Mấy suy nghĩ về văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội


 

1. Khái niệm văn hóa

Một quan niệm đầy đủ về bản chất của văn hóa ngày càng được xác định. Nếu trước đây khái niệm văn hóa chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp trong giới hạn các hoạt động văn học, nghệ thuật thì ngày nay văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng là tổng thể các hệ giá trị bao gồm các mặt tình cảm, tri thức, vật chất và tinh thần của xã hội do con người sáng tạo trong hoạt động thực tiễn lịch sử của mình, trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội.

Trong lễ phát động Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa (Pari tháng 12/1986) Ông F. Mayor Tổng Giám đốc UNESCO đã cho rằng: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc (1).

Định nghĩa này rất phù hợp với quan điểm của Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đã nêu ra cách đó trên 40 năm: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó, tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (2).

Như vậy, từ trong quan niệm của Hồ Chí Minh toát lên một cái nhìn vừa toàn diện, vừa sâu sắc về nguồn gốc lịch sử của văn hóa, về phạm vi rộng lớn của văn hóa, về mặt biểu hiện của văn hóa trong đời sống và toàn bộ sinh hoạt của con người.

Quan điểm toàn diện sâu sắc của Hồ Chí Minh về văn hóa có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khi mà Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

2. Văn hóa đối với phát triển kinh tế – xã hội

Trong sự phát triển của xã hội, kinh tế và văn hóa luôn luôn có mối quan hệ hữu cơ và tác động qua lại chặt chẽ. Tuy nhiên, tới các thập kỷ gần đây, vấn đề phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng của phát triển văn hóa mới được đặt ra, được khẳng định là một quy luật tất yếu khách quan của phát triển. Vì thế, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc chỉ có thể trở nên năng động, hiệu quả, bền vững chừng nào quốc gia đó đạt được sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa với kinh tế trong tiến trình phát triển.

Ngày nay, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của văn hóa với tư cách là nhân tố trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế. Lịch sử phát triển của loài người cho thấy, ở bất kỳ thời kỳ nào, với bất kỳ quốc gia nào, con người nào cũng đều đóng vai trò quyết định với quá trình sản xuất, mà trước hết họ là một thực thể văn hóa. Tố chất con người (tinh thần yêu nước, trình độ khoa học công nghệ, tinh thần tổ chức xã hội, tính nhân văn…) có ý nghĩa quyết định làm nên sức mạnh của văn hóa ở mỗi quốc gia, dân tộc. Và do đó ở thời kỳ hiện đại, nói đến tiềm năng phát phát triển của mỗi quốc gia người ta không chỉ nói tới tài nguyên thiên nhiên mà phải nói tới yếu tố quyết định là văn hóa được thể hiện qua năng lực sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người ở quốc gia đó.

Với chức năng định hướng, đào tạo con người theo các giá trị chân, thiện, mỹ, văn hóa có khả năng xây dựng, hình thành trong phẩm chất của mọi thành viên xã hội ý thức phát huy các tiềm năng về thể lực, trí tuệ và nhân cách để đóng góp vào sự nghiệp phát triển của dân tộc. Thời hiện đại, sự phát triển của một số quốc gia ở Đông Nam Á đã đưa tới một số bài học cần tham khảo. Nhật Bản và Hàn Quốc chẳng hạn, một trong các yếu tố cơ bản trực tiếp góp phần làm nên nhịp độ phát triển nhanh chóng của hai quốc gia này là đã biết phát huy tính ưu việt của nền văn hóa truyền thống vào quá trình phát triển, thông qua hệ thống giáo dục và hoạt động văn hóa có đầu tư thích đáng về con người và phương tiện vật chất. Họ không để cho làn sóng của văn minh hiện đại và giao lưu văn hóa ồ ạt lấn át các giá trị cơ bản của văn hóa truyền thống được xây dựng qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc như tinh thần lao động có kỷ cương, tính hợp lý trong điều hành xã hội và mối quan hệ gia đình, thân tộc… Cho nên, không phải ngẫu nhiên, UNESCO khẳng định rằng: “Nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hóa, và tiềm năng sáng tạo của những dân tộc ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều”(3).

Bằng sự kết hợp hài hòa tri thức, kinh nghiệm và sự khôn khéo, văn hóa đã định hướng và làm nền cho việc lựa chọn và xác định mô hình đúng cho sự phát triển. Bên cạnh đó với thiên chức hướng tới cái đúng, tốt, đẹp, văn hóa khơi dậy tiềm năng sáng tạo vô tận của nguồn lực con người, từ đó mà khai thác tốt nhất các tài nguyên thiên nhiên của đất nước, đồng thời tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội.

Chúng ta đang xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và điều Đảng ta khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, đã chỉ rõ vai trò cực kỳ quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững.

Dù chứa đựng một số giá trị mang tính nhân loại phổ biến thì khi nói đến văn hóa của mỗi dân tộc là nói tới đặc trưng riêng, tới hệ thống giá trị văn hóa riêng của dân tộc đó. Đây là di sản quý báu đã được tích lũy, trao truyền và bổ sung qua nhiều thế hệ và chính các đặc điểm riêng trong sự sinh tồn của dân tộc đã làm cho văn hóa mang bản sắc riêng. Đồng thời với quá trình tích lũy, trao truyền và bổ sung ấy, văn hóa của dân tộc còn tiếp nhận một số tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác thông qua quá trình tiếp biến văn hóa. Động thái này đã làm cho văn hóa vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa có tính thời đại, tính nhân loại phù hợp với sự phát triển kinh tế. Điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ trước xu thế toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ. Do vậy, sự phát triển đòi hỏi phải nâng cao vai trò, vị thế của văn hóa trong hoạt động kinh tế, văn hóa khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của con người, quyết định sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Và cũng do vậy, trong xã hội hiện đại, con người phải được xã hội tạo điều kiện và phải tự mình xây dựng yếu tố nền tảng văn hóa là sự hiểu biết, tri thức, kinh nghiệm, phong cách ứng xử, nhận thức về cống hiến và hưởng thụ… trong quá trình học tập, lao động để duy trì, phát triển cuộc sống… Các yếu tố này nếu được khai thác, phát huy sẽ trở thành động lực to lớn đối với sự phát triển kinh tế.

Cùng với quan điểm khách quan, khoa học trong việc tiếp thu tinh hoa tốt đẹp của văn hóa nhân loại, Đảng ta khẳng định bản sắc văn hóa, tinh thần dân tộc là nguồn tài nguyên của dân tộc của đất nước. Có thể nói rằng, trong lịch sử hàng chục thế kỷ xây dựng và bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta, nguồn lực quan trọng nhất trong truyền thống văn hóa là tinh thần yêu nước, chủ nghĩa yêu nước. Từ khi ra đời, Đảng ta đã động viên, bồi dưỡng và cổ vũ toàn dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước để giành lại, giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tế cho thấy, những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua có vai trò của bản lĩnh, bản sắc văn hóa Việt Nam.

3. Những bài học kinh nghiệm

Với sự tăng trưởng bước đầu về kinh tế, bộ mặt của đất nước đã có nhiều thay đổi. Chỉ riêng nói về văn hóa, sinh hoạt ăn, mặc, ở, nghỉ ngơi, du lịch, lễ hội…đã có những biến đổi. Phương tiện truyền thông không ngừng được nâng cao và mở rộng. Song chính lúc này, chúng ta phải đối mặt với thách thức của quá trình toàn cầu hóa khi nó trực tiếp tác động tới văn hóa dân tộc. Cụ thể là, tác động của một số yếu tố tiêu cực từ toàn cầu hóa có khả năng cổ súy cho lối sống tiêu thụ, thực dụng, làm tha hóa nhân cách, rối loạn một số giá trị xã hội, đặt không ít hoạt động văn hóa và quan hệ xã hội trước nguy cơ bị thương mại hóa… Vì thế, hơn lúc nào hết, văn hóa phải góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị đích thực vì sự phát triển của xã hội và con người; văn hóa phải giữ vai trò điều tiết xã hội để thúc đẩy, hướng dẫn sự phát triển trước những thách thách của toàn cầu hóa và mặt trái của kinh tế thị trường.

Hiện nay, chúng ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng quan hệ quốc tế, nền văn hóa Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Do vậy, Việt Nam phải phát huy được mọi tiềm năng trí tuệ và tâm hồn của mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để không chỉ tồn tại và ổn định mà phải phát triển. Một trong những thành công của sự phát triển ấy không phải ở đâu khác mà chính là ở việc đánh giá đúng vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế – xã hội nhằm tạo ra nguồn nội lực từ trong đời sống nhân dân để hội nhập, tiếp thu những thành tựu văn minh của nhân loại.

Bên cạnh đó, chúng ta cần triển khai thực hiện tốt các quan điểm như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Kết luận Hội nghị Trung ương 10 khóa IX: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mang nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục củng cố, phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong sự đa dạng, và văn hóa phải là tổng hòa các tinh hoa văn hóa của các dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Văn hóa đó phải giữ một vị trí là bộ phận cấu thành bản chất của xã hội, là bộ phận cấu thành phẩm chất của mỗi người trong xã hội. Văn hóa đó phải trực tiếp góp phần xây dựng đất nước và con người Việt Nam của thời đại mới.

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định vị thế to lớn của văn hóa trong phát triển và chủ trương tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và chỉ rõ: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh té và văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong ứng xử”(4).

_______________

1. Giáo trình Văn hóa XHCN, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.431.

3. Tạp chí Người đưa tin UNESCO, tháng 11-1998, tr.5.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Đoàn Thị Thanh Thúy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *