Huy động nguồn tài trợ của xã hội cho phát triển văn hóa – giải bài toán khó thế nào?


Vừa qua, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đã diễn ra Lễ tiếp nhận tài trợ đầu tư bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc từ Tập đoàn Tuần Châu – do Chủ tịch Tập đoàn này là ông Đào Hồng Tuyển đại diện trao tặng, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện. Đây là sự kiện tài trợ đầu tư trực tiếp cho sự nghiệp giữ gìn và phát triển văn hóa từ một doanh nghiệp với số tiền lên tới 20 tỷ đồng. Đây có thể là sự khởi đầu, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa, để góp phần đưa văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của một xã hội phát triển bền vững. Nhân sự kiện này, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã có trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ông bày tỏ:

Một trong những vấn đề mà lĩnh vực văn hóa Việt Nam đang gặp phải là làm thế nào để huy động được nguồn tài trợ của xã hội cho phát triển văn hóa nghệ thuật. Chúng ta đã có chính sách về xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, tuy nhiên, trải qua thời gian tương đối dài, chính sách này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Các huy động hỗ trợ,  tài trợ xã hội chủ yếu liên quan đến một số lĩnh vực cụ thể, trong lĩnh vực văn hóa chủ yếu liên quan đến xây dựng mới hay tu sửa các thiết chế tâm linh như đền, đình, chùa là chính. Trong khi đó, có rất nhiều hoạt động khác, mà chúng ta rất mong muốn cần phải có sự hỗ trợ, lại không làm được, ví dụ như hỗ trợ phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, các tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị cao, đặc biệt trong đó là các hoạt động nghiên cứu về văn hóa… Khi chưa huy động được nguồn lực của xã hội, thì rất khó cho sự phát triển của lĩnh vực đó. Trong khi đó, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, sự hỗ trợ của các thành phần ngoài nhà nước, đặc biệt là của nhiều doanh nghiệp đối với các lĩnh vực văn hóa đã tạo ra sự phát triển vượt bậc cho văn hóa – nghệ thuật.

Đối với trường hợp của Tập đoàn Tuần Châu hỗ trợ cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam 20 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu và tư liệu hóa, số hóa các tư liệu đã được sưu tầm, là hành động được xem là hiếm có, được xem gần như là hoạt động đầu tiên mà các doanh nghiệp hỗ trợ cho việc nghiên cứu về văn hóa. Có thể nói, hoạt động này rất quan trọng khi  nguồn lực của chúng ta cho hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa còn nhiều hạn chế. Nó quan trọng ở chỗ:

Thứ nhất: tăng thêm nguồn lực cho các cơ quan nghiên cứu, cho việc số hóa, tư liệu hóa các dữ liệu di sản văn hóa – những dữ liệu cơ bản để từ đó chúng ta có thể khai thác cho các mục đích khác nhau để bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bên cạnh nguồn lực hạn chế từ phía nhà nước, nếu không có nguồn lực này, chúng ta rất khó để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu văn hóa.

Thứ hai: hoạt động này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp, các thành phần xã hội khác tài trợ cho văn hóa nghệ thuật nói chung, và đặc biệt cho công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa nói riêng. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam mong muốn từ những trường hợp cụ thể đầu tiên này sẽ tạo ra một xu thế để các doanh nghiệp, thành phần ngoài nhà nước hỗ trợ cho nghiên cứu, sưu tầm và phát huy giá trị dữ liệu di sản văn hóa của dân tộc. Ở đây, có một điểm cũng rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đó chính là việc nghiên cứu phải đóng vai trò căn bản, chỉ khi  có được những nghiên cứu, lưu giữ tốt, chúng ta mới có cơ sở để phát huy. Nhưng từ trước đến nay, bước quan trọng đầu tiên, mảng nghiên cứu cơ bản, lưu giữ hoặc số hóa dữ liệu, lưu trữ các di sản văn hóa lại ít được quan tâm, người ta chỉ nghĩ đến đoạn sau, phần việc phát huy – những thứ dễ kiếm ra tiền bạc. Điều đó có nghĩa là, trước kia, cách làm đó mới chỉ đang làm di sản từ ngọn, chứ không phải từ gốc, thì bây giờ thông qua nguồn tài trợ, sẽ giúp cho chúng ta làm di sản từ gốc và mang tính bền vững. Đây chính là một trong những điều được đánh giá là quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

*PV: So với các quốc gia trên thế giới, hiện nay ở Việt Nam, công tác về thu hút nguồn xã hội hóa, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa còn nhiều hạn chế. Vậy theo ông, trong tương lai Việt Nam cần có chính sách hay cơ chế như thế nào để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp cho sự nghiệp văn hóa?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Theo kinh nghiệm trên thế giới cho chúng ta thấy rằng, huy động nguồn lực cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật là vô cùng quan trọng, nó tạo ra điều kiện về vật chất, cơ sở để phát triển văn hóa nghệ thuật. Ở nhiều nước, điển hình nhất như Hoa Kỳ chẳng hạn, đối với tài trợ và hiến tặng liên quan đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thì tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ được giảm trừ trước thuế. Ở Việt Nam, câu chuyện này mới có trong lĩnh vực giáo dục, còn văn hóa hay các lĩnh vực khác cũng được giảm trừ, nhưng là giảm trừ sau thuế, mà giảm trừ sau thuế sẽ mất đi nhiều ý nghĩa của việc tài trợ, mất đi nhiều giá trị của những nguồn tài trợ từ phía nhà tài trợ. Trong khi đó, nếu được tài trợ trước thuế, người ta sẽ được nhiều lợi hơn so với giảm sau thuế. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, chính việc này đã khuyến khích cho rất nhiều doanh nghiệp hình thành nên hệ thống những quỹ tài trợ cho các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật. Trên thế giới có rất nhiều tỷ phú và hầu hết họ đều có các quỹ tài trợ, quỹ này có nhiều tác dụng khác nhau:

Thứ nhất, là họ được giảm trừ trước thuế, sẽ có lợi cho việc kinh doanh, mà kinh phí họ mất đi ít, trong khi đó vẫn được hưởng lợi.

Thứ hai, quảng bá được tên tuổi thông qua việc hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng luật về hiến tặng hoặc tài trợ. Câu chuyện này đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Nếu chúng ta thông qua được luật này, sẽ tạo được hành lang pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho các Mạnh Thường Quân trong xã hội, doanh nghiệp hỗ trợ cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt là trong bối cảnh khi văn hóa nghệ thuật được xem là sức mạnh mềm của quốc gia, khi mà sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đang được chú trọng, đặc biệt là trong việc chúng ta phát triển quốc gia khởi nghiệp với hạt nhân của nó là sáng tạo, thì văn hóa – nghệ thuật có một vai trò quan trọng trong việc kích thích sự sáng tạo của một quốc gia.

Ngoài chính sách về thuế, còn cần nhiều chính sách khác. Ví dụ, chính sách về khẳng định địa vị pháp lý của các tổ chức văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là không gian sáng tạo. Khi người ta xác định được các tổ chức văn hóa – nghệ thuật hay không gian sáng tạo là các tổ chức phi lợi nhuận, họ sẽ được đối xử theo vị trí, địa vị pháp lý của một tổ chức phi lợi nhuận, vì thế họ sẽ được chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và các chính sách ưu đãi khác mà các tổ chức phi lợi nhuận có thể được hưởng.      

Đối với chính sách ưu đãi về đất đai, đối với nhiều quốc gia, việc sử dụng đất đai cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật luôn được quan tâm. Người ta có thể sử dụng khu vực nhất định trong thành phố ưu tiên cho hoạt động văn hóa nghệ thuật. Thông qua đó sẽ tạo ra các điểm nhấn, sức hấp dẫn của một thành phố, tạo ra sự đáng sống của một thành phố và chính vì câu chuyện đó, nó sẽ quay trở lại kích thích sự phát triển của văn hóa – nghệ thuật.

*PV: Trong thời gian qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã rất chủ động và tích cực trong việc kêu gọi, thu hút nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, vậy ông có thể chia sẻ thêm về cơ chế hay cách thức mà Viện đã thực hiện để thu hút nguồn xã hội?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Từ ví dụ của của Tập đoàn Tuần Châu tài trợ cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện có thêm quyết tâm trong việc triển khai phương châm hành động của mình là gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành, tức là cái gì mà mình nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ di sản phải gắn bó với thực tiễn và có giá trị đối với thực tiễn, điều này sẽ đánh động hoặc nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân. Khi người ta thấy được việc nghiên cứu không phải là lý thuyết, không phải là cái gì đó quá xa vời với thực tiễn, nó có thể giải quyết được những vấn đề của thực tiễn, giúp cho dân tộc phát triển tốt hơn từ kết quả của nghiên cứu, họ sẽ đầu tư nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, bởi nhiều khi công việc của những nhà nghiên cứu thường thầm lặng, thế nên nếu chúng ta biết cách cùng với các phương tiện truyền thông để nói lên, chia sẻ được công việc của mình, thì chúng ta sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, từ đó nhận được nhiều sự đầu tư hơn.

*Xin chân thành cảm ơn ông!

Tác giả: Tuệ Sam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *