Một số hợp âm và chồng âm thường gặp trong hòa âm tk xx


 

Từ những năm đầu TK XX đến nay, do sự biến động của tình hình chính trị, xã hội và văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới đã chi phối mạnh mẽ đến lĩnh vực âm nhạc nói chung và từng tác phẩm nói riêng. Trong âm nhạc, bên cạnh giai điệu, tiết tấu, phức điệu, phối khí… thi hòa âm cũng là một thành tố vô cùng quan trọng góp phần làm nên diện mạo của tác phẩm. Hòa âm luôn thay đổi và chịu sự chi phối mạnh mẽ của thẩm mỹ thời đại. Thông qua hòa âm mà người ta thấy rõ sự khác biệt về bút pháp của từng nhạc sĩ cũng như các trường phái âm nhạc. Sự thay đổi thẩm mỹ trong hòa âm của âm nhạc thế giới luôn mang tính tất yếu, và âm nhạc Việt Nam cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Thuật ngữ hòa âm (harmony) được hiểu như là sự hài hòa, cân đối, hòa hợp của những yếu tố khác nhau kết hợp lại. Trong âm nhạc, hòa âm chính là sự kết hợp hài hòa của các âm thanh khác nhau được vang lên cùng một lúc.

Theo diễn trình của lịch sử phát triển âm nhạc trên thế giới cho thấy, hòa âm là một khái niệm động và không đồng nhất, nó được thay đổi và phụ thuộc vào quan niệm thẩm mỹ của từng thời đại, trường phái và văn hóa của các dân tộc khác nhau. Dẫu khái niệm có rộng và động, thì vẫn có nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đưa ra được những tổng kết về phong cách hòa âm của từng trường phái từ tiền cổ điển, cổ điển đến lãng mạn… Sang đến nửa đầu TK XX, ý tưởng hình thành hòa âm được thay đổi, điều đó đã mở rộng quan niệm về màu sắc trong âm nhạc, tạo cho cơ cấu hòa âm thêm sinh động. Các nhà soạn nhạc đã sáng tạo ra nhiều phương thức và kỹ thuật sáng tác mới, đồng hành cùng lúc nhiều phong cách khác nhau, đưa ra những thực nghiệm táo bạo với sự phát triển không có biên giới.

Đồng hành cùng các nhà soạn nhạc, nhiều nhà nghiên cứu đã có sách đề cập đến ngôn ngữ hòa âm TK XX, mỗi sách đều có cách tiếp cận riêng. Chẳng hạn:

Cuốn Tonal harmony with an introduction to twentieth-century music do Stefan Kostka và Dorothy Payne biên soạn (1) có một chương dài 80 trang giới thiệu về hòa âm TK XX và 44 trang bài tập thực hành trong quyển Workbook. Trong cuốn này tác giả đề cập đến một số điệu thức, các chồng hợp âm, chuỗi âm thanh, đa nhịp, đa tiết tấu đã được các nhạc sĩ ở TK XX như Claude Debussy, Maurice Rave, Paul Hindemith, Igor Stravinsky, Béla Bartók, Darius Mihaud, Aeron Copland… sử dụng.

Cuốn Contemporary harmony romanticism through the twelve – tone row của Ludmila Ulehla (copyright 1994 by Advance Music) với 533 trang, chia làm sáu chương, trong đó có đề cập một số vấn đề về hợp âm mười một, mười ba, hợp âm bốn và một số dạng chồng âm và hợp âm thêm nốt.

Cuốn Der musikalischer Satz 14-20 jahrhundert rhythmik harmonik kontrapunktik klangkomposition jazzarrangerment minimal music do Walter Salmen & Norbert J.Schneider biên soạn (Copyright 1987, Nxb Edition Helbling Inbruck), có 62 trang giới thiệu về một số điệu thức, hợp âm, chồng âm, tiết tấu thường gặp trong âm nhạc TK XX.

Đặc biệt, cuốn Twentieth century harmony do Vincent Persichtti biên soạn (Nxb W.W.Norton &Company, 1961) dày 279 trang, là một trong những cuốn hòa âm phần nào đã đúc kết một cách khoa học về đặc điểm ngôn ngữ hòa âm nửa đầu TK XX. Tác giả Vincent Persichtti còn được nhiều người biết đến cuốn lý thuyết hòa âm TK XX của với tiêu đề Twentieth century harmony creative aspects and practice.

Cuốn hòa thanh Learn from the masters classical harmony của Sten Ingelf (Nxb Edition Sting Musik, 2010), dày 222 trang, trong đó có chương VII dài 30 trang giới thiệu về hòa âm TK XX rất khoa học và lôgic.

Các cuốn sách hòa âm nói trên, đều nhằm mục đích bổ sung cập nhật kiến thức về ngôn ngữ hòa thanh TK XX, hướng tới phán ánh nội dung tư tưởng sáng tác trong xã hội những năm của thế kỷ sau này. Trước đây, ở phương Tây người ta nghĩ âm nhạc mang rất nhiều yếu tố tiến bộ, chẳng hạn như tác động của âm nhạc đối với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Ngày nay cách hiểu đã khác, chính sự tiến bộ của khoa học lại liên quan và tác động mạnh mẽ đến cuộc sống con người và thiên nhiên. Điều đó đã phần nào đã ảnh hưởng đến tư duy của nhiều nhà soạn nhạc. Không ít nhà soạn nhạc đã tìm nguồn cảm hứng cho sáng tác của mình từ thiên nhiên, chẳng hạn như Oliver Messian (Pháp) đã chìm đắm với những âm thanh của loài chim Birdsong, hay Bernhard Wulft (Đức) chuyên nghiên cứu về tiếng chim Leger, hoặc với đề tài biển Claude Debussy có Ba phác thảo giao hưởng Biển (1903-1905)…

Trên thế giới có nhiều sự khác biệt giữa thiên nhiên và văn hóa, do vậy tư tưởng của các nhà soạn nhạc luôn có sự khác biệt, điều đó dẫn tới sự đa màu trong các tác phẩm âm nhạc. Chẳng hạn, Karlheinz Stockhausen chuyên nghiên cứu âm nhạc điện tử, ông muốn từ bỏ khái niệm vui buồn và đưa vào âm nhạc sự sáng tối thiên về vật lý. Tác phẩm Kontaktebfuer elektronische klaengge, klavier und schlagzeug (1959-1960) của ông đã có một vai trò vô cùng quan trọng. Thời đó chưa có máy tính, nên Karlheinz Stockhausen đã tạo ra âm thanh ngay trong phòng thí nghiệm. Với tác phẩm này là cơ sở để mở ra một hướng sáng tác mới – từ cảm xúc chuyển thành hiện tượng vật lý – cho thời đại ngày nay. Làm sao để chuyển tải những nội dung tư tưởng phù hợp với thời đại mới? Đó luôn là câu hỏi khiến nhiều nhà khoa học âm nhạc không ngừng nghiên cứu để tìm hiểu sự thay đổi về quan niệm trong tư duy ngôn ngữ hòa âm, điển hình là cách cấu trúc hợp âm. Không chỉ đơn thuần ở dạng hợp âm chồng quãng 3, mà còn bổ sung nhiều dạng khác như hợp âm chồng quãng 4, chồng quãng 2, hợp âm thêm nốt, hay chồng âm dưới dạng chùm nốt… Âm nhạc thời này đi theo từng mảng màu rất đa dạng, miêu tả những nội dung của thời đại mới, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của xã hội, tạo ra sự chuyển động không ngừng của dòng chảy âm nhạc.

Những tác phẩm của các nhà soạn nhạc sáng tác ở TK XX thường hay sử dụng một số dạng hợp âm và chồng không sắp xếp theo quy luật chồng quãng 3 (chords by thirds) như hòa âm cổ điển, mà gồm hợp âm chồng quãng 4, quãng 2 và chồng âm (clusters).

Hợp âm chồng quãng 4 (chords by fourths) gồm nhiều dạng khác nhau:

Hợp âm ba nốt chồng quãng 4 (three – note chords by fourths), hợp âm này có 3 âm (âm 1, âm 4 và âm 7), được sắp xếp theo quãng bốn, gồm các dạng: 4 đúng – 4 đúng ( D – G – C); 4 đúng – 4 tăng (D – G – C#); 4 tăng – 4 đúng (D – G# – C#). Riêng 4 tăng – 4 tăng (D – G# – Cx) là không thực tế vì âm 1 và âm 7 là đẳng âm ( D = Cx).

Hợp âm ba nốt chồng quãng 4 có một thể nguyên vị và hai thể đảo. Cấu tạo của thể nguyên vị là chồng hai quãng 4, thể đảo một là quãng 4 ở dưới và quãng 2 ở trên (G – C – D). Thể đảo hai ngược lại với thể đảo một là quãng 2 ở bè dưới và quãng 4 ở bè trên (C – D – G), tạo ra hiệu quả màu sắc hòa âm ấn tượng (2).

Hợp âm 4 nốt chồng quãng 4 (four-note chords by fourths) bao gồm 4 âm (âm 1, âm 4, âm 7 và âm 10), mỗi âm cách nhau một quãng 4. Hợp âm này gồm một thể nguyên vị và ba thể đảo. Thể nguyên vị có cấu tạo chồng liên tiếp ba quãng 4 (E – A – D – G). Thể đảo một có cấu tạo: quãng 4 – quãng 4 – quãng 6 (A – D – G – E). Thể đảo hai có cấu tạo: quãng 4 – quãng 6 – quãng 4 (D – G – E – A). Thể đảo ba cấu tạo: quãng 6 – quãng 4 – quãng 4 (G -E – A – D) (3).

Hợp âm nhiều nốt chồng quãng 4 (multi-note chords by fourths), cũng tương tự như hai dạng hợp âm ba và bốn nốt chồng quãng 4. Trong hòa âm TK XX chúng ta còn gặp dạng 5, 6, 7 chồng quãng 4, thậm chí cả dạng 12 chồng quãng 4, tạo hiệu quả hòa âm căng dần. Ví dụ:

Hợp âm 5 nốt chồng quãng 4: E – A – D – G – C

Hợp âm 6 nốt chồng quãng 4: E – A – D – G – C – F

Hợp âm 7 nốt chồng quãng 4: E – A – D – G – C – F – B

Hợp âm 12 nốt chồng quãng 4:

E – A – D – G – C – F – B – Es – As – Des – Ges – Ces

Làm phép liệt kê 12 nốt chồng quãng 4 sắp xếp theo thứ tự nửa cung cromatic ta có chuỗi hàng âm sau: C – Des – D – Es – E – F – Ges – G – As – A – B, chỉ còn thiếu nốt si béka là đủ 12 bán âm. Các hợp âm chồng quãng 4 kiểu này hay được sử dụng theo kiểu chuyển động song song thành chuỗi hợp âm nhằm tạo những mảng màu ấn tượng (3).

Hợp âm chồng quãng 2 (chords by seconds), bên cạnh việc sử dụng các hợp âm chồng quãng 4, trong ngôn ngữ hòa âm TK XX còn gặp nhiều hợp âm chồng quãng 2, trong đó có hai dạng tiêu biểu là hợp âm 3 nốt chồng quãng 2 và hợp âm nhiều nốt chồng quãng 2.

Hợp âm 3 nốt chồng quãng hai có cấu trúc: quãng 2 trưởng – 2 trưởng (E – F# – G#), quãng 2 trưởng – 2 thứ (E – F# – G), quãng 2 thứ – 2 trưởng (E -F – G), quãng 2 thứ – 2 thứ (E – F – Gb) (4).

Hợp âm ba nốt chồng quãng 2 xếp hẹp, bao gồm một thể nguyên vị (quãng 2 – quãng 2: C – D – E) và hai thể đảo, có cấu tạo như sau: thể đảo một (quãng 2 – quãng 6: D – E – C) và thể đảo hai ngược lại với thể đảo một là (quãng 6 – quãng hai: E – C – D) (5).

Khi xếp rộng, hợp âm chồng quãng 2 được sắp xếp đảo thành quãng 7 (C – D – C), cũng như hợp âm chồng quãng 3 đảo thành quãng 6 (G – E – D) và hợp âm chồng quãng 4 sẽ đảo thành sắp xếp quãng 5 (B – F – C) (6). Sự sắp xếp này hình thành nên những quãng 7 và quãng 9 đem lại cho hợp âm 3 nốt chồng quãng 2 sự chắc nịch và đường nét tự do hoạt động của các bè.

Ngoài những hợp âm nêu trên còn có hợp âm nhiều nốt chồng quãng hai (7).

Các chồng âm dưới dạng chùm nốt (clusters, theo các nhà phân tích còn gọi là cụm âm thanh), trong thực tế hòa âm TK XX thường bắt gặp những chồng âm quãng 2 từ 7 đến 14 nốt, xếp dày đặc tạo thành từng chùm nốt nối tiếp nhau song song tạo ra hiệu quả căng cứng, chắc nịch và tạo độ tương phản mảng màu giữa sáng – tối. Khi đó, đàn trên piano người nghệ sĩ phải chơi bằng lòng bàn tay hoặc cánh tay (8). Những cụm âm thanh lớn thường mang hiệu quả đột ngột, gây cảm xúc mạnh mẽ khi về kết, còn những chùm nốt nhỏ thì chuyển động nhanh nhẹn và dễ kiểm soát hơn (9).

Những dạng hợp âm chúng tôi giới thiệu ở trên, chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của hòa âm cổ điển, nhằm bổ sung thêm kiến thức về quan niệm hòa thanh trong thời kỳ này. Ở đây tồn tại song song quan niệm về cách thành lập hợp âm theo quy luật chồng quãng 3 và các hợp âm ngoài quãng 3 như hợp âm: chồng quãng 4, chồng quãng 2, cùng các dạng hợp âm thêm nốt và sử dụng chồng âm dưới dạng chùm nốt. Khi nghiên cứu các tác phẩm âm nhạc của thời kỳ này, chúng tôi đều nhận thấy cấu trúc hòa âm nói trên được các nhạc sĩ sử dụng rất phong phú và đa dạng trong tác phẩm của mình. Nhiều nhạc sĩ đã đưa vào những kiểu cấu trúc hòa âm rất khác lạ, mang hơi thở và phong cách hòa âm mới, thường được gọi là ngôn ngữ hòa âm TK XX.

________________

1. Stefan Kostka và Dorothy Payne (biên soạn 2004), Tonal harmony with an introduction to twentieth-century music, Nxb Mc Graw Hill.

2. Tham khảo thêm Vincent Persichetti, Twentieth century harmony, Ex 4-6, P.95; hoặc: Trần Mạnh Hùng, Poem symphony Lệ Chi Viên, (nhịp 6, tác giả rải hợp âm ba nốt chồng quãng 4: G# – C# – F#), tr.11.

3. Tham khảo tác phẩm của Alban Berg (Wozzeck); Anton Weber (op.4 – No.1), Nguyễn Thiện Đạo (Định mệnh bất chợt); Arnold Schoenberg (op.19 – No.6)…

4. Xem thêm Vincent Persichetti (các dạng hợp âm ba nốt chồng quãng hai), sđd, Ex.6-1, P.122.

5. Xem thêm Vincent Persichetti (hợp âm ba nốt chồng quãng hai xếp hẹp và hai thể đảo), sđd, Ex.6-2, P.122.

6. Tham khảo Vincent Persichetti, sđd, Ex.6-3, P.122.

7. Tham khảo trong các tác phẩm của Nguyễn Thiện Đạo (Định mệnh bất chợt, phần Cơn lốc Hoạn Thư ghen; Milton Babbit, Philomel (phần Interlude); Đỗ Hồng Quân (Esquisses cho piano -No.2), Béla Bartók (String Quartet, No.3, (phần Boosey), p.3; Aaron Copland, Piano Sonata, ( phần Boosey), p.14…

8. Tham khảo Vincent Persichetti, sđd, Ex, 6-14, P.127.

9. Tham khảo tác phẩm của Lutoslawski Jeux Venitiens II (nhịp 85-86); hoặc Béla Bartock, Sonate piano (chương 3)…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Loan

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *