LTS: Một không gian nghệ thuật công cộng đẹp nghĩa là nó hội tụ đủ ba yếu tố: bản thân công trình nghệ thuật đó có chất lượng thẩm mỹ; sự tương ứng hợp lý với không gian xung quanh công trình đó và vị trí địa lý của toàn bộ không gian đó tiện lợi cho công chúng khi thưởng lãm, giải trí. Tính đến thời điểm hiện nay, nội đô Hà Nội có 16 địa điểm nghệ thuật công cộng có tính chất lâu bền, gồm các tượng đài nhân vật lịch sử xã hội, đài tưởng niệm sự kiện lịch sử và vườn tượng. Bên cạnh đó là một công trình đang thi công (dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng). Bài viết dưới đây trình bày một khảo sát sơ bộ về ba yếu tố nói trên của các không gian nghệ thuật hiện có, hướng đến câu trả lời: nơi nào là không gian nghệ thuật công cộng đẹp nhất của thủ đô.
Yếu tố chất lượng nghệ thuật
Chất lượng nghệ thuật là cụm từ luôn gây tranh cãi trong hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật, bởi nó được đo lường bằng trình độ cảm thụ, kinh nghiệm cảm thụ và biên độ cảm thụ về nghệ thuật bên cạnh uy tín nghệ thuật của người đưa ra đánh giá; vì vậy nó không thể chính xác như nhờ vào các công cụ toán học. Ở lĩnh vực nghệ thuật công cộng, ngoài sự đánh giá của giới chuyên môn, còn có sự đánh giá rất quan trọng của công chúng nhiều thế hệ. Vì vậy, nhiều khi, việc dựa vào mẫu số chung của các đánh giá này để xác nhận hay đồng thuận về chất lượng nghệ thuật của các công trình nghệ thuật công cộng là cần thiết.
Trong vòng năm năm trở lại đây, trên các diễn đàn thông tin đại chúng, những công trình nghệ thuật được bàn đến nhiều nhất về chất lượng nổi lên có tượng đài Công nhân (ở góc bên phải sân trước của Cung văn hóa Hữu Nghị) và tượng đài Lý Thái Tổ ở vườn hoa Lý Thái Tổ (1). Chất lượng nghệ thuật của tượng đài Công nhân từng được mổ xẻ trên báo Tiền Phong (2). Theo đó, nhà điêu khắc Dương Đăng Cẩn, thành viên Hội đồng nghệ thuật thẩm định tượng đài này nhận xét là “không có ý tứ gì mới”. Khi nhận xét về các nhân vật trong cụm tượng đài, ông bày tỏ: “Trong số các nhân vật của Việt Nam, tôi đặc biệt không vừa ý nhân vật em thiếu nhi nam ở góc nhìn bên trái tượng, gương mặt trông không khác gì của một ông già. Vì đây là cụm tượng tả thực nên cũng có những yêu cầu nhất định của loại hình này. Không phải chỉ có riêng tôi mà nhiều thành viên trong Hội đồng nghệ thuật cũng yêu cầu tác giả sửa nhưng ông ấy có hứa mà không làm. Lý do đưa ra là để cho ông ấy một khoảng tự do sáng tạo chứ nếu cái gì cũng nghe theo Hội đồng thì còn đâu là tác phẩm của ông ấy!”. Còn được hỏi về việc tượng đài này có nhiều chi tiết rất giống với một cụm tượng đài ở Trung Quốc, thì ông đưa ra ý kiến: “Nếu so sánh chi tiết đến mức như vậy thì tôi khẳng định là tượng đài công – nông – binh nào cũng giống nhau cả thôi. Còn nhìn kỹ ra thì phải thừa nhận là nhân vật trong cụm tượng đài của Trung Quốc đẹp hơn của ta nhiều, nhất là gương mặt của anh công nhân trong tượng đài của họ trông thật rắn rỏi, cánh tay cầm đuốc trông cũng rất mạnh mẽ, rất đẹp, không như tượng của ta…”. Những thông tin này cho thấy phần nào về chất lượng nghệ thuật không tương xứng với trị giá tiền tỉ của tượng đài Công nhân.
Ba cụm tượng đài, phù điêu liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp, tháng 12-1946 là: Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh (năm 1984, sát góc tường đền Bà Kiệu, khu vực Hồ Hoàn Kiếm), Quyết tử để tổ quốc quyết sinh (năm 2004, vườn hoa Vạn Xuân, góc phố Hàng Đậu) và phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 (năm 2004, kế cổng chợ Đồng Xuân). Cụm tượng đài thứ nhất có ba nhân vật, đứng hoặc ngồi rời rạc bên nhau, một cô gái mặc áo dài, cầm gươm hướng người về phía đền Ngọc Sơn, một anh lính mặc áo trấn thủ dựng đứng cây bom ba càng lại có hướng trực diện, một anh lính khác thì cầm khẩu AK ngồi và nhìn chếch về phía phải. Giữa các nhân vật không có một sợi dây liên đới thể hiện qua hình ảnh có tính chất nghệ thuật nào (như là biểu trưng, phông nền,…). Tương tự, cụm tượng đài thứ hai cũng có nhân vật anh lính mặc áo trấn thủ ôm bom ba càng, song là quỳ chân, cũng có cô gái mặc áo dài cầm gươm nhưng có hơi khác ở tượng đài thứ nhất là vung gươm thẳng lên trời, chứ không cầm ngang hông… Bức phù điêu còn lại cũng có dạng nhân vật như vậy, chỉ có khác đôi chút về vị trí, hướng nhìn. Chính vì sự tương đồng nhau đến mức thái quá như vậy nên cả ba bức tượng đài và phù điêu này đều không được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, kể cả trong giới chuyên môn lẫn công chúng quan tâm.
Tượng đài Quang Trung (năm 1989, gò Đống Đa) cũng có những phần thiết kế không hoàn thiện, phần thân phía dưới bị tạo khối một cách nặng nề, nhân vật có dáng tiến về phía trước mà như bị níu giữ chân lại. Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng nhà tù Hỏa Lò (năm 2001) tựa như một pho sử thu nhỏ kể lại các câu chuyện về sự chịu đựng các hình thức tra tấn trong nhà tù lịch sử của chiến sĩ cách mạng Việt Nam, tạo hình đẹp và đặc biệt chan chứa tình cảm của tác giả. Vì vậy, đài tưởng niệm gây xúc cảm ít nhiều cho người xem. Công trình này từng đem lại uy tín nghề nghiệp cho hai tác giả Lê Liên và Khúc Quốc Ân, từng được đề cử giải thưởng Thăng Long – Hà Nội (năm 2002) (3).
Năm 1985, Hà Nội có một công trình tượng đài được đặc biệt chú ý về ý nghĩa chính trị: tượng đài Lênin tại vườn hoa Chi Lăng (năm 2003 được đổi tên thành Công viên Lênin). Riêng về chất lượng nghệ thuật, đây là tượng đài được coi là đẹp nhất Hà Nội vì các lý do cơ bản: tượng được đúc bằng đồng đen nguyên khối tại Liên Xô, tác giả là nhà điêu khắc A. Chuarencop, một trong những tác giả tham gia thực hiện công trình tượng đài nổi tiếng của Liên Xô Mẹ tổ quốc. Tượng cao 5,2m, nặng 5,5 tấn, được đặt trên bện đá hoa cương cao 2,2m, miêu tả chân xác chân dung nhà lãnh đạo cách mạng vô sản kiệt xuất của nhân loại. Tượng có tư thế đẹp, hình bóng (shillouet) chuẩn xác nên người quan sát đứng từ phía nào cũng nhận diện tượng một cách dễ dàng.
Tượng đài Lý Tự Trọng được dựng tại vườn hoa ven Hồ Tây từ năm 1966, mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là nghệ thuật. Tượng đài này cũng không có nhiều giá trị nghệ thuật, mang phong cách tả thực nhưng dáng vẻ cứng nhắc, xa cách. Tương tự như vậy là bức tượng đài Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ được dựng bằng xi măng trong năm 1973 và chuyển đổi sang chất liệu đồng năm 2002, kỷ niệm 30 năm ngày Mỹ ném bom xuống khu phố này. Bức tượng mang ý nghĩa chính trị và xã hội sâu sắc, song không ai nhắc đến nó như một điểm sáng về nghệ thuật tượng đài. Bức tượng chân dung anh Trỗi (trong công viên Thống Nhất), tượng chân dung Jose Marti Perez (1853 – 1895) vị anh hùng dân tộc Cu Ba, lãnh đạo phong trào độc lập của đất nước này thoát khỏi sự cai trị của thực dân Tây Ban Nha, dựng tại vườn hoa nhỏ góc ngã ba Lê Thánh Tông – Lý Thường Kiệt, cũng không có điểm gì đáng chú ý về mặt nghệ thuật dựng tượng chân dung, chưa kể đến sự không phù hợp về địa điểm, không gian khiến cho hiệu quả mọi mặt của các bức tượng thêm phần suy giảm.
Có hai bức tượng đài được dựng từ thời Pháp thuộc mà đến nay vẫn còn. Thứ nhất là bức tượng vua Lê Thái Tổ (dựng năm 1896), được cho là của dân gian, do không có lưu trữ nào về danh vị cụ thể của người dựng tượng. Đây là một bức tượng toàn thân, được làm bằng đồng, gương mặt vua Lê có sắc nét của tượng Phật. Vua mặc áo hoàng bào, một tay cầm cây gươm giơ lên ngang đầu, mô phỏng lại câu chuyện dân gian về sự tích hồ Hoàn Kiếm. Tượng được đặt trên một cây cột đá cao gấp khoảng 5 lần chiều cao của tượng, không tương xứng về tỉ lệ giữa bục bệ (tức cây cột) và tượng theo tiêu chuẩn tượng đài hiện đại. Phía trước tượng là một ngôi miếu nhỏ phục vụ cho mục đích thắp hương dân lễ thờ phụng. Tượng được làm không phải với mục đích nghệ thuật, hay trang trí cho cảnh quan đô thị nên cách thức tạo dựng bức tượng và cảnh quan xung quanh hoàn toàn khác với cách làm của người Pháp đương thời khi dựng tượng chân dung nhân vật lịch sử. Ví dụ so sánh là bức tượng chân dung Louis Pasteur (1822-1895, nhà khoa học danh tiếng người Pháp) tại vườn hoa mang tên ông ở góc đường Yersin. Bức tượng này được làm với mục đích tưởng niệm một con người được mệnh danh là ân nhân của nhân loại song song với mục đích tạo điểm nhấn chú ý cho không gian vườn hoa. Bức tượng chân dung được tạc đẹp, sắc nét, đượm vẻ suy tư, gần gũi với chân dung đời thường của một nhà khoa học danh tiếng. Tượng được đặt trên một bệ đá cao gấp 3 lần chiều cao của tượng (tổng chiều cao của cả bệ và tượng là khoảng 2,5m), một tỉ lệ phù hợp với diện tích không gian bao quanh.
Hà Nội còn có hai vườn tượng tại Công viên Bách Thảo (năm 1997) và bên hồ Hoàn Kiếm (năm 2004). Tuy nhiên, hai vườn tượng này đều không được dư luận nghề nghiệp đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật thuần túy, thay vào đó, chúng được chú ý vì thời điểm và ý nghĩa ra đời nhiều hơn (4).
Chỉ cần điểm qua về chất lượng nghệ thuật của 16 công trình tượng đài, vườn tượng hiện có ở nội đô Hà Nội như trên, có thể dễ dàng nhận ra chỉ còn lại hai công trình cho đến nay thực sự có chất lượng nghệ thuật: tượng chân dung Louis Pasteur (thời Pháp thuộc) và tượng đài Lênin (năm 1985).
Hai yếu tố về không gian và sự tương ứng với không gian
Đây là hai yếu tố phụ thuộc vào sự quy hoạch không gian công cộng đô thị của giới chức liên quan. Và thực tế, sự quy hoạch này lâu nay được thực hiện không theo một tiêu chuẩn nào nên luôn bất cập.
Có thể nói, tất cả các công trình tượng đài ngoài trời đều được dựng lên tại những không gian không phù hợp. Trong quy hoạch Cung văn hóa Hữu Nghị do Liên Xô giúp, không có nơi nào dành cho một khối tượng đài hoành tráng ở phía sân trước. Vị trí hiện nay của cụm tượng đài Công nhân không hợp lý bởi bên phải và phía sau nó bị bó hẹp bằng hàng rào tường bao, nhân thêm sự khập khiễng giữa độ lớn của cụm tượng (cao khoảng 8m, gồm 35 tấn đồng) với không gian xung quanh. Tương tự, tượng đài Lý Thái Tổ (tổng chiều cao của tượng và bệ là 10,1m) cũng có chiều cao quá khổ so với không gian xung quanh, và chỉ có thể đứng ngắm nhìn tượng từ phía trước, còn hai bên và phía sau bị vướng bởi các hàng cây cao niên, hoặc bởi thiết kế của khu vực đặt tượng. Đây là một sự bất cập của thiết kế không gian bao quanh tượng đài. Cụm phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 được đặt tại một vị trí của khu chợ đầu mối Đồng Xuân, hoàn toàn lạc lõng với nhịp điệu cuộc sống nơi đây và thậm chí còn bị sử dụng vào những mục đích dân sinh trái ngược hoàn toàn với mục đích xây dựng công trình. Tượng đài Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh cũng quá khổ so với không gian bao quanh, đến mức từng có ý kiến phê phán gay gắt thiết kế tượng đài này do hình ảnh anh bộ đội ôm bom ba càng như đang chĩa thẳng vào một ngôi nhà trên phố Quán Thánh kế bên. Tượng đài Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ được bố trí ở một không gian quá chật hẹp trên phố Khâm Thiên, có lẽ được chú ý bởi ý nghĩa lịch sử hơn là nghệ thuật. Trong khi đó đài tưởng niệm các chiến sĩ bị giam ở nhà tù Hỏa Lò thì được thực hiện ở bên trong khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, và chỉ có khách tham quan vào bên trong nơi này mới có cơ hội thưởng lãm công trình. Tượng đài Quang Trung cũng được tọa lạc tại những địa thế không phù hợp cho một công trình nghệ thuật công cộng, thay vào đó là ý nghĩa lịch sử thuần túy: khu vực gò Đống Đa, tương truyền là mồ chôn quân nhà Thanh. Trong khi đó, tượng chân dung vị anh hùng dân tộc Cu ba Jose Marti Perez được đặt ở một không gian không nên có một bức tượng nào, bởi dải vườn hoa nơi có bức tượng quá nhỏ hẹp, có vai trò tạo phân cách giao thông ở ngã ba đường, như một đảo giao thông nhỏ mà thôi…
Riêng với bức tượng chân dung Louis Pasteur, không gian bao quanh tượng khá phù hợp chiều cao của toàn bộ tượng. Tượng được đặt ở vị trí trung tâm của vườn hoa, bốn phía xung quanh tượng đều có không gian thoáng đãng, hai bên về phía sau của tượng được bố trí một số cây có tán lá, gợi cảm giác ôm trọn lấy bức tượng mà vẫn không làm khuất lấp tượng, đem lại cảm giác ấm áp cho bức tượng. Đây là một vườn hoa có diện tích nhỏ, phù hợp với thiết kế đô thị thời Pháp thuộc. Hiện tại, nơi này vẫn là một điểm vui chơi giải trí của cư dân xung quanh. Và hạn chế của vị trí địa lý nơi này là nó nằm ở một góc riêng biệt gần với khu dân cư, chứ không phải là nơi tham quan của khách vãng lai, khách du lịch. Đối sánh với đó, tượng đài Lênin được tọa lạc tại một địa điểm lý tưởng. Công viên Lênin có hình tam giác, hai cạnh phía đường Trần Phú và Hoàng Diệu đều đối diện với các dãy nhà công sở hoặc đại sứ quán nước ngoài. Vì vậy, việc chọn phía cạnh giáp đường Điện Biên Phủ để dựng quảng trường và tượng đài quay hướng ra phía này là hoàn toàn hợp lý. Không gian phía trước tượng rất thoáng đãng, ngoài quảng trường rộng khoảng 3.600m2 trong tổng thể diện tích 17.813m2 của toàn bộ công viên, người quan tâm còn có thể đứng trên vỉa hè bên kia đường để ngắm tượng mà không có cảm giác vướng víu, do đường Điện Biên Phủ có lòng đường và vỉa hè rộng rãi, hai bên tượng và phía sau tượng lại là khu vực công viên, hầu như chỉ có cây xanh bao quanh tựa vòng tay ôm trọn bức tượng, khiến nó không bị trơ trọi giữa không gian. Nếu đi vòng quanh khu công viên này trên đường Trần Phú và Hoàng Diệu, người ta vẫn có thể nhìn thấy dáng tượng cao lớn, vững chãi. Tổng chiều cao của tượng và bục bệ là 7,4m, trong đó phần tượng cao 5,2m. Điều kiện thực tiễn để dân chúng đến tham quan, vui chơi quanh khu vực tượng đài này cũng thuận lợi và phù hợp hoàn cảnh cuộc sống. Liền nối với khu vực quảng trường và tượng đài là vỉa hè rộng rãi và thuận tiện cho việc để xe máy, xe đạp. Đây là một khía cạnh tâm lý có thể ai đó cho rằng quá chi tiết, song lại hết sức quan trọng. Sự tiện lợi của việc để phương tiện giao thông sẽ tác động tích cực đến tâm lý của con người. Bên cạnh đó, khách tham quan Viện bảo tàng quân sự Việt Nam ở phía đối diện cũng dễ dàng ngắm nghía tượng đài khi đứng bên kia đường, hoặc có thể dễ dàng đi sang đường để đến gần hơn với công trình. Việc bố trí tượng đài tại một nơi có nhiều điểm tham quan, du lịch hoặc di tích lịch sử, văn hóa cũng là một cách kết nối nghệ thuật công cộng với đa dạng công chúng hơn, từ dân chúng địa phương đến khách tham quan trong và ngoài nước. Theo báo chí trong nước xuất bản năm 1985, ngoài việc tượng đài Lênin được làm tại Liên Xô, toàn bộ thiết kế không gian xung quanh tượng do một kiến trúc sư nước này đảm trách, bên cạnh đó, việc thi công cũng do một kỹ sư trưởng nước này tổng chỉ huy với sự tham gia của khoảng 800 công nhân Việt Nam. Đá hoa cương lát nền quảng trường và làm bệ tượng, xi măng trắng và thiết bị chiếu sáng cho công trình cũng được đưa từ Liên Xô sang. Công trình này là món quà mà Đảng cộng sản Liên Xô tặng Đảng cộng sản Việt Nam trong dịp đoàn đại biểu Đảng cộng sản Liên Xô sang Việt Nam dự Đại hội Đảng lần thứ năm, tháng 3-1982 (5).
Thay lời kết
Từ những khảo sát và phân tích sơ bộ trên đây, người viết bài muốn đưa ra một nhận định: không gian nghệ thuật công cộng đẹp nhất Hà Nội (tính đến thời điểm hiện tại) chính là khu vực tượng đài Lênin. Vượt qua những ý nghĩa chính trị tại thời điểm ra đời, không gian này là nơi vui chơi, giải trí quen thuộc của rất nhiều tầng lớp nhân dân. Việc thưởng thức nghệ thuật có thể không phải là mục tiêu lớn của tất thảy mọi người khi đến đây và ý nghĩa tồn tại của một không gian nghệ thuật công cộng ít nhiều khác với của một bảo tàng chứa đựng các tác phẩm nghệ thuật. Chỉ có điều, khi đến không gian ấy, khi quen thuộc với không gian ấy thì việc nơi đó có một công trình nghệ thuật đẹp thực sự có ý nghĩa cho nhận thức thẩm mỹ của con người.
Điều đáng tiếc hơn cả, đây lại không phải là công trình hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện, từ thiết kế tác phẩm đến tạo dựng không gian… Hy vọng rằng bài viết nhỏ này như là một đóng góp thông tin và tư liệu giúp giới chức liên quan và các nhà điêu khắc, kiến trúc sư… có thêm một lần nhìn lại những quyết định của mình trong việc tham gia tạo dựng các không gian nghệ thuật công cộng tại thủ đô, để sớm có được một không gian công cộng thực sự đạt giá trị nghệ thuật, tương hợp với nhu cầu thẩm mỹ và hưởng thụ không gian công cộng của người dân địa phương, đặc biệt là do chính bàn tay và khối óc của mình làm nên.
_______________
1, 4. Xem thêm Đào Mai Trang, Nghệ thuật công cộng ở Hà Nội, ba ví dụ điển hình, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 310, tháng 4-2010.
2. Thủy Vân, Copy hay các ý tưởng lớn gặp nhau?, Báo Tiền Phong ngày 4-3-2005, tr.7, www.tienphong.vn.
3. Trang Thanh Hiền, Tượng đài Hà Nội – một cái nhìn lại, Kỷ yếu Hội thảo Điêu khắc ngoài trời, Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tháng 10-2006.
5. Hải Nhâm, Một công trình lớn của tình hữu nghị Việt- Xô tại Hà Nội: Tượng đài Lênin, Báo Văn hóa nghệ thuật (nay là Báo Văn hóa), số 15-16, 1985, tr.3.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010
Tác giả : Đào Mai Trang
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày