Lễ hội chùa vĩnh nghiêm tỉnh bắc giang

Bắc Giang, một trong những vùng đất cổ thuộc Kinh Bắc xưa, không chỉ nổi tiếng về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, mà còn là vùng văn hóa có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và lễ hội truyền thống. Chùa Vĩnh Nghiêm được đánh giá là một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất đất Kinh Bắc, được Bộ VHTT xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1964. Tháng 5-2012, kho mộc bản lưu trữ tại chùa được tổ chức UNESCO thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương ghi danh di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thế giới. Chùa cũng là nơi nuôi dưỡng lễ hội truyền thống đặc sắc nhất huyện Yên Dũng – lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm là một công trình nghệ thuật có giá trị, với kiến trúc và các tác phẩm chạm khắc trang trí phong phú và đặc sắc. Nơi đây thờ ba vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được người dân tôn kính, ngưỡng vọng. Hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội tại khu di tích chùa Vĩnh Nghiêm, với quy mô to lớn, cùng các nghi thức, hình thức thực hành nghi lễ mô phỏng theo lễ hội của Phật giáo.

Không gian rộng lớn của khu di tích chùa, đền tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các trò chơi dân gian mang tính cộng đồng như: đấu vật, cờ tướng, chọi gà, kéo co và các hoạt động văn hóa nghệ thuật như: hát chèo, quan họ…

Người dân đến với lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ thể hiện lòng thành tâm đối với Phật, cầu mong mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống mà còn được tham gia, thưởng thức các trò chơi, hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người cùng được ôn lại truyền thống văn hóa của quê hương mình, thưởng thức vẻ đẹp của những công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cùng với các hoành phi, câu đối, bia ký trong chùa. Qua đó càng làm tăng thêm tình yêu quê hương đất nước và giáo dục cho mọi người thấy được những giá trị văn hóa truyền thống để từ đó có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương.

Thể hiện lòng biết ơn các vị sư tổ, vào các ngày giỗ, người dân tổ chức cúng tế trang trọng. Dần dần ngày giỗ của các vị tổ trở thành ngày hội chùa, không chỉ của các sư tăng, của người dân Đức La mà còn là lễ hội lớn của người dân trong vùng và khách thập phương. Hàng năm ở chùa La có những ngày giỗ quan trọng: ngày giỗ Đức tổ đệ nhất Trần Nhân Tông: mùng 1-11; ngày giỗ Đức tổ đệ nhị Pháp Loa: mùng 1-3; Ngày giỗ Đức tổ đệ tam Huyền Quang: ngày 23 tháng giêng; Ngày giỗ Hòa thượng Thích Thanh Hanh: mùng 8 tháng chạp; Ngày giỗ Hòa thượng Trần Như: ngày 14-2.

Trong đó, ngày giỗ Đức tổ đệ nhất được tổ chức long trọng nhất. Sau này, cả ba vị tổ đều được tổ chức chung vào ngày giỗ Trần Nhân Tông, từ 30-10 đến hết 1-11 âm lịch. Ngoài ý nghĩa ngày giỗ tổ, việc tổ chức hội vào đầu tháng 11 âm lịch còn mang ý nghĩa thiên văn: tháng 11 là tháng Tý, tháng bắt đầu của một năm theo lịch thập nhị địa chi (12 con giáp). Từ chiều tối 29-10, quan viên hàng xã đã phải chuẩn bị xong lễ giỗ. Các quan viên tập hợp lại, rước cỗ lên chùa, tế lễ vào buổi tối. Sáng hôm sau hội mới được tổ chức nhộn nhịp cho đến hết ngày 1-11.

Mỗi làng tổ chức rước một kiệu lên chùa. Cỗ rước là cờ quạt, chấp kích, bát bửu được rước đi trước, tiếp theo là các loại đồ thờ, bánh, hoa quả đặt trên kiệu rước đi sau, trong không khí long trọng của nhạc điệu, chiêng trống. Thanh niên trẻ, khỏe, mẫu mực của làng được chọn tham gia đám rước. Trong các ngày hội, ngoài những trò chơi có tính chất văn hóa bổ ích như đánh đu, cướp cờ, các cụ còn tổ chức diễn các tích trò nhà Phật. Sau này, do điều kiện sản xuất trong tháng 10, tháng 11 bận rộn, ngày hội chính được chuyển sang 14-2 âm lịch, chính là ngày giỗ của vị tổ hàng thứ hai là Trần Như. Các sư gọi là ngày giỗ tổ chùa, do vậy nên tính chất hội ít mà tính chất lễ giỗ nhiều hơn.

Xưa kia, việc cai quản lễ hội do ba làng La: La Thượng, La Trung, La Hạ thuộc xã Đức La cũ kết hợp tổ chức. Trong ngày mở hội, mỗi làng tổ chức rước một kiệu lên chùa. Người điều hành toàn bộ cuộc rước của ba làng là chánh tổng cầm chịch. Thành phần tham gia vác cờ, khiêng kiệu trong cuộc rước là các trai thanh, gái lịch do các làng tuyển chọn. Những người này đều mặc áo màu đỏ, đầu đội nón chóp, chân quấn xà cạp, thắt lưng màu vàng bỏ múi cạnh sườn, đầu chít khăn vàng bỏ múi. Việc tế tổ do các sư đảm nhiệm, các cụ dân thôn tụng kinh niệm Phật dưới sự điều hành của sư trụ trì.

Hiện nay, lễ hội Vĩnh Nghiêm do các tăng sư trụ trì ở chùa phối hợp chặt chẽ với UBND xã Trí Yên đứng ra tổ chức. Trước khi diễn ra lễ hội khoảng một tháng, các sư trụ trì ở chùa và chính quyền UBND xã họp bàn, thành lập ra một ban tổ chức để lo liệu. Mỗi làng bầu một tiểu ban để lo công việc nhà chùa phân công, trưởng thôn làm trưởng ban.


 Người dân đi lễ chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh TL 

Người chủ tế là người quan trọng nhất, đại diện cho dân làng trong xã khi làm lễ, nên tiêu chuẩn lựa chọn được đặt ra rất khắt khe. Thông thường phải là người đàn ông cao tuổi, có đức độ, gia đình hòa thuận, có cả con trai, con gái, cháu dâu rể, nội ngoại và phải biết chữ. Đặc biệt, không mang đại tang, thọ tang, phải vô nghị thanh quyết, không có bụi bẩn mới được tham gia vào ban lễ nghi… Nếu ai đó mắc phải những điều kỵ trên, họ sẽ tự rút lui để giữ đúng đạo và không mắc tội với phật, thánh. Những năm gần đây phần tế lễ ở chùa do các cụ thôn La Trung đảm nhiệm.

Tiến trình lễ hội

 Ngày 12, không khí lễ hội đã tưng bừng nhộn nhịp trong cả vùng Đức La cũ. Băng cờ, biểu ngữ được nhân dân của ba làng La treo, dán tại các nẻo đường. Khách thập phương từng đoàn, từng tốp nô nức kéo nhau từ các ngả đường về chùa.

Phần lễ

Sáng ngày 12-2, đúng 7 giờ các đám rước của các làng được khởi hành từ trung tâm làng tiến về chùa.

Đoàn rước của La Thượng, đi đầu là đội múa kỳ lân, sau là cờ tổ quốc do một người trung tuổi mặc quần hồng áo vàng, khăn vàng thắt dây đỏ cầm. Tiếp đó, đội nhạc mặc áo màu nâu đỏ viền vàng, quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ, 2 người khiêng trống lớn, 2 trống con, nhị và chập cheng. Sau đội nhạc, 12 người mặc áo dài vàng, quần hồng, khăn đỏ bỏ múi bên tai cầm cờ hội, tiếp sau là đội chấp kích gồm 8 người trong đó 2 người mang gươm, 6 người mang bát bửu, đều mặc áo nâu đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ, đầu đội nón chóp sơn đỏ. Đội rước kiệu đi sau, gồm 8 người khiêng, 2 người cầm tàn, lọng đi hai bên. Họ đều mặc áo màu hồng, quần trắng, thắt khăn vàng dây đỏ. Trên kiệu để cỗ của làng, cỗ gồm chuối, oản được bày thành năm tầng. Các cụ lão ông, lão bà vừa đi vừa tụng kinh niệm phật, sau cùng là những người đi quy và nhân dân thôn La Thượng.

Đoàn rước của La Trung, đi đầu là biểu tượng rùa vàng, tiếp sau là cờ tổ quốc. Người vác cờ mặc quần xanh, áo đỏ thắt khăn dây đỏ bỏ múi bên tai. Sau đến đoàn nhạc gồm 2 người khiêng trống lớn, 2 người mang trống con, 2 người khiêng chiêng đều mặc áo đỏ quần trắng chân quấn xà cạp đỏ, đội nón chóp sơn đỏ. Sau đội nhạc là 12 người vác cờ hội, mặc áo xanh, quần đỏ thắt lưng bỏ múi cạnh sườn, đầu thắt khăn đỏ bỏ múi. Tiếp đến là 10 người mang bát bửu, tiếp đến là kiệu. Kiệu của thôn La Trung gồm 16 người khiêng cùng 2 người mang tàn, lọng đều mặc quần xanh, áo đỏ, khăn đỏ, chân quấn xà cạp đỏ, thắt lưng màu vàng. Cỗ đặt trên kiệu của làng là 35 cặp bánh dày to. Sau kiệu là đội tế của làng mặc áo thụng vàng, đỏ, quần trắng, đầu đội khăn vàng. Sau cùng là các cụ lão ông, lão bà và dân làng.

Đoàn rước của La Hạ, đi đầu là cờ tổ quốc, tiếp là 12 lá cờ hội, họ mặc áo nâu đỏ quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ. Đội chấp kích gồm 9 thanh niên mặc áo nâu đỏ, quần vàng, đội nón chóp sơn đỏ, chân mang xà cạp. Sau đội chấp kích là một người vác lá cờ hội rất lớn và đội nhạc gồm 5 người. Tiếp đến là kiệu do 14 thanh nữ khiêng và 2 người mang tàn, lọng che cho kiệu. Cỗ rước trên kiệu là 21kg chè lam mua từ thành phố Bắc Giang. Đi sau kiệu là các cụ lão ông, lão bà và dân làng.

 Khi ba đám rước về đến trước cửa chùa thì dừng lại để ổn định trật tự của đội hình.

Theo lệ cổ, phần lễ ở chùa Vĩnh Nghiêm có ba lễ: lễ Phật ở Tam Bảo do đoàn La Thượng đảm nhiệm; lễ Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do đoàn La Trung đảm nhiệm; lễ các tổ sau ba tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do đoàn La Hạ đảm nhiệm.

Đoàn rước của La Thượng được phép vào trong khu vực tiền đường, cờ, lọng và chấp kích tản ra hai bên. Kiệu tiến thẳng vào trong khu vực tam bảo, lúc này kiệu được chuyển quay ngược ra ngoài sân, từ từ hạ xuống. Tất cả những người có chân trong đám rước đều đứng thành hai hàng dọc sát hai bên sườn của kiệu, tay chắp trước ngực, miệng đọc kinh niệm Phật. Cỗ đặt trên kiệu được hạ xuống, đặt trên ban thờ tam bảo. Dưới sự điều hành của sư trụ trì, các cụ trong làng La Thượng tổ chức lễ Phật và dâng lễ.

Đoàn rước của La Thượng dâng lễ xong thì đoàn rước của La Trung mới được phép tiếp tục hành rước. Đoàn rước của La Trung được rước vào nhà tổ đệ nhất. Đến trước cửa nhà tổ, chiêng trống nổi liên hồi. Kiệu từ từ tiến lên phía trước cửa nhà tổ, hạ xuống ngay trước sân. Cỗ cúng tổ của dân thôn La Trung gồm 34 kg bánh dày, tế tổ xong để lại nhà chùa một nửa, còn lại đem về chia đều cho các cụ trong thôn gọi là lộc chùa. Ban tế của La Trung gồm 14 người, gồm các cụ khoảng từ 60 tuổi trở lại, có đức độ, ăn ở hiền lành, cháu con ngoan ngoãn, có uy tín trong nhân dân.

Thôn La Trung cúng tổ xong thì tới lượt La Hạ. Cỗ cúng tổ của La Hạ được rước vào nhà tổ đệ nhị, gồm chè lam do toàn dân trong thôn đóng góp. Cúng tổ xong, cỗ này để lại cho nhà chùa một phần, còn lại mọi người trong thôn cùng hưởng lộc.

Sau khi cả ba làng dâng lễ cúng bái, buổi tối nhà chùa lập đàn giảng quy tại chùa Hộ, thỉnh chuông hoằng dương Phật pháp vào buổi sáng, buổi tối.

Trong dịp lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, Thượng tọa Thích Thiện Văn trụ trì chùa sẽ phát áo thượng thọ cho các cụ từ 80 tuổi trở lên. Đây là nét đẹp tiêu biểu đã đi vào nề nếp từ nhiều năm nay của sư trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. Vào các ngày lễ của địa phương cũng như các ngày giỗ tổ, hội chùa các cụ trong xã sẽ mặc y phục truyền thống, các cụ từ 80 tuổi trở lên mặc quần áo màu đỏ, dưới 80 tuổi quần áo màu nâu.

Suốt ba ngày hội, con nhang đệ tử từ các nơi nô nức về chùa Vĩnh Nghiêm tế tổ. Toàn dân thôn, xã bản tự và khách thập phương thắp hương niệm Phật tại chùa và cúng tổ ở nhà tổ đệ nhất, nhà tổ đệ nhị để Phật tổ hoằng hóa đạo pháp cho chúng sinh.

Phần rước và tế lễ diễn ra đến khoảng 9 giờ sáng, tiếp đó khách thập phương được vào thắp hương cầu nguyện…

Phần hội

Trong lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, phần hội gồm các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, diễn ra trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Các hình thức sinh hoạt văn hóa này rất đa dạng, phong phú, nhiều trò chơi mang tính cộng đồng, gắn kết mọi người với nhau, tạo không khí lễ hội tưng bừng, nhộn nhịp.

 Các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật

Văn nghệ quần chúng

Hoạt động ca hát trong ngày hội là một nét chung trong các lễ hội, người ta sử dụng lời ca tiếng hát để gắn kết, giao tiếp với nhau. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vào những ngày hội, các thôn ở Đức La tổ chức thi hát với nhau, thanh niên các thôn thường hát những bài hát truyền thống ca ngợi quê hương đất nước, những người trung tuổi lại thích hát những làn điệu dân ca quan họ thể hiện tập quán đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc.

Tối ngày 12, hoạt động thi hát của 13 thôn trong xã diễn ra. Tiếng hát mang nét mộc mạc đằm thắm của những người nông dân chất phác. Khán giả hăng hái cổ vũ nhiệt tình, làm cho không khí lễ hội càng trở nên vui nhộn.

 Kể hạnh

Là hình thức đọc và kể lại nội dung viết trong tập Thiền tông bản hạnh, nội dung nói về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là một hình thức bảo tồn tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong dân gian, diễn ra vào buổi tối, do nhà sư và các cụ kể. Kể hạnh là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao to lớn của tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương đất nước. Những câu văn kể hạnh thường là những câu thơ lục bát liên quan đến tích nhà phật. Trong đó, một cụ bà hát những câu văn lục bát, các cụ khác chắp tay thành kính, xướng lại lời hát như lối hát-hò. Ngoài nội dung kể hạnh trong tập Thiền tông bản hạnh, các cụ còn kể tích Phật bà Quan Âm, Người đi tu ở chùa Hương Tích… Những câu hát kể hạnh cất lên với mong muốn để ngài độ cho toàn dân được mạnh khỏe.

Chèo đò kể hạnh được bắt đầu từ thời Trần, với văn kể hạnh về Phật giáo Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông khởi xướng. Sau này, chèo đò kể hạnh được sử dụng như một hình thức dạy dỗ con cháu với nội dung phong phú. Đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Bởi vậy, chèo đò kể hạnh có hình thức đơn giản nhưng nó mang một ý nghĩa tâm linh lớn lao.

Các trò chơi dân gian

Sau những tháng ngày lao động vất vả, nhu cầu vui chơi giải trí trong lễ hội của người dân là nhu cầu không thể thiếu. Trò chơi thường gắn với việc thi tài để tìm ra người thắng cuộc, động viên, khuyến khích người chơi hăng hái, nhiệt tình hơn.

Đấu vật

Bắc Giang là vùng đất có truyền thống thượng võ, vì vậy không thể thiếu môn đấu vật trong bất kỳ lễ hội nào. Ở mỗi nơi bộ môn này có phong cách riêng, chứa đựng tinh thần sáng tạo, mang theo nếp sống lao động cùng trình độ văn hiến của nhân dân địa phương đó.

Trong các cuộc đấu giải, đô vật có tài thường được nhân dân tôn trọng, được mời ngồi chiếu trên, nơi danh dự của cuộc đấu. Nhưng trật tự đó luôn thay đổi, có thể phải nhường chỗ cho đô vật mới bất cứ lúc nào. Đó là một trật tự khiêm nhường chứa đựng tinh thần trọng nghĩa, mến tài vốn có trên xới vật, từ lâu trở thành thói quen đạo đức, nếp sống đáng quý trong làng vật Việt Nam. Đấu vật ở hội chùa Vĩnh Nghiêm là một trò chơi truyền thống mang đầy sức sống, thể hiện tinh thần thượng võ cao. Vật còn là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, góp phần làm tăng trí tuệ. Hội vật diễn ra trong cả mấy ngày hội, các đô từ mọi nơi đến tham dự tự do, ai thắng thì được ban tổ chức lễ hội trao giải. Vật giải phải qua vật lèo, thường có 20 giải lèo. Các đô vật phải vật hết vật lèo thì mới được vào vật giải. Tiếng reo hò của người xem cổ vũ các đô vật hòa trong tiếng trống vật liên hồi càng làm cho không khí ngày hội trở nên sôi động.

Chọi gà

Chọi gà cũng là một trò chơi mang tính thượng võ được nhiều người mến mộ. Đây là một trong những trò chơi truyền thống với hình thức cha truyền con nối ở Đức La. Người Đức La chơi chọi gà rất sành sỏi và tinh tường, họ rất công phu trong việc chăm sóc, huấn luyện để tạo ra được những con gà chọi có thương hiệu. Việc bảo tồn giống gà chọi cũng là một trong những việc làm hết sức quan trọng, họ có thể tặng nhau gà trống, nhưng không bao giờ tặng gà mái.

Trong ngày hội, trò chơi chọi gà được tổ chức ở khoảng đất trống phía trước cổng tam quan. Những con gà được chọn trong trò chơi này phải là những con gà khỏe mạnh, nhanh nhẹn, luôn được chăm sóc chu đáo, bảo đảm sức khỏe để tham gia đấu chọi. Trò chơi này cũng thu hút nhiều người xem, đặc biệt là các thanh niên, họ reo hò, vỗ tay cổ vũ làm cho cuộc đấu chọi của những con gà càng thêm hăng say và quyết liệt.

Chơi cờ

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm có tổ chức chơi cờ bỏi và cờ tướng. Đấu cờ vừa là môn thi, vừa là trò chơi trí tuệ được nhiều người yêu thích. Cờ bỏi đánh ở sân đất phía trước cổng tam quan, các quân cờ được gắn vào một đầu cây gậy, cắm xuống đất, người chơi chăm chú trước sự đấu trí đầy căng thẳng, xung quanh là những người xem, đứng cổ vũ sôi động. Cờ tướng cũng là một môn thi không thể thiếu trong hội chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng không khí không sôi động như những nơi diễn ra các trò chơi khác, bởi mọi người ở đây đều nhất mực tập trung, chăm chú theo dõi đường đi nước bước của đối thủ.

Bịt mắt đập niêu

Trò chơi này mang đậm màu sắc thôn dã, đây là một trò chơi vui nhộn không phân biệt giới tính cũng như độ tuổi. Người chơi được bịt mắt bởi một chiếc khăn màu đen, trước đó được nhìn hướng treo niêu và ước lượng khoảng cách vị trí. Tay người chơi cầm một chiếc gậy từ vạch xuất phát tiến vào vị trí treo niêu, nếu đập được trúng niêu là thắng cuộc. Trong niêu có đựng nhiều đồ vật khác nhau có thể là một ít tiền, bánh kẹo, cũng có thể là tro bếp. Nếu người đập trúng vào niêu có chứa tro bếp thì người chơi không lấy được phần thưởng mà lại bị tro lấm khắp người.

Kéo co

Kéo co được tổ chức ở bãi sân rộng bên cạnh chùa, mỗi đội có khoảng 10 đến 15 người. Người ta dùng một sợi dây thừng to, dài, buộc một chiếc khăn đỏ ở giữa làm mốc, trên nền sân chơi có kẻ một vạch để phân ranh giới giữa hai đội. Hai đội đứng đối mặt, bám vào phần dây của đội mình tạo thành một khối. Mỗi đội có một người đứng ngoài chỉ huy bằng cách ra hiệu lệnh để cho đội mình lấy sức kéo đều nhau, như vậy mới hợp được sức mạnh để kéo. Người xem hò reo, gõ trống để cổ vũ cho hai đội. Đội nào kéo được đội kia giẫm vào vạch vôi hoặc sang phần sân của mình là đội thắng cuộc. Trò chơi được cổ vũ nhiệt tình làm cho không khí lễ hội càng trở nên náo nhiệt, thu hút người xem.

Chùa Vĩnh Nghiêm là không gian văn hóa của Đức La, là nơi gửi gắm những giá trị tinh thần, giúp cho nhân dân có niềm tin, làm điều thiện để được hưởng phúc lộc. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là niềm tự hào của người dân nơi đây, đem đến cho nhân dân thời gian vui chơi giải trí sau những tháng ngày lao động vất vả. Lễ hội cũng là dịp gắn kết cộng đồng trong các thôn của Đức La nói riêng và khách thập phương nói chung, họ bỏ qua những sinh hoạt đời sống thường ngày đến với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo chung của cộng đồng. Lễ hội còn là dịp giúp cho những người xa quê có cơ hội trở về với cội nguồn.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là lễ hội lịch sử, văn hóa mang đậm màu sắc dân gian ở Bắc Giang, cần được bảo tồn, phát huy, để nó sống mãi với thời gian

Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016

Tác giả : NGUYỄN VĂN THỌ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *