Hồ chí minh tiểu sử


Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn đã đi xa, nhưng cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng của Người vẫn trường tồn cùng lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, non sông đất nước ta.

1. Là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và bằng thiên tài trí tuệ, bản lĩnh cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và xây dựng thành công hệ quan điểm cách mạng toàn diện và sáng tạo để truyền bá vào Việt Nam, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần đoàn kết chiến đấu, về đạo đức cách mạng: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng.

Sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tài sản tinh thần vô giá của các thế hệ người Việt Nam, luôn tỏa sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang và tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991) của Đảng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Đặc biệt, khi Ban Bí thư ra Chỉ thị Về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới ngày 27-3-2003 yêu cầu: “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh gắn chặt với tổng kết thực tiễn góp phần bảo vệ và phát triển học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”, và tiếp đó, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW Về tổ chức cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì cùng với việc nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN, việc đi sâu nghiên cứu để làm sáng rõ tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Trên tinh thần đó, cuốn sách Hồ Chí Minh tiểu sử do tập thể cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh (BTHCM), biên soạn, TS. Chu Đức Tính – Giám đốc BTHCM làm chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2008, không chỉ góp phần tuyên truyền sâu rộng, về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà còn là một tài liệu quan trọng, cần thiết phục vụ cho Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

          2. Kế thừa một số cuốn tiểu sử viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây, bằng những tư liệu chân thực, cuốn sách trình bày một cách vắn tắt, nhưng tương đối đầy đủ, có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với đông đảo bạn đọc.

Hồ Chí Minh tiểu sử dày 262 trang, ngoài Lời nhà xuất bản, Lời giới thiệu, được kết cấu làm 8 chương.

            Chương I: Thời niên thiếu (1890-1911), từ tr.9 – tr.18

Bằng nguồn sử liệu chính xác, có so sánh, đối chiếu với những tư liệu từng được công bố, nhóm tác giả đã làm rõ những nội dung liên quan đến quê hương, gia đình, những người thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người thầy, những bậc tiền bối cách mạng có ảnh hưởng đối với Người. Đồng thời, thông qua những sự kiện lịch sử khẳng định quá trình học tập của Người tại trường Tiểu học Pháp – bản xứ ở thành phố Vinh, trường Tiểu học Pháp – Việt tỉnh Thừa Thiên, Trường Quốc học Huế, đặc biệt là thời kỳ Người học tiếp chương trình lớp cao đẳng tại trường Tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn.

            Chương II: Tìm đường cứu nước (1911-1920) từ tr.19- tr.35

Nhóm tác giả trình bày những sự kiện lịch sử chính, quan trọng trong hành trình bôn ba lao động, học hỏi và tìm tiểu thế giới; những hoạt động báo chí, ảnh hưởng của Bản yêu sách 8 điểm do Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi Hội nghị Vécxay, tháng 6-1919; quá trình tham gia trong Đảng Xã hội Pháp và sự lựa chọn lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Tua, tháng 12-1920. Cùng với việc bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III do Lênin sáng lập, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

 

 Chương III: Chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1920 – 1930), từ tr.36 – tr.80

 

Nhấn mạnh những hoạt động tích cực của Người trong việc tuyên truyền về vấn đề thuộc địa, về vai trò, vị trí của cách mạng thuộc địa, tính chủ động của cách mạng thuộc địa trong Đảng Cộng sản Pháp, trong Quốc tế Cộng sản và trên các phương tiện truyền thông; vai trò của Người đối với Hội liên hiệp thuộc địa, với báo Le Paria; hành trình đến nước Nga, những bài báo, bài phát biểu của Người trên các diễn đàn quốc tế (Hội nghị Quốc tế nông dân 10-1923; Đại hội V Quốc tế Cộng sản 6 và 7-1924; Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên, Hội nghị Tổ chức Quốc tế Cứu tế đỏ,…).

Nhóm tác giả cũng đề cập đến Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ do Người viết năm 1924; hành trình về gần tổ quốc, xúc tiến việc những hoạt động thiết thực, có hiệu quả của Người như mở Lớp huấn luyện chính trị, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên và tác phẩm Đường cách mệnh,… Đặc biệt, các tác giả đã bổ sung tư liệu mới, khẳng định sự kiện Hồ Chí Minh đến Lào. Trong khoảng thời gian từ tháng 7 – 1928 đến tháng 11 – 1929, Nguyễn Ái Quốc, lúc đó với tên gọi Thầu Chín từ Xiêm vượt sông Mê Công ít nhất hai lần sang thị xã Xavẳnnakhẹt và bản Xiêng Vang, huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn của Lào để nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nhân dân Lào, của bà con Việt kiều và khảo sát thực địa để tìm đường bí mật qua Lào về hoạt động tại Việt Nam. Sau này, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930, Người đã báo cáo về tình hình Lào và việc định trở về Việt Nam không thành: “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam “Quốc dân đảng”(1).

Cuối chương là sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương, sách lược, điều lệ vắn tắt, cùng các văn kiện của Hội nghị hợp nhất từ 6-1 đến 8-2-1930 ở Cửu Long, Hồng Kông.

 

Chương IV: Lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước (1930 -1945), từ tr.81 – tr.116

 

Các tác giả đã thông qua những sự kiện lịch sử quan trọng, trình bày:

Những cố gắng, sự nỗ lực của Người để vượt qua thử thách trong thời gian bị bắt giam ở Hồng Kông (1931-1933), sự giúp đỡ của vợ chồng luật sư Lôdơbi và những người bạn, người đồng chí, để trở về nước Nga. Phần này, các tác giả đã đính chính một số tư liệu chưa chính xác trong các sách xuất bản trước: Sửa tên phố nơi Nguyễn Ái Quốc – Tống Văn Sơ bị bắt ngày 6-6-1931 là nhà 186, phố Tam Kung (trước đây viết là Tam Lung), Cửu Long, Hồng Kông.

 

Quá trình học tập, làm việc ở nước Nga, sự kiên định quan điểm và mục tiêu đã lựa chọn. Cuối cùng, sau những năm tháng gian khó (1934-1938), Người đã được trở về nước hoạt động cách mạng. Phần này, BTHCM bổ sung thêm một số thông tin mới: Sự kiện Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản tổ chức cho về nước qua Trung Quốc cuối năm 1938. Quốc tế Cộng sản đã tổ chức một cuộc họp bí mật, trong đó có sự tham gia của các đồng chí G. Đimitrốp, Tổng bí thư Quốc tế Cộng sản và đồng chí Vasin Côlarốp ra chỉ thị về công tác cho Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, Quốc tế Cộng sản đã ra Quyết định số 60 (mật): “Sinh viên mang số hiệu 19 (Lin) từ ngày 29-9-1938 đã rời khỏi biên chế của Viện (về nước)”;…

Hành trình Người trở về nước: những hoạt động của Người tại Trung Quốc; việc Người về nước, triệu tập, chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, tháng 5-1941. Vai trò của Người trong quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, tập trung vào vấn đề giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, thông qua Chương trình hoạt động, 10 chính sách lớn, tổ chức các Hội cứu quốc, và ra báo Việt Nam độc lập, xuất bản sách Cách đánh du kích, Lịch sử nước ta,…

Việc Người sang Trung Quốc, bị bắt giam tại nhà giam của Tưởng Giới Thạch ở tỉnh Quảng Tây và tác phẩm thơ nổi tiếng Ngục trung nhật ký của Người. Việc Người trở về nước, hoãn khởi nghĩa Cao – Bắc – Lạng, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân,… chuẩn bị cho cuộc nổi dậy của toàn dân, giành chính quyền.

 

Chương V: Lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ tháng 3 đến tháng 8-1945), từ tr.117 – tr.130

 

Nhóm tác giả đã trình bày, khẳng định vai trò của Hồ Chí Minh qua những quyết định sáng tạo, nhạy bén của Người và Trung ương Đảng khi Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945; nêu rõ các hội nghị quan trọng tập trung vào vấn đề từng bước tổ chức giành và giữ chính quyền; thành lập Khu giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng,… đặc biệt là việc Hồ Chí Minh chớp thời cơ, tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội quốc dân ở Tân Trào tháng 8-1945, quyết định Tổng khởi nghĩa, ra Quân lệnh số 1, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, kêu gọi và lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng 8-1945.

 

Chương VI: Lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc (1945-1954), từ tr.131 – tr.184

 

Trình bày những quan điểm, những hoạt động linh hoạt, khôn khéo và mềm dẻo của Hồ Chí Minh trước nguy cơ lật đổ chính quyền cách mạng, nguy cơ chiến tranh và nguy cơ của nạn đói và nạn dốt đe dọa ngay sau khi nước nhà mới giành được độc lập. Đồng thời, cuốn sách cũng trình bày, làm rõ những hoạt động của Người và Trung ương Đảng trong quyết sách xúc tiến và tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, bầu Quốc hội khóa I, thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến 2-3-1946, ký hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, chuyến đi thăm nước Pháp, ký Tạm ước 14-9-1946; lập Chính phủ kháng chiến 3-11-1946, quá trình soạn thảo và thông qua Hiến pháp 1946,… và đặc biệt là quyết định kêu gọi và phát động Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.

Phần tiếp theo trình bày những sự kiện lịch sử, đóng góp của Người trong việc cùng Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến và kiến quốc (chỉ đạo tổ chức phát triển sản xuất, tích lũy lương thực cho tiền tuyến, xây dựng đời sống mới, thực hiện văn hóa hóa kháng chiến, xây dựng và thực hiện nền giáo dục mới, nhằm đào tạo lực lượng cách mạng;… Cuốn sách cũng trình bày hoạt động, làm rõ vai trò của Hồ Chí Minh trong việc xây dựng quân đội cách mạng, hoạt động ngoại giao, tổ chức Đại hội Đảng lần thứ II (2-1951), tách Đảng, đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam và Cương lĩnh của Đại hội để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Nhóm tác giả đính chính sự kiện tối ngày 20-3-1951 (trước đây ghi là tháng 9-1950), tại Nà Cù, thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn, Bác Hồ nói chuyện và tặng Đội thanh niên xung phong 312 bốn câu thơ:

Không có việc gì khó

Chỉ sự lòng không bền

Đào núi và lấp biển

 

Quyết chí ắt làm nên

Đặc biệt, cuốn sách trình bày những hoạt động của Người cùng Đảng, Quốc hội, quyết định tiến hành Cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng” trong kháng chiến (12-1953). Cuối cùng là hành trình thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ 7-5-1954, và nội dung Hiệp định Giơnevơ 20-7-1954 về đình chỉ chiến sự, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

 

Chương VII: Lãnh đạo sự nghiệp xây dựng miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc (1954 -1969), từ tr.185- tr.246

 

Trình bày những hoạt động và vai trò của Hồ Chí Minh trong thời kỳ lịch sử dài, thể hiện qua những giai đoạn quan trọng:

Trong những năm từ 1954-1960, là giai đoạn có những sự kiện chính, đặc biệt quan trọng, và những hoạt động của Người cùng Trung ương đảng lãnh đạo nhân dân kiên trì thực hiện nội dung Hiệp định Giơnevơ; tiếp tục hoàn thành Cải cách ruộng đất; ban hành nhiều đạo luật, các văn bản dưới Luật, tiến hành sửa đổi và thông qua Hiến pháp 1959; ổn định và phát triển sản xuất, khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, bước đầu tiến hành cải tạo và xây dựng cơ sở ban đầu cho CNXH; việc tăng cường các hoạt động đối ngoại; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 15 (1-1959) với sự phát triển của cách mạng miền Nam và phong trào đồng khởi của đồng bào miền Nam.

Những năm 1960-1964, là giai đoạn hoạt động đối nội, đối ngoại của Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc, và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà (qua nghị quyết các cuộc họp, qua những bài viết, bài phát biểu tại các Hội nghị, các chuyến về thăm các địa phương, các bài trả lời phỏng vấn,…) đặc biệt là sự kiện Người triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt và các Văn kiện của Hội nghị này.

1965-1968 là giai đoạn Người cùng Bộ Chính trị tập trung các hoạt động, các quyết sách thực hiện xây dựng và bảo vệ miền Bắc – hậu phương lớn XHCN, đảm bảo chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam; lãnh đạo nhân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần củng cố miền Bắc, hậu thuẫn cho miền Nam ruột thịt; những hoạt động đối ngoại tích cực của Người và Đảng, Nhà nước ta đối với các nước XHCN anh em, các nước trong khu vực, với nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, thể hiện thiện chí hòa bình và lập trường của Việt Nam trong việc chấm dứt cuộc chiến tranh Việt – Mỹ (qua những chuyến đi thăm, những bức điện, thư, những bài trả lời phỏng vấn,…), đặc biệt là vai trò của Người trong việc hàn gắn mâu thuẫn Xô – Trung, mâu thuẫn trong phe XHCN,… để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của những người bạn lớn, của các nước XHCN cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân Việt Nam.

Phần cuối trình bày những ngày cuối đời, quá trình viết Di chúc và nội dung bản Di chúc lịch sử Người để lại cho muôn đời con cháu mai sau.

            Chương VIII: Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi, từ tr.247- tr.260

Trình bày ngắn gọn những sự kiện lịch sử, khẳng định công lao to lớn, sự hy sinh phấn đấu suốt đời của Hồ Chí Minh cho độc lập, tự do của tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và Người sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế.

Đồng thời, cuốn sách cũng khẳng định sự kiên định con đường: độc lập dân tộc và CNXH mà Người và Đảng ta đã lựa chọn từ mùa xuân năm 1930. Tiếp tục đi theo con đường đó, sự nghiệp đổi mới cho thấy bản lĩnh chính trị vững vàng của một Đảng cầm quyền; sự nhất quán, xuyên suốt mục tiêu của cách mạng Việt Nam và những đổi thay của đất nước Việt Nam XHCN giàu mạnh. Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Người, Đảng đã thường xuyên tự chỉnh đốn, mở các cuộc vận động và học tập làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Người,…

Sách Hồ Chí Minh tiểu sử do BTHCM biên soạn là một cuốn sách quý. Hàm chứa trong mỗi trang sách là những thông tin tư liệu quý, chắt lọc, đảm bảo độ chính xác, giúp người đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Được biết ban đầu dự kiến sách có phần phụ lục giới thiệu một số ảnh và tài liệu bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có một số ảnh, tài liệu mới sưu tầm. Sau đó, do việc in gấp để kịp phục vụ cho Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nên Nhà xuất bản đã không đưa phần phụ lục vào, và trong sách cũng còn một số tiếng nước ngoài in chưa chính xác.

Hy vọng rằng, trong lần tái bản sau, BTHCM sẽ sửa chữa, bổ sung thêm những tư liệu mới được sưu tầm, được công bố và bổ sung phần phụ lục, để cuốn sách ngày càng đầy đủ và thêm phần sinh động, hấp dẫn hơn.

_______________

                1. Hồ Chí Minh toàn tập, t.3, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.12.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 299, tháng 5-2009

Tác giả : Phan Thanh Bình

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *