Hầu văn Huế là một thể loại âm nhạc tín ngưỡng có từ lâu đời ở vùng đất cổ Thuận Hóa (nay là thành phố Huế). Việc nghiên cứu về nguồn gốc, quá trình hình thành, ý nghĩa của giai điệu, môi trường diễn tấu, trang phục, dàn nhạc… của hầu văn Huế không chỉ nâng cao giá trị âm nhạc Huế mà còn góp phần tôn vinh âm nhạc tôn giáo có ảnh hưởng đến ba khu vực của đất nước (Bắc, Trung, Nam) mà vẫn giữ được vẻ đẹp và đặc trưng của từng vùng. Bên cạnh đó, bài viết còn đề cập đến sự can thiệp, ảnh hưởng giữa âm nhạc Việt Nam – Chămpa thông qua giai điệu của hầu văn Huế.
1. Vài nét khái quát về nguồn gốc hầu văn
Theo một tích truyện xa xưa, khi mảnh đất miền Trung còn là lãnh thổ của Chămpa, lần đầu tiên thánh mẫu xuất hiện ở vùng rừng gần đèo An Khê mà đến nay ở đó vẫn có khu rừng thánh mẫu. Sau đó, thánh mẫu Thiên Yana xuất hiện ở Nha Trang. Tiếp đó mới xuất hiện ở điện Hòn Chén. Theo một tích truyện khác, thánh mẫu xuất hiện lần đầu tiên ở thôn Nghĩa Hưng, làng Nghi Tàm thuộc Thăng Long, sau đó xuất hiện ở đèo Ngang tỉnh Quảng Bình trở thành chúa Liễu Hạnh, rồi sau đó mới xuất hiện ở Huế.
Theo chúng tôi, thờ thánh mẫu Thiên Yana hoặc thờ linh mục, thờ chúa Liễu Hạnh đều là thờ mẹ (mẹ trời), một tín ngưỡng thiêng liêng của người Chămpa xưa, điều đặc biệt là theo hai tích truyện trên, thánh mẫu đều hội tụ về Huế. Có lẽ, vì Huế nằm giữa hai thánh địa của người Chăm là thánh địa Phong Nha ở phía bắc và thánh địa Mỹ Sơn ở phía nam. Hơn nữa, theo lịch sử gần ngàn năm di dân, khẩn đất của người Việt xuống phía nam thì Huế luôn là nơi giao thoa, hội tụ các dòng văn hóa khác nhau, Việt hóa qua thời gian và sinh thành ở nơi đây. Chính vì vậy, hầu văn Huế còn giữ được gần như nguyên vẹn các nghi thức, bài bản âm nhạc cổ, vũ điệu cổ và trang phục hành lễ khác xa với hầu văn Thăng Long va hầu văn phía nam.
Hát hầu văn Huế. Ảnh internet
2. Nhận xét chung về hầu văn Huế hiện nay
Nhìn chung, hầu văn Huế hiện nay chỉ tồn tại dưới hai dạng sau:
Dạng bài bản chính quy
Đó là vào dịp tháng 7 và tháng 3 mà trong dân gian thường nghe tháng bảy giỗ cha tháng ba giỗ mẹ, các nghi thức hành lễ, âm nhạc, vũ điệu, trang phục được biểu diễn một cách chính quy. Các bài bản âm nhạc đầu và vũ điệu đều bình thường, điều đáng lưu ý ở đây là khi chuyển sang lớp thượng, lời ca rất bay bổng thoát tục, bộ gõ chuyển tiết tấu dồn dập (người ta còn gọi là lên đồng), lúc này, ta nhìn thấy các vũ công trong trang phục Chàm uốn éo nhảy múa như người không có xương, các động tác trở về với dòng máu Chămpa hoàn toàn, giống như tư thế của các pho tượng cổ Chàm.
Dạng dân gian phổ cập hàng ngày
Dạng hầu này diễn ra hàng ngày ở các thôn làng và thành phố Huế, nghi lễ đơn giản hơn, các nghệ nhân chỉ ngồi đàn, hát trước các am, điện của gia đình và dòng họ, ít có trường hợp tổ chức nhảy múa. Lời ca chủ yếu nói về thế giới tâm linh, lòng biết ơn đối với những người đã khuất của những sinh linh thực tại hôm nay.
3. Một số giai điệu, tiết tấu hầu văn Huế
Trên đây là ba điệu chính của hầu văn Huế gồm: hầu phú, hầu sắp, hầu thượng.
Khi diễn tấu các nghệ nhân có thể ngẫu hứng như: thêm nốt hoa mỹ, nốt ngoài hợp âm, nhấn nhá theo giọng hát, thêm dùi trống tạo ra hiệu quả âm sắc lạ. Bài bản hầu văn dựa trên điệu thức 4 âm và điệu thức 5 âm pha trộn. Các nốt thường đi liền bậc, thường dùng các quãng 4, quãng 5, quãng 8 là chủ yếu. Chỉ khi đến lớp sắp mới sử dụng quãng 3. Điều này trùng hợp với quãng và điệu thức của hát ả đào Thăng Long, chỉ khác nhau ở chỗ nhấn nhá và hơi.
Theo tìm hiểu, hầu văn có khoảng 15 làn điệu. Với các loại cung chẵn và cung 3/7 (cung 3 nhịp 7). Ngoài 3 điệu chính nói trên, hầu văn Huế còn có thêm các điệu thài, điệu sàng xê líu, điệu đàn, điệu tàu…
4. Hòa âm điệu thức hầu văn Huế
Hòa âm
Hầu văn Huế thường dùng hòa âm quãng 4 và quãng 5 trong các bài bản khi dàn nhạc đệm cho hát và múa, đôi khi giai điệu lời ca tiến hành đi quãng 3 nhưng nhờ cách nhấn nhá (già – non) mà màu sắc hầu văn có vẻ độc đáo riêng của Huế khác với hầu xá, hầu thượng ở Thăng Long.
Điệu thức
Điệu thức hầu văn Huế là điệu đặc biệt cần lưu ý vì thường âm nhạc của người Việt đều dùng điệu thức 5 âm và 3 âm. Song hầu văn Huế lại nằm ở điệu thức 6 âm đi liền bậc, điều này có liên quan đến điệu thức âm nhạc của người Chămpa, vì âm nhạc của họ rất huyền ảo, mê hoặc mà hầu văn Huế cũng có biểu hiện tương tự. Nếu khẳng định hầu văn Huế là của người Chăm hoàn toàn hoặc của người Việt hoàn toàn thì còn hơi sớm, nhưng theo chúng tôi, hầu văn Huế có ảnh hưởng qua lại giữa hai dòng âm nhạc Việt và Chăm tạo nên.
Ví dụ điệu thức 6 âm nằm ở điệu đàn
Hoặc như 6 âm ở điệu thài
Qua nhiều lần khảo cứu, chúng tôi thấy nốt la ở điệu thài và nốt mi ở điệu đàn là những nốt làm nên màu sắc Chăm trong điệu thức hầu văn Huế.
5. Biên chế dàn nhạc hầu văn Huế
Biên chế gốc của dàn nhạc hầu văn Huế gồm có: đàn nhị, đàn nguyệt, bộ gõ. Ngoài cách diễn tấu tài tử của hai cây nhị, nguyệt, bộ gõ đóng một vai trò quan trọng trong việc vào thủ, qua lớp, chuyển làn, chuyển điệu, đặc biệt là chuyển tiết tấu qua hầu thượng, nhất là trong hầu văn nhịp 3/7 (cung 3 nhịp 7), nếu không có bộ gõ, những người đàn, hát và múa sẽ hoàn toàn bất lực.
Cách diễn tấu của dàn nhạc thường theo bài bản quy định sẵn (bè tòng), đôi khi các nghệ sĩ cũng ngẫu hứng phức điệu theo lời ca, điệu múa nhưng khi gần hết bài lại về theo quy định có sẵn để kết.
Ngày nay, khi biểu diễn ca Huế trên sông Hương, các nghệ sĩ thường thêm vào dàn nhạc cây đàn bầu, đàn tranh làm phong phú thêm cho giai điệu và hòa âm của bản văn. Ngoài những cung đơn, hầu văn Huế còn một dạng cung đặc biệt khác là cung 3/7, ở đây, bộ gõ hoàn toàn gõ nghịch phách ở 3 cung thủ, sau đó lật nhịp thuận để vào 7 nhịp hát, khi đàn hát loại nhịp này, đòi hỏi người nghệ sĩ phải thật sành điệu và có tay nghề cao.
6. Hầu văn nhịp 3/7
Cung thứ nhất: cung đài
Cung thứ hai: cung rơi (phú rơi)
Cung thứ ba: cung sắp
Sắp dựng
Sắp nhị tự
Thực ra, ở cung đài và cung rơi là nhịp 3/7, còn ở cung sắp chỉ có cung 3 nhịp 5 mà thôi. Đây có lẽ là do bài bản gốc như vậy, vì chúng tôi đã khảo cứu qua các nghệ nhân hầu văn lâu năm như anh Khôi, anh Sáu, chị Ái Hoa và bác Trần Kích, anh Dũng để khẳng định như vậy.
Trong hầu văn nhịp 3/7, các đoạn vô thủ là khó nhất. Vì đoạn này chỉ có 3 cung, tiết tấu trống biến phách liên tục, giai điệu kèm theo chức năng chuyển điệu, chuyển làn cho hát và múa, vì vậy, hầu văn nhịp 3/7 không phải ai đàn và hát cũng được cả, nhất là những cú nhấn nhá, lấy hơi, chuyển điệu sao cho hòa quyện giữa lời ca, tiếng đàn, điệu múa, kích thích tâm, sinh lý con người thoát khỏi sự ràng buộc trần tục, đời thường để hòa nhập vào thế giới tâm linh.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017
Tác giả : NGUYỄN VIỆT ĐỨC
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo