Hiệu quả từ mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình ở Kỳ Xuân


Bạo lực gia đình là nỗi ám ảnh của nhiều người, nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Đã có không ít cuộc hôn nhân tan vỡ, nhiều gia đình tan nát và cả những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần kéo dài dai dẳng vì nguyên nhân này: Từ thực tế ấy, mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình ở xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã ra đời góp phần đẩy lùi, ngăn chặn và hàn gắn những hậu quả mà bạo lực gia đình gây ra.

Xã Kỳ Xuân là một trong những xã bãi ngang của huyện Kỳ Anh, với nghề chính là nông nghiệp và biển. Những người phụ nữ ở đây tự bao đời chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất và công việc gia đình. Thế nhưng, vẫn còn đó những bất công, tổn thương đối với họ. Vì vậy, năm 2010, Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, 8/8 thôn ở xã Kỳ Xuân đã có mô hình câu lạc bộ, đội can thiệp phòng chống bạo lực gia đình bao gồm thôn Xuân Tiến, Trần Phú, Quang Trung, Xuân Phú, Cao Thắng, Xuân Thắng, Bắc Thắng, Nguyễn Huệ. Mỗi CLB có từ 30 – 40 thành viên tham gia sinh hoạt.

Sinh hoạt định kỳ mỗi quý 1 lần, CLB phòng, chống bạo lực gia đình tổ chức tuyên truyền tới các thành viên nhiều nội dung phong phú, đa dạng theo các chuyên đề: các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình; phổ biến các văn bản pháp luật như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em…; bổ sung kiến thức cho chị em phụ nữ cách chăm sóc, dạy con khoa học nhằm hạn chế tình trạng trẻ em trong độ tuổi thành niên vi phạm đạo đức, pháp luật. Đồng thời, CLB còn tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương. Các thành viên trong CLB thường xuyên bày tỏ tâm sự của bản thân để được chia sẻ và tư vấn. Nội dung sinh hoạt đa dạng, hình thức phong phú. 8 CLB đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép với công tác hòa giải và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Vào Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 hằng năm, các CLB đều tổ chức giao lưu văn nghệ, tọa đàm với nội dung về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình nhằm truyền tải thông điệp giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình Việt Nam, kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hóa.

 

Chính vì vậy, từ năm 2010 đến nay, mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại xã Kỳ Xuân đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các thành viên  trong gia đình tăng thêm hiểu biết, nhận thức, sống hòa thuận. Tình làng nghĩa xóm càng gắn kết. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đối với các hộ gia đình xảy ra bạo lực gia đình hoặc vì nhiều lý do khá nhau có nguy cơ tan vỡ đều được Ban Chủ nhiệm CLB quan tâm, thường xuyên giúp đỡ. Nhiều cặp vợ chồng có những mâu thuẫn lớn đã được CLB và đội Phòng, chống bạo lực gia đình trực tiếp kịp thời hòa giải. Trong hơn 10 năm qua, CLB Phòng, chống bạo lực gia đình ở xã Kỳ Xuân đã trực tiếp hoà giải 20 vụ bạo lực gia đình trong đó có 6 vụ về hạnh phúc gia đình, 3 vụ mâu thuẫn cha con, 2 vụ về đất đai, 9 vụ uống rượu gây rối mất trật tự… Điển hình như trường hợp vợ chồng anh L.N.P ở thôn Trần Phú, khi xảy ra mâu thuẫn, người vợ bị chồng đánh và cạo trọc đầu dẫn đến việc vợ chồng sống ly thân, người chồng bị dư luận xã hội lên án. Song, được sự quan tâm giúp đỡ giáo dục của CLB, vợ chồng anh L.N.P đã trở lại sống với nhau hạnh phúc. CLB Phòng chống bạo lực gia đình xã Kỳ Xuân cũng đã rất thành công khi giúp vợ chồng ông L.X.T năm nay 78 tuổi sau 31 năm sống ly thân đã trở lại sống hòa thuận cùng nhau. Hay như trường hợp anh N.T.T nhiều lần đánh vợ, vợ phải về ở với mẹ đẻ nhưng được sự giúp đỡ, giáo dục của đội can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình thôn Xuân Phú… vợ chồng anh chị đã đoàn tụ, sống hạnh phúc, kinh tế khá giả.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hiệu –  cán bộ văn hóa xã cho biết: “Những ngày đầu mới thành lập, mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình còn gặp nhiều khó khăn, thử thách bởi nhiều người vẫn quan niệm “chuyện nhà”. Ban đầu, nhiều người cứ cho rằng họ có quyền được bạo hành với những người thân trong gia đình mà không hề hay biết hành động đó vi phạm pháp luật. Khi Ban Chủ nhiệm đưa ra các điều khoản họ mới nhận ra và thay đổi suy nghĩ lệch lạc đó”.

Mô hình CLB Phòng, chống bạo lực gia đình của xã Kỳ Xuân đã phát huy nhiều tác dụng tích cực, nhận thức của các thành viên trong gia đình được nâng lên rõ nét. Nó không những tạo điều kiện cho người phụ nữ nâng cao kiến thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực hoạt động cộng đồng…mà còn góp phần làm thay đổi hành vi nhận thức của nam giới trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bài trừ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Đặc biệt, hoạt động của các CLB Phòng, chống bạo lực gia đình cũng đã tạo nên sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, phong trào xây dựng nông thôn mới…

Tác giả: Nguyễn Nga

Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *