Mấy vấn đề về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa… tạo sự đoàn kết, thống nhất trong xây dựng, phát triển địa phương và đất nước. Bài viết tập trung vào việc khái quát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những thành tựu, hạn chế cơ bản trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (năm 2003) về công tác dân tộc, qua đó đề xuất các giải pháp cơ bản để tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ này trong điều kiện hiện nay.

1. Chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi vấn đề dân tộc, công tác dân tộc có ý nghĩa to lớn trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử với nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Để thực hiện thành công các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở vùng DTTS và miền núi, tạo thế và lực cho cách mạng, vai trò của người cán bộ nói chung, cán bộ DTTS nói riêng được xem là khâu then chốt, trọng yếu và có tính quyết định.

Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn có các chủ trương, chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS. Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc đã chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương”. Đồng thời, “có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở và cấp huyện là người DTTS; đổi mới chương trình, nội dung, hình thức đào tạo; sử dụng có hiệu quả số học sinh, sinh viên đã được đào tạo từ các trường, số thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là con em đồng bào DTTS làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở”.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7  khóa IX, các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, nhằm nâng cao việc xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS như: Pháp lệnh cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung năm 2003); Nghị định của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Thông tư của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; Quyết định của Chính phủ về việc xây dựng đề án: Một số giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc (giai đoạn 2007 – 2010). Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo trong cả nước; tuyển chọn 500 trí thức trẻ về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2013 – 2020… Những văn bản trên là cơ sở pháp lý quan trọng để làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS trong thời gian qua.

2. Thành tựu đạt được và những hạn chế

Nhờ triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên sau hơn 10 năm thực hiện, từ chỗ còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS chưa được quan tâm thì đến nay, số lượng cán bộ này đã tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo Kết quả giám sát số 840/BC-HĐDT13 năm 2014 của Hội đồng Dân tộc các bộ, ngành và 36 địa phương, “Số cán bộ công chức, viên chức người DTTS được đào tạo về chuyên môn có 17.598 người (toàn quốc là 374.263 người) chiếm tỷ lệ 4,7%; đào tạo về lý luận là 14.381 người (toàn quốc là 476.225 người) chiếm tỷ lệ 3%; đào tạo về quản lý nhà nước có 7.368 người (toàn quốc là 77.927 người) chiếm tỷ lệ 9,45%; đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ có 35.457 người (toàn quốc là 415.867 người) chiếm tỷ lệ 8,52%; đào tạo, bồi dưỡng khác là 36.648 người (toàn quốc là 219.940 người) chiếm tỷ lệ 16,67%; đào tạo ở nước ngoài có 99 người (toàn quốc là 2.989 người) chiếm tỷ lệ 3,3%”(1).

Tiêu biểu cho chất lượng đội ngũ này là những đại biểu đại diện cho việc tham gia hoạt động trong hệ thống chính trị ngày càng đông, nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, quốc hội, chính phủ. Trong các nhiệm kỳ gần đây, số đại biểu quốc hội là người DTTS chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số của người DTTS. Theo số liệu thống kê của Hội đồng bầu cử quốc hội, nhiệm kỳ quốc hội khóa X có 66 đại biểu; nhiệm kỳ quốc hội khóa XI có 86 đại biểu; nhiệm kỳ quốc hội khóa XII có 86 đại biểu; nhiệm kỳ quốc hội khóa XIII có 78 đại biểu; nhiệm kỳ quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu. Hầu hết cán bộ DTTS có phẩm chất chính trị tốt, nhiệt tình công tác, gắn bó với nhân dân, tích cực học tập nâng cao nhận thức, chuyên môn, năng lực công tác. Vì vậy, họ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị, là hạt nhân tập hợp sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc trong việc tổ chức thực hiện đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, sử dụng cán bộ DTTS còn một số hạn chế, yếu kém nhất định. Số lượng cán bộ DTTS trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp còn thấp so với tỷ lệ dân số người DTTS trên địa bàn. Ở cấp cao thì số lượng, tỷ lệ cán bộ DTTS càng thấp: “Ở các tỉnh Tây Nguyên, Lâm Ðồng có tỷ lệ người DTTS thấp nhất 22%, các tỉnh còn lại hơn 35% (trong đó Kon Tum 55%), nhưng số lượng cán bộ người DTTS của các tỉnh này chiếm cao nhất không quá 15%. Tỷ lệ cán bộ người DTTS trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp chưa tương xứng so với tỷ lệ dân số người DTTS trên địa bàn”(2). Tình trạng mất cân đối tỷ lệ cán bộ giữa các nhóm người DTTS tại cùng một địa phương cũng khá rõ. Nhất là ở các tỉnh vùng Tây Bắc, ngoài dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, còn lại các DTTS khác có số lượng cán bộ rất thấp so với tỷ lệ dân số. Thực tế tại địa bàn Tây Bắc, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, địa bàn có tỷ lệ đồng bào DTTS cao cho thấy, năng lực lãnh đạo, điều hành của cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là việc cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở địa phương còn yếu. Chưa mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, còn trông chờ cấp trên; hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, khả năng vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tế chưa cao.

3. Một số giải pháp thực hiện

Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ DTTS trong thời gian tới, cần thực hiện tốt và đồng bộ một số giải pháp:

Một là, triển khai thực hiện đề án đã được chính phủ ban hành (Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14-3- 2016) về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới. Theo đó, cần tiếp tục triển khai chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng để củng cố, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng làm việc cho cán bộ DTTS. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đào tạo học sinh, sinh viên DTTS liên thông từ bậc phổ thông dân tộc nội trú, dự bị đại học đến đại học và sau đại học. Xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức DTTS cho đội ngũ cán bộ theo 4 nhóm đối tượng: đối tượng 1 (lãnh đạo cấp tỉnh và tương đương); đối tượng 2 (lãnh đạo cấp sở và tương đương); đối tượng 3 (lãnh đạo cấp phòng và tương đương); đối tượng 4 (cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo).

Hai là, hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Tiếp tục triển khai luật cán bộ, công chức, luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu tiên đối với cán bộ DTTS. Nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ DTTS. Nghiên cứu, quy định chế độ, chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội phù hợp đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS.

Ba là, phát triển mạnh mẽ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Theo số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ, trong những năm qua, ngoài một số địa phương có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS cao, gần tương ứng với tỷ lệ dân số là người DTTS như: “Bắc Kạn (86%), Hà Giang (57%), Hòa Bình (52%), Tuyên Quang, Lai Châu (38%), Thanh Hóa (30%)… thì hầu hết các tỉnh còn lại tỷ lệ cán bộ là người DTTS thấp hơn so với tỷ lệ dân số là DTTS có mặt trên địa bàn như: Điện Biên có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chỉ chiếm 30% so với tổng số cán bộ công chức của tỉnh, trong khi tỷ lệ DTTS của tỉnh là 80,1%; các tỉnh khác như: Đắc Lắc 13% so với 31%, Đắc Nông 9% so với 32,4%, Trà Vinh 18% so với 31,5%…”(3). Vì vậy, trong thời gian tới cần thực hiện theo đúng cơ cấu về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và với cả các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới.

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến cử tuyển người DTTS. Tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục với tính liên tục, liên thông giữa các bậc học. Thực hiện quy hoạch, đào tạo, phân luồng, hướng nghiệp học sinh DTTS sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và các cấp học khác để tạo nguồn cán bộ gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương, đặc biệt chú trọng các vị trí cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở ở những vùng có đông đồng bào DTTS. Điều chỉnh, quy định cụ thể chỉ tiêu tuyển sinh người DTTS của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề ở vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để tạo nguồn cán bộ và phát triển nguồn nhân lực DTTS. Lồng ghép giữa đào tạo văn hóa với đào tạo kiến thức chuyên môn quản lý, lãnh đạo đối với các đối tượng dự nguồn cán bộ DTTS. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo nguồn cán bộ vừa đảm bảo tính thống nhất quốc gia, vừa phù hợp với đặc thù vùng DTTS.

Năm là, triển khai có hiệu quả các chính sách về thu hút, trọng dụng, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS. Điều chỉnh và ban hành kịp thời các chính sách về chế độ đãi ngộ cho phù hợp đối với đội ngũ cán bộ DTTS, nhất là ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, qua đó thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội phù hợp đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết, đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, bảo đảm phù hợp với từng địa bàn vùng DTTS, cũng như ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp làm công tác dân tộc.

_____________

1. Hội đồng Dân tộc, Báo cáo số 840/BC-HĐDT13 của Hội đồng Dân tộc: Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo, sử dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đến năm 2013, Hà Nội, tháng 11 – 2014.

2. Lê Mậu Lâm, Văn Toán, Tiểu Phương, Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (kỳ 2), Báo Nhân dân điện tử, ngày 15 – 06 – 2017.

3. Bộ Nội vụ, Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới (Đề án 402), Hà Nội, 2015.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : NGUYỄN HỒNG HẢI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *