Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII


Cán bộ và công tác cán bộ luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ở mọi giai đoạn, thời điểm cách mạng. Làm tốt công tác cán bộ sẽ thúc đẩy phong trào phát triển, tạo được nhiều dấu ấn, niềm tin trong quá trình công tác và ngược lại nếu công tác cán bộ làm không tốt sẽ kìm hãm, không tạo được động lực phấn đấu, quyết tâm cao trong công việc của mỗi người; đồng thời, tạo dư luận không tốt trong xem xét, đánh giá các sự vật, hiện tượng.

     Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng là quá trình liên tục, lâu dài gắn liền với hoạt động thực tiễn, với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn, thời kỳ để có những sắp xếp, bố trí cho hợp lý, khoa học nhằm phát huy được năng lực, thế mạnh của từng người. Đó là những hoạt động mang tính tích cực, chủ động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan các cấp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cũng như trong cân nhắc, bổ nhiệm cán bộ vào những vị trí chủ chốt, quan trọng, đúng với chức trách, nhiệm vụ được giao. Đó còn là những yêu cầu đặt ra ngày càng cao cho đội ngũ cán bộ về phương pháp, tác phong công tác, cũng như phẩm chất, năng lực uy tín trước đơn vị.

     Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đã chỉ rõ: Công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng. Đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị và sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, quy chế để tổ chức thực hiện. Các quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Chủ trương luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương đạt được kết quả bước đầu.

     Bên cạnh những ưu điểm, Nghị quyết đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ: Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược chưa được tập trung xây dựng. Chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, tư vấn cấp chiến lược.

     Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Nghị quyết đã xác định các chủ trương, phương hướng đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ như sau:

     Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh cho đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay

     Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng và các phẩm chất về đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh cho đội ngũ cán bộ quân đội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi đây sẽ là cơ sở tiền đề cho đội ngũ cán bộ quân đội luôn tuyệt đối trung thành, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bi quan, dao động, ngại khó, ngại khổ, tạo lập được những dấu ấn gần gũi trong quá trình công tác tại đơn vị. Đặc biệt là vấn đề xây dựng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ quân đội cần được quán triệt và thấu suốt trong mọi thời kỳ, giai đoạn, thời điểm, không được lơ là, xem nhẹ công tác này. Theo đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cần đi sâu vào việc quán triệt những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với quân đội, định hướng những suy nghĩ, hành động đúng đắn cho đội ngũ cán bộ quân đội để họ luôn giữ vững và phát huy phẩm chất, truyền thống bộ đội Cụ Hồ trong công tác, giải quyết các mối quan hệ trong đời sống. Thường xuyên tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, trọng tâm là thực hiện tiêu chí, chuẩn mực đạo đức lối sống sát với chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân, từng vị trí công tác. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “nêu gương, tình thương, trách nhiệm”, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì thực sự là tấm gương mẫu mực cho cán bộ, chiến sĩ học tập, noi theo. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng là quá trình liên tục lâu dài gắn liền với hoạt động thực tiễn, với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn, thời kỳ để có những sắp xếp, bố trí cho hợp lý, khoa học phát huy được năng lực, thế mạnh của từng người. Đó là những hoạt động mang tính tích cực, chủ động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan các cấp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cũng như trong cân nhắc, bổ nhiệm cán bộ vào những vị trí chủ chốt, quan trọng đúng với chức trách, nhiệm vụ được giao. Đó còn là những yêu cầu đặt ra ngày càng cao cho đội ngũ cán bộ trong quân đội về phương pháp, tác phong công tác, cũng như phẩm chất, năng lực uy tín trước đơn vị. Đồng thời, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII; Kết luận 37-KL/TW, ngày 2-2-2009 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020; Kết luận 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

     Thứ hai, thường xuyên đổi mới công tác đánh giá cán bộ

     Nghị quyết đã chỉ rõ việc đổi mới công tác cán bộ cần quán triệt quan điểm, xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Do vậy, trong đánh giá cán bộ ở đơn vị hiện nay, cần cụ thể hóa thành những hành động, việc làm cụ thể gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị đặt ra. Lấy hiệu quả công việc làm tiêu chí để đánh giá, xem xét, bổ nhiệm, cân nhắc cán bộ ở những vị trí khác nhau, có như vậy, mới tạo được niềm tin, uy tín của cán bộ cấp dưới đối với cơ quan đánh giá và đối với cán bộ chủ trì, đứng đầu đơn vị. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ được tiến hành thường xuyên, liên tục, có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, công khai đến từng cán bộ; tránh việc đánh giá theo mùa vụ, giai đoạn, đến thời điểm bổ nhiệm, cân nhắc thì chú trọng đến công việc, được lòng của mọi người, đến khi được bổ nhiệm thì có những hành động, lời nói đi ngược lại với những gì đã làm, đã hứa trước đó. Dựa vào tập thể để thăm dò, đánh giá cán bộ và thông qua những kênh khác nhau: người trực tiếp quản lý cán bộ, những đồng chí, đồng đội xung quanh, khả năng giải quyết các mối quan hệ trong và ngoài đơn vị… Thực tiễn cũng cho thấy, việc đánh giá cán bộ ở một số đơn vị hiện nay vẫn còn mang tính chủ quan, áp đặt, chưa có sự bàn bạc dân chủ công khai, chưa thực sự quan tâm đến năng lực, phẩm chất của cán bộ mà chủ yếu nhìn nhận, đánh giá thông qua những biểu hiện bề ngoài như: thân thiện, gần gũi, khéo léo trong ăn nói, người thân quen trong họ hàng… Vì vậy, yêu cầu hiện nay đối với việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ trong quân đội là phải thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ được phát triển về mọi mặt, lấy chất lượng công việc và uy tín đối với đơn vị làm tiêu chuẩn, thước đo để tạo nguồn cán bộ.

     Thứ ba, ban hành và thực hiện nghiêm các quy định, quy chế, cơ chế về cán bộ và công tác cán bộ

     Chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp về công tác cán bộ phải được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Nghị quyết chỉ rõ: tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp. Trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp. Rà soát, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức, khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, nhà nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức.

     Xây dựng được tiêu chí đánh giá cán bộ, việc tuyển chọn cán bộ phải được thực hiện dân chủ, công khai, bảo đảm tuyển chọn đúng những người có tiêu chuẩn theo từng chức danh. Xây dựng và thực hiện các quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm một cách chặt chẽ. Quá trình tổ chức thực hiện công tác cán bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng và đích thân cán bộ đứng đầu phải chăm lo xây dựng, đổi mới tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của các cơ quan làm công tác cán bộ, khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán, không rõ trách nhiệm, không nắm chắc cán bộ.

     Thứ tư, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ

     Xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược có số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng là vấn đề có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tập trung nâng cao chất lượng toàn diện, trước hết là lòng trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, với tổ quốc, với nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất, năng lực toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. Đổi mới quan điểm, phương pháp, quy trình đánh giá cán bộ, bảo đảm đánh giá công khai, minh bạch, trung thực, khách quan, toàn diện lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ và uy tín trong cơ quan, đơn vị làm thước đo chủ yếu. Đổi mới công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ. Đối với cán bộ diện quy hoạch lâu dài, cần lựa chọn nguồn đưa vào quy hoạch những người ưu tú trong công nhân và những người lao động, công chức trẻ, sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp trong lực lượng vũ trang. Định kỳ, bổ sung cán bộ đủ tiêu chuẩn, có triển vọng đưa vào quy hoạch.

     Xây dựng, hoàn thiện, cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược làm cơ sở cho việc phát hiện, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng. Tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về luân chuyển cán bộ; thực hiện luân chuyển trên cơ sở quy hoạch cán bộ. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển, điều động và tăng cường cán bộ. Kết hợp hài hòa giữa luân chuyển và ổn định đội ngũ cán bộ. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ luân chuyển, tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc tiến cử, trọng dụng nhân tài, có cơ chế để nhân dân tiến cử hiền tài.

______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

2. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2012.

3. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

4. Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII của Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018.

 

Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *