyền ngược dòng sông Mã, để rồi cả đêm lênh đênh trên con thuyền độc mộc. Đến mờ sáng, các con thuyền này cập ở bến sông, chủ yếu là các ngã ba: ngã ba Đầu (Thiệu Khánh), ngã ba Bông (Hà Trung), ngã ba Cửa Hà (Cẩm Thủy), ngã ba Đồng Tâm (Bá Thước). Các bến sông luôn tấp nập với những cuộc trao đổi nông phẩm giữa cư dân các vùng, miền xuôi ngược. Việc trao đổi diễn ra nhanh chóng, khẩn trương, khi trời chưa kịp sáng, các “chợ nổi” đã tan. Những người nông dân lại hối hả xuôi dòng để kịp về tiếp tục công việc đồng áng của một ngày mới. Phải chăng, theo quy luật này nên tên gọi ngã ba Đầu ra đời, với ý nghĩa ngã ba đầu tiên của dòng sông Mã theo hướng Đông Nam lên Tây Bắc?
Ngã ba Đầu suốt một thời gian dài là đầu mối giao thương quan trọng xứ Thanh. Vị trí này có thể thông thương với hầu khắp các huyện, trấn, thuộc ba miền trong tỉnh. Vua Lê Thánh Tông đã viết bài Tam Kỳ Giang (Ngã ba sông) được ghi trong Quốc âm thi tập, cũng là áng thơ cổ nhất về vùng đất Dương Xá còn truyền lại: Dòng tuôn ba ngã lạ lùng sao!/ Bát ngát đòi xem mặt bích đào/… Cá ăn mặt nước tan vầng thỏ/ Triều rõ đầu non lụt bóng giao (giao long)/ Xẩy thấy một nguồn trong thuở ấy/ Dường như ngư phủ lạc nguồn đào.
“Nguồn đào” được ví là lối vào dãy núi Bàn A – Bằng Trình thuộc sơn hệ Hàm Rồng. Điểm này được dân gian ví như cái đuôi vểnh cong lên của con rồng Đông Sơn. Phong cảnh ngã ba Giàng nổi tiếng với mười cảnh đẹp, trong sách Đại Nam nhất thống chí cũng đã chép 10 cảnh đẹp ở khu vực này. Mười cảnh đẹp này như mười chủ đề được các nhà thơ đua nhau xướng họa, ngâm vịnh. Điển hình là nhà thơ Ninh Tốn (TK XVIII) đã sáng tác gần hết 10 đề và bài nào cũng có lời hay, ý đẹp.
2. Yếu tối núi, đồng bằng, ven biển
Hàm Rồng nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, dẫu vào Nam, ra Bắc, sang nước Lào, tiến ra biển Đông hay đi sang các tỉnh bạn: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Sơn La đều phải qua Hàm Rồng. Cùng với Lễ Môn, Hàm Rồng xưa đã từng là bến cảng lớn với nhiều thuyền bè qua lại. Vị trí cận núi, cận sông, cận biển, vùng Hàm Rồng có cấu tạo phong cảnh tự nhiên hiếm có theo đặc thù tự nhiên Việt Nam. Dãy Đông Sơn uốn lượn còn được liên tưởng như một con rồng lớn đang hút nước ở những cánh đồng chiêm phun ra dòng sông Mã, miệng rồng nằm ngay chân cầu Hàm Rồng chếch về phía Nam, dân gian gọi là Long Hạm.
Cặp tình nhân núi Rồng – sông Mã đã được rất nhiều danh sĩ ca tụng. Dòng sông duyên dáng uốn mình, uyển chuyển như vòng tay ôm ngang núi, núi nghiêng đầu soi bóng xuống dòng nước như tạc hình ảnh mình vào lòng sông. Mối tình sông núi gắn bó hài hòa, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, đặc biệt, khi xuất hiện thêm cây cầu thế kỷ nối liền đôi bờ Hàm Rồng – núi Ngọc.
Núi Ngọc (Hỏa Châu) tương truyền là “quần long tranh châu” (đàn rồng tranh hạt châu), cũng có người nói là “long thổ châu” (rồng nhả châu), rồi “long húy châu” (rồng giỡn ngọc châu). Trước đây còn có bến đò Hàm Rồng là con đường giao thông đi lại các miền hạ du của hai tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình. Người ta hay gặp cảnh “tiếng ngư trong núi, bóng tiều ngoài sông”, “Hàm Rồng nô nức tiếng đồn om…”… Theo sách Đại Nam nhất thống chí, An Nam chí của Cao Hùng Trưng chép rằng: “Núi đẹp trông ra sông Định Minh (tức sông Mã đoạn chảy qua Hàm Rồng) lên cao trông ra xa thấy nước trời một sắc giai cảnh…”. Trong sách Nam chí nói về danh thắng của nước Nam, tất cả có 21 nơi mà đệ nhất là Long Đại (Hàm Rồng).
Núi Hỏa Châu trước kia thuộc hai xã Từ Quy và An Vực, nằm về phía Bắc huyện Hoằng Hóa. Núi này bắt đầu từ núi Long Hạm kéo sang, qua sông có một ngọn đứng sừng sững ngay chân cầu. Thế núi tuy nhỏ, nhưng toàn là núi đá. Đứng trên châu thóp, những bậc như ngọn lửa cho nên đặt là Hỏa Châu (hạt châu bằng lửa). Về phía Tây có chùa Tiên Đồng cùng với động Long Quang trên núi Long Hạm nằm đối nhau. Trên đỉnh núi trồi lên một miếng đá, trông giống dáng người, gọi là miếng đá Thần Đồng. Cũng vì thế có tên gọi khác là Nhi Phong (hai núi trẻ con). Về phía Nam chân núi bên Đông có một cái đầm sâu, nước như xếp lụa, tương truyền đó là “ngòi bút sung thiên”, nên nền văn học ở 2 tổng Từ Quang, Hành Vĩ rất thịnh, người đăng khoa phần nhiều là trạc thiếu niên.
Án ngữ xa phía Nam vùng Hàm Rồng là dãy núi Chồng Mâm, mỗi ngọn núi đều gắn với truyền thuyết, huyền thoại. Đặc biệt hơn cả chính là cụm thắng tích núi Nhồi, với huyền thoại về lòng thủy chung, trách nhiệm của người vợ chờ chồng mà hóa đá (hòn vọng phu) trên đỉnh núi, thách thức cùng thời gian.
Cảnh quan sinh thái vùng Hàm Rồng là sự pha trộn đầy đủ các yếu tố núi, rừng, đồng bằng, biển, tạo nên sự phức hợp đa dạng, hấp dẫn. Với sự tích hợp tự nhiên qua quá trình phát triển của lịch sử đã làm nên một vùng Hàm Rồng như tranh vẽ, đặc sắc, nằm ở tâm điểm của xứ Thanh. Vị trí cận núi, cận biển, cận sông đã làm Hàm Rồng trở nên linh khí, thiêng liêng bội phần.
Phong thủy vùng Hàm Rồng được xem là linh thiêng nhất xứ Thanh. Tại Hàm Rồng có một điểm eo thắt được ví như một huyệt đạo. Sông Mã từ thượng nguồn chảy xuống với nhiều đoạn dốc lớn, khúc khuỷu, chảy về đến đồng bằng (vị trí huyện Vĩnh Lộc ngày nay) dòng sông trở nên hiền hòa hơn và dòng chảy thả sức mở rộng, tạo nên một dải phù sa màu mỡ hai bên bờ. Nhưng khi đến Hàm Rồng, tự nhiên dòng chảy bị thắt nút lại do gặp phải hai ngọn núi Rồng, núi Ngọc án ngữ, buộc nó phải oằn mình, ép dòng chảy len vào giữa hai ngọn núi, tạo ra một khoảng cách giữa núi Ngọc và núi Rồng chưa đầy 100m. Sự ứng đọng nước trên vài chục km ở đồng bằng, đã đổ dồn về Hàm Rồng, đến điểm thắt đã tạo thành một dòng chảy xiết, xoáy ngầm dưới đáy sông trên một mặt nước phẳng lặng. Dòng chảy xiết đến mức người xưa quan niệm chỗ ấy là tẩy thủy. Bên cạnh núi Rồng còn tạo ra một dòng nước quẩn chảy ngược vào trong các hang động. Phía trên là Long Quang (mắt rồng), dưới là Long Hạm (hàm rồng), bên kia là Châu Sa (hạt ngọc). Do vậy, các quan lại thường lựa chọn vị trí này để đặt hài cốt cha mẹ với mong muốn mang lại phúc lớn trường tồn, phúc ấm cho gia đình, dòng họ.
Hàm Rồng với thiên nhiên kỳ thú, gắn với đạo của con người trong Đạo giáo thần tiên nên có giá trị rất lớn về mặt cảnh quan sinh thái tự nhiên và cả giá trị tâm linh. Ngày nay, khi xây dựng một số công trình tại đây, rất nhiều mộ táng được phát hiện, chứng tỏ nơi đây rất thiêng. Đặc biệt, cách cầu Hàm Rồng không xa là Thành Tư Phố xưa, nơi chứng kiến những trận đánh lớn, có nhiều người lính đã tử trận. Khoảng thời gian 1530 – 1583 cuộc xung đột Trịnh – Mạc diễn ra gay gắt, dòng sông Mã là tâm điểm của cuộc chiến tranh khi hai thế lực sử dụng dòng sông như con đường thượng đạo trong di chuyển. Trận đánh tháng 8 năm 1555 trong Đại Việt sử ký toàn thư chép lại: “Quân giặc chết nhiều, xác nghẹn cả sông, nước sông đỏ lòm. Thu được khí giới nhiều không kể xiết. Mấy vạn quân giặc chết gần hết. Kính Điển sợ vỡ mật, thu nhặt tàn quân quay về Kinh sư” (2).
Đến TK XX, Hàm Rồng là nơi chứng kiến tinh thần quật cường, anh hùng của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cảnh quan tự nhiên đặc biệt hòa quyện với những giá trị tâm linh độc đáo đã làm nên một Hàm Rồng đẹp như bức tranh thủy mặc.
3. Kết luận
Nghiên cứu về quá trình phát triển của con người không thể tách rời môi trường tự nhiên. Tính tương đồng trong môi trường sống với một cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn là điều kiện tốt cho quá trình tụ cư, phát triển của con người, đồng thời là môi trường lưu giữ tốt nhất các giá trị văn hóa nảy sinh từ cộng đồng dân cư. Con người và tự nhiên từ xa xưa như một quy luật bất biến luôn tương tác, để thích nghi và phát triển. Thiên nhiên đôi khi trở thành cảm hứng cho con người lao động, sáng tạo các giá trị. Ở vùng Hàm Rồng, sự kết hợp hài hòa giữa con người và môi trường tự nhiên có thể xem là cội nguồn cho việc sáng tạo các giá trị văn hóa mới mang tính liên tục. Có rất nhiều giá trị văn hóa đặc trưng ở vùng Hàm Rồng mang nguồn gốc từ điều kiện tự nhiên như: hò sông Mã, dân ca, dân vũ Đông Anh… đến các tín ngưỡng thờ các đấng tự nhiên.
Như vậy, về cảnh quan sinh thái tự nhiên, Hàm Rồng là vùng hội đủ các yếu tố đặc trưng núi, đồng bằng, biển mang tính đại diện cho cảnh quan sinh thái xứ Thanh. Cảnh quan đặc biệt đã giúp Hàm Rồng trở nên linh thiêng, là vùng đất có cảnh quan sinh thái tự nhiên độc đáo nhất xứ Thanh.
______________
1. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, Địa chí Thanh Hóa (văn hóa – xã hội), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.30.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.129.
Tác giả: Nguyễn Thị Thục
Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay