Một số cung kinh truyền thống ở giáo phận vinh


        Giáo phận Vinh là một giáo phận lớn trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, thuộc Giáo hội Công giáo Rôma, có địa giới gồm 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trong hành trình phúc âm hóa, gieo vãi hạt giống tin mừng (truyền đạo), các linh mục dòng Tên đã sáng tạo ra nhiều bản văn kinh nguyện với giọng đọc ngân nga, sâu lắng, những bài ngắm nguyện sốt sắng, tâm tình hướng lên đấng tối cao. Sản phẩm cung, giọng cầu nguyện đó là sự pha trộn giữa tính chất âm nhạc bình ca châu Âu và thang âm, điệu thức theo cung cách Việt trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.

 

1. Khái quát về đạo Công giáo ở Việt Nam

Đạo Kitô là tên gọi chung của các tôn giáo cùng thờ một chúa Kitô, xuất phát từ chữ Khristos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là đấng được xức dầu, dịch từ chữ Messiah trong tiếng Hebrew, phiên âm Hán Việt là Cơ đốc. Kitô giáo hiện nay gồm: Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành giáo, Anh giáo. Trọng tâm của đức tin Kitô giáo là qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, con người được cứu rỗi và hưởng sự sống đời đời. Chúa Giêsu là tâm điểm của Kitô giáo, bị đóng đinh trên thập giá, chết và táng xác trong mộ, đến ngày thứ ba thì sống lại, đủ 40 ngày sau nhiều lần hiện ra với các tông đồ, ngài lên trời.

Đạo Công giáo có gốc từ tiếng Hy Lạp: katholikos, dịch theo Hán Việt là đạo Giatô, có nghĩa là đạo chung, đạo phổ thông, phổ quát. Đạo Công giáo ra đời ở vùng tiểu Á nhưng lại được phát triển mạnh ở châu Âu, lan rộng tới châu Á, châu Phi, châu Mỹ…

Theo sử liệu, đạo Công giáo được truyền bá vào Việt Nam từ năm 1533: “Tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời vua Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Inêkhu, lén lút đến xã Ninh Cường và xã Quần Anh, huyện Nam Chân và xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy (Nam Định) ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô”(1). Sau Inêkhu còn có một số nhà truyền giáo khác: Lm. Gaspar de S.Cruz (1550), Lm. Lopez và Lm. Acevedo (1558), Lm. Luis de Fonseca, Lm. Grégoire de la Motte (1580-1586).

Giai đoạn mở đạo chính thức được bắt đầu ở Đàng Trong từ 15-1-1615, do Lm. Francesco Buzomi, Diego Carvalho cùng hai thày người Nhật tới cửa Hàn (Hội An – Quảng Nam). Hai năm sau có thêm Lm. Francisco de PinaôiH

, Cristoforo Borri, Pierre Marquez cộng tác với Buzomi truyền giáo ở vùng Quảng Nam, Quy Nhơn và kinh đô Trà Bát – Quảng Trị.

Công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài thực sự rầm rộ chỉ được bắt đầu khi hai linh mục dòng Tên là Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và Marquez đặt chân đến cửa Bạng (nay là Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vào ngày 19-3-1627. Tháng 3-1629, chúa Trịnh trục xuất hai linh mục ra khỏi Đàng Ngoài. Trên đường vào Đàng Trong, hai linh mục đi qua cửa Chúa (nay là cửa Cờn, Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu), cửa Sót (Hà Tĩnh), bờ bắc sông Gianh (Linh giang), cửa Rùm (cửa Hội ngày nay), đi dọc sông Lam lên tận Đức Thọ… Nơi nào cũng có hàng chục, hàng trăm người xin gia nhập đạo Công giáo. Đến đầu tháng 5-1630, hai linh mục phải theo tàu Bồ Đào Nha trở về châu Âu và từ biệt Đàng Ngoài từ đó. Những lần trở lại Đàng Trong Việt Nam của nhà truyền giáo vĩ đại Alexandre de Rhodes là tháng 2-1640 (lần thứ hai), tháng 12-1640 (lần thứ ba), tháng 1-1642 (lần thứ tư) và tháng 4-1644 (lần cuối cùng). Cho đến ngày 3-7-1645 thì ngài vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam về Roma để báo cáo về những tiến triển mau chóng trong việc truyền giáo tại Việt Nam, và đệ trình xin gửi một số giám mục đến truyền giáo tại “cánh đồng truyền giáo phì nhiêu” (theo cách gọi của cha Đắc Lộ) để củng cố nền móng cho Giáo hội.

Ngày 9-9-1659, giáo hoàng Alexandre VII qua sắc chỉ Super Cathedram quyết định thiết lập ở Việt Nam hai giáo phận và bổ nhiệm hai thừa sai thuộc Hội thừa sai Paris làm đại diện Tông Tòa. Theo đó, giáo phận Đàng Trong từ sông Gianh trở vào nam do giám mục Pierre Lambert de la Motte cai quản, giáo phận Đàng Ngoài từ sông Gianh trở ra bắc do giám mục Francois Pallu cai quản.

Số giáo dân ở Đàng Ngoài tăng nhanh hơn, nên 20 năm sau, 1679, Tòa Thánh chia giáo phận Đàng Ngoài thành: giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) và giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội). Mãi đến năm 1844, giáo hoàng Gregoire XVI chia giáo phận Đàng Trong thành: Tây Đàng Trong (Sài Gòn) và Đông Đàng Trong (Quy Nhơn). Tiếp đến, ngày 27 -3-1846, giáo phận Vinh (Nghệ An, Hà Tĩnh, bắc sông Gianh – Quảng Bình) được thành lập, tách khỏi giáo phận Tây Đàng Ngoài và gọi là giáo phận Nam Đàng Ngoài. Đến năm 1924 đổi tên thành giáo phận Vĩnh, sau gọi là giáo phận Vinh. Năm 1848, giáo phận Đông Đàng Ngoài chia thành: Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) và Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu). Lần lượt các giáo phận được thành lập: Huế (1850), Bắc Ninh (1883), Hưng Hóa (1895), Phát Diệm, (1901), Lạng Sơn (1913), Thanh Hóa và Kontum (1932), Thái Bình (1931), Cần Thơ (1955), Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên (1962), Đà Nẵng (1963), Xuân Lộc, Phú Cường (1966), Buôn Mê Thuột (1967), Phan Thiết (1975).

2. Dấu ấn văn hóa

Đạo Công giáo có mặt ở Việt Nam chưa đầy 5 thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong văn hóa nước nhà.

Khi đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam thì văn minh, văn hóa châu Âu cũng theo chân các nhà truyền giáo, các vị thừa sai… hòa vào dòng văn hóa người Việt. Họ là những học giả uyên thâm, được đào tạo trong các học viện, dòng tu danh tiếng. Chính họ thực sự đã trở thành những gạch nối giao lưu văn hóa Đông Tây. “Nếu nói những ảnh hưởng của văn hóa tư tưởng phương Tây ở Việt Nam thì chắc chắn đạo Thiên chúa là nhân tố đầu tiên trong sự ảnh hưởng này. Và như vậy, trong lịch sử, tôn giáo luôn luôn đóng vai trò là một trong những sứ giả đi đầu trong những cuộc viếng thăm, tiếp xúc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc”(2). Nhờ những tác phẩm của các nhà truyền giáo được xuất bản ở các nước, thế giới mới biết đến nước ta. Các tác phẩm phải kể đến là: Từ điển Việt – Bồ – La, Phép giảng tám ngày, Hành trình truyền giáo, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài của Alexandre de Rhodes; Truyện xứ Đông Kinh của Buzomi; Từ điển La – Việt, Việt – La của Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc) và Taberd; Ngữ âm học, Di tích Quảng Bình, Lũy thày Đồng Hới của Leopold Cadière; Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H.) (Những người bạn cố đô Huế) của Assosion des Amis du vieux Hué (A.A.V.H.)… Đóng góp quan trọng nhất của các vị dòng Tên trong công cuộc truyền giáo ở Việt Nam là Latinh hóa chữ Nôm, sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Lm. Alexandre de Rhodes viết: “Mặc dù tiếng nói thường dân ngày nay phổ thông khắp nước Annam khác với tiếng Tàu, thế nhưng cũng đọc với những cung giọng không quá khác với cung giọng tiếng Tàu. Tiếng Tàu chỉ có 5 giọng nói, còn tiếng Annam thì có những sáu,… Những dấu thanh thì không ghi trong chữ viết của họ, nhưng chỉ phô diễn trong giọng nói mà thôi: điều này làm cho chúng tôi rất khó hiểu sách vở của họ”(3). Nhóm tác giả đã sáng tạo ra cách ghi dấu (thanh) trong tiếng Việt: “thanh trầm, hạ giọng để đọc,… chúng tôi ghi dấu huyền của người Hy Lạp (thanh huyền). Thanh hầu như trầm… ghi bằng một cái chấm dưới nguyên âm theo cách người Hy Lạp đặt chữ iota (thanh nặng). Thanh uốn trầm… chúng tôi ghi bằng dấu uốn của người Hy Lạp (thanh ngã). Thanh bằng đọc mà không cần cung giọng. Thanh uốn nhưng dịu hơn,… chúng tôi ghi bằng dấu hỏi của người Latinh (thanh hỏi). Thanh sắc,… chúng tôi ghi bằng dấu sắc của người Hy Lạp“(4). Những dấu thanh đó đã làm cho tiếng Việt nói mà như hát trở thành hồn và đặc tính ý nghĩa của tiếng. Chữ quốc ngữ trở thành phương tiện hiệu quả trong hoạt động truyền giáo. “Nó chấm dứt lối học hành kinh viện, khuôn sáo để đem lại một cuộc cách mạng trong giáo dục dân trí“(5). Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm đã hết lòng ca ngợi: “Các giáo sĩ người Âu đặt ra chữ quốc ngữ, chủ ý là có được một thứ chữ để viết tiếng ta cho tiện và dùng trong việc truyền giáo cho dễ. Không ngờ rằng, vì thế lịch sử xui khiến, chữ ấy nay thành thứ văn tự phổ thông của cả dân tộc Việt Nam. Đành rằng, cũng như các công trình do con người sáng tạo ra, thứ chữ ấy cũng có vài khuyết điểm, nhưng ta nên nhận rằng ở trên hoàn cầu này không có thứ chữ nào tiện lợi và dễ học bằng thứ chữ ấy”(6).

Cũng thông qua đạo Công giáo, nhiều tác phẩm âm nhạc, hội họa của các nhà soạn nhạc, họa sĩ thiên tài thế giới sớm đến với công chúng nước ta như Ave Maria của Charles Gounod (1818-1893) sáng tác trên nền phần prelude No.1 Cdur của J.S.Bach (1685-1750), Ave Maria của F.Schubert (1797-1828), Tantum Ergo của J.S.Bach, Đức Mẹ đồng trinh của Rafael (1483-1520), Bữa tiệc ly của L.Vinci (1452-1519)… Kiểu kiến trúc nhà thờ gotic, roman cũng sớm đến đất Việt với nhiều nhà thờ lớn, nguy nga, kiên cố: nhà thờ Đức bà Sài Gòn, nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Đức mẹ Trà Kiệu, nhà thờ La Vang, nhà thờ Dòng chúa cứu thế… Sự tiếp xúc Đông Tây trên bình diện tôn giáo cũng làm cho đạo Công giáo Việt Nam có bản sắc riêng, truyền thống. Hình ảnh mái chùa cong, cổng đình vòm, tiếng chuông chùa trong nhà thờ Phát Diệm, mái nhà rông của đồng bào ở nhà thờ Cam Ly (Đà Lạt) thấp thoáng ngôi nhà dài tám mái Tày, Nùng trong nhà thờ Cửa Nam (Lạng Sơn). Hình ảnh mái tóc dài, áo tứ thân, khăn xếp, khóm tre xanh cũng xuất hiện trong các bức họa của Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tiến Chung với giáng sinh, Ba Vua, Madalena dưới chân thập giá. Chất liệu dân gian, âm sắc dân tộc cũng được khai thác trong nền thánh nhạc Việt Nam buổi đầu, tiêu biểu là nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh (Hà Nội), Sao Mai (Bùi Chu), Tiếng Chuông Nam (Thanh Hóa), Ca Thánh (Phát Diệm), Thiên Cung (Hải Phòng), Minh Nhạc (Bắc Ninh)…

Con đường đồng hành cùng dân tộc được thể hiện trong Thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”(7) đã được hình thành qua nhiều thế hệ người Công giáo Việt Nam, những nhà cải cách duy tân, những danh nhân văn hóa, chiến sĩ cách mạng.

3. Vài nét về cung kinh giáo phận Vinh

Trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, cung kinh cổ truyền rất phong phú và đa dạng: lúc sang sảng, bổng trầm, lúc rên rỉ, thảm sầu, đều đặn, khoan thai, khiến người nghe có cảm tưởng như nghe kinh sĩ đang hát thánh vịnh.

Mỗi một bản văn, từng vùng miền lại có những cấu trúc thang âm khác nhau. Các cung cổ truyền của mỗi giáo phận có nét riêng, chịu ảnh hưởng của ngữ điệu giọng nói, âm nhạc dân gian địa phương, màu sắc giai điệu thay đổi theo mùa phụng vụ: mùa vọng, giáng sinh, mùa chay, mùa phục sinh và mùa thường niên. Nhưng tất cả đều quy về 3 mùa chính là: mùa vui, mùa thương, mùa mừng. Đó là mục đích của Giáo hội Công giáo kính nhớ cuộc đời dương thế của chúa Giêsu được chia thành 3 giai đoạn: biến cố giáng sinh (mùa vui), biến cố khổ nạn (mùa thương), biến cố phục sinh (mùa mừng).

Ở giáo phận Vinh chỉ có hai cung kinh cơ bản là cung vui và cung thương.

Cung vui: ứng với các mùa phụng vụ trong năm: mùa vọng, mùa giáng sinh, mùa phục sinh và mùa thường niên. Cung vui đọc lên thấy vui vẻ, phấn chấn, lạc quan, dịu dàng, sâu lắng… Giai điệu với 3 bậc cơ bản: fa – xon- la (hệ thống tam cung) ứng với điệu thức nam ai không đầy đủ (rê -fa -xon- la- đô).


Cơ bản các nốt ứng với các từ có: la – thanh sắc, xon – thanh bằng, fa – thanh huyền, hỏi, nặng, ngã. Tuy nhiên, trong lối tiến hành giai điệu thường đi liền bậc để tạo tính du dương, uyển chuyển, hoặc khi hai từ cùng thanh đứng sát nhau thì một trong hai từ có thể lên hoặc xuống một bậc để cho giai điệu sinh động. Ở những chỗ nghỉ, giai điệu thường luyến từ nốt cao xuống nốt thấp liền bậc. Một số từ ở giữa câu cũng có thể luyến láy để tạo tính ngân nga, du dương trong không gian thánh thiện, sốt mến hướng về chúa tối cao.


 

Giai điệu cung vui mang tính chất thuần khiết, thanh thoát, trầm lắng, khoan thai, nhẹ nhàng, dịu dàng trong bầu khí thanh tịnh, uy nghi, diễn tả những tình cảm sâu lắng, tinh tế trong lời kinh nguyện, truyền đạt những điều tốt đẹp lên đấng toàn năng.

Cung thương: mùa thương (mùa chay) là mùa mà Giáo hội Công giáo nói chung tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, là mùa mọi người tín hữu ăn chay hãm mình để đền tội, hoán cải và sám hối, thanh luyện đời sống, củng cố đức tin để đón mừng lễ vượt qua (tam nhật vượt qua được tính từ thánh lễ tiệc ly chiều thứ năm tuần thánh đến hết chúa nhật phục sinh). Đối với các dự tòng, đây là thời kỳ được chuẩn bị trực tiếp để có thể lãnh các bi tích khai tâm vào đêm phục sinh. Mùa chay kéo dài khoảng 40 ngày, bắt đầu từ thứ tư lễ tro.

Các cung mùa thương khi cất lên người nghe cảm thấy một nỗi buồn xót thương, hòa vào thiên sầu địa thảm, kính nhớ sự thương khó chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá để chuộc tội nhân loại. Cung thương được sử dụng ở trong một số dạng thức sau:

Cung thương sử dụng trong ngắm

“Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, chúng tôi đã chia các màu nhiệm thương khó làm mười lăm đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh kính mừng thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong mười lăm sự thương khó. Sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong mười lăm ngọn nến sáng theo tục lệ trong Giáo hội Rôma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng mến thương, những thống khổ và cái chết chúa cứu thế chịu”(8).

Qua đó, chúng ta thấy bản văn của hình thức ngắm này xuất hiện trong thời gian truyền giáo tại Đàng Ngoài và được chia thành 15 sự thương khó. Bản văn này được duy trì cho đến tận bây giờ. Không biết từ bao giờ, cố nhân đã chế biến từng cung giọng cho từng vùng, và có sử dụng phương ngữ. Trong phần giới thiệu sách Ngắm mười lăm sự thương khó đức chúa Giêsu ghi rõ:

“Đã ba thế kỷ, từ khi truyền bá đạo phúc âm ở Việt Nam, các nhà truyền giáo đặt ra những bài ngắm ngụyện rất sốt sắng, thuật lại nhiều chi tiết về sự thương khó chúa Giêsu đã chịu để cứu chuộc loài người, giáo hữu mọi nơi, hằng nhiệt liệt ngắm suy, để thêm lòng kính mến thiên chúa và chê ghét tội lỗi, và học tập các nhân đức, nhất là chịu khó hãm mình.

Biết vậy, bề trên địa phận Vinh, để tránh “tam sao thất bản”, và khỏi dùng chữ nôm nho thường khi bất hợp với nguyên bản, thì năm 1941 đã cho in ra quốc văn. Chẳng hay, sách ngắm này đã hết, mấy năm gần đây phải mua sách địa phận ngoài, tuy nghĩa lý không sai, mà văn từ có khác.

Do đó, để mọi người tiện dùng, cứ một lối trong cả địa phận, đã cho in tập này theo bản cũ, và giữ nguyên văn, chỉ sửa bỏ đôi chữ cho hợp thời, mặc dầu có nhiều câu nói thời xưa, nhưng còn để vậy, vì giáo hữu đã quen đọc quen nghe như thế”(9).

Ngắm sự thương khó gồm 15 thứ ngắm và phần dẫn đầu, giữa các thứ ngắm, đọc một kinh lạy cha, mười kinh kính mừng. Cách ngân, nghỉ như sau: 1. “,” = nghỉ hơi (ngắt), 2. “;” và “:” = ngân đơn (ngắn), 3. “.” = ngân kép (dài).

Phần dẫn đầu:


 

Điệu thức sử dụng: điệu bắc


 

Đây được xem là 5 âm gốc trong dân ca Việt Nam, như nhận định của cố nhạc sĩ Văn Cao. Điệu thức này thường thể hiện tính chất khỏe, trong sáng, tươi vui. Nhưng, với nhịp độ chậm rãi, tự do, ngâm ngợi, rung nhấn từng chữ một (tương ứng với loại nhịp một), âm vực lơ lửng trong quãng 3 trên (la-fa) như tiếng nấc của trẻ thơ, tính chất của nó lại dẫn cho người nghe một cảm giác thương sầu thảm thiết, thống hối thâm sâu như bài điếu văn vậy. Lòng mến thương những thống khổ và cái chết của chúa cứu thế được bộc lộ bằng giai điệu rên rỉ, liên lỉ trong cấu trúc quãng liền bậc, tầm cữ khống chế. Mặc dù, tiếng Việt có sáu thanh (dấu), nhưng cấu trúc giai điệu chỉ nằm trên hai bậc chính: la và fa.

Giai điệu vào thứ ngắm:


 

Nội dung của sự thương khó thứ nhất:


 

Khi hết câu, ngắt bởi dấu (.) thì ngân dài (ngân kép). Kiểu ngân đó chỉ áp dụng cho hai từ ở âm vực thấp (dấu huyền và dấu nặng). Nếu hai từ bắt đầu bằng âm vực cao (dấu sắc, dấu bằng) thì ngân dài sẽ là:


Nếu từ trước ở âm vực thấp, từ sau ở âm vực cao thì:


 

Trường hợp từ trước âm vực cao, từ sau âm vực thấp:


Ngân kép kết thúc một thứ ngắm:


 

Cung thương sử dụng trong kinh nguyện hàng ngày

Vào mùa chay, cung kinh chuyển sang cách đọc khác, một số người không Công giáo thường gọi là mùa đọc kinh eo éo. Tiết trời mùa này thường âm u, xám xịt kéo dài, ít khi trời quang mây tạnh, cho đến sau lễ phục sinh thì trời mới bắt đầu nắng, sáng lên (kinh nghiệm của người Công giáo giáo phận Vinh).

Cung kinh mùa này được thu hẹp trong một quãng 3 thứ, gồm 2 bậc chính: rê, fa, nằm ở âm vực trầm hơn. Tính chất của đường nét giai điệu: tối, rền, buồn thảm phù hợp với tâm tình sám hối, ăn năn, thống thiết của mùa phụng vụ.


Những đặc tính nổi bật của mùa chay là việc giữ chay tịnh, cầu nguyện và thực hành bác ái. Mọi người được mời gọi hoán cải và sám hối để chuẩn bị mừng lễ phục sinh, đặc biệt là người phạm tội. Vì vậy, không khí kinh nguyện trong nhà nguyện ở thánh đường, trong giờ kinh trở nên trầm lắng hơn, như trút bỏ những gì vất vả, lo toan của cuộc sống biểu lộ tâm tình khiêm tốn nài xin.

Với cung này, 6 thanh trong tiếng Việt được chia thành 2 nhóm:

Nhóm cao: thanh bằng (không dấu) và thanh sắc.

Nhóm thấp: thanh huyền, thanh hỏi, thanh ngã và thanh nặng.

Các thanh nhóm cao ứng với nốt fa, các thanh nhóm thấp ứng với nốt rê. Để biểu lộ tâm tình rõ nét hơn, một số chữ luyến từ âm thấp lên âm cao mà không có chiều hướng ngược lại.

Cung thương sử dụng với kinh ăn năn tội

Cùng màu sắc quãng 3 thứ như trên, nhưng tiết tấu chậm rãi, thảm thiết, liên lỉ hơn như là một sự nài van lên thiên chúa xin ngài tha hết mọi tội lỗi, giải thoát con người khỏi sự trầm luân của những hình phạt do con người gây nên. Từ có thanh sắc nếu nằm giữa âm trầm và âm cao thì luyến từ rê lên fa.


 

Đặc biệt, ẩn chứa bên trong các cung kinh những âm hưởng dân gian của lối hát bình ca (gregorian chant) đã được du nhập vào Việt Nam trong phụng ca của đạo Công giáo. Thể loại nhạc bình ca là công đóng góp rất lớn của đức giáo hoàng Gregory I (590 – 604) trong việc lựa chọn, tu chỉnh những bài ca nghi lễ giản dị, mộc mạc có tính chất ngâm vịnh. Nhờ đặc tính thánh thiện, phổ cập, dễ thấm vào tâm hồn người tín hữu, độc đáo của một loại giáo nhạc, nên bình ca đã được sử dụng trong các nghi thức phụng vụ của giáo hội Công giáo. Bình ca lại có tính cách cộng đồng, mọi người cùng hát, cùng cầu nguyện chung với nhau, thể hiện tinh thần hợp nhất giữa mọi tín hữu trong cộng đoàn dân chúa, giúp họ thánh hóa chính tâm hồn mình, cùng vang lên lời ca tụng thiên chúa.

Các nhà truyền giáo đã dạy cho tín đồ cầu nguyện bằng các bản văn mang tính giáo lý, những lời nguyện xin với tất cả tâm tình sốt sắng, tin, yêu, cậy, mến, chắc chắn phải được dệt nhạc bằng những âm điệu bình ca. Người Việt đón nhận và sống phúc âm thật đơn sơ, thuần khiết.

Chúng tôi xin mượn lời của nhà thơ Đình Bảng để kết thúc cho bài viết: “Đạo chúa đến và ở đời với người Việt theo cung cách Việt”(10). “Chúng ta đã sống đạo bằng chính thứ ngôn ngữ, vần điệu, cung giọng Việt Nam, của người Việt Nam, tâm tình với chúng ta bằng nhịp thở bổng trầm của con nước tuần trăng gồng gánh thoi đưa Việt Nam”(11).

_______________

1.Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển thứ 33, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.720.

2. Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hôm nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.59. 

 

3, 4, 8. Alexandre de Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, Tủ sách đại kết, TP.HCM, 1994, tr.69-70, 131.

5. Huy Thông, Dấu ấn Công giáo trong văn hóa Việt Nam, nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 151 tháng 7-2007, tr.132.

6. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Nxb Sài Gòn, 1960, tr.180.

7. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước, Hà Nội, 1-5-1980, mục 14: Ngỏ lời với các linh mục.

9. Tòa Giám mục Xã Đoài, Sách ngắm địa phận Vinh, giáo phận Vinh, 1960, tr.3.

10. Lê Đình Bảng, Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr.24-25. 

 

  11. Lê Đình Bảng, Thánh nhạc, thánh ca Việt Nam – những chặng đường lịch sử, bản thảo, 2000, tr.36.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012

Tác giả : Hoàng Văn Chính

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *