Làng nghề truyền thống nhìn từ nhiều phía


Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề phục hồi, bảo vệ, phát triển nghề và làng nghề truyền thống đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết không của riêng một quốc gia nào. Trên thế giới và khu vực, việc khủng hoảng nghề và làng nghề truyền thống đã được đánh giá là rất nghiêm trọng. Không ít chương trình, kế hoạch, giải pháp hữu hiệu đã được đưa ra để cứu vãn, khôi phục và phát triển làng nghề trong bối cảnh mới.

Câu chuyện về nghề và làng nghề ở Việt Nam không khác, thậm chí diện mạo của nó còn có phần ảm đạm hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có trên 2000 làng nghề truyền thống với hơn 11 triệu lao động tham gia làm nghề, nhưng trong đó khoảng 60% số làng nghề đang hoạt động cầm cự, khoảng 20% đang thực sự khó khăn và khoảng 20% còn lại đã phá sản.

Chúng tôi cho rằng, dù thế nào, việc nhìn lại một cách khái quát diện mạo nghề và làng nghề truyền thống một cách trung thực từ nhiều phía, nhiều góc độ là một việc làm cần thiết. Vì chỉ có nhìn tổng quan như vậy, chúng ta mới có thể nhìn nhận rõ hơn những thành tựu và hạn chế, những ưu và nhược, những nhu cầu và đòi hỏi đáp ứng nhu cầu… để có được giải pháp “cả gói” mang tính hệ thống nhằm mục tiêu khôi phục, bảo vệ, phát triển nghề và làng nghề truyền thống thích ứng với điều kiện mới.

 

1. Góc nhìn thực trạng nghề và làng nghề truyền thống

 

Trong nhiều năm qua, và đặc biệt vài năm gần đây, để thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, khích lệ hàng hóa kinh tế nông thôn phát triển, nhà nước đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, không ngừng gia tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp theo hướng thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ và công nghiệp nông thôn, trong đó đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Sự chuyển đổi ngành nghề một cách có định hướng đó đã khiến xuất hiện phong phú, đa dạng các làng nghề truyền thống ở nông thôn, ngoại vi đô thị và không loại trừ cả đô thị.

Hơn 2000 làng nghề (và chắc chắn đây không phải là con số cuối cùng) thủ công nghiệp, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ… đã tạo ra hơn 300 loại sản phẩm khác nhau, tạo nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao cho nông dân, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường trong nước và vươn xa tới các thị trường khu vực và quốc tế. Đây thực sự là một thành tựu không thể phủ nhận trong một bối cảnh phát triển không hoàn toàn thuận lợi cả trong nước lẫn quốc tế. Đây, có thể đánh giá, là sự kết hợp tốt đẹp giữa định hướng đúng của nhà nước và nỗ lực phi thường của những người làm nghề truyền thống.

Sở dĩ có thể nói như vậy là bởi, thoát khỏi tình trạng manh mún, tự phát những giai đoạn trước, những năm gần đây, phát triển các ngành thủ công nghiệp ở nước ta, đặc biệt là ở nông thôn, đã được coi như một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Mấy năm gần đây, nhà nước đã tập trung áp dụng một loạt chính sách hỗ trợ, cho vay ưu đãi nhiều mặt đối với nghề và làng nghề. Việc làm này đã giúp cho ngành thủ công nghiệp, nghề thủ công, làng nghề được khôi phục, phát triển khá nhanh và rộng, đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống của người làm nghề. Việc coi trọng vị thế của nghề và làng nghề truyền thống kết hợp với giải pháp phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch và sản phẩm du lịch… đã tạo điều kiện cho sản phẩm nghề truyền thống của Việt Nam có thể tồn tại, đứng vững trong thị trường cạnh tranh khốc liệt và mở ra cơ hội phát triển bền vững. Nội lực của nghề và làng nghề truyền thống, vì vậy, đã được khai thác một cách tương đối tốt với mục tiêu thoát nghèo, làm giàu, xây dựng đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt đẹp.

Đó là một lướt nhìn khái quát về những cái được của nghề và làng nghề truyền thống những năm gần đây. Sự khôi phục, vươn dậy của nghề và làng nghề truyền thống cả nước cũng như ở từng địa phương, trên nhiều mặt là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng bên cạnh đó, ở mặt trái của nó, nghề và làng nghề truyền thống đang bộc lộ những tồn tại tự thân lớn, cần được nhìn nhận đúng và giải quyết gấp, nếu không, những thành tựu đạt được sẽ không bền vững, thậm chí, nghề và làng nghề truyền thống rất có thể sẽ lại rơi vào sự khủng hoảng của hoạt động cầm chừng hoặc phá sản.

Một, sự tồn tại bấp bênh của chất lượng sản phẩm hàng hóa của làng nghề truyền thống. Đây là hệ quả của quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún, thủ công… khiến sản phẩm ít, chất lượng sản phẩm kém dẫn đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm không cao. Chúng ta đã biết, trong từng nghề, làng nghề truyền thống cụ thể cũng như trong toàn bộ hoạt động nghề, làng nghề, chất lượng của các sản phẩm thủ công truyền thống không những phụ thuộc vào kỹ thuật sản xuất, chất lượng nguyên vật liệu, quy trình sản xuất và tay nghề… mà còn liên quan và phụ thuộc vào hệ thống quản lý ngành nghề và khả năng điều hành của người trực tiếp quản lý. Trên thực tế, về cơ bản, nghề và làng nghề truyền thống ở Việt Nam đang gặp hạn chế về một loạt nhân tố quan trọng: kỹ năng sản xuất của làng nghề tương đối thấp; đội ngũ lao động thạo nghề, lành nghề ít ỏi; sản phẩm chưa được các cơ quan chuyên môn tiến hành giám định chất lượng… Chính điều này đã làm giảm chất lượng sản phẩm, giảm sức cạnh tranh lẽ ra phải có của nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam. Theo đánh giá của các nhà kinh tế trong và ngoài nước, trong các sản phẩm hàng hóa của làng nghề truyền thống, chỉ có khoảng 30% thuộc loại có chất lượng tốt, 40% có chất lượng trung bình và 30% còn lại có chất lượng tương đối kém. Dù là tương đối, nhưng đây thực sự là những con số biết nói, đòi hỏi được tập trung cải thiện với tỷ lệ cao hơn hàng hóa có chất lượng cao.

Hai, kỹ thuật và các thiết bị sản xuất ở các làng nghề truyền thống còn thiếu và lạc hậu, do thiếu vốn đầu tư và thiếu khả năng bảo quản. Đành rằng chúng ta có thế mạnh thủ công, tức làm bằng tay và có nhiều kỹ năng tay nghề độc đáo, nhưng trong thời buổi đòi hỏi nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm, thì việc tăng cường kỹ thuật, quy trình và quy mô kỹ thuật để có thể sản xuất hàng loạt, gia tăng thế cạnh tranh ở các sản phẩm độc đáo, đã được lựa chọn, là nhu cầu thực tiễn bất khả kháng. Do đó, việc quan tâm hơn tới tạo nguồn vốn để chuyển giao kỹ thuật, đổi mới công nghệ bên cạnh việc duy trì sự độc đáo của bí quyết nghề thủ công là vấn đề cần được chú trọng đặc biệt, ở tất cả các hình thức đơn vị sản xuất nghề thủ công như hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… Hiện tượng tới 70% các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ làm nghề thủ công truyền thống vẫn đứng trước vấn nạn thiếu vốn, thiếu kỹ thuật là một bài toán cần đặt ra để có lời giải phù hợp.

Ba, do đại đa số làng nghề truyền thống nằm ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn, nên việc cập nhật thông tin cần thiết về ngành nghề, về nhu cầu hàng hóa, mẫu mã, giá cả thị trường là tương đối chậm, khó khăn. Điều này khiến cho các đơn vị sản xuất, những người làm nghề truyền thống không kịp thời thu thập được những thông tin cần thiết, sản xuất bị động, bị ép chất lượng, ép giá, phải qua khâu trung gian để tiêu thụ… dẫn đến suy giảm lợi nhuận, lượng sản phẩm, thương hiệu… Dù không ít cá nhân, gia đình, đơn vị sản xuất đã cố gắng tạo những liên kết thông tin qua truyền thông, báo chí, internet và các kênh thông tin khác, song rõ ràng, có một sự thật là rất nhiều làng nghề và người làm nghề thủ công truyền thống không có cơ hội hoặc không nắm bắt được thông tin về diễn biến, hướng đi của thị trường trong khi độ am hiểu thị trường còn rất hạn chế. Vì thế, hiện tượng chệch hướng trong sản xuất, tiếp thị, trao đổi, mua bán sản phẩm… rất dễ xảy ra.

Bốn, vấn đề tập trung đầu tư tốt sản phẩm để xây dựng thương hiệu chưa được các làng nghề nổi tiếng chú trọng đúng mức. Tầm quan trọng của thương hiệu với tư cách một sản phẩm văn hóa, một biểu trưng văn hóa, có khả năng thu lợi nhuận kinh tế rất lớn, chưa thực sự được coi trọng. Đã đến lúc mỗi làng nghề, đơn vị sản xuất sản phẩm truyền thống cần có được cho mình một triết lý kinh doanh, một chiến lược toàn diện cho việc sản xuất – quảng bá – tiêu thụ sản phẩm mà chất văn hóa, liều lượng văn hóa trong đó là vấn đề cần được tính đến.

Năm, vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn nạn cần giải quyết cấp bách của các làng nghề truyền thống ở Việt Nam. Có lẽ không cần thiết dẫn chứng cụ thể về nước thải, khí thải, chất phế thải ô nhiễm với nồng độ cao và tính nguy hại lớn đến môi trường ở đa số làng nghề truyền thống trên cả nước. Chưa kể ở các làng nghề truyền thống thường có mức độ ô nhiễm bụi gấp 3-4 lần tiêu chuẩn quy định. Điều đáng chú ý hơn cả là các làng nghề truyền thống thường ít chú ý xử lý nguồn nước thải ô nhiễm, thậm chí không có hệ thống xử lý nước thải, cho chảy thẳng ra sông ngòi, ao hồ, kênh mương, gây ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt. Văn hóa môi trường làng nghề, có thể nói, chưa thật sự được chú trọng phát triển.

Sáu, còn không ít vấn đề hạn chế cần được đề cập tới như bao bì sản phẩm kém, mức độ quảng cáo có hạn, mức độ am hiểu thị trường thấp, đội ngũ lao động chưa thực sự thạo nghề… Điều này hạn chế đến việc tiêu dùng sản phẩm, tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước và việc phát triển bền vững nghề và làng nghề truyền thống.

 

2. Góc nhìn quản lý

 

Có thể khẳng định, trong những năm qua, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý nhằm vực dậy những làng nghề truyền thống trên khắp cả nước. Không ít thành tựu đã được ghi nhận về sự tác động to lớn của chính sách đối với sự phát triển sâu, rộng của nghề và làng nghề truyền thống, đặc biệt là ở địa phương.

Dù sao, sự cố gắng ấy, theo chúng tôi, chưa đồng đều và mới chỉ là bước đầu.

Sở dĩ nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam chưa được phục hồi, phát triển xứng đáng với vị thế của nó, ngoài nguyên nhân thuộc về nội lực và khả năng thích ứng kém của bản thân các làng nghề truyền thống còn có những nguyên nhân quan trọng từ việc quan niệm, chính sách, tổ chức và quản lý làng nghề truyền thống. Điều dễ thấy nhất là trong nhiều năm, chúng ta chưa thực sự có quan điểm, chương trình, kế hoạch, dự báo, chính sách cụ thể và hữu hiệu về việc quy hoạch, bảo tồn, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống một cách đồng bộ. Nhiều chính sách tốt cũng chưa thực sự đi sâu vào thực tiễn hoạt động làng nghề để có thể biến thành động lực, điều kiện thật sự cho sự phát triển làng nghề truyền thống một cách tự giác, có quy hoạch. Đa số làng nghề truyền thống vẫn bằng lòng với phương thức hoạt động tự phát, tự cung tự cấp, nhỏ lẻ, manh mún… Sự “bằng lòng” này là bởi cái khó bó cái khôn, lực bất tòng tâm. Do vậy, Nhà nước cần thống nhất quan điểm trong việc coi trọng kinh tế làng nghề với tư cách như một cơ sở văn hóa – kinh tế; xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm quy hoạch, phân loại làng nghề truyền thống ở các mức độ, cấp độ khác nhau, theo những tiêu chí khác nhau để có được chính sách đầu tư và tác động phù hợp, từng bước giúp làng nghề truyền thống thoát khỏi vòng luẩn quẩn, bế tắc, tự phát hiện nay.

Ở một phía khác, vấn đề quản lý trực tiếp, tạm gọi là tự quản, ở mỗi làng nghề truyền thống cũng còn những bất cập. Xin đơn cử một vài yếu tố, có tính chất quản lý, gây khó khăn cho việc phục hồi và phát triển làng nghề ở gia đình, nhóm, doanh nghiệp, hợp tác xã. Chẳng hạn, không nhiều người phụ trách làng nghề, kể cả làng nghề có tiếng, thực sự coi trọng xây dựng văn hóa nghề, văn hóa môi trường làng nghề, văn hóa sản phẩm… mà chỉ chú tâm tới lợi nhuận kinh doanh. Về mặt quản lý, đây rõ ràng có vấn đề về nhận thức, kỹ năng. Việc người đứng đầu chưa nhận thức rõ rằng chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh chỉ thực sự bền vững khi làng nghề, cơ sở sản xuất có được nền tảng văn hóa quản lý, văn hóa sản xuất, văn hóa kinh doanh và tiêu thụ vững chắc chính là một khó khăn, một thiệt thòi lâu dài cho làng nghề. Tình trạng làng nghề truyền thống nói chung, các cơ sở sản xuất thuộc làng nghề ấy luôn tách mình ra khỏi cộng đồng, không thân thiện, thậm chí đối đầu với cộng đồng thông qua việc không quản lý tốt nước thải, khí thải, tiếng ồn, chất thải ô nhiễm… là một ví dụ khác về sự hạn chế của công tác tự quản tại làng nghề truyền thống. Văn hóa làng nghề, văn hóa cơ sở sản xuất, vì thế, cũng tách rời văn hóa cộng đồng. Không ít hiện tượng trong thực tiễn về việc làng nghề truyền thống gây ô nhiễm môi trường, tạo bức xúc và không đồng thuận trong cộng đồng xung quanh. Vì thế, thân thiện và hòa nhập với cộng đồng và văn hóa cộng đồng chính là một tiêu chí cực kỳ cần quan tâm trong tự quản làng nghề truyền thống.

 

3. Góc nhìn văn hóa

 

Chúng ta đã nhìn qua mặt được và chưa được trong thực trạng biến động của làng nghề truyền thống trên cả nước. Chúng ta cũng đã nhìn qua việc quản lý mang tính chất nhà nước và tự quản ở làng nghề truyền thống với những bất cập của nó. Từ góc nhìn văn hóa, chúng tôi chú trọng tới hai vấn đề trong hệ thống vô cùng nhiều vấn đề khi đề cập tới nghề và làng nghề truyền thống, dù ở không gian hay thời gian nào. Đó là: làng nghề truyền thống là một cơ sở văn hóa và sự cần thiết phải quan tâm tới việc xây dựng môi trường văn hóa làng nghề truyền thống.

Trước hết, phải quan niệm làng nghề truyền thống nói chung, các cơ sở sản xuất thuộc làng nghề nói riêng là cơ sở văn hóa.

Sở dĩ phải quan niệm như vậy là bởi, các làng nghề truyền thống, nơi hội tụ của nghề truyền thống, từ xa xưa trong lịch sử, vốn đọng lại như là một biểu trưng kinh tế – văn hóa, thậm chí nổi trội về vóc dáng văn hóa. Sản phẩm thủ công truyền thống, ngoài việc bản thân chúng là một sản phẩm văn hóa, chúng còn đóng góp không nhỏ cho việc hình thành và phát triển văn hóa ăn, ở, mặc, đi lại, sinh hoạt… của con người trong và ngoài làng nghề.

Chất văn hóa còn bật lên ở văn hóa quản lý, văn hóa lao động, văn hóa ứng xử, các quan hệ văn hóa giữa làng nghề với cộng đồng và môi trường xung quanh, giữa con người trong và ngoài làng nghề, văn hóa thương hiệu, triết lý kinh doanh…

Như vậy, có thể thấy, về cơ bản, bất kỳ yếu tố nào thuộc về làng nghề truyền thống đều ít nhiều bộc lộ tính chất văn hóa, hay đúng hơn là bản chất văn hóa của nó. Vì thế, quan niệm làng nghề truyền thống là một cơ sở văn hóa sẽ tạo điều kiện để chúng ta có cách nhìn thấu đáo, toàn diện hơn, từ đó tạo lập phương châm làm kinh tế trên cơ sở văn hóa và văn hóa hóa phương thức làm kinh tế trong làng nghề truyền thống một cách bền vững.

Thứ hai, đã đến lúc phải cấp thiết quan tâm tới việc xây dựng môi trường văn hóa làng nghề cũng như văn hóa môi trường làng nghề truyền thống. Như đã đề cập, sự ô nhiễm môi trường làng nghề đã tới mức báo động. Văn hóa ứng xử với môi trường làng nghề của người sản xuất còn nhiều bất cập. Rất nhiều làng nghề truyền thống đang suy thoái trầm trọng vì ô nhiễm. Rất dễ nhận thấy ô nhiễm nước thải, nước sinh hoạt diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ, dệt nhuộm, tái chế giấy; ô nhiễm không khí diễn ra nặng nề tại các làng nghề vật liệu xây dựng, gốm sứ, khai thác đá, tái chế phế thải… Điều này đã gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống của người lao động và sinh sống trong làng nghề cũng như sức khỏe cộng đồng. Đương nhiên, trong tình trạng đó, môi trường văn hóa làng nghề truyền thống chắc chắn sẽ ô nhiễm và có ảnh hưởng xấu tới văn hóa cộng đồng.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, môi trường văn hóa làng nghề truyền thống, tiêu điểm là phải xây dựng bằng được văn hóa môi trường làng nghề. Thực chất, đó chính là hệ ứng xử có văn hóa của con người (người sản xuất và sinh sống trong làng nghề, người cộng đồng xung quanh) đối với môi trường làng nghề trong từng lĩnh vực, từng chi tiết cụ thể.

 

4. Một số biện pháp

 

Để làng nghề truyền thống Việt Nam được phục hồi, phát triển ổn định, bền vững và hòa nhập được với thị trường thế giới, chúng tôi cho rằng cần chú trọng đến một số khía cạnh sau, cả phạm vi quốc gia lẫn các địa phương.

Một, phát triển làng nghề truyền thống phải trở thành một nhiệm vụ ưu tiên trong việc thực hiện chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội, đặc biệt là ở nông thôn. Trên cơ sở quan điểm đó, có chiến lược kiểm kê, quy hoạch, phân loại, lựa chọn phát triển một cách hợp lý từng ngành nghề, từng loại sản phẩm với những chính sách hỗ trợ cụ thể trên nhiều phương diện.

Hai, tăng cường mức độ đầu tư về thiết bị kỹ thuật tiên tiến, tiền vốn, kỹ thuật, kỹ năng cũng như việc áp dụng thành tựu khoa học mới nhất vào sản xuất sản phẩm, quảng bá, trao đổi, tiêu thụ…

Ba, đẩy mạnh sự kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với du lịch văn hóa, coi phát triển du lịch làng nghề truyền thống như một nhiệm vụ hàng đầu của ngành du lịch ở trung ương và địa phương, tạo điều kiện giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm làng nghề như một sản phẩm du lịch độc đáo.

Bốn, đánh giá đúng đắn và đẩy mạnh giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề truyền thống bằng cách trang bị kỹ thuật ít gây ô nhiễm; nâng cao văn hóa ứng xử với môi trường làng nghề.

Năm, chú trọng triết lý kinh doanh, thương hiệu làng nghề, cải thiện mẫu mã sản phẩm, mẫu mã bao bì, nghệ thuật quảng bá, thu thập tin tức thị trường trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức.

Sáu, có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm của làng nghề truyền thống trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường…

Trở lên là một số vấn đề về nghề và làng nghề truyền thống thìn từ thực trạng, cách quản lý, góc văn hóa và giải pháp. Quá nhiều vấn đề đang đặt ra xung quanh nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam. Về cơ bản, chúng tôi cho rằng, mặc dù hiện nay làng nghề truyền thống Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, song, nếu biết khắc phục điểm yếu, tận dụng được những đặc trưng riêng có, thì triển vọng phát triển của làng nghề truyền thống Việt Nam sẽ hết sức sáng sủa. Đó không phải ước mơ, mà là hiện thực.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 302, tháng 8-2009

Tác giả : Uyên Nghi

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *