Lý luận văn nghệ trong mối quan hệ với các ngành khoa học xã hội nhân văn

Tư tưởng lý luận văn nghệ (LLVN) là một dòng chảy bắt nguồn từ giá trị truyền thống đến giá trị hiện đại. Dòng chảy đó được bồi đắp qua nhiều chặng đường lịch sử. Bài viết này giới hạn việc xem xét tư tưởng LLVN từ đầu TK XX cho đến nay trong mối quan hệ liên ngành với triết học, mỹ học, văn hóa học và nghệ thuật học.

Tư tưởng LLVN trong mối quan hệ với triết học

F. Engels có lần nói, các nhà khoa học muốn làm gì thì làm đều chịu sự thống trị của triết học. Triết học là khoa học của mọi khoa học. Tư tưởng LLVN từ đầu TK XX cho đến những năm 30 TK XX chịu ảnh hưởng lớn của tinh thần độc lập dân tộc: các hiện tượng Đông kinh nghĩa thục, phong trào Duy tân, cải cách chữ quốc ngữ, đề cao vai trò quốc học, quốc văn cho đến những tư trào văn nghệ về sau như Thơ mới, Tự lực văn đoàn đều không nhiều thì ít chịu ảnh hưởng của triết học phương Tây thời buổi giao lưu và tiếp biến văn hóa. Tinh thần dân tộc được hiểu theo Engels không chỉ là việc dân tộc ấy làm, mà còn ở cái cách dân tộc ấy thực hiện.

Vào những năm 30 TK XX trở đi, tư duy LLVN đã được phát triển theo đường lối triết học nhân sinh. Triết học mác xít từ đó cho đến hơn 30 năm qua là cơ sở của sáng tạo văn nghệ. Không phải ngẫu nhiên mà J.P. Sartre đánh giá cao chủ nghĩa Marx: “Chủ nghĩa Marx là khuynh hướng triết học, mà không có một triết thuyết nào có thể vượt qua được”. Còn Jacques Derrida trong cuốn Quang phổ của Marx tuyên cáo rằng: “Cần phải quay lại với chủ nghĩa Marx, bởi chính triết thuyết này đã xây dựng nên lịch sử TK XX. Không ai có thể xóa được chủ nghĩa Marx khỏi gia sản văn hóa TK XX”.

Chủ nghĩa Marx là hòn đá thử vàng khi nó trở thành cơ sở triết học của Đề cương văn hóa 1943 và về sau là các văn kiện đại hội Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) với 5 quan điểm cơ bản chỉ đạo đời sống LLVN vừa đảm bảo nguyên lý (định thái), vừa cởi mở ứng dụng (biến thái). Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, sự khủng hoảng tư duy LLVN là sự thật, khi triết học Marx phát triển trong điều kiện chiến tranh lạnh. Các nhà tư tưởng ở cả hai phía có khoảng cách về thế giới quan, không hiểu nhau cả về đời sống xã hội lẫn đời sống tinh thần. Lại nữa, trong nội bộ chúng ta, một số nhà lý luận còn tư duy thiển cận, siêu hình, dùng ý thức hệ để đo đếm, quy chiếu những đặc trưng nghệ thuật, chính trị hóa việc phê bình văn nghệ, ít quan tâm đến những vấn đề bản thể luận nghệ thuật…

Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong tư duy LLVN, tôi xin nêu hai ý tưởng:

Đưa việc nghiên cứu con người Việt Nam vào trung tâm dư luận xã hội, với tư cách là hình mẫu bền vững của sáng tạo nghệ thuật. Nhiều thập kỷ trước đây, việc nghiên cứu con người mới chỉ là con người xã hội, còn con người tâm lý, con người sinh học, con người tâm linh mới dừng lại với cách tư duy mờ nhạt. Con người mới được lý giải còn sơ lược. Những tiêu chí con người trong chiến tranh được xem là chuẩn mực của thời bình. Lao động chính của con người không được coi trọng bằng cách ứng xử khôn ngoan vặt, cảm tính. Tài năng được đánh giá thấp hơn bằng cấp, quan hệ, tiền tệ… Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI là một bước đi đúng về tư duy LLVN, nhấn mạnh quy luật biện chứng khi kiến giải con người là nguồn lực quan trọng nhất của phát triển.

Tư duy LLVN hiện đại ở nước ta có thể tìm thấy những hạt nhân hợp lý trong các triết thuyết đã ảnh hưởng đến nhiều nền văn nghệ thế giới.

Chủ nghĩa hiện sinh là khuynh hướng triết học nổi tiếng với ba quan điểm tư duy lý luận đều lấy con người làm trung tâm. Một là, bản chất của văn nghệ là tự do, nhà văn không thể là nhà tư tưởng của giai cấp tư sản, bởi giai cấp tư sản này vụ lợi đang nô lệ hóa nghệ sĩ. Hai là, nhiều lý thuyết về kịch phi lý, kịch kinh dị được sáng tạo với phương thức miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật bằng cảm giác khó chịu mà J.P. Sartre gọi là trạng thái chóng mặt, buồn nôn, lo âu dao động… dưới chế độ tư bản. Nhưng họ cũng không quên miêu tả những biến động xã hội như chiến tranh thế giới lần II, chủ nghĩa phát xít, cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp… Ba là, yếu tố huyền thoại là yếu tố mời gọi hành động, có lúc được tuyệt đối hóa, nhưng những nhà hiện sinh thường dùng biện pháp có sức mạnh truyền cảm như giấc mơ, hoài niệm, đồng hiện…

Phân tâm học của S. Freud và sự phát triển nhân cách văn hóa, tôn giáonghệ thuật. Để giải tỏa sự dồn nén về tinh thần, sự nghèo khó về vật chất của con người, xã hội cần lập những đường dây cảm xúc kết nối, tạo dựng sự đoàn kết, lòng yêu thương, độ lượng mà con người hàng mơ ước. Còn tôn giáo đem lại cho con người niềm tin thông qua việc tìm đến những nguồn năng lượng trong các nghi lễ các vị thần, sự hứa hẹn một cuộc sống hạnh phúc ở kiếp sau, ở thiên đàng. S.Freud cho rằng, nghệ thuật giống như một giấc mơ ở những vô thức, nhưng khác là: giấc mơ phi xã hội, còn nghệ thuật làm cho người khác đồng cảm và thỏa mãn những ham muốn vô thức của nghệ sĩ.

Chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa nhân vị ở Mỹ thường được tôn vinh là giá trị cao nhất của văn hóa, vì nó coi con người là một nhân vị, tức là vị thế trung tâm trong mọi lĩnh vực đời sống. Ở Mỹ, chủ nghĩa nhân vị, tín điều Kinh thánh và ý thức công dân là ba nhân tố tạo thành văn hóa Mỹ.

Tư duy của ta có thể tiếp nhận được những yếu tố chính trị, văn hóa Pháp và Mỹ chính là ở chỗ: con người là đối tượng chủ yếu của triết học với giá trị người, trong đó quyền tự do xã hộiquyền con người là những hằng số đỉnh cao. Hai quyền trên là hai sản phẩm triết học văn hóa của xã hội phương Tây đưa lại chủ nghĩa nhân bản trong văn hóa chính trị và tư duy nghệ thuật.

Tư tưởng LLVN trong mối quan hệ với mỹ học dân tộc

Mỹ học với tư cách là một khoa học hình thành ở nước ta khá muộn. Vào những năm 60 TK XIX, các nhà giáo, nhà nghiên cứu bắt tay vào việc khảo sát những tư liệu tiếp nhận được từ các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là Liên Xô, các nước phương Tây một số thành tựu mỹ học hiện đại với mấy luận đề chính:

Bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội. Con người luôn luôn sáng tạo ra cái đẹp theo quy luật của cái đẹp, nguồn gốc tạo ra cái đẹp là lao động. Con người nhận thức được thế giới không chỉ bằng tư duy lý tính, trí tuệ, mà còn bằng mọi giác quan khác: cảm tính, tình cảm, cảm xúc, cảm hứng trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật.

Hệ thống mỹ học dân tộc cũng được khám phá để giữ gìn và phát huy di sản quý báu dù là ít ỏi. Trong hệ hình phương Đông về mỹ học trước đây, nhiều nhà viết sách thường vận dụng các phạm trù mỹ học phương Tây: cái đẹp, cái xấu, cái bi kịch, cái trác tuyệt… hoặc của phương Đông: đạo, tâm, chí, mỹ. Khi cắt nghĩa những phạm trù này, ở hai bán cầu, các nhà khoa học đều có sự biện giải khác biệt, nhưng cũng có chỗ hòa đồng. Khác nhau là do điều kiện địa lý, lịch sử, nền móng kinh tế, bản sắc văn hóa, nhưng cũng có mẫu số chung là tính nhân loại: chân, thiện, mỹ. Mỹ học phương Tây hướng ngoại. Ví dụ: cái đẹp xét từ góc độ khách quan của thế giới tự nhiên, của xã hội, con người đều có cái đẹp và cái không đẹp. Cái trước là tính cân đối, tỷ lệ hài hòa, nhịp điệu tương ứng của kích thước, số lượng, màu sắc, âm thanh, ánh sáng… còn cái sau là ngược lại. Mỹ học phương Đông hướng nội, gắn với đạo đức học, chính trị học. Ví dụ phạm trù đạo là trông không thấy, nắm không được, cảm không biết, chỉ thấy qua đức – bản thể của sự vật. Đạo đức nhập thế thường được ứng dụng vào các thể loại nghệ thuật với quy luật vận động, biến hóa, chuyển dịch thành vật đối lập. Tôi nghĩ, cả hai hệ thống mỹ học đều bổ ích, vấn đề còn lại là sự lựa chọn thông thái, tránh dẫm chân tại chỗ. Bản tính thượng võ không nên coi là phạm trù cái hùng mà chỉ là một tố chất, một năng lực…

Phương pháp luận khảo sát khả biến – cái định thái và cái biến thái.

Hơn một nghìn năm Hán hóa, văn hóa nước ta bị kẹt vào cái vỏ bọc phong kiến Trung Hoa, rập khuôn, mô phỏng, chỉ biết theo khuôn mẫu của người, óc sáng tạo của nho sĩ bị hạn chế. Một khối lượng tư liệu, văn bản học của Bắc sử và sử nước Nam, của chính sử và huyền thoại, của văn học bác học và văn Nôm… nói lên tính phức tạp, đa nghĩa của một nền văn hóa từ Đại Việt đến Việt Nam. Thực trạng đó đòi hỏi phải có một công cụ khảo cứu có hệ thống dựa trên ý niệm duy lý và dấu chân thực tiễn, một phương pháp luận đã ảnh hưởng rộng lớn ở châu Âu từ TK XVII trở đi. Ý niệm duy lý là kiểu tư duy biện chứng, là bà đỡ của một nền văn hóa đích thực, có cái định thái và cái biến thái, cái vay mượn và cái sáng tạo, cái tuyệt đối và cái tương đối. Dưới đây là những phương pháp cụ thể:

Phương pháp nghiên cứu quan sát trực quan đòi hỏi phải khắc phục tư duy trực giác – sản phẩm của một nền nông nghiệp cá thể kéo dài nhiều TK, muốn làm nhanh, ăn nhanh, tâm lý thu hoạch tức thì, chạy theo cái trực giác, hư không, chỉ thấy, chỉ gợi, chứ không biết cái hữu hạn, thực tại, mâu thuẫn của đối tượng khảo sát. Ngay cả Lão Tử trong Đạo đức kinh – một tác phẩm triết học đầu tiên của Trung Quốc, mang tính duy vật sơ khai đã khuyên người sáng tạo: muốn làm một việc gì cũng phải đi từ điểm đối lập của sự vật ấy. Quan sát còn là quá trình nghiên cứu những gì tiền nhân sáng tạo, những gì vay mượn, coi trọng cái động, chống cái độc tôn, cái tuyệt đối.

Phương pháp nghiên cứu lý thuyết bổ sung cho phương pháp quan sát, đòi hỏi có cái nhìn chủ toàn (diện) và chủ biệt (điểm). Khi nghiên cứu triết học trong Kinh dịch với nghệ thuật truyền thống, nhà nghiên cứu cần tiếp cận hệ thống mở: vừa tả, vừa gợi, vừa hiện thực vừa siêu thực; coi trong các phạm trù: vật và tâm, tuyến tính và phi tuyến tính. Ví dụ: Nguyên tắc tứ tương trong bộ múa tuồng truyền thống cần được nhận biết về mặt lý thuyết tính đa chiều, biện chứng, biến dịch, chuyển hóa giữa các mặt đối lập, biến cái định thái thành cái biến thái.

Phương pháp nghiên cứu ứng dụng cho thấy rằng, kiến thức thông thái, tri thức uyên thâm không quan trọng bằng cách xử lý kiến thức. Điều này đòi hỏi tính mục đích cao, tính thực tiễn lớn của công trình nghiên cứu.

Tư tưởng LLVN Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa học

Văn hóa học là khoa học nghiên cứu sự ra đời và phát triển của văn hóa với nội dung nghiên cứu những hoạt động, hiện tượng nằm ngoài mục đích thực dụng, dựa trên cơ chế điều hòa và lựa chọn phương tiện hoạt động của con người. Văn hóa học có hai nhánh: lý luận cơ bản và lý thuyết ứng dụng. Mỗi nhánh chia nhiều nhánh nhỏ: nhân loại học xã hội và văn hóa; nhân loại học tâm lý, ký hiệu học văn hóa, phương pháp luận về mối quan hệ giữa văn hóa – xã hội với các thể chế xã hội; phương pháp luận về các mối quan hệ xã hội giữa các cá nhân, nhóm xã hội, nhóm tư vấn, giữa các nhóm tư vấn với cá nhân…

Để tiếp cận với tư duy LLVN, trong lĩnh vực văn hóa học, chúng tôi xin đi sâu vào vấn đề lý thuyết và tác động của chúng đối với đời sống học thuật, đó là bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam.

Có nhà triết học nói, cái đáng sợ nhất hiện nay đối với loài người là tình trạng sa mạc hóa tinh thần và con người tự đánh rơi mình. Cũng như vậy đối với một dân tộc, một nền văn hóa dân tộc. Thật vậy, nói đến văn hóa là nói đến dân tộc và con người. Văn hóa là gương mặt của dân tộc. Một dân tộc đánh mất truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc thì dân tộc ấy sẽ mất tất cả. Vậy bản sắc văn hóa dân tộc là gì? Dân tộc là một phạm trù lịch sử. Bản sắc dân tộc và bản sắc dân tộc của văn hóa là những phạm trù động, mở, không thể nào giữ nguyên mãi mãi mà không thay đổi. Bản sắc dân tộc thường ghi dấu ấn ở một cây đàn bầu hay đàn nguyệt, của tư tưởng nhân nghĩa mực thước trong tuồng, tính ước lệ trong chèo, những nét độc đáo trong dân ca, cái đặc thù của kiến trúc truyền thống, của những bức chạm hay hoa văn quy phạm và nền nã, ngay cả tôn giáo của người Việt cũng ít mang tinh thần tôn giáo gốc, mà coi trọng hiện thực trần gian hơn thế giới bên kia.

Hai tiêu đề: dân tộc – quốc tếtruyền thống – hiện đại gợi ý niệm về sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước đã trở thành một quy luật phát triển của lịch sử dân tộc và của thời đại. Sự phát triển nào mà chẳng có sự chuyển hóa giữa các mặt đối lập; ở đây là giữa bảo tồn văn hóa và những con đường hội nhập, giữa cái được và cái mất, giữa bản sắc dân tộc và yếu tố lạ của thế giới, giữa việc tiếp nhận có định hướng và tình trạng tự phát, hỗn độn của một bộ phận lạc hậu, thoái hóa trong nhân dân.

Khi nghiên cứu vấn đề giao lưu văn hóa, cần khắc phục mấy hiện tượng vốn tồn tại trong một thời gian dài trước đây như: về phương châm thì nặng về nhận mà nhẹ về cho; về địa lý thì mới chú ý khu vực các nước xã hội chủ nghĩa (trước đây); về tâm lý thì chỉ muốn được mà không muốn mất; về nhận thức chỉ thấy cái dở mà không thấy cái hay của văn hóa các nước tư bản phát triển… Dù muốn hay không, văn hóa các dân tộc có thể chế chính trị khác nhau bao gồm cả dòng trong và dòng đục vẫn liên tục tràn vào văn hóa các nước khác, không thể khác được. Đã xa rồi thời kỳ cách ly giả tạo, chỉ biết đóng cửa, đối phó, chỉ sợ gió độc tràn vào. Mở cửa giao lưu vừa là sự cởi mở, vừa là sự hứng chịu, được biểu hiện trên hai bình diện: tâm lý sùng ngoại và những hiện tượng bài ngoại. Sùng ngoại và bài ngoại là hai cực đối lập của một vấn đề, nhưng tựu trung là do tri thức văn hóa kém, trình độ dân trí thấp, phải giải quyết bằng trang bị kiến thức, nâng cao dân trí và lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân.

Nghệ thuật học trong triết lý phát triển là nền tảng của tư duy LLVN hiện đại

Triết lý văn hóa phát triển hình thành triết học thực tiễn khi ứng dụng vào các loại hình nghệ thuật. Nghệ thuật học là một ngành nghiên cứu tổng hợp các loại hình sử dụng không gian làm bối cảnh hoạt động của con người. Nghệ thuật không gian như: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, thiết kế mỹ thuật, điện ảnh… tác động đến tình cảm con người thông qua các giác quan, chủ yếu là thị giác. Còn nghệ thuật thời gian như âm nhạc, thơ ca… Nghệ thuật học có chức năng nghiên cứu đối tượng sáng tạo và chủ thể sáng tạo với ba chức năng: nhận thức, giáo dục, thỏa mãn thẩm mỹ của công chúng.

Vào những năm 80 TK XX, khi có luồng gió đổi mới trong kinh tế, xã hội, trong đời sống tinh thần của con người, nghệ thuật học đã có những đóng góp học thuật quan trọng, hữu ích cho nghiên cứu, lý luận, tư duy nghệ thuật được quy tụ vào mấy chủ điểm lớn sau đây: đổi mới tư duy văn nghệ và phẩm chất của văn nghệ sĩ; những phẩm chất của người nghệ sĩ kiểu mới; đổi mới và phê bình nghệ thuật; tác phẩm nghệ thuật và sự cảm thụ của người xem…

Nhiều cụm đề tài về sân khấu dân tộc – hiện đại được truy tìm, lật trở để ngành nghệ thuật này có bộ mặt mới, những yếu tố hiện đại như: chèo sân khấu ước lệ; những phương thức diễn đạt nghệ thuật sân khấu cổ truyền của người Việt; tính uyển chuyển không gian – thời gian của âm nhạc tuồng; nghệ thuật cải lương với vấn đề truyền thống; những tương đồng và dị biệt trong sân khấu tuồng ở nước ta và các nước lân bang; từ ước lệ sân khấu truyền thống đến ước lệ sân khấu kịch nói…

Những vấn đề lý thuyết âm nhạc cũng được đề cập đến với những đề tài nóng và đã có những tham bác rộng rãi các học giả ở các nước. Đó là nhạc khí với tính dân tộc và tính hiện đại; dân tộc – hiện đại trong âm nhạc Việt Nam; về lý thuyết điệu thức của người Việt; định luật nhạc cổ truyền của người Việt…

Ngoài ra, nghệ thuật múa cung đình, múa dân gian; nghệ thuật điện ảnh và phim truyện Việt Nam; về những đặc điểm của múa rối nước; bản sắc dân tộc trong sân khấu múa và những đề tài về nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, điêu khắc dân tộc… đã được sưu tầm, biên khảo, kiến giải mới xoay quanh trục: dân tộc – hiện đại.

Tất cả những luận đề, luận điểm của các nhà nghệ thuật học được diễn giải khác nhau, tư liệu chứng giải không giống nhau, không giống nhau cả về phương pháp luận, nhưng giữa họ có một điểm nhìn chung: đó là tư duy LLVN đổi mới, mà phương pháp luận là duy lý – thực tiễn để khảo sát, nghiên cứu những giá trị của nghệ thuật truyền thống, tìm thấy những giá trị xác suất (vừa đúng vừa sai) trong kho báu nghệ thuật dân tộc, chỉnh lý, cải biên, sáng tạo chúng, góp phần làm giàu cho nền nghệ thuật hiện đại. Dưới đây là hai đặc điểm của tư duy lý luận của học giới nước ta từ truyền thống đến hiện đại:

Tư duy biện chứng, linh hoạt, biến hóa. Như vậy, tư duy nghệ thuật dân tộc vừa xa lạ với cái thần bí, lại không hoàn toàn phụ thuộc vào cái duy lý. Thông qua các chất liệu âm nhạc, kiến trúc, sân khấu tuồng, chèo chúng ta có thể nhận ra bốn đặc điểm của phương thức biểu hiện nghệ thuật: cái biến thái, cái biện chứng, tính đa chiều và tính tương phản. Trong sân khấu tuồng cổ điển, bộ múa tuồng là một ví dụ: nội ngoại tương quan, thượng hạ tương phù, tả hữu tương ứng, phì sấu tương chế. Cấu trúc động và đường cong trong nghệ thuật kiến trúc và mỹ thuật dân tộc, kiến trúc cộng sinh (đưa thiên nhiên vào bố cục cảnh quan), những đường cong của hoa văn, lưng rồng, mái đình là những khám phá, làm cho nghệ thuật dân tộc trở nên tân kỳ, hiện đại.

Nghiên cứu nghệ thuật truyền thống theo một hệ thống mở được đan kết bằng các quan điểm nghệ thuật và phương pháp sáng tác: vừa tả vừa gợi, vừa miêu tả vừa biểu hiện, vừa hiện thực vừa siêu thực, tồn tại và hư vô, các phạm trù vật và tâm, tuyến tính và phi tuyến tính, bề nổi và bề chìm… Cái trước là hiện thực trần trụi, duy lý, còn cái sau là trực giác, tầm bay của trí tưởng tượng.

Nghệ thuật học dân tộc ta sau thời kỳ đổi mới đến nay đã có những khát vọng lớn là đưa loại hình này từ chỗ là những giá trị rời rạc, lẫn lộn thực hư, giá trị và phản giá trị… để thành ngành khoa học duy lý – thực tiễn, hạn chế các định thái, gia tăng cái biến thái, trên cơ sở mỹ học mác xít, nhưng không kỳ thị với những thành tựu của phương pháp tư duy phương Tây, cũng không vồ vập mọi thông thái của phương Đông.

Tháng 6 – 2016

                                           

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : HỒ SĨ VỊNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *