Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng là một bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh; một bộ phận có vị trí quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực tư tưởng, nhận thức rất nhạy cảm.

Tư tưởng của Người dựa trên những luận điểm chủ yếu của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo, tín ngưỡng nhưng lại được sự vận dụng sáng tạo vào điều kiện ở Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo một mặt luôn gắn vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng với độc lập dân tộc và CNXH; mặt khác luôn coi trọng, khai thác những giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo nhằm làm giàu thêm đời sống tinh thần xã hội. Đồng thời cũng kiên quyết đấu tranh, loại bỏ việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng vào những mục đích chống dân tộc, chống con người, phản văn hóa.

Tự do tín ngưỡng tôn giáo phải gắn liền với độc lập dân tộc, CNXH. Sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã khẳng định vấn đề quyền tự do, bình đẳng giữa các tôn giáo, tín ngưỡng cho mọi công dân nước Việt Nam mới. Ngay từ thời kỳ đầu chống Pháp, Người đã nhận ra nếu đất nước không được độc lập thì nhân dân không được tự do. Vì thế, độc lập dân tộc và tự do của Tổ quốc là nguyện vọng thiết tha của mọi người dân Việt Nam, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Tháng 1-1946, khi thực dân Pháp lăm le quay lại xâm chiếm nước ta, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước không được độc lập, thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã” (1). Như vậy, độc lập dân tộc là mục tiêu, là mong muốn của mọi người dân Việt Nam, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Nước nhà độc lập mới có tự do tôn giáo.

Là một người cộng sản theo chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh không bao giờ phản đối, bài xích các tôn giáo. Người nhấn mạnh sự tương đồng, mẫu số chung giữa khát vọng, lý tưởng của nhân dân lao động với lý tưởng của những người sáng lập các tôn giáo chân chính. Người ca ngợi Đức Phật Thích Ca “bỏ hết công danh phú quý để đi cứu vớt chúng sinh tức là cứu vớt những người lao động nghèo khổ” (2); “Đạo Phật nhằm xây dựng cuộc sống thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui, no ấm” (3) hay “Đức Thiên Chúa là tấm gương hy sinh triệt để vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hòa bình, vì công lý” (4). Người nhìn thấy các giá trị nhân văn của các tôn giáo và đạo đức tôn giáo: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng những có điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội” (5). Tư tưởng lớn đó thể hiện một sự tìm kiếm mặt tương đồng giữa các hệ ý thức và tôn giáo giữa một thế giới đang xung đột quả là một sự sáng tạo, độc đáo vô cùng.

Dù học thuyết tôn giáo và học thuyết mácxít có điểm khác biệt, thậm chí đối lập với nhau, nhưng Người nhận thấy không hề có sự đối lập giữa lý tưởng tôn giáo với lý tưởng XHCN, mà tìm thấy những điểm tương đồng nhất định. Đó là cả hai trào lưu, học thuyết này đều mong muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội: “Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và chúa Giê-su đều giống nhau. Thích Ca và Giê-su đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng” (6) và người cộng sản cũng phấn đấu nhằm mục tiêu ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu tôn giáo năm 1960. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là mẫu mực của sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng. Người không hề có sự phân biệt đối xử giữa tôn giáo này và tôn giáo khác, giữa người có đạo và người không có đạo. Tư tưởng đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo là tư tưởng nhất quán và trở thành chính sách lớn của Người. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước VNDCCH ngày 3-9-1945, tôn giáo là một trong “sáu vấn đề cấp bách” lúc bấy giờ. Người nói: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết” (7).

Để thực hiện đoàn kết dân tộc và tôn giáo, trong những thời điểm sinh tử của chế độ DCCH, Người nêu cao tấm gương lòng nhân, truyền thống dân tộc và trên quan điểm của chủ nghĩa cộng sản. Ngay sau những vụ rào làng, giết hại cán bộ vùng Bùi Chu, Phát Diệm, vụ “Cây Mai” (Thái Bình), vụ Nghi Lộc (Nghệ An), Hồ Chí Minh vẫn có thái độ rộng lượng đối với tôn giáo. Phạm Văn Đồng viết: “Đối với kẻ lầm đường, lạc lối Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả. Người đã dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy” (8).

Tôn trọng đức tin tôn giáo, kiên trì giáo dục lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc nhưng Người cũng nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phải cảnh giác, đấu tranh chống lại các thế lực đế quốc, tay sai lợi dụng tôn giáo phá hoại đoàn kết. Thái độ này của Hồ Chí Minh đã sớm thể hiện ngay từ tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp. Người viết: “Hàng giáo sĩ thuộc địa không những phải chịu trách nhiệm gây ra chiến tranh thuộc địa, mà còn là bọn kéo dài chiến tranh, bọn chủ trương đánh đến cùng” (9). Trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam, Người viết: “Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ tăng ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật” (10).

Sự tôn trọng đức tin của đồng bào có đạo và lòng thương yêu bà con có tín ngưỡng, tôn giáo ở Hồ Chí Minh đã làm cho những người không cùng quan điểm với Người cũng phải kính phục. Ông J.Sainteny trong cuốn sách Đối diện với Hồ Chí Minh đã viết: “Về phần tôi phải nói rằng, chưa bao giờ tôi có cơ sở để nhận thấy trong các chương trình của Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù nhỏ của sự công kích đa nghi, hoặc chế giễu đối với một tôn giáo bất kỳ nào” (11).

2. Tiếp tục kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng. Trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đều đưa ra những chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo. Quan điểm này chính là sự kế thừa và tiếp tục tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo. Văn kiện Đại hội XII tiếp tục kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm của các đại hội trước.

Thứ nhất, quan điểm tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được xem là quyền của công dân. Điều 24 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (12). Trong Văn kiện Đại hội X, Đảng ta chỉ ra rằng, chúng ta thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Văn kiện Đại hội XI khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật” (13).

Trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016 2020, Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm” (14). Điều đó cho thấy quan điểm nhất quán của Đảng ta về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Một điểm nữa để khẳng định rõ hơn chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là việc có nhiều hơn những người theo tôn giáo được kết nạp Đảng. Đại hội XII chỉ rõ: “Số đảng viên mới kết nạp là đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nữ, trí thức, học sinh, sinh viên, dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo, người lao động trong các thành phần kinh tế và chủ doanh nghiệp tư nhân tăng hơn so với khóa trước” (15). Đây là một điểm mới so với các văn kiện đại hội Đảng trước đây khi chúng ta khẳng định chính sách kết nạp Đảng đối với những người theo tôn giáo.

Thứ hai, tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo

Hồ Chí Minh còn khai thác tôn giáo với tính cách là những giá trị đạo đức, di sản văn hóa của nhân loại. Người nhìn thấy ở tôn giáo những giá trị tốt đẹp, phù hợp với đạo đức mới, phục vụ cho sự phát triển của thời đại. Tiếp thu tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đại hội XI chỉ ra rằng: “Tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo; động viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (16). Văn kiện Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật” (17).

Thứ ba, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo

Đảng nhấn mạnh tại Đại hội XII: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận” (18).

Điều 24 trong Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, Điều 14 Hiến pháp 2013 cũng đưa ra những quy định về quyền con người trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng (19). Văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chính là sự thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng về tôn giáo nhằm đảm bảo một cách tốt nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Bốn là, đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng và tuyên truyền mê tín dị đoan

Cùng với việc đấu tranh chống lại kẻ địch lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, Hồ Chí Minh cũng kịch liệt lên án, phê phán những kẻ núp bóng tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, chống phá cách mạng. Đại hội XII tiếp tục quan điểm chống lại việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại sự ổn định, đoàn kết xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước; mọi hành vi xâm phạm đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp đều bị nghiêm cấm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Những luận điểm cơ bản và quan trọng của Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo tại Đại hội XII. Tính thời sự và nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.

______________

1. Lê Hữu Nghĩa, Nguyễn Đức Lữ, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo, Nxb Tôn giáo, 2003.

2, 4. Báo Nhân dân, ngày 26-1-1952.

3. Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958.

5. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyên về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970.

6. Báo Nhân dân, ngày 27-12-1951.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

8. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

11. J.Stainley, Face à Ho Chi Minh, Nxb Serghers, Pari, 1970, tr.162.

12, 19. Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 2014.

13, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

14, 15, 17, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

Tác giả: Trịnh Thị Kim Thoa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *