Trong khi nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời (1900-1930), chúng tôi bắt gặp một cuốn sách mà cũng như nhiều cuốn khác cùng thời, thời gian chẳng những đang phủ bụi lên nó, mà còn làm cho nó có nguy cơ biến mất. Đó là tiểu thuyết Chiếc xuyến vàng của Nguyễn Văn Thao. Cuốn sách gợi cho chúng tôi rất nhiều suy nghĩ về nội dung, về cách viết và nhất là cái tên thể loại mà tác giả đặt cho nó: Tiểu thuyết mới. Với những thành công bước đầu trong nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật và sử dụng ngôn từ, Nguyễn Văn Thao đã có những đóng góp ấn tượng vào quá trình xây dựng nền văn xuôi quốc ngữ buổi phôi thai.
Ngoài hai bài thơ đề từ ở đầu sách và bài Cảm tưởng của một người đọc Chiếc xuyến vàng của tác giả Việt Sơn ở cuối sách, cuốn sách dày 60 trang in trên khổ giấy 16x21cm, do Việt Nam văn tập xuất bản năm 1929. Cốt truyện được tóm tắt như sau: Một buổi tối cuối tháng bảy, Thanh Tâm cùng ba người bạn đi xem hát ở rạp Cải lương hý viện. Tình cờ Thanh Tâm ngồi cạnh một thiếu nữ rất xinh đẹp tên là Bích Lan. Bỗng Bích Lan hớt hải kêu mất chiếc xuyến nhờ mọi người tìm hộ. Thanh Tâm đốt diêm tìm thấy, lau sạch rồi đưa trả Bích Lan khiến cô rất mừng. Từ đó, Thanh Tâm thường hay nghĩ đến Bích Lan. Sau vài lần gặp gỡ tình cờ tiếp theo, mối quan hệ giữa hai người đã trở nên thân tình, ràng buộc. Tình cảm êm đềm diễn ra được ba tháng thì Bích Lan hay tin cha mẹ tác hợp cho cô với một người vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lục lộ là con một ân nhân của gia đình. Bích Lan đau khổ báo tin cho người yêu. Thanh Tâm được tin như sét đánh ngang tai, ốm liệt giường nửa tháng trời. Mẹ anh, vì thương con nên dù biết đã muộn vẫn đến nhà Bích Lan xin hỏi cưới nhưng việc không thành. Từ đó, hai người thường xuyên trao đổi thư từ, thổ lộ tâm trạng đau khổ của mình với người yêu. Đau khổ vì tình yêu tan vỡ chưa đủ, Bích Lan còn khổ tâm vì bị người yêu nghi ngờ thay lòng đổi dạ nên đã nghĩ đến cái chết. Vì mẹ hết sức khuyên giải, cô lại nghĩ phải ráng sống để ân trả nghĩa đền cho gia đình. Trước khi về nhà chồng, Bích Lan gửi lại cho Thanh Tâm chiếc xuyến để sau này tặng cho người bạn trăm năm. Sau ngày Bích Lan về nhà chồng, thỉnh thoảng đi xem hát, Thanh Tâm vẫn gặp nàng đi với Trịnh Liên – người chồng mới cưới và mỗi lần gặp là một lần tái tê. Bích Lan thấy Thanh Tâm tiều tụy quá nên càng đau khổ. Nhân dịp chồng muốn sang Lào làm việc, Bích Lan đã đồng ý ra đi cùng chồng. Trước khi đi, cô gửi cho Thanh Tâm lá thư nói rõ mọi chuyện. Thanh Tâm nhận được thư, ra ga đưa tiễn, đứng từ xa nhìn Bích Lan lần cuối.
Nhìn chung, cốt truyện của tiểu thuyết khá đơn giản, không có nhiều sự kiện éo le, tình tiết ly kỳ. Chủ đề tình yêu lứa đôi tan vỡ trước sức ép của gia đình cũng không còn hoàn toàn mới mẻ vào thời điểm cuốn sách này ra đời. Do vậy, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi tác giả đề ở trang bìa ba chữ Tiểu thuyết mới. Trên thế giới, thuật ngữ tiểu thuyết mới mãi tới năm 1947 mới xuất hiện dưới ngòi bút của nhà phê bình Maurice Nadeau. Vào khoảng những năm 50, 60 của TK XX, tiểu thuyết mới trở thành một khuynh hướng văn học phát triển chủ yếu ở Pháp với những tác giả tên tuổi như: Nathalie Sarraute, Michel Butor, Alain Robbe Grillet, Claude Simon… Như vậy, Nguyễn Văn Thao chưa hề được tiếp thu hay chịu ảnh hưởng lý thuyết về tiểu thuyết mới trên thế giới. Vậy cơ sở nào khiến nhà văn đặt tên ấy cho cuốn tiểu thuyết của mình? Phải chăng là một quan niệm mới về tiểu thuyết xuất phát từ tinh thần thoát ly triệt để những đặc trưng của văn xuôi tự sự truyền thống mà đương thời nhiều người vẫn đang vận dụng? Hướng tới mô hình tiểu thuyết mới, dù có thể nhà văn chưa hình dung đầy đủ hình hài của nó, mà mới chỉ đặt mình ở vạch xuất phát của hành trình tìm kiếm, thể nghiệm, thì vẫn là một tinh thần rất đáng trân trọng. Đọc cuốn sách, chúng tôi nhận thấy, thành công nổi bật nhất trên con đường tìm kiếm một tiểu thuyết mới của Nguyễn Văn Thao chính là việc thể hiện tâm lý nhân vật và khả năng vận dụng, sáng tạo ngôn từ.
Về khả năng thể hiện tâm lý nhân vật, một cuốn sách mà chúng tôi không thể không đem ra để so sánh, đó là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Thành công về nghệ thuật diễn tả tâm lý nhân vật của nhà văn họ Hoàng trong tiểu thuyết này là không thể phủ nhận. Hơn nữa, nó xuất hiện và ngay lập tức trở thành một hiện tượng văn học từ trước đó bốn năm. Do vậy, trong lịch sử tiếp nhận tiểu thuyết Việt
Tố Tâm và Đạm Thủy (Tố Tâm) bắt đầu bước vào tình yêu thì cả hai đều biết họ sẽ không thể gắn bó với nhau mãi mãi. Đạm Thủy đã có vợ chưa cưới ở quê nhà mà vì tình cảm thiêng liêng với gia đình cho nên không thể thay đổi được. Tố Tâm biết điều đó và luôn bị giày vò là đã làm phiền cho người sẽ nên gia thất cùng Đạm Thủy. Nghĩa là mầm mống tan vỡ đã sẵn có từ khi tình yêu bắt đầu. Hai người yêu nhau say đắm mà biết rằng vĩnh viễn không thuộc về nhau nên tình yêu càng mãnh liệt. Nhưng mãnh liệt bao nhiêu là bi kịch bấy nhiêu. Khác với Tố Tâm và Đạm Thủy, Thanh Tâm và Bích Lan (Chiếc xuyến vàng) đến với nhau khi cả hai hoàn toàn tự do, không bị một ràng buộc nào về tình cảm. Chỉ đến khi gia đình Bích Lan thông báo về cuộc hôn nhân đã được sắp đặt của nàng thì bi kịch mới bắt đầu. Do vậy, quãng thời gian trước đó, trong sự tự do của tình cảm, những rung động của tâm hồn đã kết thành những cảm xúc hết sức đẹp đẽ, thơ mộng, sáng trong.
Tình yêu đến với Thanh Tâm dịu dàng, nhẹ nhàng như một dòng nước mát rỉ thấm dần dần. Cảm giác đầu tiên về tình yêu của Thanh Tâm là một sự xao động của tâm hồn không sao giữ nổi: “Tâm trí tôi đương bình tĩnh, phẳng lặng như mặt hồ về thu, bỗng bị người cầm đá ném xuống thì nước tránh sao không khỏi gợn sóng lăn tăn, lan vòng ra mãi”(1). Khi tình cảm đã hình thành rõ rệt, những xao động ban đầu chuyển thành suy nghĩ tập trung hướng về một đối tượng. Thanh Tâm dần dần rơi vào trạng thái dường như chỉ biết người ấy – người mình yêu: “Trong những ngày ấy tôi không còn thiết gì nữa! Tôi đem so sánh những cách giải trí ngày thường với cuộc đàm tâm thú vị cùng Bích Lan đã thấy rẻ rúng quá chừng, coi như trò trẻ con”(2). Nhưng tình cảm không lấn át được lý trí. Trong những cuộc trò chuyện ngày một thân mật, Thanh Tâm nhận ra Bích Lan là người có tư tưởng, có những nỗi khổ tâm riêng không dễ thổ lộ nên càng nâng niu, trân trọng: “Trong khi truyện (3) trò tôi cẩn thận cân nhắc từng lời từng tiếng, không dám nói nặng nửa câu. Tôi coi nàng như một vật quý báu không nỡ dùng tay phàm phũ động vào”(4). Bích Lan đã đón nhận những tình cảm ấy với tất cả niềm hạnh phúc của một thiếu nữ lần đầu rung động nỗi thương yêu. Và Thanh Tâm đã tham dự vào đời nàng như là điều không thể thiếu: “Độ ấy Bích Lan lại hay đi xem hát. Lần nào đi cũng hẹn tôi cùng đi. Tuy rằng bao giờ nàng đi cũng có thân mẫu nàng và em nàng đi theo, song nàng vẫn bắt tôi phải đi. Đi thì phải ngồi xa nàng. Mỗi khi đến đoạn hát hay nàng lại cười, đoạn trông sang chỗ tôi xem tôi có đồng ý với nàng không. Nếu nàng thấy tôi cũng cười mà vỗ tay khen thì lấy làm khoái trí vô cùng và thêm vui vẻ lắm. Không những thế, hoặc nàng đi xem hội, đi lễ đền chùa nào, nàng cũng bắt tôi phải đến, tưởng tượng như chủ ý nàng định tỏ cho tôi biết rằng nàng đã yêu tôi thì cuộc đời của nàng với cuộc đời của tôi tất phải giống nhau như một”(5).
Không chỉ diễn tả rất tinh tế, chính xác những cảm xúc nhiều khi còn mơ hồ, vu vơ của mối tình đầu, Nguyễn Văn Thao còn để cho nhân vật tự phân tích, lý giải những trạng thái tâm lý, tình cảm của mình, tạo nên chiều sâu nội tâm của nhân vật. Nói về sự gắn bó giữa hai người từ những việc rất nhỏ, Thanh Tâm cho rằng: “Những sự nhỏ nhặt như thế kể ra không biết bao nhiêu. Người ngoài thì cho là vô nghĩa lý, song cứ ý tưởng tôi xét ra thật việc nào cũng có một nguyên nhân mà xuất ư tự tấm lòng yêu nhau muốn cùng nhau sẻ ngọt chia bùi mà ra cả”(6). Nhưng càng yêu thương gắn bó bao nhiêu thì càng đau đớn bấy nhiêu khi tình yêu tan vỡ, đôi lứa chia lìa. Thanh Tâm ví mình như người vừa bước ra từ một giấc mộng, mà căn nguyên là bởi: “Bấy lâu vì tôi ham đọc tiểu thuyết, sống về ảo tưởng, mơ màng những cuộc tình – trường viển vông, đằm thắm, lại gặp Bích Lan là người tài sắc vẹn toàn, tâm đồng ý hợp, cùng một tính tình, cùng một ảo tưởng như tôi, tự nhiên thành cùng nhau gắn bó. Trong mấy tháng giời mối tình khăng khít ngày một thấm thía chỉ biết một niềm yêu nhau quý nhau không hề có để tâm nghĩ đến nông nỗi sau này ra sao! Kịp đến khi thúy rẽ uyên chia, đôi đường đứt gánh, tôi như người tỉnh cơn mộng tưởng, mới hay rằng cảnh đời nhiều nỗi éo le, con tạo vẫn quen thói cuộc vui chưa bày đã xóa”(7)…
Hướng vào nội tâm để tìm lời giải cho những trạng thái cảm xúc của mình cũng chính là một sự tự ý thức về cá nhân. Nhân vật chứng tỏ đã làm chủ con người mình, thậm chí còn chủ động đón nhận đắng cay: “Ở đời ta cũng nên nếm thử những vị đắng cay cho thêm phần lịch duyệt”(8). Thanh Tâm biết vì đâu mà mình đau khổ. Do vậy, chính lúc buồn bã nhất, nhân vật lại thấy như mình đang trưởng thành trong nhận thức về cuộc đời: “Cái cuộc tình trường thất bại kia làm cho tôi đau đớn bao nhiêu, tôi lại càng tỉnh ra bấy nhiêu. Tôi mới hiểu rằng trước kia tôi vẫn tưởng cuộc đời sống về mộng ảo biết bao lạc thú là nhầm vậy”(9). Với những lời trần thuật trực tiếp nỗi lòng ấy, sức hấp dẫn của nhân vật trong Chiếc xuyến vàng không phải ở dáng hình, hành động, ngôn ngữ… như nhân vật trong các loại tiểu thuyết tài tử – giai nhân, lịch sử hay võ hiệp, trinh thám… cùng thời, mà chính là thế giới nội tâm bí ẩn cứ dần dần hé lộ. Như vậy, dùng cái nhìn hướng nội để phản ánh hiện thực tâm lý, khai thác thế giới bên trong của con người, Chiếc xuyến vàng đã có được những đặc điểm của loại tiểu thuyết tâm lý. Dẫu nghệ thuật của Nguyễn Văn Thao chưa thể sánh cùng Hoàng Ngọc Phách, nhưng Chiếc xuyến vàng đã góp phần khẳng định sự hình thành của loại tiểu thuyết tâm lý trong giai đoạn 1900-1930, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của loại tiểu thuyết này trong giai đoạn sau với những cây bút chủ chốt của Tự Lực văn đoàn và một số nhà văn hiện thực mà tiêu biểu là Nam Cao.
Cùng với nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, Chiếc xuyến vàng còn có những thành công bước đầu về nghệ thuật ngôn từ. Văn phong của Nguyễn Văn Thao ở tác phẩm này về cơ bản đã thoát khỏi cấu trúc biền ngẫu, thể hiện rõ nét tính hiện đại từ cú pháp đến cách dùng từ, diễn đạt. Diễn tả tâm trạng của Thanh Tâm sau cuộc nói chuyện với Bích Lan tại Văn Miếu trong lần gặp gỡ thứ ba, tác giả viết: “Về đến nhà cơm nước xong xuôi, tôi vội lên gác đóng cửa buồng lại, những muốn được tĩnh mịch một mình để ôn lại câu chuyện lúc ban chiều”(10). Sau những hồi tưởng với rất nhiều cảm xúc đan xen như “tôi tự nghĩ…”, “tôi giật mình…”, “tôi không tin…” là: “canh tà, giăng xế, bốn bề im lặng, nỗi lòng tôi đã dần dần nguôi, thân thể đã thấy hơi mỏi mệt, mới nằm ngả xuống giường. Song tâm trí hãy còn phảng phất tưởng tượng đến cái thú vị êm đềm như ru rồi dần dần nhắm hai mi mắt lại, ngủ thiếp đi lúc nào không biết”(11). Một thứ ngôn ngữ nhẹ nhàng, dịu dàng, uyển chuyển, vừa đủ ôm lấy sự vật. Diễn tả những rung động của mối tình đầu, lại là một thứ tình trong sáng, không vẩn mùi tình dục thì chỉ thế thôi là đủ hấp dẫn người đọc. Nó khiến người ta liên tưởng đến những truyện ngắn đậm chất trữ tình của Thạch Lam hay Thanh Tịnh sau này. Còn thổ lộ tình cảm với người yêu mà diễn đạt như Bích Lan thì có khác gì lắm đâu so với lời lẽ của nhân vật trong các tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn: “Khi em giơ tay đỡ lấy chiếc xuyến và cảm ơn anh, em thấy anh cũng thẹn thùng e lệ, hai gò má đỏ gay lên như một vị khuê các tiểu thư, thì muôn sợi tơ lòng em cũng rung động cả lên. Em chạm vào tay anh thấy tay anh run run, em cũng bủn rủn cả người hình như cái sức ngấm ngầm ở tay anh đã truyền sang khắp mình em rồi vậy”(12).
Bên cạnh một thứ ngôn ngữ mềm mại, uyển chuyển như thế, đôi khi Nguyễn Văn Thao còn tạo ra bất ngờ cho độc giả bởi những từ ngữ được sử dụng rất táo bạo và linh hoạt. Chẳng hạn, sau cuộc nói chuyện hai giờ đồng hồ, Bích Lan ra về trước, Thanh Tâm còn lưu lại: “Tôi lại ngồi xuống chỗ cũ, tai còn văng vẳng những lời thỏ thẻ của Bích Lan, tưởng tượng như nàng còn ngồi ở bên cạnh. Tôi ngồi thừ ra đấy để hưởng vớt lấy chút thú vị thừa (LTA nhấn mạnh). Sau giời đã gần tối tôi phải rời chân ra về, lòng còn quyến luyến ngẩn ngơ”(13). Hay trong lá thư cuối cùng gửi cho Bích Lan trước ngày nàng về nhà chồng cùng với một lọ nước hoa làm quà tặng, Thanh Tâm viết: “Nhưng em ơi, rồi đây hương lửa nồng nàn, ngọn sóng nó xô đẩy em lăn lộn trong nguồn ân bể ái, không biết một giọt nước hoa của anh có đủ sức gây được mùi nhớ, khiến những khi đèn khuya mây sớm, em còn tưởng đến anh nữa chăng?”(14). Thực ra, đây không phải là sáng tạo hoàn toàn mới của tác giả Chiếc xuyến vàng. Từ TK XVIII, cụ Nguyễn Tiên Điền đã viết hương gây mùi nhớ. Đóng góp của Nguyễn Văn Thao là cách diễn đạt để biến một vế câu có thể đứng độc lập trong một cú pháp văn vần có hình thức tiểu đối (hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình) thành một vế phụ (bổ ngữ) trong một cú pháp đã được văn xuôi hóa. Những nỗ lực đáng khích lệ này đã góp phần làm mới ngôn ngữ tiểu thuyết giai đoạn 1900-1930, giai đoạn mà bên cạnh những ảnh hưởng Pháp, tiểu thuyết còn nhiều buộc ràng với các loại truyện truyền thống và truyện dịch Trung Quốc.
Phải nhận rằng Chiếc xuyến vàng cũng như phần lớn tiểu thuyết ra đời trong khoảng ba mươi năm đầu TK XX, chưa phải là tác phẩm thuộc loại xuất sắc. Bởi vậy một phần mà nó đã bị đánh rơi vào biển thời gian. Nhưng trong tinh thần sưu tầm, giới thiệu nhằm hướng tới khôi phục đầu đủ hơn nữa diện mạo vốn có của tiểu thuyết quốc ngữ giai đoạn đầu, bắt gặp Chiếc xuyến vàng trong tình trạng đã cũ nát, chúng tôi vẫn thấy rất mừng. Mong rằng cuốn sách này cũng như nhiều cuốn khác nữa cùng thời sẽ được giữ gìn thật cẩn trọng hoặc được chụp thành microphim để có thể lưu lại lâu dài hơn. Đó sẽ là những minh chứng quý giá về một giai đoạn văn học đặc biệt – giai đoạn khởi đầu của thời kỳ hiện đại, bởi vì nếu có tái bản, cuốn sách chắc chắn sẽ không còn giữ được nguyên vẹn hình dạng ban đầu của nó.
_______________
1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14. Nam Túy Nguyễn Văn Thao, Chiếc xuyến vàng, Việt Nam văn tập xb, Hà Nội, 1929, tr.16, 24, 28, 33, 33, 40, 40, 40, 23, 23, 46, 22, 51.
3. Những trích dẫn từ tiểu thuyết Chiếc xuyến vàng được chúng tôi giữ nguyên cách viết của tác giả và nhà in, do vậy có cả các lỗi mà ngày nay thường gọi là morat hoặc chính tả.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014
Tác giả : Lê Tú Anh
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn