Nền tảng tư tưởng, lý luận trong quá trình phát triển văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam


Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là một sự kiện lịch sử vĩ đại, một bước ngoặt lớn lao, một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử tư tưởng cách mạng Việt Nam TK XX. Nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng chính là sự tổng hợp tinh hoa chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các thành tựu tư duy lý luận sáng tạo của Đảng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta từ năm 1930 đến nay. Quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật là một bộ phận trong đường lối cách mạng, có tác dụng dẫn đường, chỉ lối phát triển văn học nghệ thuật nước nhà với những thành tựu to lớn, đóng góp tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Những quan điểm văn nghệ cơ bản của Đảng trong tiến trình phát triển văn học, nghệ thuật cách mạng

Văn hóa, văn nghệ có tính giai cấp (tính đảng), tính dân tộc, tính nhân dân; văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa

Hơn nửa thế kỷ qua, Đảng ta đã xây dựng hệ thống quan điểm lý luận vô cùng sâu sắc, cụ thể để định hướng phát triển văn học nghệ thuật cách mạng. Vận dụng sáng tạo những tinh hoa lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943) của Đảng đã xác định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận, ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Văn nghệ sĩ phải là người lính cầm bút, người chiến sĩ văn hóa trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy… Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân” (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951). Người còn nêu rõ: “Văn hóa, văn nghệ không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Trong cuộc tranh luận về nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh trên báo chí công khai của chế độ thuộc địa, những năm 1940 của TK XX, nhà lý luận Mácxít Hải Triều của Đảng đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ thành công quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, làm cho chủ nghĩa duy vật thắng chủ nghĩa duy tâm, quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh đánh bại quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Trong thực tiễn cách mạng, Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh tính giai cấp của văn học nghệ thuật và vai trò chiến sĩ văn hóa của văn nghệ sĩ cách mạng, kịch liệt phản đối quan điểm cho rằng văn học nghệ thuật đứng ngoài giai cấp, phi chính trị: “Trong xã hội, nhất là trong xã hội phân chia giai cấp, không thể có văn hóa (và đặc biệt là văn học, nghệ thuật) không khuynh hướng. Tác phẩm văn nghệ nào cũng bao hàm một thái độ xã hội nhất định. Nó đứng về phe áp bức, bóc lột hoặc phản đối áp bức, bóc lột. Nó bênh vực chính nghĩa, tự do hoặc phản chính nghĩa, phản tự do. “Nghệ thuật vị nghệ thuật” là một quan điểm sai lạc mơ hồ. Văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng là một thứ văn nghệ có khuynh hướng, khuynh hướng cách mạng của giai cấp công nhân, khuynh hướng khách quan của quá trình phát triển của lịch sử. Muốn phục vụ loài người, phục vụ dân tộc, góp một phần vào lịch sử tiến hóa, những chiến sĩ văn hóa phải đứng trên lập trường cách mạng, lập trường của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chống phản động, chống mọi hình thức văn hóa đồi trụy, thoái bộ, ngu dân….” (1).

Tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”

của họa sĩ Nguyễn Sáng

Trong mọi thời đại, văn nghệ sĩ bao giờ cũng là một thành viên của xã hội, thuộc giai cấp này hay giai cấp khác. Không thể có văn nghệ sĩ trung lập về mặt tư tưởng, trong đó có tư tưởng chính trị. Cũng không thể có văn nghệ sĩ “siêu giai cấp”, tự cho mình đứng trung lập. Vì vậy, vấn đề văn học, nghệ thuật có mối quan hệ mật thiết với chính trị, chịu sự tác động, chi phối của chính trị, phản ánh lập trường và thái độ chính trị không chỉ đúng với xã hội ta, mà là một nguyên lý chung, phổ biến đối với các xã hội khác. Mác – Ăngghen đã chỉ rõ: “Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là tư tưởng của giai cấp thống trị” (2). Tư tưởng chính trị có tác động, chi phối quy định các hình thái ý thức xã hội khác, trong đó có văn học nghệ thuật.

Suốt từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng ta luôn hướng văn nghệ vào sự nghiệp phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chủ nghĩa xã hội, thực hiện những nhiệm vụ chính trị do cách mạng đề ra. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của Đảng và dân tộc ta, đã nêu rõ: trí thức, văn nghệ sĩ “phải sống với cuộc chiến đấu, sống với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nghĩa là sống với cái hiện thực vĩ đại nhất của nhân dân ta, mà đồng thời cũng là hiện thực vĩ đại của nhân dân thế giới” (3). Văn nghệ sĩ phải thường xuyên rèn luyện lập trường tư tưởng và bản lĩnh chiến đấu, coi đó là trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ – chiến sĩ. Văn học nghệ thuật được xem là vũ khí sắc bén để góp phần cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn.

Trong tiến trình lịch sử đất nước TK XX, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng đã đem hết sức lực và tài năng của mình tham gia cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh giải phóng dân tộc, sáng tác được nhiều tác phẩm tốt, góp phần xây dựng nên nền văn nghệ cách mạng của chúng ta ngày nay. Bên cạnh tính giai cấp (mà biểu hiện cao nhất là tính Đảng cộng sản), văn nghệ còn có tính dân tộc, tính nhân dân. Đây là những vẻ đẹp của văn học nghệ thuật cách mạng trong những mối liên hệ mật thiết với dân tộc và nhân dân, thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nhìn lại thực tiễn cách mạng ở nước ta hơn 80 năm qua, cuộc đấu tranh tư tưởng biểu hiện trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, một thứ “mặt trận không tiếng súng”, đã diễn ra vô cùng đa dạng; khi thì quyết liệt, nóng bỏng, lúc lại âm thầm, lặng lẽ mà dữ dội. Nhưng có một sự thật là, chưa bao giờ cuộc đấu tranh ấy ngưng nghỉ. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cuộc đấu tranh tư tưởng đã diễn ra trên hai chiến tuyến địch – ta rõ rệt. Tuy nhiên, trong điều kiện hòa bình, hội nhập quốc tế hiện nay, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng trong văn nghệ lại có những biểu hiện khá đặc biệt: có lúc như bình lặng, có vẻ không dữ dội, dễ gây cho người ta ảo giác về một trạng thái yên bình giả tạo mà các thế lực thù địch đang thực hiện bằng thủ đoạn của cuộc chiến “diễn biến hòa bình” hết sức nham hiểm. Điều này đã có thể làm cho một bộ phận văn nghệ sĩ mất cảnh giác, có thể rơi vào tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thoái hóa biến chất, phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái đạo đức, lối sống. Nhưng thực tế, cuộc đấu tranh ấy lại đang diễn ra hết sức âm thầm, ghê gớm, bí hiểm, với nhiều cung bậc khác nhau, rất phức tạp và quyết liệt. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng về văn nghệ, phê phán, bác bỏ và ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, cần phải nhận thức sâu sắc về giá trị, ý nghĩa khoa học của đường lối văn nghệ của Đảng, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng phát triển văn học nghệ thuật nước nhà.

Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đời sống chân thật, sinh động và theo một quá trình phát triển có tính chất cách mạng

Để kiến tạo nền văn nghệ cách mạng mới, Đảng ta nêu rõ quan điểm: văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội. Tác phẩm nghệ thuật là hình ảnh phản chiếu cuộc sống, thông qua nhãn quan chính trị, nhân sinh quan và thế giới quan của văn nghệ sĩ. Vận dụng sáng tạo Phản ánh luận của Lênin, Đảng ta nêu rõ: văn học, nghệ thuật cần phải miêu tả, thể hiện sinh động, chân thật cuộc sống xã hội con người.

Trong kháng chiến chống Pháp, văn học kháng chiến phải phản ánh chân thật về con người kháng chiến và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, với phương châm “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”. Văn nghệ sĩ cần thấm nhuần tinh thần dấn thân, nhập cuộc với cách mạng:

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

                                   (Hồ Chí Minh)

Với giá trị hiện thực và lãng mạn cách mạng độc đáo, văn nghệ kháng chiến nước ta đã trở thành binh chủng đặc biệt, có sức mạnh động viên, cổ vũ, kêu gọi quần chúng công – nông – binh tham gia kháng chiến, tin tưởng và sự lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã “khoác ba lô” lên đường đi kháng chiến. Trong tập nhật ký Ở rừng, nhà văn Nam Cao từng tuyên bố rằng: Hãy sống đi đã rồi hãy viết.

Trên thực tế, hàng ngàn văn nghệ sĩ đã lăn mình trải nghiệm vào đời sống gian khổ cùng nhân dân; nhiều người trong số họ đã trở thành những tên tuổi lớn trong nền văn học, nghệ thuật cách mạng như: Tố Hữu, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyên Hồng, Lưu Hữu Phước, Trần Đăng, Chính Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Học Phi, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân…

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện lớp lớp các văn nghệ sĩ kế tiếp như: Bùi Đức Ái, Anh Đức, Nguyễn Khải, Nguyễn Đức Thuận, Hoàng Việt, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Lê Anh Xuân, Phan Tứ, Nguyễn Sáng, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Hữu Mai, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã hăng hái lên đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và đi chiến trường B, C, K tham gia chống Mỹ cứu nước, đồng thời tạo nên một gia tài đồ sộ của văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà.

Trước năm 1975, khi đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đồng thời làm hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Để phát triển văn học, nghệ thuật, Đảng ta chủ trương thực hiện phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, tạo cho văn nghệ sĩ một lăng kính khoa học, sáng suốt khi quan sát, nhận thức và phản ánh hiện thực đời sống, với đặc trưng bút pháp như sau :

Thứ nhất, bằng thế giới quan duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lê nin, văn nghệ sĩ sẽ phản ánh chân thực, khách quan về đời sống, đi sâu vào bản chất đời sống thông qua việc tái hiện những mâu thuẫn cơ bản, miêu tả những quy luật cuộc sống. Khẩu hiệu mà văn nghệ sĩ cần quán triệt là “chân, chân, chân; thật, thật, thật”, tác phẩm phải đảm bảo chất lượng giá trị cả nội dung và nghệ thuật trong quá trình miêu tả hiện thực cuộc sống con người.

Thứ hai, thực hiện nguyên tắc điển hình hóa trong miêu tả đời sống, với phương châm chỉ miêu tả những gì tiêu biểu, đại diện cho đời sống vô tận.

Thứ ba, miêu tả đời sống trong quá trình vận động, phát triển có tính chất cách mạng. Nghĩa là phải tìm tòi phát hiện ra những mầm xanh của cái mới tốt đẹp, chỉ ra được bình minh của cuộc sống, kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa yếu tố lãng mạn cách mạng với yếu tố hiện thực cách mạng, cung cấp một cái nhìn lạc quan về cuộc đời và con người tích cực. Nhà văn hóa Phạm Văn Đồng nêu rõ: “Cách mạng là sáng tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội là sáng tạo. Trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật, cũng phải có sáng tạo. Theo tôi hiểu thì sáng tạo đối với các đồng chí là phản ánh được cái mới trong xã hội, làm sao cho mọi người thấy được cái nụ, cái chồi, cái bông hoa mới của chủ nghĩa xã hội đương xuất hiện trong đời sống của xã hội và trong tâm hồn của con người” (4). Chức năng cơ bản của văn hóa, văn nghệ là “hiểu biết, khám phá và sáng tạo”, do đó, văn hóa, văn nghệ là “nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất, góp phần không chỉ làm nên sự nghiệp của một con người, mà còn là động lực làm nên lịch sử của một dân tộc, của cả loài người” (5).

Tuy nhiên, theo quan điểm văn nghệ của Đảng, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác tốt nhất đối với văn nghệ sĩ chứ không hẳn là phương pháp sáng tác duy nhất. Sau này, bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng ta đã yêu cầu phải đảm bảo tự do dân chủ trong các sáng tác văn nghệ; khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi những phương pháp sáng tác phù hợp để tiếp tục sáng tác tác phẩm đảm bảo chất lượng nội dung và nghệ thuật với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo.

Văn học, nghệ thuật cách mạng có sức mạnh đặc biệt trong việc giáo dục con người, tích cực góp phần vào sự nghiệp Đổi mới, dựng xây đất nước

 Quan điểm lý luận của Đảng ta thời kỳ Đổi mới đã nhấn mạnh về khả năng giáo dục hết sức đặc thù của văn nghệ: “Không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người” (6). Đây là sức mạnh sở trường của văn nghệ tác động đến con người và đời sống xã hội, hướng con người vươn tới những chuẩn mực tốt đẹp. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (khóa VI) khẳng định văn học nghệ thuật là “bộ phận đặc biệt nhạy cảm của văn hóa, thể hiện khát vọng của con người về Chân, Thiện, Mỹ, có tác dụng bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của các thế hệ công dân”. Và nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng xây dựng con người… Hướng văn nghệ nước ta phản ánh hiện thực sinh động, chân thực và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc cũng như tái hiện lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc. Đặc biệt khuyến khích các tác phẩm về công cuộc đổi mới, thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại. Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa người với người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên, phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn. Sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật cho thiếu niên, nhi đồng với hình thức, nội dung thích hợp, nghiêm cấm xuất bản loại sách kích thích bạo lực ở trẻ em” (7).

Thay lời kết

Văn học nghệ thuật cần tiếp tục phát triển theo kịp với những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới, theo kịp đòi hỏi của công chúng hiện đại. Đảng ta mong muốn văn nghệ sĩ tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng; bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính, đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa; đảm bảo tự do sáng tác trong văn học nghệ thuật phải gắn liền với việc nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ.

Quan điểm, đường lối văn nghệ của Đảng ta, trải qua nhiều chặng đường lịch sử cách mạng Việt Nam, đã định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà với những thành tựu to lớn, đóng góp tích cực vào những thắng lợi vinh quang của cách mạng nước ta. Văn học nghệ thuật cách mạng không chỉ bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm tốt đẹp cho con người, hướng con người đến Chân, Thiện, Mỹ mà còn là vũ khí sắc bén đấu tranh chống lại những gì xấu xa, độc ác, lạc hậu, tiêu cực, phản tiến bộ.

Hiện nay, nâng cao nhận thức về tính khoa học đúng đắn trong quan điểm, đường lối văn nghệ của Đảng là hết sức quan trọng, nhằm mục đích để văn nghệ sĩ vận dụng vào thực tiễn sáng tạo văn học nghệ thuật, tiếp tục nghiên cứu những phương thức và hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác các quan điểm sai trái; đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các quan điểm thù địch trên lĩnh vực văn học nghệ thuật; từ đó tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh đặc biệt của văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam, đóng góp tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước.

_____________

1. Trường Chinh, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, dẫn theo PGS.TS. Trần Thái Học, Quan điểm văn hóa văn nghệ của đồng chí Trường Chinh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.92.

2. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.625.

3. Phạm Văn Đồng, Xây dựng nền văn hóa văn nghệ ngang tầm với dân tộc ta, thời đại ta, Nxb Sự thật, 1975, tr.124.

4. Phạm Văn Đồng, Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Sđd, tr.51.

5. Phạm Văn Đồng, Về vấn đề giáo dục – đào tạo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.6.

6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, 1986.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.60, 61.

Tác giả: Nguyễn Toàn Thắng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *