Mạng xã hội – kênh kết nối quan trọng giữa bạn đọc, người làm sách và tác giả


Sách là công cụ lưu giữ, trao truyền trí tuệ hữu hiệu của các thế hệ. Thực tế cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số ngành Xuất bản, ngành Thư viện đã và đang tác động trực đến hoạt động xuất bản và văn hóa đọc của đất nước. Do vậy, việc sử dụng mạng xã hội sẽ là kênh kết nối rất quan trọng, giúp những người làm xuất bản, phát hành, tác giả tương tác với nhau để đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích, những xuất bản phẩm có chất lượng cao; góp phần thúc đẩy phát triển phong trào đọc sách; hướng tới xây dựng một xã hội học tập và hình thành nhân cách con người.

Ngành Xuất bản phải có những cuốn sách trở thành nhận thức chung cho cả xã hội

Sáu tháng đầu năm 2021, toàn ngành xuất bản được 19.217 cuốn sách, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2020; hơn 33 triệu bản, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc, các nhà xuất bản đã rất nhanh nhạy, thích ứng tốt để biến khó khăn do đại dịch COVID -19 thành cơ hội kích hoạt và thúc đẩy việc bán hàng trực tuyến, sách điện tử. Nhờ đó, duy trì được tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người tiếp tục ổn định trong những tháng đầu năm 2021.

Ngoài tăng trưởng về số lượng, doanh thu, ngành sách chú trọng vào chất lượng xuất bản phẩm. Bên cạnh phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị quan trọng, các đơn vị xuất bản cũng đầu tư làm nhiều đầu sách chất lượng phục vụ bạn đọc. Trong đó, sách khoa học công nghệ, sách về chuyển đổi số, sách kỹ năng sống, hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm… được quan tâm xuất bản với số lượng lớn.

Nhiều nhà xuất bản (Nxb) bám sát nhiệm vụ chính trị, tập trung xuất bản được nhiều cuốn sách, bộ sách, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương góp phần cập nhật thông tin, phục vụ học tập, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nội dung trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; các ấn phẩm tuyên truyền về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu về Đại tướng của lòng dân, trong đó có cuốn vừa ra mắt tháng 8 này là “Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp – Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam”…

Theo đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), trong thời gian qua, chất lượng đề tài, nội dung, hình thức các ấn phẩm tiếp tục được các Nxb quan tâm, đầu tư đổi mới, phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Một số Nxb ngoài nhiệm vụ xuất bản sách lý luận chính trị, sách chuyên ngành, đã chú ý đến mảng đề tài cách mạng công nghiệp 4.0, sách về chuyển đổi số, sách về phòng chống đại dịch COVID -19, sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết với các nước, phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Một số mảng đề tài được chú ý đầu tư khoa học bài bản hơn như: xây dựng nông thôn mới; phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức phổ thông về văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật; các ấn phẩm tuyên truyền bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; lịch sử, văn học, được xuất bản dưới nhiều thể loại như: tiểu thuyết, truyện tranh dành cho thiếu nhi,… nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia và các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.

Thời gian qua, nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm. Đặc biệt, ngành đã xuất bản được những tác phẩm chất lượng cao như: Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng (viết từ năm 1952); Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu (2 tập) do PGS, TS Nguyễn Văn Thường chủ biên; Lịch sử của Hê – rô – đôt; Biến động môi trường lớp phủ và giải pháp phát triển bền vững tại các đảo san hô khu vực Quần đảo Trường Sa của TS Đỗ Huy Cường; Lược khảo văn học (3 tập) của GS Nguyễn Văn Trung phản ánh văn chương tiến bộ thời kỳ đất nước còn bị chia cắt trước năm 1975…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Trước đây mỗi năm có một số ít sách mới nên có quyển sách cả triệu người đọc và trở thành nhận thức chung của cả xã hội và vì vậy mà tạo thành sức mạnh quốc gia, dân tộc. Nay mỗi năm có tới gần 40.000 tên sách được xuất bản, mỗi đầu sách cũng chỉ in từ một ngàn đến vài ngàn quyển và vì thế, không có quyển sách nào có “triệu người đọc”, không có quyển sách nào trở thành “nhận thức chung” của xã hội, không tạo thành sức mạnh quốc gia. Vậy có cách nào mà ngành xuất bản vẫn có những quyển sách có sức lan tỏa triệu người như trước đây không?” “Nhiệm vụ của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong thời gian tới, mỗi năm cần tìm ra từ 2 đến 5 “viên ngọc” quý trong số 30 – 40 nghìn đầu  sách ấy. Nếu như “viên ngọc” ấy làm thay đổi một triệu người Việt Nam thì sẽ làm thay đổi nhận thức của toàn bộ đất nước này, dân tộc này sẽ bứt phá vươn lên. Đồng thời, ngành Xuất bản cần có chiến lược xuất bản cụ thể, mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy ngành Xuất bản Việt Nam phát triển bền vững và vươn tầm ra thế giới. Và ngành Xuất bản hằng năm phải xuất bản được những quyển sách xứng tầm trở thành nhận thức chung của cả xã hội.” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu.

Kết nối người làm sách tới bạn đọc qua mạng xã hội là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0

Thực tiễn cho thấy, trước đây có một cách đọc duy nhất là đọc sách. Bây giờ mọi người có rất nhiều cách đọc. Đọc báo, đọc tạp chí, đọc trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Thay vì tự đọc thì nghe người máy đọc. Thay vì đọc chữ là chính thì đọc truyện tranh. Thay vì đọc trước để chuẩn bị khi cần là dùng được ngay thì bây  giờ khi cần mới đọc. Đọc sách điện tử, đọc sách mạng nhiều hơn… Nhiều cách đọc như thế thì sách có đi vào những cách mới này không? Đi vào những cách mới này thì có mất sách không? Nếu ta xem sách là tri thức thì không sao, vì có nhiều cách mới hiệu quả để phổ biến tri thức. Nếu ta xem sách là tạo cảm xúc thì sao? Chắc đọc sách theo cách truyền thống cũng không phải cách đọc duy nhất để tạo ra hay truyền đi cảm xúc (đến 82% nội dung online hiện nay là hình ảnh). Vậy thì phải chăng sách vẫn tiếp tục là sách và có những biến hoá mới phù hợp với thời đại? Đây là những vấn đề đặt ra của Bộ TT&TT trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số ngành Xuất bản trước yêu cầu mới.

Ngày 21/5/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã làm việc với lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, đại diện các Nxb để bàn Chiến lược phát triển ngành Xuất bản giai đoạn 2021-2025 cũng như chương trình hành động của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong giai đoạn mới. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ việc cần làm ngay lúc này của ngành Xuất bản là: “Cái cần giữ lại, cái bất biến là mục tiêu, là sứ mệnh chứ không phải phương tiện thực hiện. Mục tiêu, sứ mệnh thì vẫn là lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Nhưng phương cách thì cần có những đổi mới. Sách là một khái niệm mở và phát triển. Chế tác và nhân bản sẽ phụ thuộc vào môi trường sống và sự phát triển của khoa học công nghệ. Những đổi mới căn bản nêu trên sẽ giúp lĩnh vực xuất bản thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn”.

Do vậy, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) phải là người định hướng, dẫn dắt, tạo ra thể chế và chính sách, tạo ra những nền tảng ban đầu cho sự chuyển đổi này. Các Nxb, nhà in, các công ty phát hành sách chính là những người tạo ra tương lai cho sách. Có một cái có thể làm ngay và dễ làm là hãy mang những xu thế của thời đại số, mà nhiều lĩnh vực khác đã áp dụng thành công cả chục năm nay, vào ngành Xuất bản. Nếu chúng ta không làm nhanh thì các công ty công nghệ hoặc các công ty sử dụng công nghệ sẽ thay chỗ của chúng ta, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.

Để cụ thể hóa chủ trương, chiến lược nêu trên, nhiều Nxb, công ty phát hành sách, người làm sách, tác giả đã và đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ. Trong đó có vấn đề tăng cường kết nối giữa Nxb, đơn vị làm sách, công ty phát hành sách và tác giả với bạn đọc thông qua mạng xã hội đang là xu thế của thời đại, của những người làm sách hiện nay không thể bỏ qua.

Ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam cho biết: Trong công cuộc chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thì mạng xã hội là cầu nối rất quan trọng giúp những người làm xuất bản, phát hành, tác giả tương tác với nhau thông qua mạng xã hội để đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích, những xuất bản phẩm có chất lượng cao. Xác định được tầm quan trọng đó, chúng tôi đã tạo nên một bước đột phá trong ngành sách với thành phố sách Phương Nam Book City. Đến nay chúng tôi đã có 5 thành phố sách đẹp và hiện đại tại các tỉnh thành lớn. Thành phố Sách Phương Nam Book City không đơn thuần là nơi bán sách và văn hóa phẩm, mà là nơi để nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau trải nghiệm một không gian văn hóa đa chiều, đa tiện ích.

Book City vừa là “nhà”, nơi bạn đọc có thể nghỉ ngơi trong không gian ấm cúng, thoải mái những khu ghế ngồi tiện nghi, vừa là thư viện với hàng triệu bản sách trong và ngoài nước, vừa là “thiên đường” văn phòng phẩm, vừa là quán cà phê để dừng chân nghỉ lại, trò chuyện với bạn bè, vừa học thật nhiều trong những buổi giao lưu với tác giả, workshop chuyên đề. Bên cạnh mô hình Phương Nam Book City hiện đại nâng tầm trải nghiệm đọc cho khách hàng, chúng tôi còn tham gia mạnh mẽ vào tiến trình chuyển đổi số và tăng cường sự tương tác giữa những người làm sách, tác giả với bạn đọc thông qua mạng xã hội, chúng tôi đã tập trung nâng cấp với website thương mại điện tử nhasachphuongnam.com nhằm xóa mờ ranh giới online, offline, tạo nên trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt và phục vụ khách hàng liên tục 24/7; đầu tư thiết kế, đảm bảo tính nổi bật, tính tương tác và thu hút người xem, các chỉ dẫn trên website thuận tiện cho người truy cập. Tích cực quảng cáo thương hiệu của công ty trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Fanpage…. Bên cạnh đó là ứng dụng chăm sóc khách hàng KOMO+, ứng dụng này không chỉ giúp khách hàng tích điểm, được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời mà còn để khách hàng đọc ebook mọi lúc mọi nơi. Đó còn là ứng dụng sách nói audio book, chúng tôi đang trong quá trình phát triển và dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2021 này… Đặc biệt, Phương Nam Book City đang tích cực, chủ động tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia và của ngành xuất bản, không ngừng tiên phong, đổi mới… tất cả vì mục đích để lan tỏa văn hóa đọc, để người Việt đọc nhiều, đọc nhiều hơn nữa.”

Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty Sách Omega Việt Nam nêu ý kiến: “Đứng trước xu thế mới, ngành xuất bản Việt Nam cũng như các Nxb, đơn vị làm xuất bản, phát hành cần chủ động tìm cho mình hướng đi mới, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đang đặt ra. Đối với Công ty Sách Omega Việt Nam, trước, trong và sau khi ấn phẩm ra đời, chúng tôi đã sử dụng triệt để các công cụ truyền thông gồm: báo chí, diễn đàn, hội nhóm, sự kiện, quảng cáo, truyền miệng, in phát tờ rơi… được vận dụng đồng loạt hoặc tùy biến cho phù hợp với loại hình, nội dung ấn phẩm. Đồng thời, truyền thông còn đóng vai trò dò đường, test thị trường, nhất là khi khó đo lường kết quả của những cuốn sách/thể loại mới mẻ hoặc không đủ dữ liệu để đánh giá sức mua của độc giả.”

Thực tiễn minh chứng, vai trò của mạng xã hội đối với các Nxb, đơn vị làm sách, phát hành sách và tác giả có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo sức lan tỏa tới bạn đọc. Hiện, Công ty Sách Omega Việt Nam đẩy mạnh sự tương tác giữa đơn vị và tác giả với mạng xã hội để đưa tới độc giả nhiều thông tin bổ ích về các sản phẩm của đơn vị làm ra. Chúng tôi tập trung marketing sản phẩm và marketing bán hàng trên công cụ truyền thông như: tuyên truyền trên báo chí, diễn đàn, website, Facebook, YouTube, Instagram, Zalo… để giới thiệu về cuốn sách/bộ sách đến với độc giả/ khách hàng. Chúng tôi xây dựng chính sách bán hàng, chương trình khuyến mại, quảng cáo, sự kiện, sử dụng các mạng xã hội… để tiếp cận trực tiếp khách hàng nhằm mục đích đưa sản phẩm tốt nhất đến độc giả.

Ông Đặng Cao Cường, Phó Trưởng ban Biên tập Truyện tranh (Nxb Kim Đồng) cũng cho biết: Trong thời gian qua, công tác truyền thông giới thiệu sách của Nxb Kim Đồng cũng có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, phù hợp với đặc điểm của đối tượng sách mà NXB đang hướng tới là các độc giả trẻ và các bậc phụ huynh. Đồng thời, Kim Đồng tích cực đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo chí, các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử… Hiện, Nxb Kim Đồng đang tận dụng lợi thế mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Twitter, Website, Tiki, Zalo…. để chuyển tải thông tin về sách và tương tác với bạn đọc. Đồng thời, Nxb đề cao việc thu thập phản hồi từ độc giả thông qua email, website, Facebook, Zalo… để kịp thời rút kinh nghiệm, cũng như thu thập được nhiều thông tin xoay quanh trào lưu, xu hướng đang gây sốt, những thói quen và sở thích mới, để từ đó có cách tiếp cận mới mẻ, hợp thời và được hưởng ứng, ủng hộ. 

 

NGÔ XUÂN LỘC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *