Tố Hữu là nhà thơ trữ tình – chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Con đường cách mạng và con đường thơ – với Tố Hữu – là không thể tách rời. Bên cạnh những dòng thơ dành cho nhân dân, cho Tổ quốc, cho lãnh tụ, nhà thơ lớn của dân tộc đã dành những câu thơ thắm đượm ân tình viết về Đảng quang vinh. Đảng là đề tài luôn đem lại nguồn cảm hứng dạt dào cho hồn thơ Tố Hữu.
Nhà thơ Tố Hữu (1920-2020)
Trong các nhà thơ viết về Đảng, Tố Hữu có lẽ là nhà thơ viết về Đảng nhiều nhất. Đối với Tố Hữu, thực chất thơ với Đảng đã hòa quyện làm một, là mục đích, lý tưởng và lẽ sống của nhà thơ trong suốt cuộc đời – sống cho Đảng và để làm thơ: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”. Từ cái duyên kiếp ấy, những vần thơ về Đảng đã ra đời như một điều tất yếu của hồn thơ cách mạng Tố Hữu. Không ai viết thơ về Đảng nhiều như Tố Hữu và cũng không ai viết về Đảng thành công như Tố Hữu. Từ tập thơ đầu tay “Từ ấy” (1946) đến “Việt Bắc” (1954), “Gió lộng” (1961), “Ra trận” (1972), “Máu và hoa” (1977) đến tập thơ sau cùng “Một tiếng đờn” (1992), Tố Hữu đã để lại nhiều bài thơ hay, ca ngợi Đảng quang vinh. Có thể bước đầu khái quát về hình tượng Đảng quang vinh trong thơ Tố Hữu trên một số khía cạnh chính sau đây:
Một là, Đảng là lẽ sống, là niềm tin. Ngay từ những ngày đầu đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản, trong lúc các thi nhân thơ mới mải mê ru mình trong tháp ngà cô đơn và lấy nỗi buồn làm cứu cánh, Tố Hữu đã trở thành nhà thơ của lý tưởng cộng sản. Đó là tiếng hát say mê lý tưởng, nâng con người lên một tầm cao mới trong tình hữu ái đối với giai cấp, với dân tộc: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim” (Từ ấy, 1938). Đảng là niềm tin, là sức mạnh, đấu tranh vì lợi quyền dân tộc, mang hạnh phúc, ấm no cho mỗi con người: “Đảng ta, muôn vạn công nông/Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin/Đảng ta, Mác – Lênin vĩ đại/Lại hồi sinh, trả lại cho ta/Trời cao, đất rộng bao la/Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người” (Ba mươi năm đời ta có Đảng, 1960). Tố Hữu thấm thía công ơn của Đảng trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người, sống để yêu nhau/Đảng cho ta trái tim giàu/Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!” (Bài ca mùa xuân 1961, 1961). Nhà thơ tâm nguyện, bày tỏ tấm lòng, tình yêu, sự son sắt thủy chung của mình dành cho Đảng: “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ/Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/Phần cho thơ và phần để em yêu” (Bài ca mùa xuân 1961, 1961). Tố Hữu đã thay mặt nhân dân nói lên nghĩa nặng tình sâu đối với bản chất nhân nghĩa, ân tình của Đảng, kết tinh cao đẹp cho truyền thống nhân nghĩa của dân tộc: “Cảm ơn Đảng đã cho ta dòng sữa/Bốn nghìn năm chan chứa ân tình/Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo chúa/Kiếp tì nô vùng dậy chém nghê kình (Chào xuân 67, 1967). Trái tim nhà thơ cách mạng đã dành cho Đảng những lời tri ân sâu sắc nhất: “Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng/Người chưa đưa ta lên được sao Kim/Nhưng đã cho ta một linh hồn và một trái tim/Biết lẽ phải, biết yêu thương, căm giận/Biết đi tới và làm nên thắng trận” (Bài ca xuân 68, 1968). Khi Bắc, Nam đã liền một dải, nhìn lại hành trình 40 năm theo Đảng, Tố Hữu cảm thấy xúc động vô cùng: “Đảng dạy tôi biết ngẩng đầu, đứng dậy/Vững hai chân, đứng thẳng, làm người/Tôi đi tới, với bạn đời, từ ấy/Đến hôm nay, mới thấy trọn vùng trời” (Với Đảng, mùa xuân, 1977). Đảng là một phần máu thịt không thể thiếu trong sự nghiệp sáng tạo thi ca của Tố Hữu. Tố Hữu đã nói về Đảng bằng trái tim ngưỡng mộ, kính yêu và biết ơn, và ông đã phát hiện ra những vẻ đẹp kỳ diệu của Đảng – những phẩm chất của một Đảng cách mạng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Hai là, Đảng gắn liền với lãnh tụ, với dân tộc và thời đại. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn liền với quá trình đấu tranh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, của phong trào cách mạng thế giới và người sáng lập nên sự nghiệp vĩ đại của Đảng – lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đối với một người như Tố Hữu, nói về Đảng, trong một tương quan nào đó cũng đồng nghĩa với nói về dân tộc Việt Nam, về Bác Hồ kính yêu. Tố Hữu viết về Đảng nhiều nhất, thành công nhất, cũng chính là nhà thơ viết về Bác nhiều nhất và thành công nhất. Đó là một tư duy thơ đẹp nảy sinh trên nền tình cảm nồng hậu của Tố Hữu đối với Đảng và Bác. Đảng là linh hồn của dân, Bác là linh hồn của Đảng: “Hồ Chí Minh…/Người là cha, là Bác, là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ…/Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ/Đảng chói lọi, Hồ Chí Minh vĩ đại!” (Sáng tháng Năm, 1951). Đảng và Bác Hồ đã tạo bước ngoặt lịch sử vĩ đại cho dân tộc và trở thành hình tượng trung tâm: “Đời ta có Bác xông pha dẫn đường/Người đi trước nghìn sương muôn tuyết/Dắt dìu dân nước Việt Nam ta” (Ba mươi năm đời ta có Đảng, 1960) . Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đảng ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy của nhân dân. Nhân dân ta thủy chung, kiên định, gắn bó thiêng liêng, ân tình một lòng theo Đảng: “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng/Tấm lòng son chói sáng nghìn thu…/Ơn người như mẹ như cha/Lòng dân yêu Đảng như là yêu con…/Dù khi tắt lửa tối trời/Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta” (Ba mươi năm đời ta có Đảng, 1960). Nhà thơ đã khái quát như một tất yếu lịch sử sự kết hợp giữa Dân – Đảng – Bác Hồ: “Ngọn cờ đỏ trên đầu phấp phới/Bác Hồ đưa ta tới trời xa/Ba mươi năm bước đường qua/Đời ta có Bác xông pha dẫn đường/Người đi trước nghìn sương muôn tuyết/Dắt dìu dân nước Việt Nam ta/Bạc phơ mái tóc người Cha/Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người” (Ba mươi năm đời ta có Đảng, 1960)… để rồi đi đến một sự hài hòa khái quát cao độ khi nhà thơ đặt hình ảnh Đảng – Bác trong mối quan hệ gắn bó với dân tộc và thời đại: “Thời đại lớn cho ta đôi cánh/Không gì hơn Độc lập Tự do!/Bốn mươi thế kỷ cùng ta đánh/Có Đảng ta đây, có Bác Hồ” (Theo chân Bác, 1970). Đảng và Bác đã làm nên những kỳ tích vĩ đại cho dân, vì dân. Nhân dân một lòng biết ơn, khẳng định niềm tin son sắt một lòng với Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại.
Ba là, Đảng là nguồn cảm hứng thi ca. Đảng là nguồn cảm hứng vô tận trong quá trình sáng tạo thi ca của Tố Hữu. Nhà thơ như vỡ òa trong niềm vui sướng đến tột độ được đứng trong hàng ngũ, cũng là niềm vui được viết nên những vần thơ ca ngợi Đảng: “Anh chị em ơi/Ba mươi năm đời ta có Đảng/Hôm nay ôn lại quãng đường dài/Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm” (Ba mươi năm đời ta có Đảng, 1960). Xây dựng hình tượng Đảng, nhà thơ có xu hướng chọn những biểu tượng màu sắc tươi sáng, nóng ấm của bình minh, mặt trời, ánh dương, ngọn lửa… Màu cờ đỏ của Ðảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân vững bước tiến lên con đường cách mạng: “Lần đêm bước đến khi hừng sáng/Mặt trời lên cờ Đảng giương cao” (Ba mươi năm đời ta có Đảng, 1960); “Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng đã làm ra ánh sáng” (Bài ca xuân 68, 1968); “Người đã đến chói chang nắng dội/Trong lòng tôi ôi Đảng thân yêu” (Một nhành xuân, 1980). Và Đảng là một phần máu thịt không thể thiếu trong sự nghiệp sáng tạo thi ca của nhà thơ, bởi, chỉ có Đảng mới đem lại cho Tố Hữu một sự nghiệp thơ đồ sộ đến như vậy. Đảng là mùa xuân vô tận, là màu cuộc sống tươi xanh, là niềm tin mãi mãi trường tồn cùng đất nước: “Đảng cùng ta như cội liền cành/Là mùa xuân vô tận, lá tươi xanh/Một lá rụng, lại trăm mầm lộc mới” (Với Đảng, mùa xuân, 1977). Nhà thơ thường ví Đảng với mùa xuân, sức xuân, màu xuân… – mùa đẹp nhất, mùa sinh sôi nảy nở cùng vạn vật, mùa của đất trời và con người giao hòa. Hình tượng Đảng và hình tượng mùa xuân luôn đồng hiện trong suốt thơ Tố Hữu. Chỉ có Đảng soi đường chỉ lối mới đem lại mùa xuân cho đất nước và cho mỗi con người: “Xứ sở mình có đủ nắng quanh năm/Cuộc sống ấm ân tình của Đảng” (Với Đảng, mùa xuân, 1977). Với nhà thơ, Đảng và thơ có mối lương duyên đẹp đẽ và đầy ý nghĩa của cuộc đời, Đảng là cội nguồn của sự sáng tạo những vần thơ trữ tình – chính trị sâu sắc, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, hào hùng: “Thuyền con vượt sóng không nghiêng ngả/Nghĩa lớn xuôi dòng lộng ước mơ/Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp/Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ” (Đảng và Thơ, 1987). Công lao của Đảng được ví như sông dài, biển rộng, núi cao…, được tôn vinh gắn với những biểu tượng cao quý, thiêng liêng.
Trong Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: “Đảng ta thật là vĩ đại”…/Đảng ta là đạo đức, là văn minh…/Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
Một kỳ Đại hội mới của Đảng sắp diễn ra, một trang mới của cách mạng, của nhân dân, đất nước đang mở ra đón vận hội mới. Những vần thơ của Tố Hữu về Đảng vẫn luôn hiện hữu trong đời sống tâm hồn dân tộc, đã, đang và sẽ được các thế hệ nhà thơ Việt Nam trân trọng, tri ân, xây dựng bằng ngôn ngữ thơ ca. Toàn dân tộc vẫn vẹn nguyên niềm tin như Tố Hữu: “Phải nhanh chân từ những bước đầu/Tổ quốc ta phải giàu, phải mạnh” (Với Đảng, mùa xuân, 1977).
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)