Mở rộng âm vực giọng hát trong thanh nhạc

Sự phát triển của nghệ thuật thanh nhạc trên thế giới đã chứng minh, ngoài rèn luyện khả năng biểu cảm, việc luyện tập còn tạo cho giọng hát con người đạt được những kỹ thuật khó như: thể hiện nhanh nhiều nốt, thể hiện những nốt rất cao, có độ vang xa… Để làm được như vậy trước hết phải mở rộng được âm vực giọng hát. Rất ít người mà giọng hát tự nhiên có âm vực rộng, thoải mái thể hiện những tác phẩm thanh nhạc có kỹ thuật phức tạp, đặc biệt là ở những nốt cao và rất cao.

Giọng hát của con người được ví như nhạc khí sống có âm sắc độc đáo, phát âm được lời ca với nội dung cụ thể, giúp ý nghĩa của giai điệu âm nhạc trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, giọng hát lại có những hạn chế như: dễ bị ảnh hưởng bởi diễn biến tâm sinh lý của ca sĩ; âm vực có nhiều giới hạn so với nhạc khí, nếu chúng ta nối âm vực giọng hát của cả nam lẫn nữ lại thì cũng chỉ hát được khoảng 4 quãng tám, trong khi tầm âm rộng nhất của nhạc cụ như cây đàn piano là hơn 7 quãng tám (gồm 7 quãng tám đầy đủ và 2 quãng tám thiếu là quãng tám cực trầm và quãng tám thứ năm).

Với giọng nữ, rất nhiều người không hát được các nốt rê ở quãng tám thứ 2 (d2), thậm chí là cả với nốt đô ở quãng tám thứ 2 (c2). Ca sĩ chuyên nghiệp hát các nốt cao một cách nhẹ nhàng thoải mái, không lên gân và có thể hát được rất nhỏ trong khi những người không học thanh nhạc khi hát lên cao thường hát rất to, gân, ngửa cổ. Thực tế cho thấy, thời gian đầu học thanh nhạc, nhiều người hát hoàn toàn bằng giọng tự nhiên, chỉ hát được rất thấp (lên cao nhất là c2), nghe khá trầm, tối, song qua một quá trình tập luyện, họ chuyển hẳn sang hát giọng cao, hát được những nốt rất cao (thậm chí có thể đến đô ở quãng tám thứ ba – c3). Dù là chất giọng nữ cao, trung hay trầm, muốn trở thành giọng hát chuyên nghiệp đều phải mở rộng âm vực giọng hát so với giọng tự nhiên.

Với giọng nam, có nhiều người giọng tự nhiên đã có tầm âm lên được nốt pha thăng – fis1 hoặc sol ở quãng tám thứ nhất – g1 (nếu tính theo âm vang thực thì các nốt này tương đương với giọng nữ là fis2, g2 vì giọng nam có âm thực tế thấp hơn nữ 1 quãng tám). Tuy vậy, muốn hát được những bài có những nốt cao hơn vẫn phải mở rộng âm vực giọng hát.

Thế nào là âm vực giọng hát?

Tác giả Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Thường, Đức Bằng, cho rằng “âm vực/ tầm âm là phạm vi tạo thanh của nhạc cụ và giọng hát từ thấp đến cao” (1). Còn tác giả Đỗ Hải Lễ đưa ra khái niệm tầm âm là “khoảng rộng về độ cao tính từ âm thấp nhất đến âm cao nhất của một nhạc cụ, một giọng hát, một dàn nhạc, dàn hợp xướng” (2). Không phải cứ phát âm ra tiếng là được tính trong âm vực, mà đó là “khoảng âm thanh đẹp nhất mà một ca sĩ thể hiện được và cảm thấy thoải mái trong suốt phần biểu diễn…” (3). Như vậy, âm vực giọng hát là khoảng cách từ nốt thấp nhất đến cao nhất của toàn bộ những âm thanh hữu dụng mang tính âm nhạc mà giọng hát đó có thể tạo ra với sự thoải mái trong quãng âm của mình.

Phải làm gì để mở rộng âm vực giọng hát?

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến một vài vấn đề trong mở rộng âm vực của giọng nữ, nếu có bàn đến giọng nam thì chỉ mang tính so sánh.

Nếu không học kỹ thuật thanh nhạc thì nhiều người chỉ biết hát bằng giọng tự nhiên với một âm vực hạn chế, thường hát bằng giọng cổ, đến các nốt cao thì hát to như gào, hát nhiều sẽ bị khản tiếng, mất tiếng. Đó là do họ chưa tìm ra một cách hát khác, hát bằng giọng óc hay còn gọi giọng đầu (có người gọi là giọng giả) với khoảng vang trên đầu. Giọng này có thể làm người hát lên được các nốt cao dễ dàng, không bị mất tiếng, khản cổ. Trong thanh nhạc cổ điển (theo lối bel canto), điều tối kỵ là hát bằng giọng cổ, kể cả khi hát các âm thấp người ta cũng hạn chế âm thanh ở cổ mà phải tạo khoảng vang ở ngực.

Nhiều khi người ta gọi giọng tự nhiên là giọng thật và giọng óc là giọng giả hay giọng gió. Hai giọng này không đều màu, nhất là ở giọng nam, khi mới học hát càng dễ bộc lộ sự khác biệt. Tuy vậy, hát giọng óc gần như là bắt buộc với giọng nữ hát bel canto cổ điển, đặc biệt là với nữ cao (soprano). Giọng nữ trung (mezzo) và trầm (alto) sử dụng ít nốt ở khoảng vang đầu hơn nhưng để mở rộng âm vực, hát được những nốt cao thì vẫn cần phải hát giọng này. Ngay cả khi hát nhạc nhẹ, các ca sĩ cũng phải luyện tập để hát được giọng chuyển, giọng pha (hỗn hợp) để hát được các nốt cao. Quá trình tập luyện sẽ làm cho giọng óc trở nên đẹp, vang hơn, gần với giọng tự nhiên.

Vấn đề khó nhất trong luyện giọng đó là làm sao hát được giọng óc đều màu với giọng tự nhiên, người nghe không phân biệt được sự thay đổi từ thanh khu tự nhiên sang thanh khu giọng chuyển. Để làm được điều đó cần phải tập luyện kỹ lưỡng để đạt đến đồng nhất âm sắc và vị trí âm thanh giữa các thanh khu trong giọng hát.

Thế nào là thanh khu?

Một số người gọi thanh khu là âm khu, nhưng trong thực tế không thể đồng nhất hai khái niệm này. Trong âm nhạc, âm vực của giọng hát, nhạc cụ được chia ra 3 âm khu là trầm, trung và cao. Việc chia âm khu tùy theo tầm âm cụ thể và phụ thuộc màu sắc âm khu của từng người, từng nhạc cụ và không hoàn toàn giống nhau. Còn thanh khu là một chuỗi âm thanh có âm sắc đồng nhất nằm trong âm vực của giọng hát được tạo nên bởi những hoạt động thống nhất của cơ quan phát âm (4). Do sự khác biệt về cấu tạo, chức năng hoạt động của thanh quản nên cấu tạo thanh khu của giọng nam và nữ có sự khác nhau. Giọng nam có hai thanh khu cơ bản (thanh khu giọng ngực và thanh khu giọng giả), kèm theo đó một quãng chuyển giọng. Giọng nữ có ba thanh khu (thanh khu ngực, thanh khu giữa còn gọi là hỗn hợp và thanh khu đầu), tương ứng với hai quãng chuyển giọng.


Ví dụ về âm vực giọng nữ cao 

Trong ví dụ trên, các nốt e1, f1 là những nốt chuyển giọng từ thanh khu giọng ngực sang thanh khu giữa (giọng hỗn hợp), các nốt e2, f2 là những nốt chuyển giọng từ thanh khu giữa sang thanh khu giọng óc.

Như vậy, khái niệm thanh khu không trùng với âm khu, chẳng hạn giọng nam có 3 âm khu nhưng chỉ có 2 thanh khu. Vấn đề mở rộng âm vực liên quan chặt chẽ đến làm đều màu âm thanh giữa các thanh khu. Khi một giọng nữ đã đạt được 3 thanh khu, nghĩa là họ đã biết mở rộng được âm vực. Họ chỉ cần luyện tập sao cho đều màu giữa các thanh khu, làm cho các thanh khu không có sự khác biệt nào có thể bộc lộ rõ, có thể dễ nhận ra.

Việc luyện tập đồng nhất các thanh khu, phát triển mở rộng âm vực của giọng hát cần quan tâm tới một số vấn đề:

Về khoảng vang, khai thác khoảng vang của ngực để tạo ra âm thanh ở âm khu thấp. Trước hết phải biết kết hợp giữa hơi thở, khẩu hình, đặc biệt là khai thác khoảng vang lồng ngực để tạo ra âm ở thanh khu ngực. Khi âm thanh ở thanh khu ngực vang lên, phải đỡ được âm thanh, nghĩa là không để âm thanh sai vị trí. Đây cũng chính là phần quan trọng để hát được thanh khu ngực hiệu quả đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thanh nhạc.

Một số giọng nữ lạm dụng giọng ngực, sử dụng vượt qua cả nốt chuyển giọng. Hát như vậy âm thanh sẽ rất căng thẳng, thanh khu ngực và thanh khu giọng hỗn hợp không hòa quyện được với nhau, không san bằng được hai thanh khu. Tình trạng các giọng nữ cao hát thanh khu ngực lên quá cao sẽ dẫn tới hiện tượng đau cổ, vì âm thanh căng thẳng, gằn cổ, cách hát biểu hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi hát những ca khúc có màu sắc dân ca, đôi khi có thể sử dụng thanh khu giọng ngực vượt quá hơn giới hạn một chút, nghĩa là có thể cao hơn chỗ chuyển giọng. Muốn hát như vậy, ca sĩ phải biết ghìm hơi thở, không đẩy hơi quá mạnh, không hát âm thanh to.

Về vị trí âm thanh, muốn hát đều màu giữa các thanh khu phải giữ chắc âm thanh ở một vị trí. Người hát có nhiệm vụ điều tiết hơi thở, giữ chắc vị trí của âm thanh, cảm giác như một sợi chỉ thẳng căng xuyên suốt trên một đường thẳng. Nếu như không làm được việc đó thì âm thanh sẽ bị sai vị trí, đồng nghĩa với màu giọng bị thay đổi.

Về hơi thở, đây là yếu tố hết sức quan trọng trong việc hát đều màu các thanh khu, đặc biệt trong vấn đề xử lý đều cường độ và giữ vị trí âm thanh. Khi hát thanh khu ngực, nếu không đủ hơi sẽ dẫn đến đuối hơi, không duy trì được độ đằm và vang của âm thanh. Khi hát ở thanh khu đầu, thanh đới không khép kín, mà giữa 2 dây thanh đó có khe hở, hơi thở liên tục đi qua nơi này, dây thanh không rung lên toàn phần như ở thanh khu ngực, mà chỉ rung ở hai mép. Do những tác động khác nhau giữa hơi thở, thanh đới mà âm thanh ở các thanh khu khác nhau về âm lượng, âm sắc và khả năng biểu hiện. Khi thanh đới khép kín và rung lên toàn phần sẽ tạo nên âm thanh vang khỏe, phong phú về âm sắc và linh hoạt, ngược lại, thanh đới không khép kín và hoạt động không toàn phần thì sẽ tạo ra những âm thanh yếu, xỉn và phều phào. Vì vậy, khi tập luyện từ thanh khu giữa chuyển xuống thanh khu ngực hoặc chuyển lên thanh khu đầu, để giọng hát đều đặn và nhất quán thì vị trí âm thanh phải kết hợp với hơi thở thật vững chắc, đều đặn.

Về khẩu hình, cần chú ý mở mềm mại, không căng cứng, đầu lưỡi nằm sát ở chân răng hàm dưới để hàm mềm, phía trong họng hoàn toàn mở rộng, như thế âm thanh sẽ vang và sáng. Ngoài ra, trong quá trình hát những nốt cao đối với các giọng nữ, đặc biệt giọng nữ cao, phải chú ý đến hình dáng của môi, tuyệt đối không được chúm môi, một số giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) đã sử dụng môi cười khi hát những âm thanh cao, đặc biệt là những câu passage (lướt nhanh) và những câu hát staccato (nảy âm) linh hoạt, làm cho âm thanh nhẹ nhàng, sáng đẹp.

Vấn đề âm vang (cường độ) đều đặn trên tất cả âm vực của giọng nữ đạt được không quá khó khăn khi luyện giọng đúng cách. Độ âm vang gần như tương đương nhau ở các thanh khu, giọng óc ban đầu bị nhỏ, yếu hơn. Sự phức tạp, khó khăn nhất trong quá trình luyện tập đều màu các thanh khu giọng nữ lại chủ yếu tập trung ở thanh khu hỗn hợp – phần trung của âm vực.

Giọng nữ có 3 thanh khu và 2 quãng chuyển giọng, cần hạn chế tối đa việc âm thanh khi hát qua chỗ chuyển giọng bị lộ ra một cách rõ rệt. Thanh khu hỗn hợp – thanh khu giữa của giọng nữ thường kết hợp hát cả giọng ngực, giọng óc. Nếu như một tác phẩm có nhiều nốt ở thanh khu này, người hát sẽ phải xử lý liên tục, khi thì âm chuyển với âm giọng óc và khi thì âm chuyển với âm tự nhiên, dẫn tới rất dễ bị lộ, nghe âm thanh lồi lõm không đều vị trí, không đều màu. Có một số ca sĩ giọng nữ cao trong quá trình luyện tập đạt được kết quả tương đối tốt nhưng vì tập trung quá nhiều vào những nốt cao sẽ dẫn tới tình trạng âm thanh ở thanh khu hỗn hợp ít được chú ý, giọng hát bị mờ và xỉn khi hát những nốt này. Điều đó làm cho các thanh khu không hài hòa với nhau, âm sắc không đồng nhất.

Trong quá trình luyện tập sao cho đều màu giữa các thanh khu, giọng nữ trung, trầm khó khăn hơn bởi màu sắc tự nhiên của nữ trung vốn ấm áp, nữ trầm vốn dày dặn, khi sang thanh khu đầu rất dễ bị lệch màu. Còn chất giọng tự nhiên của nữ cao vốn sáng, trong trẻo gần với các âm ở thanh khu đầu nên việc luyện tập sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Trong thanh nhạc cổ điển ở Việt Nam, số giọng nữ cao chiếm nhiều nhất, tiếp theo là nữ trung, còn nữ trầm khá hiếm. Khảo sát một số người hát giọng nữ trung cho thấy, đối với họ, việc san đều các thanh khu là vấn đề quan trọng của kỹ thuật. Có người không phát triển được sự nghiệp thanh nhạc và họ cho rằng nguyên nhân chính là không làm tốt điều này. Vì vậy, với giọng nữ trung, trầm càng phải quan tâm luyện tập các quãng chuyển và thanh khu hỗn hợp, thậm chí, có thể sử dụng các bài tập để luyện riêng thanh khu này.

Việc luyện tập mở rộng âm vực, trong đó luyện tập đều màu âm thanh giữa các thanh khu đòi hỏi nhiều công sức và không phải người học thanh nhạc nào cũng dễ dàng thành công. Người học phải luyện tập kiên trì, thường xuyên với các bài tập hợp lý mới đạt được hiệu quả tốt.

______________

1. Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Thường, Đức Bằng, Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1984, tr.80.

2. Đỗ Hải Lễ, Lý thuyết cơ bản về âm nhạc, Giáo trình lưu hành nội bộ (in lần 2), Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương, Nxb Hà Nội, 2001, tr.21.

3. Hồ Mộ La, Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008, tr.69.

4. Nguyễn Trung Kiên, Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2001, tr.74.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : BÙI THỊ THU HUYỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *