Một số vấn đề về phim hài điện ảnh việt nam (phần i)


Sau những Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm, Kén rể, Người cầu may, sau những Dịch cười, Tiền ơi, Ai chết cho người đẹp, Tết này ai đến xông nhà…, có thế nói thể loại phim hài đã tìm được vị trí của mình cạnh các thể loại khác trong điện ảnh Việt Nam. Nhưng rồi từ sau những phim ấy tới nay, phim hài điện ảnh đã ít xuất hiện, trong khi phim hài truyền hình, nhất là thể loại sitcom (hài tình huống) đã và đang thắng thế, do và nhờ những ưu việt riêng…

Trên thực tế, phim hài là một trong những thể loại phổ biến của phim truyện từ trước tới nay. Nó ra đời và phát triển dựa trên nhu cầu của khán giả luôn thích được cười vui, giải trí và suy ngẫm lại về chính bản thân mình. Qua tiếng cười, phim mang tới cho khán giả một vài bài học cảnh tỉnh hoặc góp phần bài trừ cái xấu, cái dở, cái bất hợp lý, lạc hậu, tiêu cực… đang cản ngăn cuộc sống đi lên.

Nhìn ra thế giới, phim hài đầu tiên là của Pháp, phim Người làm vườn tưới nước (1895) của anh em nhà Lumiere (Auguste, 1862-1954, Louis, 1864-1948), những người được coi là sáng lập ra nghệ thuật điện ảnh, khi “sáng tạo nên một nghệ thuật mới và một công nghệ mới”(1) và khuynh hướng làm phim hài trở thành trường phái đầu tiên cũng ở Pháp. Và cũng nhờ nó mà thế giới biết tới đạo diễn hài xuất sắc R.Clair (1898-1981), người mà “trong bộ phim câm Chiếc mũ rơm Italia (1927), loại bỏ gần hết phụ đề và tìm sự tương đương với đối thoại (một trong những động cơ gây cười của hài kịch Labiche) bằng tình thế hài hước tương đối rõ ràng, những trò hài hước, thuật biểu diễn và montage chặt chẽ”(2); cũng như biết tới diễn viên hài cự phách thế giới Louis de Funès (1914-1983, được biết đến nhiều nhất là qua các vai hài đặc sắc như thanh tra P.Juve trong loạt phim Fantômas, hay vai cảnh sát trưởng L.Cruchot trong loạt phim Cảnh sát). Mãi tới 1914, trường phái phim hài ở Mỹ mới xuất hiện và những nghệ sĩ hài tài năng đã được biết đến, nhưng trước đó 1 năm những vinh quang của vua hài S.Saplin (1889-1977), nhà nghệ sĩ không tiền khoáng hậu của nhân loại, đã bắt đầu. Điều đáng nói là trong các phim của vua hề này đều có sự kết hợp các yếu tố gây cười với sự mổ xẻ tâm lý rất sâu sắc. Ở Ý, phim hài dù xuất hiện vào thời kỳ tân hiện thực, là thời kỳ sang chói của điện ảnh nước này, nhưng cũng chủ yếu thể hiện và cười diễu những mâu thuẫn của xã hội tư bản. Còn ở Liên Xô, những năm 30 thế kỷ trước ghi nhận một đạo diễn suốt đời làm phim hài là G.V.Alexandrov, một nữ ngôi sao rực rỡ là L.P.Orlova, những năm 50, 60 với các cây đại thụ E.A.Riadanov, E.N.Sengelai, và nghệ sĩ danh tiếng I.V.Ilinski.

Và cần nhấn mạnh một vấn đề là đối với thể loại phim hài, ngoài một số dạng thức căn bản mà phim truyện hài thường áp dụng, người ta còn nhìn nhận nó ở các yếu tố hợp thành như cái hài tạo nên từ tình huống, tính cách và hoàn cảnh (có các mặt đối lập nghịch lý); từ ngoại hình, cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ thoại (có những nét bất bình thường)…

Mặt khác, phim hài cũng thường được nhìn nhận, trên cơ sở đó để phân loại và tìm ra những đặc trưng riêng, ở hai loại. Loại thứ nhất là thông qua tiếng cười hài hước để phản ánh, lột tả những vấn đề xã hội – thời đại sâu sắc (như các phim hài của đạo diễn S.Saplin, trong đó có Thời đại tân kỳ – 1936)(3), ở ta là các phim như Thị trấn yên tĩnh, Dịch cười… Loại thứ hai là chủ yếu gây tiếng cười giải trí, thư giãn cho khán giả (như loạt phim hài về cảnh sát của điện ảnh Pháp do Louis de Funès đóng), ở ta là các phim Kén rể, Tết này ai đến xông nhà

Cũng có những dạng thức hài khác được nhiều nhà làm phim trên thế giới sử dụng khá đắc địa. Chẳng hạn có thể kể đến dạng thức đả kích, nơi mà tiếng cười hài hước nhằm trực diện vào những thế lực xấu xa, thù địch, độc ác hoặc lạc hậu đang áp chế con người. Có thể lấy một ví dụ về dạng thức hài này là phim Kẻ độc tài (1940, đạo diễn kiêm diễn viên S.Saplin).

Hơn nữa, một dạng thức hài khác hay được áp dụng là hài hước – trữ tình. Ở đó, tiếng cười tuy tùy vào tài năng, phong cách gây cười của các nhà đạo diễn với các tông, tạng và sắc độ đậm nhạt khác nhau, nhưng mẫu số chung là thường kết hợp với tính trữ tình của hoàn cảnh và nhân vật, bộc lộ những cảm xúc thương cảm hoặc vui, buồn, yêu mến đối với các nhân vật rơi vào tình cảnh cười ra nước mắt. Có thể lấy nhiều ví dụ về dạng thức hài này, trong đó cần kể đến các phim như Sân ga dành cho hai người (Liên Xô), Ánh đèn sân khấu (S.Saplin – Mỹ), Cuộc dạo chơi lớn (Louis de Funès đóng vai chính, Pháp)…

 

Điểm qua đôi chút về lịch sử, một số dạng thức phim hài thế giới như vậy để thấy những cường quốc phim hài và các nhà làm phim hài được cả thế giới biết đến không nhiều. Ở đây không chỉ “xem người lại nghĩ đến ta”, mà còn thực sự muốn được cảm thông, chia sẻ đối với những đạo diễn dũng cảm “nhảy” vào thể loại này và khâm phục ở chỗ họ đã làm cho thể loại này chút nữa trở thành một trường phái (điều này cần thiết biết bao) trong điện ảnh ta. Đây là thể loại khó, vì vậy dù trải qua hơn 40 năm, phim truyện nước ta cũng mới chỉ có được chừng mươi phim hài tương đối khá

Nếu nhìn lại những năm trước, có thể kể đến phim hài đầu tiên là Kén rể (1975) và sau đó là Làng Vũ Đại ngày ấy (1982) đều của đạo diễn Phạm Văn Khoa, và có thể xem ông như người đi đầu trong thể loại này. Lịch sử điện ảnh thế giới cũng ghi nhận phong cách làm phim hài của ông khi nhận xét “ông đã không ít lần làm phim bằng cách khai thác các tác phẩm văn học và sân khấu lớn của Việt Nam”(4). Nhưng đáng nói hơn cả là thời kỳ của những phim đã nêu ở đầu bài này. Những tiếng cười trong các phim đó phải nói là có giá trị thẩm mỹ nhất định. Nếu Thị trấn yên tĩnh (dù chịu ảnh hưởng khá nhiều của phong cách Nga, khi các nhà làm phim đã đem chất hài hước của văn hào Gogol để xây dựng một bộ phim chỉ trích chế độ quan liêu trong xã hội Việt Nam, với lời mỉa mai, châm biếm) là tiếng cười phê phán thói quan liêu thì Thằng Bờm (biên kịch Bành Châu, đạo diễn Lê Đức Tiến, Hãng phim truyện Việt Nam, 1987) là một tiếng cười dân gian đã đi vào tiềm thức của nhiều người. Hơn nữa, còn cần biểu dương Dịch cười ở chỗ đã hướng cười tới cả một tổng thể những thói hư tật xấu trong đời. Phim Tiền ơi (biên kịch Nguyễn Hữu Luyện, đạo diễn Trần Vũ, Liên hiệp Điện ảnh Việt Nam, 1989) của nhiều nhà làm phim, dù không lắng đọng được lâu trong lòng người xem, cũng thành công ở việc mô tả một thực tế khá “trần trụi”: vì tiền, tất cả mọi mặt đời sống từ đạo đức, thái độ của người với người… tới cách ứng xử của nhân tình thế thái…, đều được “hài hước hóa” khá thuyết phục. Và nhà biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh, một thời kỳ nhất định đã có những kịch bản phim hài hay, những tưởng anh sẽ chuyên viết kịch bản phim hài, nhưng không biết “người rất có duyên hài” này còn duyên nợ nhiều không với thể loại này?

Khi đề cập tới tình trạng điện ảnh ta trong nhiều giai đoạn đã thiếu vắng những phim hài hay, chúng tôi đã từng nêu câu hỏi “đâu rồi những phim ấy?” và thấy rằng phim Ai chết cho người đẹp (Hãng phim Tài liệu Khoa học trung ương, 1992) cũng là một trong những cách trả lời cho câu hỏi ấy. Với phim này, êkíp làm phim hài có thâm niên Lê Đức Tiến – Đoàn Trúc Quỳnh đã đem đến cho người xem một tác phẩm nhiều tính thẩm mỹ; cho những ai vốn quan tâm, theo dõi, yêu mến điện ảnh nước nhà một sự yên tâm nhất định – chí ít là về thể loại phim hài.

Ở phim này, Đoàn Trúc Quỳnh và Hà Đình Cẩn đã rất giàu trí tưởng tượng khi xây dựng một tình huống đắc địa: 3 lần thi chọn chàng rể cho một cô hoa hậu. Cách mở nút, tạo hưng phấn về một sự ồn ào, náo nhiệt giữa các “cây si” quanh cô hoa hậu cũng không kém phần lý thú. Và giả tưởng “chọn mặt gửi vàng” 1000 ứng cử viên để chọn 5 vị vào chung khảo lấy 1 vị chàng rể cũng khá khéo ở khâu kịch bản. Mặt khác, Ai chết cho người đẹp đã quy tụ được khá nhiều diễn viên gạo cội, với những tên gọi, xuất xứ, chức vụ… của các nhân vật ấy khiến người xem có ngay được những liên tưởng hài hước. Đó là vị trưởng lễ có thâm niên của các cuộc thi kén rể (Trịnh Thịnh); bố mẹ hoa hậu (Hồ Thái – Ngọc Lan); thi sĩ Nắng Điên hay nhà thơ Bút Tre, người mỗi đêm “sản xuất” hàng vạn câu thơ (Tuấn Hải); giám đốc công ty tư nhân Đinh Văn Nhọt (Bùi Cường); thủ thủy tàu viễn dương đẹp mã và galăng Đô Văn Đê (Chí Trung); chuyên viên SBC Lê Bình Bịch (Anh Tú); chàng Việt kiều giàu sụ kiểu “triệu phú mới nổi” (Bùi Bài Bình). Đặc biệt là Thu Hà rất bi hài trong vai người đẹp… Uy tín và đẳng cấp nghề nghiệp của dàn diễn viên nặng ký này đã là một sự đảm bảo cho trên 50% thành công của Ai chết cho người đẹp. Hơn nữa, tự thân tên phim, tên các nghệ sĩ làm phim đã là một sự “hữu xạ tự nhiên hương” của phim này…

Phim Ai chết cho người đẹp thuộc một trong số các dạng thức gây cười chủ yếu của phim hài là nhạo báng, mỉa mai. Ở đây, mức độ gây hài hước là ngầm và gợi… nhằm phê phán những thói tật, những điều phi lý và nghịch cảnh trong xã hội. Đối tượng phê phán thuộc về nhân vật chính hoặc nhân vật đối lập với nó. Đồng thời, phim cũng thuộc dạng thức hài châm biếm. Ở đó, mức độ gây cười – hài hước mạnh mẽ hơn, trực diện hơn nhưng vẫn có tính chất hóm hỉnh, nhẹ nhàng đối với những điều trớ trêu, phi lý hoặc ngang trái. Hơn nữa, không lạm dụng những ưu thế của thể loại một cách máy móc và khiên cưỡng để mong rút ngắn con đường đến với người xem, bộ phim đã giải quyết được phần nào một trong những vấn đề khó của điện ảnh: Kết hợp tính nghệ thuật và chất lượng hàng hóa của một tác phẩm điện ảnh.

Còn trong phim hài điện ảnh Dịch cười (biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, Hãng phim truyện Việt Nam, 1988, phim nhựa đen trắng), tiếng cười có thể xem là thâm thúy và không cũ, dù chất hài được xem là xưa cũ. Từ năm 1988 đến nay, xã hội đã có nhiều thay đổi, cách cảm nhận phim hài của khán giả khi xưa và hiện nay không thể không có sự khác nhau. Tuy nhiên, vào giữa năm 2009, nếu không tin tưởng vào sự lựa chọn đúng đắn trong phong cách làm phim hài của mình thì đạo diễn Dịch cười đã không khẳng định “nếu giờ cho tôi làm lại thì tôi vẫn làm như thế thôi”.

Bây giờ có dịp xem lại, thấy trong Dịch cười có một cái duyên ngầm nào đó. Phim kể chuyện một nhà máy thủy điện sắp được xây dựng tại một vùng nông thôn. Ông tổng giám đốc khi đến đây đã vung tay diễn thuyết trước một… đám ma, rằng sẽ biến “thung lũng đau thương thành cánh đồng hạnh phúc”. Từ đó có tin đồn (do ngộ nhận từ hài kịch ngắn diễu cợt của một kỹ sư trẻ) là ông tổng bị mất nhẫn khi đang vung tay phát biểu. Nhiều tình huống dở khóc dở cười đã diễn ra sau đó, như việc công nhân bị huy động bỏ hết việc làm để đi tìm nhẫn cho ông tổng; cấp dưới phải mua nhẫn mới để trả lại cho cấp trên dù chuyện mất nhẫn là không có thật… Cuối cùng, vì không xây dựng nổi trạm điện, công trường phải chuyển sang xây dựng công viên…

Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn của phim này từng cho rằng, cái cốt lõi văn hóa của một cộng đồng khiến cho con người ta phản ứng với một cái hài có thể khác nhau về cấp độ nhưng bản chất của hài vẫn có cái ổn định nhất định. Bộ phim thể hiện những suy nghĩ dung dị, bình thường của một con người. Chẳng hạn như việc một ông giám đốc đến tuổi về hưu đã gói con dấu lại giấu vào túi rồi thách thức anh phó mới lên thay rằng: “Đố anh ngồi vào được cái ghế của tôi đấy!”. Những chi tiết gây cười một cách hồn nhiên nhưng vẫn ẩn chứa nhiều vấn đề xã hội đáng suy ngẫm và luôn mang tính thời sự.

Về mặt dạng thức gây cười, Dịch cười thuộc loại trào lộng nhẹ nhàng. Nói cách khác, nhà làm phim chủ yếu đưa ra những nghịch cảnh, những phi lý trớ trêu mà nhân vật (nhiều khi là người tốt) phải chịu, qua đó gợi tiếng cười đồng cảm, chia sẻ, đồng thời gợi cảm xúc căm ghét cái hoàn cảnh đang áp đặt nghịch lý lên nhân vật…

Trong khi đó, Tết này ai đến xông nhà (kịch bản Lê Ngọc Minh, đạo diễn Trần Lực, Hãng phim truyện Việt Nam, 2002) là một phim hài đã hội tụ khá hài hòa các yếu tố từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên… đến việc vận dụng ngôn ngữ điện ảnh. Xoay quanh nhân vật kiến trúc sư Thi, dù đã ngoài 40 tuổi vẫn chưa tìm được vợ (vì anh đòi hỏi quá cao nhưng bản thân chỉ là một gã đàn ông tệ hại), một lần bị một cô gái đeo khẩu trang tông phải, anh đã đem lòng tương tư sau khi được cô đền cho anh 100 USD…, kịch bản phim này có tính kịch và hấp dẫn, có sức cuốn hút người xem.

 

Và với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên hài nổi tiếng (Quang Thắng, Quốc Khánh, Chí Trung…), bộ phim của Trần Lực đã tạo được tiếng cười sảng khoái cho khán giả không chỉ nhân dịp năm mới. Trong bộ phim truyện nhựa hài này, có nhiều tình huống dí dỏm, đời thường. Và một ưu điểm rõ ràng là đạo diễn phim đã giảm được sự cường điệu hóa, khi đưa cái hài từ cuộc sống ngoài đời vào điện ảnh, với cốt truyện vừa có chất xã hội, vừa có chất điện ảnh…

Nhưng sẽ là thiếu sót nếu xem xét toàn cảnh vấn đề mà không kể thêm một số phim hài nữa, nhất là vào những năm sau này và gần đây.

Phim Người cầu may (biên kịch Đoàn Lê, đạo diễn Tự Huy, Hãng phim truyện Việt Nam, 1989) với chất hài nhẹ nhàng thông qua câu chuyện, cũng là bi kịch, của một ông già về hưu từ theo đuổi đến trở thành đam mê chơi xổ số, với mơ ước trúng giải độc đắc. Đến khi tay trắng và bị bà vợ tống ra khỏi nhà, nhân vật của chúng ta vẫn không thôi mơ ước mua xổ số cầu may.

Phim Không phải chuyện cười (biên kịch và đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện, Xưởng phim Ngọc Khánh, 1991) có một “mở nút” khá độc đáo khi kể về một nhân vật chính phải vào tù vì… buôn bom nguyên tử. Tại đây, anh ta trở thành đại ca của các “vua ôtô”, “vua quota”, “vua tín dụng”, “vua bão lụt”. Phim có nhạc khá ấn tượng và dàn diễn viên (Tất Bình, Trịnh Thịnh, Văn Hiệp, Mạnh Sinh, Bích Ngọc…) vào vai khá nhuyễn.

Sự tái xuất khá ấn tượng của biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh trong Dòng sông cười (đạo diễn Phạm Thanh Phong, Hãng phim truyện Việt Nam, 1994) với chất hài nhẹ nhàng, thông qua câu chuyện bà con dân chài tại một làng cù lao muốn xem tuồng trên sông vì không thể rời thuyền. Tiếng cười được khai thác từ trò diễn “tự biên tự diễn” ngộ nghĩnh của các diễn viên nghiệp dư, khiến cả dòng sông cười vang…

Và chẳng hạn như câu chuyện hài về giám đốc Hào Phú (phim Hào phú đa tình, biên kịch và đạo diễn Xuân Kỳ, Hãng phim Bến Nghé, 1994) giả nghèo, xin học sinh ngữ ở lớp của một cô giáo, rắp tâm “cua” cô để được cô yêu. Câu chuyện phim diễn ra từ lớp học tới bệnh viện, khai thác cả chuyện tống tiền lẫn nhân vật lưu manh; hòa lẫn chất hài hước Nam Bộ vào với các tình huống tâm lý xã hội khi người dân nông thôn miệt vườn đã có nhu cầu học ngoại ngữ…

Hẳn người xem khi xem các phim hài trên đều thấy… thiếu và thừa một cái gì đó. Và đó là gì nếu không phải căn bệnh mãn tính của phim ta nói chung và phim hài ta nói riêng? Thực ra, mỗi phim trên đều bộc lộ chất hài riêng, tuy nhiều khi ưu điểm của phim này lại là nhược điểm của phim kia và ngược lại. Nói cách khác, những yếu tố như câu chuyện phim, nhân vật, sở trường diễn viên, bối cảnh, tình huống hài, thoại… đều được khai thác nhưng phim thì chưa tới, phim thì… quá đà, có phim nếu không thiếu chất hài thì lại yếu ở tình huống gây cười. Nhiều phim có các mảng miếng hài lẫn lộn giữa hài sân khấu và hài điện ảnh. Nhiều cái hay và gây cười của của các thể loại nghệ thuật khác chưa được khai thác hiệu quả và đắc địa. Đó là chưa kể tiếng cười trong một số phim khá nhạt, thậm chí vô duyên và vô bổ…

Riêng mảng phim “hài thời vụ” (sản xuất và chiếu trong dịp Tết) cũng không ít vấn đề, trong đó ngoài vấn đề chất lượng nghệ thuật đã được bàn nhiều thì cũng còn nhiều vấn đề mới phát sinh khác liên quan tới phim hài…Thứ nhất là chuyện quảng cáo, lăng xê phim. Như Tết 2004, Khi đàn ông có bầu được chi tới trên 700 triệu cho tiếp thị, quảng cáo. Riêng các nhà làm phim 2 trong 1 đã lập kỷ lục khi chi trên 1 tỷ quảng cáo cho phim có “Thành Lộc giả gái ra sao và Ngô Thanh Vân… tắm thế nào”… Thứ hai là phim hài mạnh dạn “ôm” hết các đề tài, kể cả đề tài nhạy cảm, lần đầu xuất hiện trên phim Việt Nam. Chẳng hạn, Tết Đinh Hợi 2007, Phát tài là một phim hiện diện tấp nập với tần số cao chuyện tình của những nhà tạo mẫu tóc, giới ít khi xuất hiện trên phim ảnh ở tuyến nhân vật chính, rồi tiểu thư con nhà đài các và cô gái bán ve chai… Và dù đạo diễn phim này cho rằng tình yêu của người đồng tính “không phải là chiêu để câu khách do nhân vật đồng tính nữ được xây dựng đúng với yêu cầu cần thiết cho tính hiệu quả của nội dung phim” thì việc “cày đi xới lại” cho thấy đồng tính dù chưa phải là đề tài quá đát nhưng theo chúng tôi thì đã bị lạm dụng. Trong khi đó, Giấc mơ của Chí Phèo với “đôi lứa dở hơi” đã hài hước ngay từ chuyện thửa các bộ răng hô “quá cỡ thợ mộc”, khi ít nhiều không chỉ làm lại mà còn mong muốn làm mới chất hài trong một phim gần 30 năm trước của đạo diễn Phạm Văn Khoa, nhưng vì nhiều lý do, phim cho thấy một “phú quý giật lùi” và “lực bất tòng tâm”…

Ngoài ra, ở mảng phim thời vụ này phải nói tới một sự mới mẻ trong giới làm phim hài Việt Nam, khi chất lượng phim là “chuyện tính sau”, còn “nổ” phải là “chuyện tính trước”. Chẳng hạn như Tết Mậu Tý 2008, trước khi quay Hồn Trương Ba da hàng thịt, đạo diễn tuyên bố như đinh đóng cột rằng “89 phút hấp dẫn là dành riêng cho khán giả, chỉ một phút cuối mới dành riêng cho mình”, hoặc “phim chiếu xong, có doanh thu mới nhận thù lao”. Lời các quảng cáo cũng được người ta tìm mọi cách nghĩ ra, cốt tạo nam châm đối với các “thượng đế” là không ít khán giả đến rạp cốt để “mua vui cũng được một vài trống canh”. Ví dụ, người xem có thể đọc được trên poster của Hồn Trương Ba da hàng thịt những câu như “cười té ghế”, “cười đến… ngất xỉu”, “cười lăn cười bò”… Không chịu “kém miếng”, poster của 2 trong 1 còn mạnh miệng: “Nếu khán giả không cười thì có thể… trả lại tiền mua vé”. Và không muốn thua chị kém em, poster của Đẻ mướn còn đi xa hơn chứ không chỉ gây tò mò: “Quý vị hãy đến với Đẻ mướn để xem Chi Bảo và Hà Kiều Anh diễn thử cảnh vợ chồng”(!). Như vậy, sự phản cảm nhiều khi không phải do phim mà ở chỗ, nhiều lúc người ta đã “treo đầu dê bán thịt chó” và người làm phim hài đã tự hài hước chính mình bởi thói “một tấc đến trời”…

Nhưng ở bình diện khác, có thể nói, các yếu tố của thể loại hài hước thường được vận dụng rất nhiều vào các thể loại khác nhau. Khi kết hợp với thể loại bi kịch, cái hài hước còn góp phần tạo thành thể loại bi – hài. Ở khía cạnh này, từng có những phim rất thành công trên màn ảnh thế giới như một số phim chuyển thể từ tiểu thuyết Don Kihote, hoặc phim Cuộc sống ngọt ngào (giải Cành cọ vàng, Cannes 1959) của đạo diễn F.Fellini (1920-1993), từng đoạt 4 giải Oscar, người “góp phần khám phá ra những chân lý mà thiếu sự khám phá đó, nhân loại còn tiếp tục xuống dốc. Ông nhắc lại những câu chuyện gần như những thảm họa trong khi lại mỉm cười. Nụ cười mỉm nghiêm túc ấy lại giúp người ta hy vọng”(5). Đáp ứng nhu cầu giải trí, thư giãn của khán giả trong cuộc sống có nhiều căng thẳng, mệt mỏi hiện nay, nhiều phim truyện của nhiều nước gần đây đều đưa vào những cảnh, đoạn điểm xuyết tính chất gây cười hóm hỉnh, vui tươi, thậm chí cả trong những phim có đề tài được cho là khô khan, không thích hợp với phim hài…

Trong nhiều phim hài mà các nhà làm phim hài chúng ta có thể tham khảo, trước hết, phải kể đến phim Bẫy tình (Marriage trap, phim Trung Quốc, đạo diễn Zhang Cheng, chiếu tại các rạp Việt Nam vào tháng 7-2008), một phim hài “kiểu Trung Quốc điển hình”. Bẫy tình khá độc đáo khi kể về một chàng chủ hôn rơi vào bẫy tình. Tình yêu vốn được xem là món hàng kỳ cục nhất trần đời, bởi vì… miễn phí nhưng lại chẳng tiền bạc nào mua nổi; ngoài ra món hàng này còn không được bảo hành hay có chế độ hậu mãi. Tiếng cười vì thế cũng được dịp bùng nổ trong người xem…

Và khi đề cập đến thành công của phim hài này, không thể không kể đến vai trò của đạo diễn và dàn diễn viên. Đạo diễn phim đã tìm được một cách gây cười mang đậm phong cách Trung Quốc: thâm thúy, cười “hết cỡ”, pha trộn giữa cười bình dân và cười trí tuệ. Đóng góp vào sự thành công của phong cách gây cười đó phải kể tới sự hóa thân khá hoàn hảo của hai diễn viên chính là Quách Đào (vai chủ hôn) và Đào Hồng (vai nữ quái lừa đảo), nhờ một lối diễn tung hứng, khai thác hết “chất cười thâm thúy và nhiều duyên ngầm” để đưa người xem đi hết bất ngờ này tới sự thích thú khác…

Còn lối làm phim hài “song bích hợp kiếm”, phim Anh bạn gia sư (phim Hàn Quốc, do Ji Ki Woong và Kim Ho Jeong đạo diễn, chiếu tại các rạp Việt Nam vào tháng 10-2008) được xem là mở ra một hướng đi mới cho thể loại phim tình cảm hài cũng như một công thức thành công cho thể loại phim hài ở Hàn Quốc: kết hợp hài hòa giữa chuyện phim lãng mạn, hài hước với sự hấp dẫn của nhiếu yếu tố với các cặp đôi cấu thành: kịch bản và đạo diễn, nhân vật phim và diễn viên, sự độc đáo và tính đời thường của chuyện phim… Kinh nghiệm có thể tham khảo từ phim này trước hết là chuyện phim hài cũng là một câu chuyện tình lãng mạn, sự trở lại của “những tràng cười sảng khoái hết cỡ” từ cuộc sống, của những nhân vật phim cũng như các diễn viên thủ vai họ lôi cuốn và hấp dẫn… Điều đáng nói là để có được một tác phẩm hài như mong muốn, 12 kịch bản đã được viết và phát triển trong suốt 3 năm dài, cuối cùng tất cả được tập hợp lại trong một kịch bản được xem là hoàn hảo. Vì thế, Anh bạn gia sư được cho là ra đời từ những ý tưởng mới, những nhân vật mới và xu hướng làm phim mới.

Bộ phim gây cười bằng cách tạo các tình huống hài từ các bài học tiếng Hàn ngay tại đất nước của văn hóa và giáo dục. Chính sự cường điệu trong tình huống, một cốt truyện giả tưởng và các nhân vật vui nhộn cùng với phong cách làm phim khiến chuyện phim được hé mở từ từ… đã khiến khán giả có những trận cười ra nước mắt. Việc đưa những ý tưởng mới lạ vào thể loại phim hài là công thức kết hợp mà bấy lâu các nhà làm phim đang tìm kiếm, và sự thành công của Anh bạn gia sư theo hướng sáng tạo này là một ví dụ sinh động. Ngoài ra, cũng cần phải nhấn mạnh, phim đã đem đến cho người xem nhiều tiếng cười vui nhộn còn bởi cốt truyện mới lạ và các nhân vật thú vị.

(Còn nữa)

_______________

1. Claude Beylie, Jacques Pinturault, Được đặt hàng thực hiện giấc mơ, Những bậc thầy của điện ảnh Pháp, Nxb Bordas S.A. Paris, 1990, tr.26 (bản tiếng Pháp).

2. Trần Đắc, R.Clair, nhà đạo diễn điện ảnh Pháp thuần chất, Đạo diễn điện ảnh thế giới, Viện Nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh, Hà Nội, 1995, tr.148.

3. Được bầu chọn trong danh sách “100 phim hài hay nhất của điện ảnh Mỹ”, do Viện phim Mỹ (American Film Institute – AFI) công bố ngày 14-6-2000.

4. Từ điển bách khoa điện ảnh, Nxb Từ điển Xô viết, Matxcơva, 1987, tr.442 (bản tiếng Nga).

            5. Vũ Ngọc Thanh, Federico Fellini là ai?, Đạo diễn điện ảnh thế giới, Viện Nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh, Hà Nội, 1995, tr.317.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 305, tháng 11-2009

Tác giả : Vũ Ngọc Thanh

4/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *