Khái quát về chủ nghĩa cổ điển mới

Chủ nghĩa cổ điển mới (néoclassicisme) là một trào lưu nghệ thuật phát triển từ giữa những năm 50 của TK XVIII đến năm 1813, bắt đầu từ hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Đây là một phương thức sáng tác chú trọng tới sự hoàn mỹ của màu sắc và đường nét, chống lại chủ nghĩa lãng mạn.

Chủ nghĩa cổ điển mới ra đời tại Rome, vào thời điểm mà nhiều nghệ sĩ ở đây vừa khám phá lại được vẻ đẹp của những bức tượng cổ ở hai ngôi làng Pompéi và Herculamun, được coi là thánh địa của người La Mã. Tiếp đó, nó phát triển sang Pháp, nhờ những họa sĩ và các nhà điêu khắc của Viện Hàn lâm Pháp ở Rome. Sau cùng, thông qua chuyến đi của những thanh niên quý tộc nước Anh, chủ nghĩa cổ điển mới dừng chân tại đất nước này.

Ở châu Âu, dưới ảnh hưởng của Winckelmann (nhà lịch sử và khảo cổ học người Đức), chủ nghĩa cổ điển mới đã hướng đến sự đơn giản của thời kỳ nguyên thủy sau những sự cầu kỳ của nghệ thuật Baroque và Rococo những năm trước đó. Thực chất, chủ nghĩa cổ điển mới sáng tác theo nguyên tắc chung là lồng ghép cảm xúc mới trong một phong cách cũ, nhằm hướng đến sự hoàn mỹ làm sống lại nghệ thuật thời kỳ nguyên thủy và Hy Lạp cổ đại. Nó là một sự lựa chọn phù hợp với cuộc cách mạng của người Pháp và người Mỹ, bởi họ muốn giới thiệu biểu tượng dân chủ của Hy lạp cổ đại và của đế chế La Mã. Thành Rome muốn trở thành một hình mẫu dưới thời Napoleon đệ nhất, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa lãng mạn thì phong cách sáng tác này dần bị mất đi.

Trong lĩnh vực hội họa, nghệ thuật cổ điển mới có một số nguyên tắc chính: nội dung sáng rõ, chủ đề lấy cảm hứng từ Hy Lạp cổ đại và La Mã, chú trọng đến màu sắc, hình thức thường hai phần, quay trở lại sự đơn giản và chối bỏ phong cách cầu kỳ của nghệ thuật Rococo.

Một trong những bức tranh tiêu biểu cho phong cách cổ điển mới có tiêu đề là Cái chết của Socrate do họa sĩ Jacques Louis David sáng tác năm 1787, đến nay vẫn đang được trưng bày ở bảo tàng nghệ thuật Metropolitan thành phố New York.

Ngoài ra còn có một số tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ khác như: Sự sáng tạo của số mệnh (1791) của Bruges Survé, Napoléon ngoài chiến trường ở Eylau (1807) của Gros, Linh hồn và tình yêu (1798) của Francois Pascal Simon Gérard…

Nghệ thuật điêu khắc có một số tác phẩm tiêu biểu: Spartacus (1830) của Denis Foyatier, Mercure của Augustin Pajou, Hercule và cuộc chiến với thần rắn của Francois Joseph Bosio và Người lính tuyên bố chiến thắng trong cuộc thi Marathon của Jean Pierre Cortot.

Trong kiến trúc, tòa nhà Teatr Wielki ở Varsovie dưới đây được coi là một ví dụ điển hình theo nghệ thuật cổ điển mới.

Người ta ghi nhận rằng, sau chiến tranh thế giới thứ nhất trong văn học mới xuất hiện trào lưu sáng tác cổ điển mới, nó ra đời cùng với sự xuất hiện của nghệ thuật dada và nghệ thuật biểu hiện. Quan điểm chủ yếu trong sáng tác văn học là chú trọng tới sự chuẩn mực của đạo đức và cảm xúc, đặc biệt là sự quay trở lại chủ đề đạo Thiên chúa. Hai tác giả tiêu biểu nhất là T.E. Hume và Wyndham Lewwis.

Chủ nghĩa cổ điển mới được khẳng định trong nghệ thuật thơ ca TK XX, với mục đích nghệ thuật phải có hoạch định và có kết luận rõ ràng, để đối lập với bút pháp của nghệ thuật ấn tượng và nghệ thuật biểu hiện.

Âm nhạc cổ điển mới có mầm mống từ cuối TK XIX, bằng sự trở lại những nguyên mẫu sáng tác của Bach được tổng kết bởi J. Bramhs và M. Reger. Nó trở thành một trường phái sáng tác vào những năm 1920 -1930 với sự quay trở lại loại âm nhạc có chủ đề và sử dụng những hình thức âm nhạc từ các thế kỷ trước.

Người đầu tiên đưa ra những ý tưởng sáng tác theo nghệ thuật cổ điển mới là J.Couteau, và ông đã có ảnh hưởng lớn tới nhóm 6 người (F.Poulenc, D.Mihaud, A.Honegger, G.Tailleferre, L.Durey, G.Auric) được hình thành ở Pháp vào những năm 20 của TK XX. Nhóm có một số tác phẩm thành công, chẳng hạn như thanh xướng kịch King David (1923) của Athur Honegger. Tác phẩm này được đánh giá rất cao trong nửa sau TKXX, vì tính chất hỗn hợp giữa nhạc kịch và thanh xướng kịch. Sau đó là tác phẩm Suite Provencale (Tổ khúc xứ Prôvăngxơ, 1937) cho dàn nhạc của Darius Milhaud, bản Concert champêtre (Hòa nhạc đồng quê, 1928) cho đàn clavecin hoặc piano và dàn nhạc nhỏ của Francis Poulenc…

Nhìn chung những tác phẩm viết theo bút pháp cổ điển mới của nhóm 6 người luôn thể hiện sự phản kháng lại chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa ấn tượng. Tuy nhiên, thái độ của nhóm 6 người chỉ mang tính bút chiến, không đạt đến độ để tạo ra một phong cách riêng biệt. Việc làm của họ chỉ mang tính tự nguyện, tán dương lối cấu trúc giản đơn trong âm nhạc dân gian, hoặc hướng tới số đông, vì thế dẫn đến âm nhạc của nhóm 6 người giống như loại âm nhạc đường phố. Lịch sử âm nhạc thế giới chỉ ghi nhận P.Hindemith, I.Stravinsky S.Prokofiev, M.Ravel, B.Martinu và G.Ensco là những đại diện tiêu biểu cho bút pháp sáng tác cổ điển mới.

Paul Hindemith (1895-1963) là một người quan trọng không chỉ trong lĩnh vực sáng tác mà cả giảng dạy và lý thuyết âm nhạc. Ông viết tác phẩm The Craft of musical composition (Thuật sáng tác âm nhạc), giới thiệu những nguyên tắc chung của việc sáng tác và phương pháp phân tích âm nhạc. Ông đã dạy ở trường nhạc của Berlin (1927-1937), trường tổng hợp Yale (1940-1953), trường tổng hợp của Zurich sau 1953 và có ảnh hưởng lớn tới các thế hệ nhạc sĩ cũng như những tác phẩm của họ.

Nhạc kịch Mathis der Maler của Hidemith là một tác phẩm tiêu biểu viết theo bút pháp cổ điển mới. Tác phẩm đã dựa vào nội dung bức tranh Sự quyến rũ của thánh Anthony, do họa sĩ Mathias Grunewald vẽ. Được viết vào những năm 30 TK XX dưới chế độ thống trị quốc xã, vở nhạc kịch là sự bày tỏ quan điểm triết học về vai trò của người nghệ sĩ. Sự tự do ở đây được liên tưởng bằng cuộc đấu tranh của nông dân chống lại giới quý tộc trong cuộc chiến tranh nông dân năm 1525.

Trong cảnh 6, Hidemith muốn gợi lại cảm xúc được tạo ra từ bức tranh, đó là nỗi đau khổ của những người dân Đức bị giam cầm. Phần Prelude của cảnh này lấy từ chương ba trong giao hưởng cùng tên và được chơi lại một lần nữa trước khi đóng màn để thể hiện nỗi đau khổ, sự thất vọng của người nông dân giống như cái nhìn trong bức tranh.

Trong bốn nhịp đầu, Hidemith sử dụng chrommatique làm biến mất đường tuyến giai điệu giống như âm nhạc biểu hiện của Đức. Tuy nhiên, chỉ sau đó hơn chục nhịp, người nghe bắt gặp lại hình dáng giai điệu, tiết tấu, luật nhịp và cấu trúc câu theo kiểu âm nhạc TK XVIII-XIX. Ngôn ngữ hòa thanh của ông được thể hiện rõ nét, khởi đầu là chồng âm thuận: re-la-re-sol-re ở nhịp 87. Sau một chu kỳ phát triển theo cấu trúc hình thức của phần hát, thì điểm dừng của hòa thanh cũng tương ứng với điểm dừng của phần hát. Cũng chính ở điểm đó người nghe gặp lại chồng âm khởi đầu. Như vậy, tác phẩm là sự kết hợp hoàn hảo giữa những đặc trưng của âm nhạc lãng mạn với nét nổi trội của âm nhạc biểu hiện cùng phong cách hòa âm riêng của Hindemith. Đây thực sự là một tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp cổ điển mới.

Trong sự nghiệp của mình, có một giai đoạn, I.Stravinsky đã sáng tác theo kiểu tân cổ điển. Tác phẩm khởi đầu cho thời kỳ này của ông chính là vở ballet Pulcinella (1919-1920). Trong tác phẩm chúng ta gặp lại hình ảnh của Pergolesi. Ông trở lại với dàn nhạc thuần túy thời kỳ Baroque qua tác phẩm Hòa tấu 8 nhạc cụ hơi (1922-1923). Hình ảnh của Bach được xuất hiện trong Concerto cho piano và nhạc cụ hơi (1923-1924). Sự quay trở lại âm nhạc phục hưng được đánh dấu bằng tác phẩm Oedipus Rex (1927) và Giao hưởng psalms (1930) cho hợp xướng hỗn hợp và dàn nhạc bằng tiếng latinh, đây được coi là tác phẩm lớn nhất của TK XX. Ở đó người thưởng thức như gặp lại kiến trúc và những vòm nhà thờ của thời phục hưng. Trong vở balet Baiser de la fée (Cái hôn của nàng tiên, 1928) Stravinsky lại dùng chủ đề âm nhạc của Tchaikovsky để làm chất liệu cơ bản. Hình ảnh Beethoven cũng được xuất hiện trong Sonate cho 2 piano (1935). Vở nhạc kịch The Rakes progress (Chuyến ngao du của kẻ trác táng, 1951) là một trong số những tác phẩm tiêu biểu viết theo bút pháp cổ điển mới.

Vở nhạc kịch này dựa trên kịch bản của W.H. Auden và Chester Kallman. Câu chuyện kể về một anh chàng có tên là Tom Rakewell, đã may mắn lấy được cô gái tử tế tên là Anne Trulove. Tom được làm việc cho công ty của bố Anne, nhưng anh ta đã muốn tìm kiếm sự giàu có ở London dưới sự chỉ bảo của Nick Shadow. Tại đây Tom bắt đầu những cuộc ăn chơi trác táng và cuối cùng anh ta cưới một mụ đàn bà người Thổ có tên là Baba. Anne biết chuyện đã đến London hai lần để khuyên can, nhưng anh ta không chịu. Cuối cùng cô phải đối diện với Tom bằng sự may rủi qua một ván bài của Tom và Nick. Tom đã chiến thắng trong ván bài đó, nhưng Nick lại chết vào thời điểm này. Tom hóa điên và cuối cùng anh ta chết trong một trại tế bần.

Trong tác phẩm này Stravinsky đã bắt chước lại những quy tắc viết hát nói, aria, hòa tấu của TK XVIII. Ông sử dụng đàn clavecin của thời Baroque trong phần đệm, cách viết giai điệu rất giống Mozart với nhiều nốt hoa mỹ… tuy nhiên phần đệm lại rất hiện đại được viết theo kiểu bitonal.

Ngoài ra một số tác phẩm của nhạc sĩ khác cũng có những đặc điểm của âm nhạc cổ điển mới. Thí dụ tác phẩm Cái mũi của Chostakovich (1927-1928) có hình ảnh Tchaikovsky và Giao hưởng số 5 (1937) của ông lại có hình ảnh Mahler. Hoặc trong tác phẩm Scheherazade của Ravel lại thấy gợi lên hình ảnh Rimski Korsakov và trong tác phẩm Mộ Couperin (1917-19) phong cách láy của Couperin đã trở thành xuyên suốt.

Trong tác phẩm Hòa tấu cho dây, gõ và célesta của Bartok lại thấy cách viết chromatique và luật nhịp không đều, điều này không có ở TK XVIII, nhưng việc sử dụng hình thức đối xứng qua một trục là trung tâm thì lại được coi là điểm tiêu biểu của thế kỷ này. Bartok thích loại hình thức phần 2 là đảo ngược và tiếp tục phát triển từ phần 1. Đây là một kỹ thuật mới, tuy nhiên cấu trúc chu kỳ trong những tác phẩm cho dàn nhạc trong các năm 1926-1937 lại là một thủ pháp thường gặp trong các tác phẩm thời kỳ Baroque. Bartok cũng làm xuất hiện hình ảnh của Bach trong các đoạn chạy chương I của Concerto số 2 cho piano.

Mặc dù phần lớn các tác phẩm của Webern được viết theo lối âm nhạc atonal nhưng cấu trúc, kết cấu chính xác trong nhiều tác phẩm của ông cũng có thể coi là một sản phẩm của âm nhạc tân cổ điển.

Trong một số tác phẩm của Schonberg cũng nhận thấy những đặc điểm của âm nhạc tân cổ điển. Thí dụ như Concerto cho 9 nhạc cụ (1934) giống Concerto Bradebourge của TK XVII.

         Nói tóm lại, chủ nghĩa cổ điển mới với một bút pháp sáng tác tiêu biểu trong âm nhạc TK XX, nó đánh dấu sự quay trở lại của một quan niệm thẩm mỹ tưởng chừng đã bị mất đi bởi những biến động của lịch sử. Quay lại những cái đẹp theo kiểu truyền thống trong cách nhìn nhận mới cũng mở ra sự phát triển cho nghệ thuật âm nhạc TKXX.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 323, tháng 5-2011

Tác giả : Phạm Phương Hoa

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *