Một cách đọc “ngàn năm áo mũ”


 

 

Trang phục của con người bao giờ cũng là một vấn đề quan trọng. Bởi thế, từ khởi thủy con người đã tự khẳng định mình là người, khác với tự nhiên (chủ yếu là các con thú). Để khẳng định sự khác ấy, thì con người, ngoài cái tên mà các tộc người tự gọi đều có nghĩa là con người ra, xét về mặt văn hóa, trước hết được thể hiện bằng và qua trang phục. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt có câu: Cái răng cái tóc là góc/ gốc con người. Khi xã hội phát triển, phân tầng phân lớp, thì chính trang phục lại làm nhiệm vụ phân biệt ai là ai trong mối quan hệ người – người này. Nghiên cứu trang phục, vì thế, chính là nghiên cứu văn hóa. Nghiên cứu trang phục ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, đặc biệt là trang phục cung đình.

Tuy vậy, sách xưa của cổ nhân để lại như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1782 – 1840), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ của Trương Quốc Dụng (1797 – 1864), hoặc gần đây như Việt Nam phong tục (1915) của Phan Kế Bính, Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của Đào Duy Anh, trong đó phần ghi chép về trang phục lịch triều có phần sơ sài. Điều này gây khó khăn không ít cho những người nghiên cứu trang phục đặc biệt là khi áp dụng vào những vở sân khấu lịch sử, những phim cổ trang, hay những bức họa lịch sử. Bởi vậy, trong thời gian gần đây, dường như để đáp ứng nhu cầu đó, xuất hiện một số người nghiên cứu trang phục như Đoàn Thị Tình (Tìm hiểu trang phục Việt Nam – 1988, Trang phục Việt Nam – 2006, Trang phục Thăng Long – Hà Nội – 2010), Ngô Đức Thịnh (Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam – 1994), Trịnh Quang Vũ (Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam – 2005, Trang phục Triều Lê Trịnh – 2008). Những khảo cứu này tuy có những đóng góp nhất định, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế ở việc trích dẫn nguồn tư liệu, việc định dạng và định danh các loại mũ áo…

Khác với các nhà nghiên cứu trang phục thuần túy trên, Trần Quang Đức, tác giả Ngàn năm áo mũ (1), coi nghiên cứu trang phục cổ vừa là ga đi vừa là ga đến của nghiên cứu lịch sử tư tưởng, lịch sử văn hóa và mỹ thuật Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải sử dụng lối tiếp cận liên ngành. Nói ‘ga đi/ ga đến” nghĩa là có thể lấy những tư tưởng đã tồn tại lâu dài trong lịch sử Việt Nam, có ảnh hưởng sâu sắc đến chế độ mũ áo triều đình, như tư tưởng đế vươngquan niệm Hoa di, làm điểm xuất phát, làm nguyên tắc chủ đạo để khảo sát trang phục. Rồi từ những thành quả nghiên cứu trang phục cụ thể lại có thể rút ra những kết luận khái quát đóng góp vào lịch sử tư tưởng, lịch sử văn hóa Việt Nam. Còn về phương pháp/ tri thức liên ngành thì có thể lấy một ví dụ: các tượng thờ vua quan Lý Trần đều được tạo tác vào TK XVIII, XIX, nên trang phục họ mặc không còn nguyên bản, mà đã sai lạc đi nhiều. Bởi vậy, để phục dựng lại trang phục Lý Trần phải “tiến hành khảo sát thận trọng dựa trên tính đồng đại của hiện vật, kết hợp hiện vật với những mô tả trong thư tịch tương quan” (tr. 16). Đó là chưa kể còn có những đối chiếu cùng loại hình với các hiện vật ở Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản.

Việt Nam, ngay ở thời Bắc thuộc, mỗi khi giành được độc lập, dù là hết sức ngắn ngủi, thì thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa đó đều xưng đế, như Lý Bí năm 544, Mai Thúc Loan năm 713, Đinh Bộ Lĩnh năm 968. Các triều đại độc lập sau này thì khỏi phải nói. Họ khẳng định tính pháp lý, đúng hơn thiên lý, của điều đó rất rõ ràng: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư”. Như vậy, với việc tự coi mình là hoàng đế, vua chúa Việt Nam đều có ý thức ngang bằng Trung Hoa. Thậm chí có nhiều trường hợp còn hơn, như bài thơ Trần Dụ Tông so sánh Trần Thái Tông với Đường Thái Tông: “Sáng nghiệp Việt – Đường hai Thái Tông/ Kia xưng Trịnh Quán, ta Nguyên Phong/ Kiến Thành bị giết, An Sinh sống/ Miếu hiệu tuy đồng, đức chẳng đồng”. Các Hoàng đế Trung Hoa dĩ nhiên là hết sức tức giận, vì dưới gầm trời này (thiên hạ) chỉ có một đế mà thôi. Điều này, theo Trần Quang Đức, thể hiện tinh thần độc lập của người Việt Nam. Vì thế, lễ nghi trang phục của hoàng đế nói riêng và triều đình nói chung cũng không thể thua kém. Trước hết Việt Nam cũng như Triều Tiên đều coi văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống, nên chế độ trang phục cung đình đều mô phỏng chế độ mũ áo của Trung Quốc. Nhưng trên tinh thần tự chủ nói trên, trang phục cung đình Việt Nam tuy có cái đồng, nhưng cũng có nhiều nét chẳng đồng, thể hiện sự chủ động sáng tạo của người Việt. Có một cái đồng/ giống nhau/ ngang bằng, nhưng lại nhiều ý nghĩa như chỉ riêng hoàng đế Trung Hoa mới được đội mũ niệm 12 lưu, vậy mà hoàng đế Việt Nam cũng dám đội mũ 12 tua, trong khi vua Triều Tiên chỉ dám đội mũ 9 tua, triệt để tuân theo quy chế đế – vương. Đây cũng là một trong nhiều bằng chứng để tác giả Trần Quang Đức khái quát nên thành tinh thần dân tộc cao của người Việt. Một đóng góp cho lịch sử tư tưởng Việt Nam từ góc nhìn trang phục.

Ngoài tư tưởng đế vương nói trên thì quan niệm Hoa di cũng ảnh hưởng đến chế độ trang phục Việt Nam. Từ thời Xuân Thu (770 – 976 trước CN) các kinh điển Trung Hoa đã có các khái niệm “Hoa”, “Hạ”, “Trung Quốc”, “Trung Hạ”, “Trung châu” “để chỉ vùng đất, cũng có khi chỉ những người văn minh, ở trung tâm, có lễ giáo, khu biệt với các sắc dân man, di, nhung, địch ở bốn xung quanh” (tr.23). Từ lý thuyết “dĩ Hoa vi trung” này, Mạnh Tử, Á thành của đạo Nho, đã chủ trương “dùng hạ biến di”, đem văn minh tiến bộ của Trung nguyên truyền bá ra xung quanh như một công cuộc khai hóa/ vương hóa/ Hoa hóa. Việt Nam, cũng như các nước đồng văn Triều Tiên, Nhật Bản, do theo Nho giáo, tự coi mình là có lễ nghĩa, nên cũng là một thứ Hoa, Hạ, Trung Quốc, còn các sắc dân phi Nho giáo ở quanh mình đều là man, di, mọi, rợ cả. Như vậy, “Nó (danh xưng Trung Quốc) biến đổi thành một cụm từ có khả năng được dùng để chỉ bất kỳ vương quốc nào được lập nên trên cơ sở những nguyên tắc kinh điển Trung Hoa, khi nhận thấy xung quanh mình bị bao bọc bởi những kẻ man di không được giáo hóa”(2). Trong nhiều văn kiện tôn giáo, hành chính, ngoại giao, văn hóa của các triều đại Việt Nam, người ta còn thấy nhiều lần người Việt tự gọi mình là người Trung quốcHán nhân, gọi nước mình là Trung Quốc. Từ đây mà Ngô Thì Nhậm có bài thơ thể hiện niềm tự hào mình là người ăn vận áo mão, rất “Hoa”: “Mở mang có trước sau/ Đâu riêng Trung Quốc có…/ May sinh ở nước Nam/ Đàng hoàng thân áo mão/ Chớ bảo ta chẳng Hoa/ Việt Thường có kỳ lão”. Còn Nguyễn Trãi thì nhận xét và khuyến cáo người Việt không nên theo trang phục nhà Minh vì “Người Ngô lâu ngày nhiễm thói tục của người Nguyên, tóc xõa, răng trắng, áo ngắn mà tay áo dài, mũ xiêm lòe loẹt, lớp lớp như lá vậy… không nên noi theo để làm loạn quốc tục”. Bùi Văn Dị cũng nhận xét trang phục nhà Thanh: “Sứ ta đến Yên Kinh, đội mặc phẩm phục, có kẻ nhận ra trộm ngưỡng mộ Hoa phong… Tục rợ Hồ thay đổi con người ta đến mức phải ta thán như vậy đấy”. Từ chỗ chê bai trang phục Nguyên, Thanh là chẳng “Hoa”, tự hào trang phục Việt Nam là “Hoa”, các nhà nho chúng ta cảm thấy Nho giáo Việt Nam chính thống hơn Nho giáo Trung Quốc thời Nguyên, Thanh. Điều này làm nảy sinh tâm lý “bảo hoàng hơn vua” khá nực cười.

Như vậy, diễn trình lịch sử trang phục Việt Nam, có thể nói, dao động và biến đổi quanh hai trục tư tưởng đế vương và quan niệm Hoa di như hai đường ray xe lửa chạy song song qua các triều đại. Và con đường chính ngạch vẫn là con đường mô phỏng trang phục của các triều đại Trung Quốc trước đó hay đồng thời với sự biến điệu ít nhiều theo quy luật tiếp biến văn hóa. Ngàn năm áo mũ, bởi thế, không chỉ cho người ta thấy những mũ áo có kiểu dáng, màu sắc, hình học, hoa văn… cụ thể, mà còn cho thấy cả những đấu tranh văn hóa, đấu tranh quyền lực. Ví như, sau chiến thắng giặc Minh, Lê Thái Tổ vẫn sử dụng triều phục Trần – Hồ. Nhưng đến thời Lê Thái Tông thì xảy ra cuộc tranh luận giữa phe bảo thủ đại diện là Nguyễn Trãi và phe cấp tiến đại diện là Lương Đăng về trang phục (và cả âm nhạc nữa). Trang phục mà Nguyễn Trãi muốn bảo lưu chính là triều phục Trần – Hồ mô phỏng theo nhà Đường, mà lúc này (cũng như chữ Hán thời Đường) đã trở nên thuần Việt? Còn trang phục mà Lương Đăng muốn theo chính là trang phục nhà Minh. Thực ra, đằng sau sự tranh chấp này là cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa hai nhóm lợi ích: một đằng là thế lực quân sự Thanh Hóa đang nắm chính quyền, đằng kia là các quan lại nho sĩ tam giác châu sông Hồng. Cục diện này chỉ kết thúc với Lê Thánh Tông khi ông này vừa là người gốc Thanh lại vừa là nho sĩ đồng bằng Bắc Bộ (3).

Như vậy, những thay đổi lớn về trang phục Việt Nam thường gắn với các sự kiện chính trị. Như khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, xây dựng giang sơn riêng ở Đàng Trong, ông đã cải biến trang phục triều đình, thậm chí cả trang phục dân gian nữa, để khu biệt với Đàng Ngoài. Sự cải cách trang phục này, hẳn do quan niệm Hoa di chi phối, nên các chúa Nguyễn chủ yếu vẫn tham bác Trung Hoa, chứ không tiếp thu trang phục của Chămpa hay Khơme. Điều này hẳn chủ yếu diễn ra ở trang phục cung đình, còn ở trang phục dân gian thì thế nào? Người dân Việt ở Đàng Trong bấy giờ vốn sống chung đụng với các sắc dân khác liệu có tiếp thu trang phục của họ. Tiếc rằng Trần Quang Đức chưa cho độc giả biết thêm tư liệu về cạnh khía ngược chiều của việc “dùng Hạ biến di”. Tuy nhiên, có thể suy đoán, sự khác biệt của trang phục dân gian hai miền, Nam Hà và Bắc Hà, hẳn lớn hơn ở cung đình. Vì vậy, khi thống nhất đất nước, Minh Mệnh, muốn cho toàn thể đàn bà nước Nam phải mặc quần như phụ nữ Đàng Trong, nên mới ra lệnh “cấm quần không đáy”, khiến cho chị em dân quê miền Bắc vốn quen với cái váy đụp phù hợp hơn với khí hậu ẩm thấp và thuận tiện hơn cho lao động cày cấy, hết sức “hãi hùng”.

Tóm lại, Ngàn năm áo mũ là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn, giàu ý nghĩa và nhiều gợi mở. Đặc biệt cuốn sách có phong cách làm việc “truy tìm tận nguồn”, coi trọng tư liệu, xây dựng giả thiết trên cơ sở tư liệu, khác với lối “đại khái” của nhiều “nhà” trước đây. Điều này trước hết gắn liền một thế hệ các nhà Hán học mới đang trưởng thành ở Việt Nam, trong đó có tác giả cuốn sách này. Sinh 1985, Trần Quang Đức có sự say mê Hán ngữ từ nhỏ và quyết tâm theo đuổi ngành học mình thích. Tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 2009,Trần Quang Đức từ chối cơ hội trở thành một cán bộ ngoại giao như một nghề có triển vọng, đồng thời cũng là một nghề truyền thống của gia đình, để khởi nghiệp nghiên cứu văn hóa ở phòng Tu thư thuộc Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam. Ngoài việc dịch các tác phẩm Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011), Trường An loạn (2012), và toàn bộ Sử ký Tư Mã Thiên (chưa in), anh tập trung nghiên cứu văn hóa trang phục Việt và viết nên cuốn Ngàn năm áo mũ này. Có thể nói, Trần Quang Đức là một nhà nghiên cứu tiêu biểu cho thế hệ 8x, thế hệ đang cố gắng vượt thoát khỏi những vòng nguyệt quế kim cô của phần đông thế hệ đàn anh, để tự do trước tác.

_______________

1. Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế giới và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2013.

2. Woodside, Vietnam and the Chinese model, tr.18-19, dẫn theo Ngàn năm áo mũ, tr.25.

3. Xem thêm: Jonh Kremers Whitmore, The Development of Lê Government in Fifteenth Century Vietnam (Sự phát triển của chính quyền Lê TK XV ở Việt Nam), bản dịch tiếng Việt lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2005. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Đỗ Lai Thúy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *