Một số kinh nghiệm từ việc phát triển kinh tế du lịch ở Nghệ An


Việc phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Nghệ An không chỉ có ý nghĩa trong việc đánh thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn của tỉnh, thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan; phấn đấu đưa du lịch Nghệ An trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ.

Thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ngày 16-1-2017, Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chương trình hành động số 55-CTr/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2030; tiếp đó UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về triển khai Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngành Du lịch Nghệ An cũng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 166/KH-SDL để thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh. Những chương trình, kế hoạch này là sự thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nội dung và biện pháp của Đảng để thực hiện phát triển kinh tế du lịch phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của từng vùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Việc phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Nghệ An đã có từ trước đó, nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi lượng du khách trong và ngoài nước đến các địa điểm du lịch của Nghệ An tăng cao, thì kinh tế du lịch mới thực sự trở thành ngành mũi nhọn, làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng, nhiều địa phương. Theo thống kê, năm 2019, toàn tỉnh đón khoảng 6,53 triệu lượt khách du lịch, trong đó 4,7 triệu lượt khách lưu trú, tăng 9,5%; khách quốc tế ước đạt 145.000 lượt, tăng 12,6%; tổng thu du lịch ước đạt 8.800 tỷ đồng, trong đó, doanh thu các dịch vụ du lịch ước đạt 4.580 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018 (1).

Đảo chè Thanh Chương, Nghệ An – điểm thu hút khách du lịch

Ảnh: Hải Thọ

Ở điểm du lịch thường có sự phối kết hợp giữa các hoạt động vui chơi giải trí, tổ chức những hoạt động thể dục thể thao, biểu diễn văn hóa văn nghệ, triển lãm, giới thiệu về danh lam, thắng cảnh, cuộc đời, sự nghiệp của những anh hùng dân tộc ở địa phương; công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, đa dạng với nhiều hình thức khác nhau; tổ chức hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch Nghệ An tại TP.HCM gắn với công bố tour du lịch Hành trình về nguồn và khám phá vẻ đẹp xứ Nghệ, hội chợ Travex tại Quảng Ninh năm 2019. Nhờ vậy, bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh đã có nhiều thay đổi, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch, sinh thái, người dân có thể tận dụng những điểm du lịch, vui chơi giải trí mở hàng quán, phục vụ du khách đến thăm quan.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế vốn có, thì việc phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Đó là sự phát triển kinh tế du lịch chưa gắn với phát triển bền vững, chưa chú trọng đến vấn đề tái tạo, bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau; tồn tại tình trạng “chặt chém” du khách đến tham quan của một số chủ hộ sản xuất kinh doanh cũng như vẫn còn hiện tượng chèo kéo khách; lực lượng an ninh ở các điểm du lịch, di tích lịch sử, nhất là ở các khu vực nghỉ mát, nghỉ dưỡng còn mỏng, chưa đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; việc xử lý những vi phạm của người dân, cơ sở dịch vụ chưa đủ tính răn đe, giáo dục…

Hiện nay, phát triển kinh tế du lịch ở nhiều nơi đã trở thành hướng mũi nhọn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nằm trong dòng chảy của xu thế đó, phát triển kinh tế du lịch ở Nghệ An đã có những chuyển mình tích cực, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả đạt được, có thể rút ra một số kinh nghiệm để phát triển kinh tế du lịch ở Nghệ An trong thời gian tới:

Một là, quán triệt sâu sắc những nghị quyết, văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, chương trình hành động của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Tỉnh ủy Nghệ An về phát triển kinh tế du lịch. Đây là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững ở tỉnh Nghệ An. Theo đó, nội dung quán triệt cần đi vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, thiết thực gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng bộ phận, lực lượng đảm nhiệm; đề ra được phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế du lịch cho từng vùng, từng địa bàn theo hướng phát triển bền vững, không chạy theo số lượng, thành tích mà đánh đổi bằng môi trường, xuống cấp về văn hóa; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách về văn hóa, du lịch trong tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các quy định, yêu cầu, hướng dẫn cách thức tổ chức quảng bá, giới thiệu các hoạt động thăm quan, nghỉ dưỡng, đầu tư phát triển.

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng để phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Điều này được biểu hiện ở sự phối kết hợp hành động một cách đồng bộ, ăn khớp trong thực hiện các chương trình, dự án về phát triển du lịch về hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm cho các hoạt động du lịch diễn ra thông suốt; trao đổi, xử lý kịp thời các sự việc, tình huống xảy ra, bảo đảm môi trường du lịch an toàn, thân thiện… Trong đó, Sở Du lịch phải là trung tâm kết nối, trung chuyển của việc phát triển kinh tế du lịch; phải tích cực, chủ động trong xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung hợp tác, trao đổi với các bộ phận, lực lượng khác trong việc xây dựng các khu du lịch trọng điểm gắn với quy hoạch tổng thể cho toàn tỉnh, tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để quảng bá du lịch…

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các loại dịch vụ, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Cần xử lý thật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có những biểu hiện sai phạm trong hoạt động du lịch, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục với du khách, chấp hành nghiêm quy định của Ban quản lý các khu vui điểm du lịch khu di tích lịch sử, danh làm thắng cảnh; phổ biến sâu rộng bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch và chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, chấn chỉnh và tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm và phương tiện vận tải khách du lịch theo tuyến thủy nội địa; phối hợp quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng xe ô tô đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh trên địa bàn.

Bốn là, nâng cao năng lực quản lý, thích ứng của ngành Du lịch Nghệ An trước những biến đổi phức tạp của điều kiện xã hội. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ cho du lịch Nghệ An, mà còn đối với du lịch ở các địa phương khác. Trong thời gian gần đây, đại dịch COVID-19 đã khiến cho du lịch cả nước nói chung và Du lịch Nghệ An nói riêng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các điểm du lịch đều phải ngừng hoạt động, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng đều giảm. Do đó, nâng cao năng lực quản lý, thích ứng của ngành Du lịch Nghệ An với những biến đổi phức tạp của xã hội không chỉ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt, mà còn bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài. Đội ngũ cán bộ quản lý ngành Du lịch cần đề cao tinh thần, trách nhiệm trong việc xây dựng phương án dự phòng hữu hiệu đối với từng hoạt động du lịch, nhất là khả năng dự báo của từng địa phương; phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân cùng tham gia phát triển du lịch; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho nhân dân về ý thức tham gia các hoạt động du lịch; đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu du lịch.

Với những lợi thế về tự nhiên và lịch sử truyền thống cách mạng, phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Nghệ An sẽ mở ra nhiều triển vọng trong tương lai. Việc phát huy những kết quả đã đạt được, nghiêm túc khắc phục khó khăn, thiếu sót; sự vào cuộc quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ quản lý du lịch, cũng như sự năng động của các doanh nghiệp, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, thì kinh tế du lịch của tỉnh Nghệ An sẽ phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành Du lịch cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.

______________

1. Quang Minh, Du lịch Nghệ An dần khẳng định vị trí ngành kinh tế quan trọng, Báo điện tử Đảng Cộng sản, ngày 10-1-2019.

Tác giả: Hồ Bá Tú

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *