Chiều nay trở về, nao nao đứng giữa triền đê làng mùa gió lộng. Triền đê năm xưa được bồi đắp từ bùn đất đáy sông, dưới bàn tay miệt mài và tháo vát của những người dân quê chân chất. Đứng từ làng trông ra, triền đê như một nét vẽ dài nối giữa hai đầu xóm nhỏ. Đó là nơi người làng đặt những bàn chân lấm bùn trở về mái ấm, sau một ngày lặn lội cùng con cá, con tôm. Nơi những cánh diều chấp chới vút bay lên giữa vũ khúc gió đồng, lặng thầm nhen nhóm bao ước mơ một thuở hồn nhiên…
Vẫn là triền đê gắn bó với ta từ nhỏ, có người quay về, chọn làm bến đỗ cho thoả thuê bao niềm thương nỗi nhớ, cũng có người đi mãi tìm một chân trời hạnh phúc mà không hẹn ngày về. Đi qua dặm dài sương gió, từng chặng đường ngày trở về là từng thước phim ký ức hiện lên sống động làm cay mắt kẻ tha hương. Phải về thôi, khi dòng máu quê cha đang cuồn cuộn chảy trong từng nhịp đập, khi tiếng hát ầu ơ ngày thơ trẻ cứ thôi thúc những bước chân giữa xứ người. Về đứng trên triền đê này, bên con sông nặng nợ phù sa, đã tắm táp cả miền ấu thơ ngọt ngào không thể tìm lại. Xa xa, bóng cha chèo thuyền lướt nhẹ tênh giữa sóng nước, vụn nắng chiều le lói vương trên đôi vai một đời cõng nắng cõng mưa. Từ triền đê, hướng về phía quê nhà thênh thang trước mắt, để sông soi lòng mình vẫn thuỷ chung, vẹn nguyên là đứa con của làng. Khẽ cúi đầu tạ lỗi cho tất cả những lỡ làng đã qua, cho bao dở dang phải đành gửi lại ngày rưng rưng bước lên chuyến xe về lại phố. Thời gian như mặt nước sông êm đềm phẳng lặng, mà tim mình nơi sâu thẳm vẫn cồn cào quay quắt nỗi đợi mong.
Làm sao ngăn được khao khát quay về, khi những cánh chim từ chiếc tổ quê nhà đã mỏi cánh nơi chân trời lạc lõng. Khi cơn nhớ cứ âm ỉ từng ngày, như ngọn lửa đỏ vẫn bền bỉ cháy dẫu là giữa sương giá hay cuồng phong. Chỉ thật khó khăn khi ta buộc phải lựa chọn ra đi hay ở lại, còn quyết định trở về nếu trái tim thực sự muốn thì đường xa cũng hoá gần. Và triền đê làng bao năm vẫn đợi người về, đi giữa mùa gió mênh mang như chưa từng xa cách. Vẫn là hàng tre xanh lao xao giữa đôi bờ mát rượi, những lùm cỏ dại li ti hoa nở mà ngày bé ta hay vạch tìm những quả trứng vịt đồng. Vẫn là mùi bùn đất, rong rêu vảng vất tanh nồng, thân thuộc, len lỏi vào từng luồng gió tràn về từ đầu nguồn xa ngái. Vẫn là những người đàn bà vấn tóc, đầu đội nón lá, lom khom cào hến nơi bãi triều màu mỡ. Và như vẫn còn đây bóng mẹ ta lặng lẽ đi giữa triền đê, với cà mèn cơm còn nóng trong chiếc giỏ xách trên tay, mang ra cho cha vất vả ngoài sông giăng câu, thả lưới.
Từ triền đê nhìn về xóm làng, dọc con đường uốn quanh là những nếp nhà quay mặt ra đồng, mở cửa đón gió. Có phải vì hướng ra sông, hưởng trọn bao ngọn gió mát lành vời vợi, nên lòng người cũng nồng hậu, rộng rãi như sông nước mênh mông? Trong ánh hoàng hôn loang trên mặt sông, những gợn nước dát sáng màu vàng cam, bầy vịt đồng đập cánh kêu xao xác, theo hàng theo lối về chuồng sau một ngày kiếm ăn. Ta thuở nhỏ, vẫn hay theo mẹ ra chòi, được mẹ cõng trên lưng để qua sông khi thuỷ triều xuống thấp. Tất cả tạo nên những buổi chiều êm ả thân quen, giữ cho đôi chân không đi lạc giữa cuộc đời dài rộng. Những buổi chiều không thể bình yên hơn, là nguồn cơn của nỗi canh cánh xao lòng, lúc ta đang ngồi giữa khoảnh khắc ngày tàn nơi đất khách.
Triền đê nối dài giữa gốc gác quê nhà với những đứa con của làng phải tha hương cầu thực. Để rồi giữa bể người rộng lớn, luôn có một lối về cho những bàn chân còn mê mải ngược xuôi. Ta như cánh cò cả đời mắc nợ vành nôi quê nhà, dẫu có thiên di qua bao vùng đất lạ, vẫn khát hoài những lời mẹ ru.
Tác giả: Trần Văn Thiên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)