Nói đến kho tàng văn học cổ Việt Nam, không thể không nhắc đến Truyện Kiều, bởi đây là một tác phẩm xuất sắc nhất, một tuyệt tác tiêu biểu cho Văn học Việt Nam. Ngay từ khi ra mắt lần đầu tiên, Truyện Kiều không chỉ được các văn nhân và các nhà phê bình văn học đánh giá cao, mà cả nam phụ lão ấu, mọi giai tầng đều hết lời tán dương. Truyện Kiều được xem là một tác phẩm kinh điển của văn học Việt nam, vẽ nên bức tranh xã hội Việt Nam đương thời. Tác giả Nguyễn Du là một thi nhân hàng đầu trong số các văn nhân Việt Nam, ông được so sánh với Vergilius của Roma, được ví như William Shakespeare của Anh Quốc và Đỗ Phủ của Trung Quốc.
Những tư tưởng của thời đại như Nho giáo, Phật giáo được tràn trải trong toàn bộ kiệt tác Truyện Kiều. Chủ đề chính của tác phẩm mang tư tưởng của chủ nghĩa nhân văn cao cả, tư tưởng khuyến thiện trừng ác; đề cao giá trị của con người, sự hiếu đạo với cha mẹ, ước vọng hướng đến tình yêu tự do và hạnh phúc lứa đôi; miêu tả sự oan khuất và lý giải số phận nghiệt ngã của một người con gái tài sắc.
Trong tình hình giới học thuật Hàn Quốc quan tâm nhiều đến văn học Việt Nam nhưng những nghiên cứu về văn học Việt Nam tại Hàn Quốc còn chưa nhiều, trong bài viết này, bằng nỗ lực phân tích màu sắc của tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều, người viết mong mỏi ngày càng có nhiều những nghiên cứu sâu hơn về văn học cổ Việt Nam.
1. Tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều
Nguyễn Du tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn lạp hộ. Ông sinh tại Thăng Long (Hà Nội cũ) ngày 3-1-1766 và sinh trưởng tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Khi Nguyễn Du ra đời, phụ thân ông là Nguyễn Nghiễm (1708-1776) làm quan đến chức Tể tướng.
Mẫu thân của Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần (1740-1778), là vợ thứ 3 của phụ thân ông và nhỏ hơn chồng 32 tuổi. Tổ tiên của Nguyễn Du là dòng dõi quý tộc quyền thế, phần lớn ra làm quan thời Lê mạt. Gia đình Nguyễn Du suy sụp khi vương triều Lê sụp đổ. Năm lên 10, Nguyễn Du mất cha và 12 tuổi ông mồ côi mẹ. Lúc bấy giờ, Nguyễn Du có nhiều anh em, nhưng do tuổi còn nhỏ nên tất cả phải đến sống với anh cả là Nguyễn Khản. Năm 1784, khi Tam phủ quân phòng vệ kinh thành gây bạo loạn, gia đình ông suy sụp. Lúc này, Nguyễn Du có người cha nuôi vốn là một võ quan họ Hà ở Thái Nguyên, khi ông mất, Nguyễn Du được kế chân nhận chức quan ấy.
Năm 1789, khi quân nông dân nổi dậy Tây Sơn tấn công phía Bắc, đại phá quân xâm lược nhà Thanh do tộc Mãn Châu dẫn đầu, Lê Chiêu Thống, vua cuối cùng, đời thứ 27 của vương triều Lê đã thỉnh cầu nhà Thanh chi viện rồi chạy theo quân Thanh. Lúc này, anh em Nguyễn Du cũng đã định theo vua Chiêu Thống và vong thân tại Trung Quốc, nhưng không kịp. Cuối cùng Nguyễn Du đã lánh nạn tại nhà vợ ở Thái Bình, sau đó di trú đến Nghệ An. Thời điểm này, do dính líu đến cuộc vận động khôi phục vương triều Lê, ông bị bắt giữ 3 tháng. Sau đó được thả, ông quay trở về Tiên Điền sống.
Vào năm 1802, khi Gia Long lên ngôi, lập nên vương triều cuối cùng của Việt Nam, Nguyễn Du được gọi lại làm quan. Năm 1813, ông giữ chức Chánh sứ đi Trung Quốc. Vua Gia Long băng hà, vua Minh Mạng trị vì. Khoảng năm 1820, ông lại nhận mệnh làm Chánh sứ đi Trung Quốc, nhưng ông đột nhiên đổ bệnh và mất tại Huế, hưởng dương 55 tuổi. Nguyễn Du đã để lại nhiều tác phẩm giá trị cho văn học Việt Nam, trong đó có 3 tập thơ chữ Hán là Thanh Hiên thi tập (78 bài), Nam trung tạp ngâm (40 bài), Bắc hành tạp lục (131 bài) và kiệt tác Truyện Kiều.
Truyện Kiều sáng tác bằng chữ Nôm, theo thể thơ lục bát, gồm 3254 câu. Cốt truyện và nhân vật dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Tại Trung Quốc, Kim Vân Kiều truyện không được đánh giá cao, nhưng Truyện Kiều của Nguyễn Du tại Việt Nam khi vừa mới ra mắt đã mang lại hứng thú cho độc giả. Đồng thời vào thời điểm đó, Kim Vân Kiều truyện lại được quan tâm một cách mới mẻ hơn trong so sánh với Truyện Kiều. Trong tác phẩm, lý do Thúy Kiều bán mình cứu cha là do nàng nghĩ như là vận mệnh chính mình gặp phải. Người ta nói những học giả nghiên cứu Truyện Kiều bắt đầu có mối quan tâm mới đến Kim Vân Kiều là ở chỗ, Nguyễn Du không thể phản ánh trực diện tình hình bất hợp lý của xã hội phong kiến Việt Nam đương thời do sự hỗn loạn của triều đình thời ấy. Nguyễn Du đã làm mới lại cốt truyện này trên nền tảng là bối cảnh hiện thực của xã hội Việt Nam đương thời, và ông cũng lồng vào những nội dung về phong tục tập quán của Việt Nam. Ông mượn cốt truyện của Kim Vân Kiều và thân phận Kiều để bày tỏ nỗi lòng và tình cảnh của chính gia đình ông, một dòng dõi qúy tộc danh giá trung thành với triều Lê, phải ra làm quan cho triều Nguyễn. Vì thế, ngay từ tựa đề tác phẩm, ông đã viết Đoạn trường tân thanh với ý nghĩa: Khúc ca mới đứt ruột.
Về niên đại sáng tác, có nhiều ý kiến khác nhau trong giới nghiên cứu Việt Nam. Tổng hợp lại có các giả thuyết đáng tham khảo như sau:
Giả thuyết Nguyễn Du sáng tác sau khi đi sứ nhà Thanh về năm 1813.
Giả thuyết Nguyễn Du sáng tác trong khoảng năm 1802-1809 khi ông đang làm quan cho triều Nguyễn.
Giả thuyết Nguyễn Du sáng tác trong khoảng năm 1796-1801 khi ông về ở ẩn tại quê sau khi triều Lê sụp đổ.
Và cũng có giả thuyết cho rằng Nguyễn Du đã sáng tác khi ông sống ở quê vợ tại Thái Bình vào khoảng năm 1786-1796.
Sau khi hoàn thành, Nguyễn Du có đưa cho Phạm Quý Thích xem bản thảo, và được sửa chữa vài chỗ, có viết ở lời nói đầu và đổi tựa thành Kim Vân Kiều tân truyện? Bản chữ Nôm dần được quốc ngữ hóa khi chữ Việt ghi âm Latinh mang tên quốc ngữ được phổ biến. Năm 1875, bản Truyện Kiều phiên âm quốc ngữ đầu tiên của Trương Vĩnh Ký ra đời.
Trong số các hoàng đế Triều Nguyễn, có vua Minh Mạng say mê thơ Kiều đã bắt các quan trong triều thuộc lòng, ngâm thơ và lệnh cho các học sĩ trong Hàn lâm viện ghi chép lại để truyền cho đời sau. Đến đời vua Tự Đức, đã cho cùng đọc Truyện Kiều và ngâm thơ tại bàn nghị sự chuyện quốc gia. Truyện Kiều có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần người dân Việt Nam, và được hình tượng hóa trong các loại hình nghệ thuật như xướng (hát đố, hát ví…), cải lương, kịch thơ, chèo, hội họa… Người Việt Nam mỗi khi đọc Truyện Kiều cảm nhận vận mệnh đời mình sẽ như trong nội dung truyện, và xem truyện như một kinh điển để soi vận mệnh của mình, đến mức sinh ra bói Kiều.
Hiện nay không còn bản gốc Đoạn trường tân thanh, bản xuất bản năm 1866 được biết đến rộng rãi, tựa đề được gọi là Truyện Thúy Kiều, Truyện Kiều, Kim Vân Kiều, Kiều…, nhưng nay nhiều người Việt Nam gọi là Truyện Kiều. Phạm Quỳnh là một nhà trí thức nổi tiếng TK XX đã tán dương rằng “Kim Vân Kiều là một kiệt tác văn học bất hủ của Việt Nam, những giá trị tư tưởng trong đó là muôn đời vĩnh cửu“, là một tác phẩm đi liền ngay sau kiệt tác Iliad của thi nhân Hy Lạp Homeros, Hamlet của văn hào Anh William Shakespeare trong làng văn học thế giới.
2. Nội dung của tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều
Về nội dung phản ánh, Truyện Kiều có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, nhưng quan điểm lý giải số phận nhân vật lại thấm đẫm màu sắc Phật giáo. Thời Truyện Kiều ra đời, Phật giáo không chỉ tồn tại như một trong những tư tưởng chính yếu của giai cấp trí thức Việt Nam lúc bấy giờ, mà nó còn đóng vai trò như một dòng suối mát thỏa mãn cơn khát tinh thần. Và đối với cuộc sống người dân thời đó, Phật giáo còn giữ vai trò là một chỗ dựa tâm linh để lánh nạn. Vì vậy, đối với những vấn đề mà Nho giáo không thể cho được một giải đáp thỏa đáng, một Nho gia như Nguyễn Du cũng đã cố tìm lời giải đáp trong thế giới của tư tưởng Phật giáo. Đặc biệt, cuối TK XVIII, xã hội Việt Nam chìm trong hỗn loạn cực độ. Sự suy sụp của gia đình Nguyễn Du khi vương triều Lê suy vong khiến mọi quan điểm về giá trị lâu nay trong Nguyễn Du chao đảo theo. Trong tình hình đó, ông đã tìm được một quan điểm về giá trị mới trong thế giới Phật giáo. Cát hung họa phúc là một mối dây liên quan lẫn nhau và vì thế phát sinh nghiệp báo. Nguyễn Du cho rằng, để cắt đứt vòng dây luân hồi theo nghiệp báo, ông đã gắn tư tưởng tu thân tích đức, tu hành và rèn luyện đạo đức theo Nho giáo, vào triết lý nhà Phật. Ông cho rằng trong quá trình con người tu hành và giác ngộ, triết lý Nho giáo và Phật giáo lúc này hòa quyện vào nhau. Nguyễn Du xem những oan trái mà Thúy Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn, gặp phải là những nghiệt ngã của cuộc đời. Thế nên, ông đưa ra những tư tưởng như nghiệp báo (karma) hay khuyến thiện trừng ác. Ở đoạn kết, ông đã muốn nhấn mạnh rằng, con người sinh ra là đã mang theo nghiệp báo, sống không nên đổ lỗi cho đời, cho người, mà hãy sống lương thiện, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài là quan trọng…
Nghiệp báo
Nghiệp báo trong Phật giáo ý nói những hành động mà con người làm ra; tất cả mọi hành động xấu – tốt và mọi suy nghĩ được tạo nên bởi miệng lưỡi và tư duy của con người đều được gọi là nghiệp báo. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mô mả mọi sự kiện đậm chất triết học Phật giáo, như: sự nghiệt ngã của cuộc đời nhân vật chính Thúy Kiều được bắt đầu từ cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Thúy Kiều và Kim Trọng không phải là ngẫu nhiên; tiếp đến là lời tiên báo của Đạm Tiên, sự hồi sinh từ cái chết, cuộc hội ngộ với Kim Trọng, hình ảnh các nhà sư… Cuộc đời là bể khổ. Cuộc sống của thường dân dưới chế độ phong kiến quân chủ thời bấy giờ cũng chìm trong khổ ải. Tuy nhiên, điều này được xem như nghiệp báo từ kiếp trước, và họ tin rằng nếu kiếp này tu hành tích đức thì kiếp sau sẽ được hưởng ân phúc. Chính vì vậy để tích đức, người ta xem trọng trung thành, hiếu thảo, trinh tiết, nghĩa tình. Những giá trị đạo đức này chính là những quan niệm đạo đức chính yếu giúp duy trì trật tự gia đình và xã hội phong kiến ở những quốc gia chịu ảnh hưởng Nho giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… Có thể nói những quan niệm chủ yếu trong tư tưởng Nho giáo về đạo đức có nguồn mạch liên kết với thuyết luân hồi, với quan niệm từ bi, bác ái, tích thiện của Phật giáo. Ngay phần mở đầu Truyện Kiều là tiền đề trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Ở đây, độc giả có thể dự đoán ngay được rằng Thúy Kiều do bị tạo hóa ghen với hồng nhan, nên nàng phải sống một cuộc đời bạc mệnh:
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Có thể thấy, ngay từ đầu, tác gia đã đưa ra tiền đề rằng : vận mệnh con người ấy không thể khác hơn được. Những khổ đau đó, Kiều xem như một định mệnh của đời mình. Và kéo theo vũng lầy của định mệnh một đời tài hoa:
Hoa trôi, bèo dạt, đã đành
Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi
Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi, còn gì
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
Để thoát khỏi bể khổ, ở nhà Tú Bà nàng đã chọn cách quyên sinh nhưng dù muốn chết nàng vẫn không chết được. Khi Từ Hải chết, trong nỗi đau tang chồng, Kiều lại phải hầu rượu Hồ Tôn Hiến, rồi lại bị ép gả cho thổ quan. Để thoát khỏi bể khổ, Kiều đã trầm mình xuống sông tự vẫn. Nhưng theo lời tiên tri của sư Tam Hợp:
Sư rằng: “Song chẳng hề chi
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều”
Kiều được cứu sống như là sự đền bù của số phận. Nhưng thực chất, điều này là do nghiệp chướng chưa dứt nên nàng chưa thể rời cõi trần.
Nghiệp báo hay sự bạc mệnh sinh ra từ một sức mạnh siêu nhiên nào đó. Và đoạn cuối tác phẩm, khi khép lại cuộc đời Thúy Kiều, Nguyễn Du lại một lần nữa khẳng định rằng, con người, ai cũng mang theo nghiệp báo ngay từ phút sinh ra nên đừng đổ lỗi cho vận mệnh đời mình.
Có tài, mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Tác giả Nguyễn Du vốn là một Nho gia nhưng ở đây, ông đã cho thấy nhận thức của chính ông về nghiệp báo trong Phật giáo. Ông tiếp nhận những hỗn loạn thời đại lúc bấy giờ là vận mệnh, là định mệnh.
Nhân quả nghiệp báo trong Truyện Kiều
Toàn bộ những bất hạnh của Kiều, một mỹ nhân bạc mệnh bắt đầu từ phút gia biến, cha và em bị trói, đánh, gia sản bị phá nát, cướp đi. Kiều đã phải bán mình cho Mã Giám Sinh lấy 400 lượng vàng để cứu cha và em. Mã Giám Sinh lừa Kiều, đưa nàng về thanh lâu cho Tú Bà. ở đây Tú Bà ép Kiều tiếp khách phong tình. Kiều đã dùng dao tự vẫn và bất tỉnh. Trong trạng thái hôn mê, Kiều đã nghe được lời báo mộng của Đạm Tiên rằng “Nhân quả dở dang, đã toan trốn nợ đoạn trường được sao, số còn nặng nợ má đào, người dầu muốn quyết trời nào đã cho”. Khi tỉnh dậy, Kiều tiếp nhận và tin rằng cuộc đời oan khổ của nàng là sự quả báo của kiếp trước. Mọi sự như định mệnh được định trước. Nhưng mong muốn thoát khỏi chốn lầu xanh lại đẩy Thúy Kiều rơi vào cái bẫy của Tú Bà. Nàng chạy trốn cùng Sở Khanh nhưng bị bắt lại, bị đánh đập, khiến nàng không còn ý định bỏ trốn. Từ đó, Kiều từ bỏ mọi thứ, chấp nhận cuộc sống chốn thanh lâu, mua vui cho khách làng chơi. Một mình nàng không khỏi ngâm ngùi cho thân: Kiếp xưa đã vụng đường tu, kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi.
Thúc Sinh ghé chơi lầu xanh, trong cuộc tương ngộ trước còn trăng gió, sau ra đá vàng đã phải lòng Kiều. Chàng Thúc đã đưa Kiều ra khỏi chốn thanh lâu rồi cưới nàng làm vợ thiếp. Nhưng Hoạn Thư đã lập mưu bắt cóc Kiều. Khi rơi vào tay gia đình họ Hoạn, lại một lần nữa, Kiều giác ngộ rằng đã đành túc trái tiền oan, cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi. Rồi nàng phải theo về làm kẻ hầu cho Hoạn Thư. Nghiệt ngã thay, trong tiệc mừng Thúc Sinh trở về nhà, hai người vốn là vợ chồng, nay một người là chủ người kia là hạ nhân trong nhà. Thúy Kiều kinh hãi nhận ra hay đâu địa ngục nơi miền trần gian. Bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư, một lần nữa, Kiều lại bị bán vào lầu xanh. Lại một lần nữa, nàng từ bỏ mọi thứ và cam chịu cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.
Nhưng một ngày kia, nàng đã gặp được Từ Hải, một thứ ánh sáng lạ xuất hiện chốn lầu xanh. Kiều gặp Từ Hải xuất thân là anh hùng hào kiệt, với râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao. Sau khi dẹp loạn ở địa phương, xây dựng giang sơn riêng, Từ Hải cưới Thúy Kiều và đưa nàng lên danh phận vương phi. Và hơn hết, Từ Hải giúp Kiều được báo oán những kẻ đã mang đến khổ đau cho cuộc đời nàng.
Từ rằng: “Ân oán hai bên,
Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh”
Cuộc đời Thúy Kiều trải qua hết nạn nọ đến nạn kia và đỉnh điểm của nhân quả ứng báo là từ phiên xét xử của Kiều:
Máu rơi, thịt nát, tan tành
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời
Cho hay muôn sự tại trời
Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta
Mấy người bạc ác tinh ma
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương.
Nhận thức về vận mệnh (định mệnh)
Cuộc hội ngộ với đầy đủ cát, hung, họa, phúc vượt lên mọi sức mạnh, không bị khống chế bởi trí tuệ và năng lực của con người. Đối với người trong cuộc, điều này như một ngẫu nhiên, nhưng bản thân mỗi sự kiện đó cần có một nguyên nhân thiết yếu để xảy ra, thì đó chính là vận mệnh hay định mệnh. Moira trong tiếng Hy Lạp vốn có nghĩa là vận mệnh hay định mệnh, còn mang ý nghĩa là phần (trong nghĩa phần được phân chia ra từ thân thể). Chẳng hạn như, có một sự kiện nào đó xảy ra với con người, thì lý do khiến sự kiện đó buộc phải phát sinh ra, đó chính là moira. Nguyên tắc của nhân quả ứng báo là: Hình phạt nhất định đi theo tội đã gây ra, chính là định mệnh mà không tháo gỡ được. Đã là định mệnh thì con người không thể biết trước được, và đối với tội mà mình gây ra, thì nhất định có ứng báo tương ứng với tội đó, từ đó nảy sinh bi kịch. Đối với định mệnh không báo trước, Nguyễn Du đã có một lối nhận thức và lý giải thế nào? Thứ nhất, Nguyễn Du xem định mệnh là ý trời. Cát, hung, họa, phúc là thứ sẵn có trong tâm, phải tu hành thì phúc mới đến, do tình cảm với con người tục thế mà Kiều rơi vào bể khổ ải, và nàng cũng đang đón nhận và cam chịu nó như một định mệnh đời mình.
Sư rằng: “Phúc họa đạo trời
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà cũng tại ta
Tu là cội phúc, tình là dây oan
Và ở đây, quan điểm cho rằng, tích đức bằng hiếu và nhân, vốn là điều căn bản của tư tưởng Nho giáo, thì thoát khỏi xiềng xích của định mệnh được, cho thấy tư tưởng Nguyễn Du có sự hòa hợp giữa Nho giáo và Phật giáo:
Tấm thành đã thấu đến trời
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân
Một niềm vì nước, vì dân
Âm công cất một đồng cân đã già
Đoạn trường sổ rút tên ra
Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau
3. Kết luận
Có thể nhận thấy tư tưởng của Nguyễn Du, với tư cách một đại Nho gia, thể hiện trong Truyện Kiều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ triết lý Nho giáo hòa quyện với triết học nhà Phật. Điều này được xem là một nhận định đương nhiên khi xem xét bối cảnh chính trị, xã hội, tư tưởng của Việt Nam thời đó. Thời kỳ Phật giáo du nhập vào Việt Nam, và khi Việt Nam chịu sự thống trị của Trung Quốc từ năm 111 trước CN đến năm 938, những ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo và Phật giáo trong thời kỳ này là tất yếu. Chính vì vậy, Truyện Kiều dễ dàng ghi sâu vào tâm trí người dân Việt Nam, và ảnh hưởng toàn diện đến đời sống xã hội Việt Nam. Tư tưởng Truyện Kiều có liên quan mật thiết đến đời sống người dân Việt Nam, đến mức xã hội Việt Nam còn tồn tại một loại bói toán gọi là bói Kiều. Cùng với sự giáo huấn về nhân quả ứng báo và khuyến thiện trừng ác cho người Việt Nam vốn coi trọng chữ trung và chữ hiếu, Truyện Kiều đóng vai trò như một nền tảng tư tưởng làm chỗ dựa tinh thần nhằm duy trì xã hội phong kiến, đồng thời mang lại cho người dân niềm hy vọng rằng nếu tích đức càng nhiều thì càng được nhiều ân phúc. Ở cuối có đoạn “Có đâu thiên vị người nào, chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai, có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần, đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa, thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” muốn nhấn mạnh rằng phải ăn ở hiền lành mới mong được nhiều ân phúc. Thông qua Truyện Kiều của Nguyễn Du, một kiệt tác văn học ra đời trong bối cảnh xã hội Việt Nam ảnh hưởng sâu sắc sắc màu Phật giáo và Nho giáo, ta có thể nói rằng, sự khẳng định lại những giá trị truyền thống như trung, hiếu, nhân quả ứng báo, khuyến thiện trừng ác… trong tâm linh người Việt Nam chính là mong muốn duy trì, phát triển văn hóa truyền thống Nho giáo và Phật giáo của xã hội Việt Nam.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Ahn Kyong Hwan dịch, Nxb Mun Hwan Journal, 2004.
2. Nguyễn Du, Thúy Kiều truyện, Choi Kyu Muk dịch, Nxb So Myeong, 2004.
3. Nguyễn Du, Thơ chữ Hán, Nxb Văn học, Hà Nội, 1965.
4. Đinh Sỹ Hồng, Họ Nguyễn Tiên Điền và Khu Di tích Nguyễn Du, Nxb Nghệ An, 2005.
5. Seok Ji Hyeon, Yun Chang Hwa, Il Ji, Nhập môn trở thành tiến sĩ Phật học, Nxb Min Jok Sa, 2002.
6. Đinh Thị Khang, Chữ Nôm và văn học Nôm, một thành tựu rực rỡ của văn hóa Việt Nam thời trung đại, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa quốc tế, ĐH Chosun, số 2-1, 2009.
7. Đinh Thị Khang, Truyện nôm – hiện tượng văn hóa và thể loại văn học đặc biệt của thời trung đại ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa quốc tế, ĐH Chosun, số 3-1, 2010.
8. Damien Keown, Phật giáo là gì?, Ko Gil Hwan dịch, Nxb Dong Mun Seon, 1996.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 330, tháng 12-2011
Tác giả : Ahn Kyong Hwan
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài