Trong khi nhiều nhà văn hóa (NVH) được nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, vị trí thuận lợi nhưng thường xuyên đóng cửa bỏ không, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả thì các không gian sáng tạo (KGST) trong lòng thành phố tuy còn khó khăn, bất cập về khung pháp lý, thiếu ổn định về không gian, hạn chế về cơ sở vật chất nhưng lại đang được công chúng biết đến nhiều hơn. Cách làm của các KGST: từ việc chú trọng đầu tư, đa dạng hóa các nội dung hoạt động, cách tiếp cận công chúng, cách giới thiệu, truyền thông quảng bá… là những gợi ý, kinh nghiệm để hệ thống NVH phát huy vai trò của mình, trở thành tâm điểm trong văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân.
Hệ thống thiết chế văn hóa là hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, các trang thiết bị, bộ máy tổ chức, nhân sự… để bảo đảm cho các hoạt động văn hóa hướng đến phục vụ nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, đảm bảo quyền văn hóa cho người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa bao gồm: thư viện, bảo tàng, NVH, sân vận động, rạp chiếu phim, công viên… nhưng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, NVH được xem là thiết chế cơ bản nhất. NVH bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, sản xuất và đời sống của nhân dân, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống, giao lưu, liên hoan, hội diễn văn nghệ còn là nơi phát hiện, bồi dưỡng các tài năng văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
Chính sách mở rộng mạng lưới hệ thống NVH trên toàn quốc được thể hiện rõ trong Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là có 70% số thôn có NVH, khu thể thao thôn; 80% đơn vị hành chính xã có trung tâm văn hóa – thể thao; 90% đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa – thể thao và 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có trung tâm văn hóa. Định hướng đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100% ở các cấp hành chính có các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng (1). Riêng với Hà Nội, tại Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND thành phố xác định là tăng cường Hệ thống thiết chế văn hóa và các lĩnh vực văn hóa: “Đến năm 2015 hoàn thiện hệ thống thiết chế cấp quận, huyện (bao gồm cả xây dựng cơ sở vật chất và bộ máy nhân sự; 100% quận, huyện có trung tâm văn hóa; 70 – 75% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa hoặc nhà văn hóa; điểm sinh hoạt văn hóa; nâng tỷ lệ NVH thôn, làng, điểm sinh hoạt văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố, khu nhà ở công nhân đạt 70 – 75%; đến năm 2020 đạt 80 – 85%; năm 2025 đạt 100%” (2). Những chỉ tiêu phát triển trên cho thấy tầm quan trọng của Hệ thống thiết chế văn hóa nói chung và NVH nói riêng trong công cuộc nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân.
1. Thực trạng hoạt động của hệ thống NVH tại Hà Nội
Từ chủ trương đúng đắn, được sự đồng thuận, đóng góp của nhiều cá nhân, tập thể chung tay xây dựng, hệ thống Trung tâm văn hóa – thể thao nhiều quận, huyện, cũng như các NVH thôn, tổ dân phố đã được đầu tư xây dựng mới. Nhiều năm qua các NVH đã thực hiện tốt mục tiêu thông tin tuyên truyền những nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương, giúp người dân tiếp cận được với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; là nơi thuận lợi để người dân đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, từ đó tăng khả năng gắn kết cộng đồng, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của các NVH chưa cao, chưa đi vào chiều sâu. Một số NVH chỉ sử dụng vào mục đích thông tin tuyên truyền, chưa chú trọng thích đáng đến việc nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân. Tần suất hoạt động của nhiều NVH còn quá ít ỏi, mang tính chiếu lệ, thường xuyên trong tình trạng đóng cửa, chỉ phục vụ cho hội họp hay khi địa phương tổ chức những sự kiện thường niên lớn lễ hội, lễ kỷ niệm… Không ít NVH còn rơi vào tình trạng để trống, bỏ không. Nội dung hoạt động khá nghèo nàn, mang tính ngắn hạn, chưa đầu tư xây dựng các kế hoạch hoạt động dài hạn. Nhiều nơi hoạt động không đúng nội dung, mục đích như cho thuê không gian tổ chức đám cưới hay làm phòng tập thể hình, mở quán cà phê, biến thành cơ sở sản xuất hay tận dụng khoảng sân rộng trở thành bãi gửi xe… với lý do nhằm tạo nguồn kinh phí để chi trả cho các hoạt động của NVH. Đối tượng phục vụ còn hạn hẹp, chủ yếu là lứa tuổi trung niên và người già, còn ít hoạt động lôi kéo và thu hút sự chú ý của những người trẻ, lứa tuổi thanh thiếu niên.
Hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa trong đó đặc biệt là NVH, xét đến cùng, biểu hiện dễ thấy nhất là ở sức thu hút cộng đồng, ở số lượng người tham dự và sâu xa hơn chính là việc nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân, giúp họ tìm hiểu, khám phá, phát triển năng lực cá nhân. Nhiều NVH tuy có cơ sở vật chất nhưng chưa được đầu tư về nội dung, thiếu người làm nội dung, thiếu người thiết kế, xây dựng chương trình hoạt động. Các hình thức sinh hoạt cộng đồng khá cũ kỹ, không cập nhật xu thế và đời sống nghệ thuật đương đại. Đội ngũ cán bộ NVH phần đông chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, chưa có nhiều nỗ lực trong việc sáng tạo các hình thức hoạt động, hơn nữa họ lại kiêm nhiệm quá nhiều việc, khó chuyên tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động của NVH.
2. Xây dựng nội dung hoạt động cho hệ thống NVH – kinh nghiệm từ một số KGST
KGST là một thuật ngữ khá quen thuộc trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia có nền kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa phát triển mạnh. Tại Việt Nam, thuật ngữ này chỉ được nhắc đến nhiều trong khoảng 5 năm gần đây như những không gian chia sẻ, hợp tác và kết nối đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật. Sự tác động lan tỏa của các KGST trên thế giới, cùng với việc được giao lưu, trao đổi tiếp xúc với bạn bè nước ngoài qua nhiều kênh khác nhau khiến người trẻ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sự sáng tạo, tất yếu dẫn đến nhu cầu kết nối, đi tìm tiếng nói chung cùng với những cá nhân sáng tạo khác.
Theo Hội đồng Anh, KGST (creative hub) được định nghĩa là hạ tầng cơ sở hay địa điểm trong đó sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích của nó để cho thuê hoặc phục vụ cho hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh trong phạm vi các ngành công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Đó là nơi gặp gỡ, trao đổi công việc, chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm của những người làm công việc sáng tạo như nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà thiết kế, người làm phim… Các không gian này giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển nền kinh tế sáng tạo (3). Các KGST được ví như bà đỡ cho những người trẻ có mong muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, làm thay đổi bộ mặt đô thị. Hơn nữa, các KGST còn đóng vai trò như cầu nối giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, nghệ sĩ với khán giả, mang nghệ thuật đến với khán giả, tạo cơ hội cho công chúng tiếp cận nhiều hơn với nghệ thuật. Từ một vài thể nghiệm ban đầu như Nhà sàn Studio (1998), Studio Anh Khánh (1999), Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh TPD (2002)… đến nay các KGST đã là hiện tượng khá quen thuộc. Đâu đó trong thành phố, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn đang miệt mài và đầy đam mê theo đuổi mục tiêu sáng tạo, kết nối, có định hướng kinh doanh như Manzi (14 Phan Huy Ích), Heritage Space (28 Trần Bình), Hanoi Grapevine (không gian chia sẻ thông tin trực tuyến), Zó Project (124 Âu Cơ, Tây Hồ), Hanoi Rock City (28/52 Tô Ngọc Vân)… Sự gia tăng về mặt số lượng, mỗi ngày xuất hiện một điều mới mẻ cho thấy sức hấp dẫn và sự lôi kéo mạnh mẽ của các KGST (4). Vậy lý do nào khiến các KGST lại có thể thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là người trẻ đến vậy?
Trong rất nhiều lý do, có lẽ chính nội dung hoạt động đa dạng, linh hoạt, biến đổi không ngừng là yếu tố then chốt để các KGST luôn giữ được sự tươi mới, hấp dẫn với công chúng. KGST không chỉ là điểm kết nối những người làm sáng tạo mà còn là nơi gặp gỡ giữa người làm sáng tạo với khán giả, với công chúng. Bấy lâu công chúng vẫn e ngại và có đôi chút mặc cảm về vốn hiểu biết nghệ thuật còn ít ỏi khi đến các không gian như bảo tàng, triển lãm nghệ thuật, gallery… thì hiện nay khi đến các KGST, con đường từ nghệ thuật đến với khán giả được rút ngắn đi nhiều, nghệ thuật không còn quá cao siêu, xa lạ mà trở nên gần gũi, giúp họ tin vào khả năng có thể tiếp cận được với nghệ thuật. Khán giả được ngắm nhìn, tò mò, thắc mắc về nghệ thuật, được giải đáp, chia sẻ, trao đổi để hiểu hơn về nghệ thuật. Mô hình giáo dục, nghiên cứu và thực hành nghệ thuật độc lập Cuca Việt Nam (do nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương sáng lập) là dẫn chứng tiêu biểu cho cách làm hiệu quả và khá thuyết phục này. Cuca Việt Nam mong muốn tạo ra một môi trường lành mạnh cho nghệ thuật, mà ở đó sự quan tâm, hiểu biết của công chúng sẽ giúp nghệ sĩ có thêm những phản hồi cần thiết, mở ra những đối thoại có tính phê phán về tác phẩm.
Với mục đích cung cấp kiến thức, kỹ năng cảm thụ và thực hành nghệ thuật, giúp công chúng hiểu, cảm thông và có trách nhiệm hơn trong việc đánh giá, nhận định, thưởng thức nghệ thuật, Cuca đã tổ chức nhiều lớp tìm hiểu về nghệ thuật, văn hóa, giáo dục cảm thụ nghệ thuật, thu hút được nhiều đối tượng tham dự ở nhiều lứa tuổi, có thể kể đến như: Lược sử nghệ thuật đương đại qua các thuật ngữ, Mỹ học phương Tây, Lịch sử vương quốc Phù Nam, Khái quát lịch sử và văn hóa Phật giáo, Tìm hiểu ngôn ngữ hội họa… Tại đây, các đối tượng tham gia được gặp gỡ, trao đổi, nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu, thuyết trình chia sẻ kiến thức thay vì chỉ ngồi dự một cách thụ động. Bên cạnh việc hướng dẫn các vấn đề lý thuyết, Cuca cũng rất chú trọng việc cho các học viên thực hành, thể nghiệm sự sáng tạo về hội họa hay các loại hình nghệ thuật đương đại như video art, sound art; tổ chức các hoạt động nghiên cứu kết hợp với đi thực địa tại nơi nghiên cứu; báo cáo kết quả sáng tạo, kết quả nghiên cứu và cùng nhau chia sẻ về những sáng tạo đó… Cách làm này cho thấy sự đề cao vai trò tham gia của công chúng, đưa cộng đồng trở thành chủ thể thực sự của các hoạt động văn hóa, kích thích được tính sáng tạo, khơi dậy tiềm năng bên trong của họ.
Cũng thiên về đào tạo, Hanoi Doclab (Viện Goethe, 56-58 Nguyễn Thái Học) khiêm tốn nhận mình là một trung tâm nhỏ dành cho những ý tưởng lớn lại hoạt động trong lĩnh vực phim tài liệu và nghệ thuật video. Ra đời vào năm 2009, bên cạnh mong muốn tham gia vào quá trình đào tạo một thế hệ mới các nhà làm phim tài liệu trẻ độc lập và nghệ sĩ video, Doclab còn hướng tới phát triển một cộng đồng khán giả địa phương. Doclab là một mô hình KGST khá uyển chuyển và linh hoạt trong việc điều phối các hoạt động nhằm thu hút công chúng như tổ chức các buổi chiếu phim truyện, phim tài liệu, phim thử nghiệm hay thuyết trình, trao đổi thảo luận các vấn đề về điện ảnh giữa các thành viên của Doclab và khách mời; tổ chức các lớp làm phim cơ bản và nâng cao cũng như các khóa học chuyên biệt (khóa học về nhiếp ảnh, workshop về làm phim với các đạo diễn trên thế giới, đào tạo viết kịch bản phim tài liệu, thiết kế âm thanh, âm nhạc cho phim…); là nơi tổ chức liên hoan phim tài liệu và thể nghiệm duy nhất tại Việt Nam, giới thiệu với khán giả những bộ phim độc lập đến từ trong nước, khu vực và quốc tế. Kiên trì theo đuổi mục đích của mình, trong những năm qua, Doclab đã tạo ra được một cộng đồng quan tâm đến phim tài liệu, có kiến thức về phim tài liệu và yêu phim tài liệu tại Hà Nội. Chính từ KGST này, nhiều tài năng trẻ vốn trước đó chưa qua trường lớp đào tạo nào về làm phim đã được phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng để tạo ra những bộ phim có chất lượng, mang dấu ấn cá nhân sâu sắc phản ánh những suy nghĩ mới, cách làm mới về nhiều vấn đề trong xã hội hiện nay.
Sinh hoạt văn hóa của người dân hiện đang bị cuốn theo các loại hình văn hóa nặng về tính giải trí. Các cuộc thi ca nhạc, nhảy múa, game show… diễn ra thường xuyên lấn lướt, áp đảo các loại hình văn hóa nghệ thuật chính thống, bác học. Điều này một phần được lý giải bởi sự thiếu hụt về giáo dục thẩm mỹ, giáo dục nghệ thuật. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có một hình thức biểu hiện và ngôn ngữ nghệ thuật riêng, do vậy nếu không được trang bị tri thức về nghệ thuật thì công chúng khó có thể đi sâu vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm để cảm nhận, thưởng thức được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Do vậy, để người dân có thể đạt được một trình độ hưởng thụ văn hóa nghệ thuật thực sự, các cơ quan quản lý cần chú trọng hơn đến việc mở các lớp trao đổi, truyền dạy kiến thức nghệ thuật cho các đối tượng khác nhau.
Tổ hợp sáng tạo Hanoi Creative City (số 1 phố Lương Yên, quận Hai Bà Trưng) lại cho thấy việc đầu tư nội dung để có thể hoạt động thường xuyên là điều cốt yếu thay vì chỉ tập trung cho một số sự kiện thường niên như cách mà hệ thống NVH hiện nay vẫn đang duy trì. Hanoi Creative City được xem là một tổ hợp sáng tạo nghệ thuật quy mô lớn bao gồm trong nó nhiều KGST nhỏ, có định hướng phát triển thành một quận nghệ thuật. Ngoài các không gian chức năng (văn phòng cho thuê, khu trưng bày, triển lãm, hội chợ thời trang, các studio, các lớp học đào tạo, tổ chức các hoạt động sự kiện…), Hanoi Creative City còn có những không gian tiện ích (các cửa hàng thời trang, khu giải trí, các quán cà phê…) hay cả khu vực dành riêng cho các hoạt động nghệ thuật đường phố, những chương trình biểu diễn ngoài trời. KGST này đặc biệt hấp dẫn giới trẻ vì sự sôi động, lạ và chất.
Để hệ thống NVH hoạt động hiệu quả, nội dung, chất lượng của các chương trình, các sự kiện, dự án… phải được quan tâm trước nhất. Song song với đó cũng phải chú ý đến cách thức tiếp cận công chúng, lôi kéo và thu hút họ. Truyền miệng là một cách tuyên truyền, quảng bá hiệu quả từ cộng đồng, một khi họ hài lòng với các không gian đó và mong muốn được chia sẻ với người khác. Ngoài ra, có thể phối hợp nhiều kênh tiếp thị khác nhau như sử dụng các phương tiện truyền thông (website, facebook, youtube…) hay tổ chức các sự kiện văn hóa như âm nhạc, triển lãm, các hoạt động thể thao, các buổi nói chuyện nhằm mời gọi, lôi kéo và thu hút công chúng. Thêm nữa, các NVH phải thực sự là những không gian thẩm mỹ giàu tính nghệ thuật, là không gian cho văn hóa nghệ thuật (thể hiện qua cách bài trí, sắp xếp…). Hiện nay, về cơ sở vật chất, các NVH đều khá khang trang, được xây dựng theo những khuôn mẫu quy củ, nhưng ít chú trọng về cách bài trí, tính thẩm mỹ chưa cao, do vậy chưa tạo được sức hút đối với người dân đặc biệt là thế hệ trẻ.
Rõ ràng tồn tại nhiều điểm khác biệt giữa hệ thống NVH với các KGST về mục đích, nhiệm vụ, mô hình hoạt động… nhưng thiết nghĩ cách làm của các KGST là những kinh nghiệm, những gợi ý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các NVH nói riêng, hệ thống thiết chế văn hóa tại Hà Nội nói chung. Cũng có thể nghĩ đến việc bắt tay, đối thoại để huy động các nguồn lực từ các bên, từ đó xây dựng những hình thức hợp tác, những mô hình kết nối NVH, hệ thống thiết chế văn hóa với các KGST trên cơ sở hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới mục đích lớn nhất là phục vụ nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa cho cộng đồng. Nâng cao hiệu quả hoạt động cho các NVH, xét đến cùng là vì mục tiêu phát triển con người, phát triển cộng đồng, góp phần hình thành lớp công chúng có trình độ, có khả năng thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật, xây dựng đời sống tinh thần phong phú.
_______________
1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030, 2013.
2. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, 2012.
3. British Council (2014a), Creative Hubs.
4. Hội đồng Anh, Không gian sáng tạo tại Việt Nam (do nhà báo Trương Uyên Ly thực hiện).
Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017
Tác giả : PHẠM THỊ HƯƠNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn