Hò đối đáp, một hình thức giao duyên độc đáo

Nói đến hò dân gian ở Thanh Hóa, xưa nay chúng ta thường nhắc đến hò sông Mã – một loại hình âm nhạc trên sông nước, không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Thanh mà còn là tài sản âm nhạc dân gian quý giá của dân tộc. Song, bên cạnh đó, vùng đất này còn một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian khác cũng độc đáo không kém, đó là hò đối đáp – một hình thức hò giao duyên trên cạn của người Việt.

Hò đối đáp bao giờ cũng có hai phe, một bên là nam, một bên là nữ, bên này hò một câu, bên kia đáp lại một câu. Hò thường được diễn ra trong thời gian rỗi, vào những đêm trăng thanh gió mát. Đôi khi hò đối đáp cũng diễn ra ban ngày, nhưng chủ yếu trong lao động sản xuất.

Hò đối đáp có giai điệu trữ tình, nhịp điệu tự do, cấu trúc ngắn gọn bằng một câu nhạc tương ứng với khổ thơ sáu tám. Nếu nội dung gồm hai khổ thơ trở lên thì hò hết câu một, hò tiếp câu hai hoặc ba với nét nhạc tương tự nhưng bỏ tiết nhạc mở đầu. Do lời thơ trong từng câu hò có thanh điệu khác nhau nên âm nhạc cũng phải linh hoạt, thay đổi cao độ ở một số nốt nhạc hoặc luyến láy cho phù hợp. Đặc biệt, hò có hai kiểu kết: nếu lời thơ kết ở thanh huyền, thì câu hò được kết ngay ở từ cuối cùng của khổ thơ; nếu lời thơ kết ở thanh không, phải thêm cụm từ có thanh huyền “ơ là” ở cuối câu để về kết.  

Hò đối đáp thuộc thể loại hò trên cạn. Tuy chỉ có một làn điệu, nhưng sự phong phú, đa dạng về nội dung đã làm tăng tính hấp dẫn cho loại hình này. Lời hò là một khổ thơ sáu tám được sáng tác ứng khẩu ngay tại cuộc hò. Nếu không ứng khẩu ngay được, người ta có thể lấy từ các câu ca dao, tục ngữ, truyện Kiều… để đáp lại, miễn sao hợp cảnh, hợp tình là được. Thông thường, mỗi phe mời một thày Đáy làm chuyên gia đặt lời đối đáp cho mình. Thày Đáy là người giỏi ứng khẩu thành thơ, thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và nhất là truyện Kiều.

Về thể thức, hò đối đáp gần giống hát ghẹo, hát xoan nhưng đơn giản hơn, gồm hai loại: hò lẻ và hò cuộc. Hò lẻ là hò chơi vài câu giữa hai hoặc một nhóm thanh niên nam nữ khi lao động trên đồng ruộng, trên bến dưới thuyền hay cùng đi trên một chặng đường… thường không có tổ chức, không hẹn trước. Hò cuộc, thông thường diễn ra vào ban đêm, trong thời gian rỗi và đã có sự thỏa thuận giữa hai phe về thời gian, địa điểm. Mỗi cuộc hò thường có ba chặng. 

Chặng thứ nhất: Hò giáo đầu, hò thăm. Câu hò mở đầu thường do bên nam chủ động hò trước, để làm quen với bên nữ.

 

             


 Hò đối đáp(Hoằng Hóa – Thanh Hóa) 

Sau đó là những câu chào hỏi hoặc thăm dò:

Ơ hò…

Tiếng ai thánh thót đêm trăng

Phải là nhân ngãi, mời sang ăn trầu.

Ơ hò…

Tiếng ai tha thiết bên cầu

Phải là nhân ngãi, ăn trầu thì sang.

Ơ hò…

Đũa tre ai vọc (chọc) mâm vàng

Chỉ e bên ấy giàu sang, khó vào.

Ơ hò…

Tình thân đâu quản sang giàu

Xin đem giải yếm bắc cầu anh sang.

Rồi hỏi thăm gia đình:

Ơ hò…

Ăn chanh ngồi gốc cây chanh,

Hỏi thăm thầy mẹ sinh thành ra sao?

Nếu còn e ngại chưa muốn cho bạn biết thì bên nữ thường đùa vui:

Ơ hò…

Cha em là Mận, mẹ em là Đào

Riêng đường con cái phải cầu nhiều nơi.

Nhà neo, chỉ bốn vịt giời (trời).

Sáu chim cu gáy, thành mười đó anh…      

Chặng thứ hai: Hò thử tài, hò giao duyên.

Thử tài là hò đố. Hò đố rất khó, nếu đối tượng có thày Đáy giỏi, ra những câu hỏi hóc búa mà mình không trả lời được thì dễ bị thua, mà thua thì mất mặt, về nhà cả đêm không ngủ được, sáng ra phải đi tìm hỏi các cụ cao niên, giỏi thơ phú nhờ tìm câu trả lời để tối lại ra hò trả lời cho bạn:

Ơ hò…

Chim gì như tuyết bay tung

Vẫy đôi cánh nhẹ chập chùng đường mây?

Chàng mà giải được câu này

Khăn hồng em tặng trao tay cho chàng.

Ơ hò…

Khó gì chẳng đối được nàng

Lắng nghe anh kể rõ ràng nàng hay:

Bồ câu vẫy cánh tung bay

Như hoa tuyết trắng chân mây chập chùng…

Đặc biệt, đố Kiều là một tiêu chí quan trọng để đánh giá tài năng của bạn hò. Nội dung đố rất thú vị nhưng đòi hỏi người đố và giải phải thuộc và hiểu tường tận truyện Kiều mới có thể thực hiện được.

Ơ hò…

Đồn rằng anh đọc truyện Kiều

Câu nào nói đến những điều trăm năm?

Ơ hò…

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không…

Trong cuộc hò, mỗi phe thường có một nhóm người tham gia, thay nhau hò cho đỡ mệt, nhưng đám bạn hò lại có những anh chị chỉ thích hò với nhau nên muốn nhường cho người khác hò thay cũng khó được bên kia chấp thuận:

Ơ hò…

Cơm nếp cũng dẻo như xôi

Để tôi hò giúp em tôi mấy vần.

Ơ hò…

Cơm nếp không được như xôi.

Nếu ai hò đỡ thì tôi không hò.

Khi bên nam đáp ứng được đủ yêu cầu của bên nữ thì chủ động chuyển sang hò giao duyên:

Ơ hò…

Em đố tài, anh lại giảng hay

Những điều em hứa lúc này nghĩ sao?       

Khăn hồng đã có ai trao?

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Ơ hò…

Chàng hỏi thì thiếp xin thưa

Khăn hồng đã có nhưng chưa ai cầm.

Vườn hồng ong, bướm quây quần

Đêm ngày vẫn đợi, vẫn thầm chờ ai!…

Chặng thứ ba: Hò giã từ, hò hẹn ước. Khi đêm đã khuya, trăng đã lặn, cũng là lúc cần phải về nghỉ để sáng mai đi làm nên bên nữ thường chủ động chào ra về trước, lúc này là các câu hò chào và hẹn hôm sau hò tiếp.

Ơ hò…

Kìa trời đã sắp rạng đông

Em về kẻo bố mẹ trông ở nhà.

Có duyên thì tối lại ra

Câu hò lại thắm tình ta lại nồng!

Ơ hò…

Trách trời sao vội tàn canh

Không lui chút nữa cho anh tỏ bày…

Và cứ thế, cuộc hò kết thúc với bao lời bịn rịn như không muốn dứt, đôi khi gần hết đêm nhưng sáng mai đi làm mọi người vẫn thấy thanh thản, vui vẻ, không có gì mệt nhọc.

Hình thức hò đối đáp này có cả ở các huyện đồng bằng, tỉnh Thanh Hóa nhưng phổ biến hơn là ở các vùng ven sông, ven biển. Đặc biệt, thể loại hò này đã được lan truyền khắp nước ta qua con đường tiếp lương tải đạn của các anh chị dân công phục vụ kháng chiến, hoặc đi khai hoang vùng kinh tế mới:           

Ơ hò…

Gặp nhau giữa đỉnh đèo cao,

Hỏi thăm em ở xã nào mới lên?

Ơ hò…

Tình cờ không hẹn mà nên

Em ở Hoằng Thịnh mới lên trên này…

Như vậy, không gian, môi trường diễn xướng của hò đối đáp không chỉ diễn ra vào những đêm trăng thanh gió mát, trong thời gian rỗi, trong lao động sản xuất, mà nó còn được diễn ra trong những đêm không trăng sao, dọc đường hành quân, trên rừng, bên suối… Hò đối đáp là một sinh hoạt văn hóa dân gian đời thường hết sức độc đáo của người Việt ở Thanh Hóa, không chỉ là chất xúc tác giúp người dân hăng say lao động hơn mà còn vẽ lên một bức tranh thanh bình, giàu bản sắc của làng quê Việt, tôn vinh những giá trị thẩm mỹ, truyền thống văn hóa lâu đời của nhân dân ta (1).

_____________

1. Bài viết có tham khảo ý kiến, tư liệu của các nghệ nhân xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa và một số nơi khác trong tỉnh.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : VI MINH HUY

3/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *