Ý nghĩa nhân văn trong tư tưởng trồng cây bảo vệ môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 28-11-1959, hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây. Người khẳng định: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều… Làm cho nước ta phong cảnh ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…” (1). Lời kêu gọi của Người đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước và trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam. Với Người, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà lấy việc trồng cây xanh là đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt, nâng cao ý thức trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và còn nâng cao đời sống của nhân dân cũng như xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc.

1. Trồng cây để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của con người

Năm 1957, nhân dịp Người về thăm Quảng Bình, Tỉnh ủy tổ chức buổi liên hoan văn nghệ chào mừng Bác tại bãi cát trống ven biển. Cuối buổi văn nghệ, Bác đứng dậy, nói với mọi người: “Để kỷ niệm một buổi tối vui của bác cháu ta. Bác đề nghị mỗi cháu ở đây phải trồng một cây phi lao để chắn gió”. Mọi người đồng ý và xin Bác được trồng 2 cây. Bác đồng ý và căn dặn “phải đảm bảo trồng cây nào, phải sống và xanh tốt cây đó”. Khi đến thăm Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Từ Sơn, Người căn dặn: “Nên cố gắng trồng nhiều cây có bóng mát để học sinh có nơi trú nắng” (2). Ngày 9-5-1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô, Hải Ninh, Quảng Ninh. Người căn dặn: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, làm cho xứ sở ta thêm đẹp” (3)… Có thể thấy, ý nghĩa của việc trồng cây là hết sức thiết thực, lớn lao và tất cả đều hướng tới mục đích vì lợi ích của con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những kêu gọi mọi người trồng cây, mà bản thân Người còn tham gia trồng và chăm sóc cây để làm gương cho cán bộ và nhân dân. Sáng ngày 11-1-1960, Người đã tham gia cùng đồng bào Thủ đô trồng cây ở Công viên hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói: “Mấy năm trước, nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu ta đời sau”.

Ngoài ra, mỗi khi có dịp đi công tác nước ngoài, Người thường chú ý đến những giống cây bản địa, có lợi cho môi trường thiên nhiên, con người để đem về nước trồng. Tháng 12-1957, đang giữa mùa đông, nhân chuyến sang thăm Trung Quốc, Bác Hồ thấy có một loại cây lá vẫn xanh tốt trong khi nhiều loại cây khác đều rụng lá. Khi hỏi cán bộ địa phương và được biết đó là một loại cây có sức sống tốt, bốn mùa cây đều xanh tươi và ít rụng lá (tên gọi ở ta là cây săng xanh). Bác đề nghị xin bạn một cây. Khi về nước, Bác đã cho trồng thử bên nhà Bác ở cạnh ao cá, Người nói với anh em làm vườn: “Đây là loại cây có sức sống tốt, mùa đông ít rụng lá, các chú chăm sóc thử xem. Nếu cây chịu được khí hậu nước ta và phát triển tốt thì sau này nhân giống trồng trên các đường phố, để mùa đông các cô, các chú công nhân quét đường đỡ tốn công sức, đỡ vất vả, khó nhọc”. Cuối tháng 5-1966, trong chuyến thăm đảo Hải Nam, Trung Quốc, Bác thấy ở đây có loại cây cọ có thể ép quả lấy dầu làm thức ăn cho con người. Nghĩ đến đời sống của đồng bào mình vẫn còn nhiều khó khăn, Bác nói với những người đi cùng: “Vùng này, đất và khí hậu cũng giống nước ta, ta có thể xin lấy giống cây cọ dầu vùng này về trồng thử. Nếu cây phát triển tốt, sau này đề nghị ngành nông nghiệp nhân giống và phát triển loại cây này để lấy quả ép dầu cho nhân dân dùng”.

Không những kêu gọi mọi người trồng cây, mà 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tham gia trồng và chăm sóc cây

Ảnh: Tư liệu

Không chỉ kêu gọi mọi người tích cực trồng cây, gây rừng mà Người còn yêu cầu phải có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng để bảo vệ môi trường. Những năm ở chiến khu, khi làm nhà cho Bác, Người yêu cầu: “Làm lán cho Bác phải dựa vào cây không được chặt phá cây ảnh hưởng đến môi trường” (4). Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác ân cần nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại… Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” (5). Trong thư gửi Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất tiên tiến miền núi và trung du, Bác nhắc nhở: “Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán” (6). Trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, Bác Hồ vẫn kêu gọi nhân dân trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước. Bác thường xuyên theo dõi, động viên, cổ vũ phong trào Tết trồng cây. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, Bác lại viết bài nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây. Trong bài viết cuối cùng của mình vào ngày 5-2-1969, Bác nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế quốc phòng” của việc trồng cây gây rừng, “đồng bào các địa phương phải biến đồi trọc thành vườn cây”.

Để phong trào Tết trồng cây ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên, khuyến khích những cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào trồng cây, đồng thời cũng phê bình, nhắc nhở những địa phương, đơn vị thực hiện phong trào trồng cây yếu. Vì thế, sau 5 năm (1960 – 1965), toàn miền Bắc đã trồng được hơn 575 triệu cây các loại, trong đó có hơn 200 triệu cây trồng ven biển để bảo vệ đê. Đồng thời, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình về phong trào trồng cây, như hợp tác xã Lạc Trung, Ngọc Long, Vĩnh Quang; các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Phong trào dần dần lan tỏa rộng khắp và mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống của con người.

2. Trồng cây để giáo dục cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy việc trồng cây để giáo dục cán bộ, giáo dục con người. Người thường lấy những việc rất giản dị trong cuộc sống thường ngày để rút ra những bài học bổ ích, thiết thực nhất cho mọi người. Năm 1965, anh em phục vụ phát hiện ra cây bụt mọc được trồng cạnh con đường nhỏ quanh ao cá bị mối xông hỏng nửa thân, sợ cây đổ gây nguy hiểm cho mọi người, các đồng chí trong cơ quan quyết định chặt bỏ cây. Khi biết được ý định đó, Bác đã nói: “Chặt bỏ một cây hỏng thì dễ, nhưng trồng được một cây mới thì rất khó. Bởi vậy các chú hãy tìm cách chữa những chỗ bị mối xông đi đã”. Rồi Bác chỉ cho anh em một kinh nghiệm chữa cây bị mối xông là cạo sạch phần thân cây bị mối xông, sau đó dùng vôi với rơm nhồi vào trong, tạo thành lớp mùn giúp cây có thể phát triển bình thường và cuối cùng, dùng xi măng trát phía ngoài không cho nước ngấm vào thân cây, đồng thời giữ cho thân cây cứng cáp, không mục nát. Anh em đã làm theo lời Bác và sau một thời gian, cây bụt mọc đã sống lại, không bị mối xông nữa và phát triển bình thường. Trong buổi nói chuyện tại một hội nghị cán bộ quản lý ở thị xã Sơn Tây, Người đã kể lại câu chuyện chữa cây bụt mọc để nhắc nhở chung mọi người làm việc gì cũng phải suy xét cho kỹ, tìm phương pháp tối ưu để đạt kết quả tốt nhất, và Người kết luận rằng: “Việc quản lý, giáo dục, xem xét cán bộ cũng phải như vậy – đừng thấy cán bộ phạm khuyết điểm đã vội vã kết luận ngay và thi hành kỷ luật mà không cần suy xét gì. Đó là thói quan liêu. Trách nhiệm của người cán bộ quản lý là phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ phạm khuyết điểm. Như vậy cán bộ mới trưởng thành, cán bộ quản lý mới làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo” (7).

Tháng 9-1965, anh em làm vườn thấy hai rễ đa nhỏ từ trên cành buông xuống lơ lửng cách mặt đường không xa, anh em phục vụ định cắt bỏ rễ đa đó đi. Biết được ý định đó, Bác không tán thành và gợi ý: nên tìm cách kéo rễ đa xuống đất, nhưng sao cho rễ đa không vướng lối đi mà còn có thể tạo cho cây có một thế vững chắc và đẹp. Bác đã chỉ cho mọi người cách làm như sau: Chẻ đôi một cây bương, đục rỗng mắt bên trong, sau đó cho đất xốp vào lòng cây bương, ốp rễ đa vào giữa rồi dùng dây buộc chặt cây bương đó lại. Cây bương được chôn xuống đất và phải thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho rễ đa thì thời gian bén đất của rễ sẽ ngắn hơn, đồng thời hướng được rễ theo chiều ta muốn. Khoảng ba năm sau thì rễ bén đất. Khi hoàn thành công việc, anh em phục vụ đến báo cáo kết quả với Bác, Bác vui vẻ nói: “Các chú thấy đấy, con người hoàn toàn có khả năng chinh phục và cải tạo được thiên nhiên, tuy công việc đó rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao” (8).

Qua công tác trồng và chăm sóc cây, Người đã giáo dục cán bộ những đức tính tốt đẹp của con người từ lòng kiên trì trong công việc, trong cuộc sống, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải cố gắng làm cho bằng được. Người không dùng những lý lẽ cao siêu mà bằng những việc làm cụ thể, giản dị nhưng sâu sắc, thấm sâu vào lòng người khiến ai cũng dễ hiểu, khắc cốt ghi tâm những lời Người dạy. Mỗi câu chuyện hay việc làm của Người luôn ẩn chứa những giá trị sâu xa, đặc biệt trong công tác trồng cây gắn với sự nghiệp trồng người, với tư tưởng vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.

3. Thông qua việc trồng cây để tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế

Trong vườn tại Khu Phủ Chủ tịch, có nhiều cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay trồng và chăm sóc. Người trồng cây không chỉ lấy bóng mát, cho cảnh thêm đẹp, cho không khí trong lành, mà trước hết xuất phát từ lợi ích kinh tế, xã hội, từ tình cảm đối với đất nước, từ việc đề cao tính nhân văn… Nhiều cây trong vườn không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, gắn với quê hương đất nước, gắn với công việc và cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt, gắn với tình đồng chí, bạn bè quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc. Trong những lần thăm nước bạn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam, Bác đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Người đã trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở Nga và gọi đó là “những cây hữu nghị”. Cây lớn lên theo thời gian, không chỉ thể hiện ý thức bảo vệ môi trường mà còn thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới để mọi người hiểu nhau hơn, giúp nhau nhiều hơn vì một cuộc sống tốt đẹp.

Tháng 2-1959, trong chuyến Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị nước Cộng hòa Indonesia, nhân dân nước bạn biếu Người hai cây dừa. Người đem về cho các đồng chí phục vụ trồng ngay trước nhà sàn. Hằng ngày, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tranh thủ thời gian chăm sóc hai cây dừa như vun đắp tình hữu nghĩ của hai dân tộc. Đến nay, hai cây dừa vẫn vươn lên xanh tốt như biểu thị tình cảm cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Indonesia. Đặc biệt, tháng 6-1963, khi nhận được tin Liên Xô phóng thành công hai con tàu vũ trụ sóng đôi Phương Đông 5 và Phương Đông 6, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng, trong đó Người hoan nghênh nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Têrêscôva. Để ghi nhớ sự kiện trọng đại này, Người đã cho trồng hai cây y lan phía trước nhà sàn, đặt tên là cây vũ trụ. Người mong muốn nhân dân Việt Nam sau này sẽ phấn đấu thực hiện bằng được việc chinh phục vũ trụ. Năm 1980, trước khi sang đất nước của Lê-nin để thực hiện chuyến bay vào vũ trụ cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gorbatko, phi công Phạm Tuân đã vào thăm nhà sàn và hứa với Bác sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau khi chuyến bay thành công, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko đã trở lại ngôi nhà sàn của Bác, đứng dưới hai cây y lan, báo cáo với Bác về kết quả tốt đẹp của chuyến bay vào vũ trụ. Hai cây y lan bây giờ vẫn còn đó, dáng thẳng đứng, vươn lên bầu trời như hai con tàu vũ trụ sóng đôi.

Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới trồng cây bảo vệ môi trường, trong đó, Tết trồng cây mà Người phát động cách đây tròn 60 năm, đã trở thành phong tục đẹp, là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức hưởng ứng thông qua những hành động cụ thể, với nội dung ngày càng cao hơn, toàn diện hơn bằng việc tiếp tục duy trì và phát động phong trào trồng cây, gây rừng rộng rãi từ các địa phương đến bản làng và người dân thông qua kế hoạch rừng xanh, tuần lễ xanh… Chiến dịch này là một nỗ lực gắn kết khu vực thành thị với nông thôn, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Những người dân thành thị quyên góp tiền trồng cây, còn nông dân góp sức để trồng với mục đích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ngăn chặn lũ lụt, thiên tai; mang lại bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho cuộc sống của con người. Đây cũng là một trong những hành động thiết thực góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả chuyên đề Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

_______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.354.

2. Rừng cây Bác Hồ trên bãi biển, Báo Quảng Bình, số cuối tháng 9, năm 1994.

3. Báo Nhân Dân, số 2082, ngày 28-11-1959; số 3228, ngày 27-1-1963.

4. Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2006, tr.302.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.165.

6. Hồ Chí Minh, Tuyển tập, tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.334.

7. 8. Chuyện cây trong vườn Bác Hồ, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2006.

Tác giả: Nguyễn Văn Dương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *