Hát ghẹo phú thọ và quan họ bắc ninh


1. Nguồn gốc thể loại qua các truyền thuyết

Hát ghẹo

Có nhiều truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc ra đời của hát ghẹo, nhưng chúng tôi chú ý nhất tới chuyện đình làng Nam Cường bị cháy. Dân làng Nam Cường gom góp tiền bạc, thóc gạo rồi chọn một tốp trai làng đi ngược sông Hồng đến sông Bứa, rồi lại ngược sông Bứa tìm đến những bản ở sát vùng rừng có gỗ quý để mua về dựng lại đình. Người dân xã Thục Luyện đã giúp đỡ trai làng rất tận tình, họ đi tìm những cây gỗ tốt, đẵn gỗ rồi mang xuống sông Bứa, kết thành bè cho trai làng xuôi về. Bè gỗ xuôi sông Bứa đến xã Hùng Nhĩ thì mắc cạn, đám trai làng cố gắng kéo mà bè vẫn không di chuyển được. Người dân xã Hùng Nhĩ ra giúp, lúc cùng nhau kéo bè gỗ ra khỏi chỗ mắc cạn, trai, gái hai làng cùng nhau hò hát rất vui. Bè gỗ thoát khỏi chỗ mắc cạn, đám trai làng hẹn các cô gái Hùng Nhĩ về Nam Cường dự hội rồi cùng nhau ca hát… hát ghẹo ra đời từ đó.

Hát quan họ

Có 3 truyền thuyết được lưu truyền tương đối phổ biến như sau:

Thứ nhất: Con gái thứ 6 của vua Hùng xinh đẹp, nết na, đến tuổi cập kê nhưng không đoái hoài đến việc chọn phò mã, mà chỉ thích ngao du sơn thủy. Nàng xin vua cha một con thuyền và chọn 49 đôi trai gái không cùng dòng họ, hàng ngày xuôi ngược dòng sông Cầu để tìm đất trồng lúa, trồng dâu. Một hôm giông bão ập tới, xô thuyền trôi vào vùng đất hoang sơ. Họ ở lại đây khai khẩn vùng đất hoang này thành vùng đất trù phú. Khi trồng cây, hái quả hay ngắm trăng, công chúa đều dạy cho 49 cặp trai gái này ca hát. Lúc đất đai được mở rộng cũng là lúc họ thuộc được nhiều bài hát. Họ được công chúa xe duyên và phân mỗi cặp ở một vùng riêng, sau này thành 49 làng quan họ. Sau khi công chúa mất, họ đặt đền thờ ở làng Diềm và tôn vinh là Vua bà thủy tổ quan họ. Hàng năm, ngày mồng 6 tháng giêng, làng Diềm mở hội tại đền, trước là xin cho dân được an khang thịnh vượng, sau là trai gái ca hát mừng xuân. Lối hát này gọi là hát quan họ (1).

Thứ hai: Có hai ông quan, một người làng Diềm, một người làng Bịu, chơi với nhau rất thân thiết. Hai ông giao ước rằng, nếu trong họ của hai người có cưới xin hay khao vọng, thì sẽ mời cả hai họ về dự. Trong các cuộc ấy, đều có hát đúm đối đáp. Lối hát đó được lưu truyền đến nay, và lối hát của hai họ nhà quan này được gọi là hát quan họ.

Thứ ba: Chúa Trịnh đi du xuân, thấy một người con gái vừa cắt cỏ trên núi chè, vừa hát: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Trăm ngàn cây cỏ lai hàng tay ta”. Tiếng hát hay, khiến quan quân phải họ lại (dừng lại) để nghe. Thấy người đẹp hát hay, bài hát lại chứa đựng khẩu khí trị bình, chúa mời về cung, trở thành bà chúa. Dân cho rằng tiếng hát ấy tạo nên may mắn, hạnh phúc, nên đua nhau học hát. Tiếng hát ngày càng lan rộng, ngày càng bày đặt ra nhiều, trở thành lối hát gọi là hát quan họ (2).

Từ những truyền thuyết trên có thể thấy nguồn gốc ra đời của hát ghẹo, hát quan họ không giống nhau. Hát ghẹo sản sinh từ dân gian, còn hát quan họ do con gái vua Hùng truyền dạy, vừa là lối hát của nhà quan. Tuy nhiên, cả hai thể loại độc đáo này đều được lưu truyền từ chính làng xã mà nó ra đời.

2. Phong tục, tập quán, tín ngưỡng

Tục kết nghĩa

Tục kết nghĩa, kết chạ thực ra đã có từ lâu đời, xuất hiện ở nhiều vùng trên đất nước ta, có thể do các làng cùng thờ chung một thần, hoặc thờ ông tổ dòng họ, hay chung nguồn nước để canh tác nông nghiệp, có kẻ thù chung… Nếu lược bỏ những hủ tục lạc hậu, những yếu tố rườm rà, thì đây là một tục đẹp mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Những làng kết nghĩa, kết chạ luôn coi nhau thân tình như anh em một nhà, vì thế ngày xưa có quy định chặt chẽ trai gái hai làng kết nghĩa không được kết hôn với nhau. Các làng luôn tôn trọng bạn kết nghĩa, thường gọi nhau là anh, chị và tự nhận mình là em. Cách xã giao này không phải là lời nói cửa miệng, mà xuất phát từ tình cảm sâu sắc, chân thành.

Trong sinh hoạt hát ghẹo ở Phú Thọ, hát quan họ ở Bắc Ninh, tục kết nghĩa, kết chạ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Sinh hoạt quan họ có thêm tục kết bạn diễn ra trong các ngày hội. Quan họ nam đi tìm quan họ nữ, mời trầu, sau đó họ hát đối đáp, thấy vừa ý, hai bên hẹn nhau ngày ngỏ lời chính thức. Đến hẹn, ông trùm hay anh cả đến nhà bà trùm đại diện cho bên nữ xin kết bạn. Hai bên thống nhất ngày, bên nam sửa trầu cau, hương hoa mang sang bên nữ xin cụ đám dâng lên đình làm lễ trước sự có mặt của dân làng. Nó không chỉ có ý nghĩa trong ca hát, mà trong đời sống thường nhật còn giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau cả khi vui lẫn khi buồn.

Tục kết bạn quan họ không cho phép các liền anh, liền chị lấy nhau. Có lẽ, đó là một trong những nguyên nhân làm cho cách chơi quan họ trở nên rất thanh tao, kiểu cách, trang nhã. Điều này đã đẩy người chơi vào trạng thái thăng hoa về tình cảm cao độ, đôi khi tình cảm lãng mạn ấy thoát ly khỏi cuộc sống đời thường làm họ quên đi bản năng giới tính, vì thế mà quan họ càng trở nên dặt dìu, lai láng hơn trong giai điệu âm nhạc. Thực tế, ở một số làng quan họ kết nghĩa vẫn có những cặp liền anh, liền chị kết hôn với nhau. Có lẽ sau những cuộc hát giao duyên, mọi người trở về với bản năng giới tính, trở lại với thực tế cuộc sống, không còn mộng mơ, lãng mạn mà phá bỏ luật để thành vợ, thành chồng (3). Đó cũng là một cách nhìn nhận, nhưng theo chúng tôi, những trường hợp như trên chắc còn nhiều lý do khác, chẳng hạn họ say mê nhau vì thanh, sắc, vì đức độ trong cuộc sống, hoặc do thiết chế, quy tắc của những làng đó có thể có lúc hơi lỏng lẻo…

Tục thờ thần

Hội làng của người Việt là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần cộng đồng, nơi mọi người tưởng nhớ tới công ơn của các vị thần. Đồng thời cũng là nơi phô diễn những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian, nơi trai gái tỏ tình, giao duyên. Sinh hoạt hát ghẹo, hát quan họ luôn được coi là một bộ phận cấu thành hội làng, có chỗ đứng nhất định trong không gian thiêng ấy.

Điểm giống nhau giữa các làng hát ghẹo và hát quan họ là đều có tục thờ thần. Những thần được thờ là vua Hùng, các tướng lĩnh của vua Hùng, của Hai Bà Trưng…, hay những người có công khai làng lập ấp, hoặc thủy tổ các ngành nghề.

Cả hát ghẹo và hát quan họ đều phải tế thần ở đình trước khi nam nữ hát đối đáp giao duyên. Đối với hát quan họ, tế thần trực tiếp bằng các bài chúc, với nội dung chủ yếu là cầu mong các vị thần linh che chở, phù trợ cho dân làng bình yên, có cuộc sống an khang, thịnh vượng. Còn với hát ghẹo, không tế thần trực tiếp, mà sau khi tế lễ xong ở đình, họ mới đi về địa điểm khác để hát đối đáp, giao duyên.

3. Cơ cấu tổ chức, địa điểm và trang phục

Cơ cấu tổ chức

Không phải thích hát, hoặc thích đi hát thế nào cũng được, mà trước ngày hội diễn ra, đều phải có Hội cầu diên, tập hợp các cụ cao niên có uy tín, kinh nghiệm bàn bạc thấu đáo những công việc của làng. Những người đi hát cũng được lựa chọn kỹ càng. Phải có một người đứng đầu, hát ghẹo gọi là ông trùm, bà trùm. Hát quan họ người đứng đầu cũng gọi tương tự, hoặc gọi là anh cả, chị cả. Những người tham dự đều có giọng hát hay, có sắc, gia đình không có chuyện buồn, phải luyện tập kỹ càng từ trước khi tham gia.

Bên cạnh những điểm chung, cơ cấu tổ chức ở mỗi thể loại dân ca lại có những đặc điểm khác biệt:

Đối với hát ghẹo, tùy thuộc vào từng năm, làng sở tại mất mùa hay được mùa. Nếu năm mất mùa thì không tổ chức lễ lớn, không giao lưu giữa các làng, đồng nghĩa với việc không tổ chức hát ghẹo. Ngược lại, nếu được mùa thì mời làng nước nghĩa sang từ 14 – 20 người: Các chị được chọn là những người có giọng hát tốt, nhớ được nhiều câu, nhiều giọng, còn trẻ không bận rộn, đặc biệt không có tang trở gì, trạc tuổi từ 16 đến 20. Nước nghĩa được mời cử đi một hai ông già và chừng 12 thanh niên nam cũng có những điều kiện và độ tuổi tương đương hoặc già dặn hơn một chút. Các anh cũng ôn luyện ca hát với nhau trước để chờ ngày đi dự tế lễ và ca hát (4).

Đối với hát quan họ, những người đi hát thường tập hợp nhau lại thành bọn quan họ. Mỗi làng có một đến nhiều bọn quan họ. Mỗi bọn hoặc toàn là nam, hoặc toàn là nữ, tuổi từ 15 đến 17, bọn nam gọi là liền anh, bọn nữ gọi là liền chị. Cũng giống như hát ghẹo, các liền anh, liền chị phải xinh xắn, có giọng hát hay, gia đình không có chuyện buồn. Người đứng đầu liền anh gọi là ông trùm hay anh cả, đứng đầu liền chị gọi là bà trùm hay chị cả. Những người này không tham gia ca hát mà chỉ đóng vai trò tổ chức, chỉ đạo và giao tiếp.

 Địa điểm

Về địa điểm và không gian diễn xướng, ngoài việc phỏng đoán về nguồn gốc ra đời của từng thể loại ca hát thì các truyền thuyết nêu trên cũng phần nào hé lộ địa điểm diễn xướng gắn với từng thể loại đó. Trên thực tế, hát ghẹo, hát quan họ đều có địa điểm và không gian diễn xướng khác nhau:

Hát ghẹo là hình thức dân ca trữ tình, hát đối đáp trao duyên của trai gái, giữa hai làng kết nghĩa anh em (còn gọi là hát nước nghĩa). Tuy được tổ chức vào những dịp hội hè giao hảo giữa các làng, nhưng không hát trong khi tế lễ, cũng không phải là tiết mục ghép để mua vui của cuộc lễ kéo dài. Bởi thế, nội dung của hát ghẹo không phản ánh việc tế lễ cầu cúng, không bị quy định ngặt nghèo bởi các hèm tục của cuộc tế lễ đó. Do tính chất đó, nên địa điểm của hát ghẹo không phải ở đình, mà sau khi việc tế lễ đã hoàn tất, người ta đến nhà của một người trong làng để hát. Về mặt địa điểm thì hát ghẹo cũng giống như hát quan họ (khi hát ở nhà), hát đưa thuyền, đẩy thuyền ở vùng đồng bằng: “Các quan trùm, quan anh là khách thì ngồi ở trên sập, trên giường ở giữa nhà. Các bà trùm, các chị ngồi ở nền nhà hoặc ngồi trên dẫy giường của gian bên cạnh” (5).

Hát quan họ chủ yếu hát vào mùa xuân, được lan tỏa trong một không gian tương đối rộng – 49 làng. Địa điểm hát có thể trên thuyền, trên đồi, trong nhà… Những ngày hội làng, bọn quan họ kết bạn chơi với nhau, trước khi hát phải vào đình hát chúc thờ thánh. “Hát chúc thánh ở đình, bản thân nó, không phải là một nghi lễ độc lập mà chỉ là một nghi thức có tính chất trình diện của các bọn quan họ trước làng nhằm mục đích bẩm báo với thần thành hoàng và chức dịch trong làng về việc chơi quan họ của mình” (6). Sau khi các trình thức thực hiện xong, các bọn quan họ rủ nhau đi hát. Nếu canh hát ở trong nhà thì địa điểm nhà được chọn để hát cũng không có gì khác với hát ghẹo.

Về thời gian diễn xướng, nếu hát ghẹo chỉ diễn ra trong một đêm, thì hát quan họ: “Ở canh hát giữ đúng lề lối đã định ra thường kéo dài từ 7, 8 giờ tối đến 2, 3 giờ sáng. Đôi khi làng mở hội nhiều ngày cũng có những canh hát kéo dài 2, 3 ngày đêm” (7).

Về trang phục, những ngày lễ hội, các anh, các chị đều mặc những bộ quần áo đẹp và sang trọng nhất. Nam mặc áo lụa the, quần ống sớ trắng, khăn xếp. Nữ mặc áo mớ ba mớ bảy, áo năm thân nhiễu điều, nhiễu tía, yếm đào xẻ cánh nhạn, thắt lưng hoa đào, hoa lý, khuyên vàng xà tích bạc. Sau này các anh còn có thêm ô lục soạn, các chị có nón quai thao. Tuy nhiên, trong hát ghẹo, các chị thường không đi dép. Thực ra cách ăn mặc trang phục này không có gì đặc biệt và khác biệt với trang phục trong ngày lễ của nhân dân ở những địa phương miền đồng bằng xưa.

4. Trình tự diễn xướng

Cùng được gọi tên chung là dân ca, nhưng mục đích, không gian, thời gian, thành viên tham gia diễn xướng… của hát ghẹo và quan họ có nhiều điểm khác nhau. Đặc biệt, ngoài thành tố âm nhạc, lời ca cũng như trang phục, thì trình tự diễn xướng cũng là một trong những đặc điểm cơ bản để nhận diện sự khác nhau của hai thể loại này.

Hát ghẹo

Đây là lối hát đối đáp nam nữ có tính dân gian, nó không liên quan đến việc thờ cúng. Tuy nhiên, cuộc hát chỉ bắt đầu sau khi mọi việc tế lễ ở ngoài đình đã hoàn tất. Nói cách khác, một cuộc hát ghẹo không bao giờ được thực hiện trước phần cầu cúng, tế lễ. Sau khi các anh chị ăn cỗ xong, thì chập tối mới mời nhau sang địa điểm ca hát. Hát ghẹo được diễn xướng theo 4 chặng, dân gian gọi là 4 giọng: ví mời/ đãi trầu, giọng sổng, sang giọng, ví tiễn/ đưa chân.

Ví đãi trầu: Bắt đầu vào cuộc hát, sau khi hai bên nước nghĩa chào hỏi nhau một vài câu thường lệ, các anh, các chị bắt ngay vào hát ví đãi trầu. Thông qua miếng trầu, các chị vừa mời các anh và hát những câu ví có tính ứng khẩu, xã giao. Các anh không nhận trầu ngay, mà còn thử thách sự kiên trì, tấm lòng hiếu khách của các chị. Hai bên vừa đối đáp, vừa thăm dò nhau, cho đến khi các anh nhận trầu thì bắt đầu chuyển sang chặng giọng sổng.

Giọng sổng: Đây là một nét nhạc mà người ta dùng để hát những câu ca khác nhau. Lời ca giọng sổng có một thứ tự nhất định, nội dung tương tự nhau. Mỗi lời ca gồm nhiều câu, có câu của nữ, câu của nam, trong đó có nhiều câu chung cho cả nam cả nữ, nhưng khi hát chỉ cần thay đổi một vài chữ và cách xưng hô cho phù hợp. Chẳng hạn, nữ hát: Vì anh em mới tới đây, khi nam hát thì thay vì anh bằng vì chị, cụ thể là Vì chị em mới tới đây. Hai bên phải nhớ và hát hết tất cả các câu mới sang chặng tiếp theo. Khi đến chặng sang giọng nhất thiết phải có câu bắc cầu: Tình tình tang tang, tịch tịch tang tang/ Giọng sổng anh (chị) em ta hãy để đấy/ Anh (chị) sang giọng nào cho em sang mấy/ Tình tang em tang tình.

Sang giọng: Phần này có tính chất tự do, nam, nữ muốn hát vào giọng nào trước cũng được. Mỗi giọng có thể có hai, ba lời ca khác nhau mà mỗi bên chỉ hát một lời. Người hát trước có thể hát lời nào cũng được, còn người hát sau thì hát lời ca còn lại xem như là một hình thức đối giọng vậy. Ở chặng sang giọng, để tạo không khí cho cuộc hát, người ta thường tổ chức hát thi với quy ước là thi câu, thi giọng. Bên nào không đối được coi như thua và bên thắng được lấy một thứ đồ vật nào đó, lúc tiễn nhau ra về họ sẽ trả lại cho nhau. Khi nào đã hết các lời ca cùng giọng rồi thì chuyển sang giọng khác. Hát hết 36 giọng thì trời cũng vừa sáng.

Ví tiễn chân: Những tình cảm say sưa, thắm thiết từ trong mỗi người được dồn nén tạo ra sự ứng tác sáng tạo, làm cho lời ca của ví tiễn chân có nhiều cảm xúc. Các chị tiễn chân các anh về một đoạn đường dài khoảng năm đến bảy cây số, vừa đi vừa hát ví, lưu luyến tưởng như khó mà chia tay được. Tiễn nhau đến lúc mặt trời đã lên cao, rồi họ mới tạm biệt nhau, sau đó mỗi người theo một đường trở về làng.

Hát quan họ

Được biết đến là loại dân ca hát giao duyên đối đáp nam nữ, một trong những tài sản vô cùng quý giá của kho tàng văn hóa phi vật thể vùng Kinh Bắc. Quan họ có hệ thống bài bản vô cùng phong phú, nội dung phản ánh khá đa dạng, không gian trình diễn rộng mở… Trình tự hát quan họ, hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất của cuộc hát, tất nhiên có những điểm chung và có những điểm riêng. Về cơ bản, trình tự của canh hát quan họ giống với hát ghẹo, với các chặng: mời trầu, làm quen, giọng vặt, giã bạn. Bên cạnh đó, tính chất cuộc hát sẽ quy định trình, chẳng hạn:

Hát vui trong hội thì không phải hát những bài giọng cổ như Hừ la, La rằng… Hai bên liền anh, liền chị sau khi chào hỏi, mời trầu sẽ hát ngay vào giọng vặt, đến lúc chia tay thì hát giã bạn.

Hát thi trong hội, bao giờ mở đầu cũng bằng bài hát chúc theo giọng La rằng, rồi đến phần khảo giọng bằng hát đối đáp đủ 5 bài: Hư la, La rằng, Đương bạn, Cây gạo, Cái hời cái ả. Mỗi bên hát 5 bài thành 10 bài, gọi là 5 bài trên, 5 bài dưới. Sau đó lại tiếp tục trình tự như vậy, có thể kéo dài đến vài ba ngày. Trong hát thi, bên nào mà không đối đáp được bài của bên kia đưa ra sẽ bị thua.

Nếu là hát canh, thì mở đầu bằng những bài lề lối (giọng cổ), sau đó chuyển sang giọng vặt và kết thúc cuộc hát là hát những bài giã bạn.

Với hát thờ thần và cầu mưa, thì hát những bài theo giọng La rằng. Riêng cầu mưa thì chỉ có nữ hát.

Lề lối của hát quan họ cũng có phần giống với hát ghẹo, nghĩa là từng đôi nam hát với từng đôi nữ. Mỗi đôi có một người hát chính gọi là hát dẫn, người hát phụ gọi là luồn giọng. Trình tự hát như sau: bên nam hoặc bên nữ hát trước một bài, bên kia lại đối một bài cùng âm điệu ấy, nhưng khác lời ca. Chẳng hạn, bên nam hát bài ng liếng hoặc Mười thương thì bên nữ đối lại bài Nhấp nhánh hoặc Mười thương. Cứ như thế khi hát xong các bài thuộc giọng lề lối, hai bên hát một hai câu giọng sổng rồi chuyển sang hát các bài giọng vặt. Cuối cùng là phần hát giã bạn, kết thúc cuộc hát quan họ.

Qua những phân tích trên, chúng tôi đưa ra những nhận định sau:

Hát ghẹo, hát quan họ là hai thể loại dân ca với những đặc điểm riêng, đã có mặt từ lâu đời, là sản phẩm do chính người dân sáng tạo ra và nuôi dưỡng qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Chúng là những thể loại dân ca giao duyên được định danh cụ thể. Mặc dù có những yếu tố giống nhau, nhưng nó không phải nhánh cấy ghép của hát xoan.

Như nhiều loại dân ca khác, hát ghẹo, hát quan họ không nằm ngoài quy luật của sự giao lưu văn hóa. Nếu không nhìn nhận như vậy sẽ rất dễ dẫn đến những đánh giá mang tính chủ quan về hai thể loại dân ca độc đáo này. Nhiều nhà nghiên cứu khi nhìn thấy một số tương đồng về bài bản như tiêu đề, giai điệu… đã kết luận rằng: hát ghẹo Phú Thọ là tiền thân của hát quan họ và các loại dân ca khác… Đó là ưu ái dành cho hát ghẹo và qua đó để khẳng định hát ghẹo ra đời trước các loại dân ca khác. Cách nhìn ấy chỉ đúng một phần, bởi giao lưu văn hóa không chỉ diễn ra xuôi chiều, mà nó còn có sự tràn ngược, nghĩa là cái ra đời sau chưa hẳn đã hoàn thiện hơn cái ra đời trước.

_______________

1. Trần Thị An, Truyền thuyết và lễ hội đền Vua Bà ở làng Diềm, trong Vùng Văn hóa Quan họ Bắc Ninh, Viện Văn hóa Thông tin, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh, Hà Nội, 2006, tr.212 và Phạm Trọng Toàn, Tương đồng khác biệt giữa hát xoan, hát ghẹo Phú Thọ và quan họ Bắc Ninh, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2005, tr.88-89.

2. Trần Linh Quý, Hồng Thao, Tìm hiểu dân ca quan họ, Nxb Văn hóa dân tộc, Sở Văn hóa Thông tin Hà Bắc, Hà Nội, 1997, tr.20.

3. Phạm Trọng Toàn, Tương đồng khác biệt giữa hát xoan, hát ghẹo Phú Thọ và quan họ Bắc Ninh, Luận án tiến sĩ  Văn hóa học, Viện Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2005, tr.116.

4, 5. Nguyễn Đăng Hòe, Bước đầu tìm hiểu hát ghẹo Vĩnh Phú, Ty Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú, Vĩnh Phú, 1979, tr.15-16,16.

6. Nhiều tác giả, Không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh bảo tồn và phát huy, Viện Văn hóa Thông tin, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh, Hà Nội, 2006, tr.51.

7. Nhiều tác giả, Vùng Văn hóa quan họ Bắc Ninh, Viện Văn hóa Thông tin, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh, Hà Nội, 2006, tr.703.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : ĐÀO ĐĂNG PHƯỢNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *