Nếp sống người hà nội xưa


Đã có nhiều diễn đàn, bài viết bàn về chủ đề nếp sống người Hà Nội xưa, cố gắng tìm hiểu tại sao người Hà Nội lại thanh lịch, tại sao sự thanh lịch đó có ở đây mà không phải nơi khác… Trong bài viết này, chúng tôi chỉ cố gắng tìm hiểu những thành tố nào đã giúp tạo nên một nếp sống hào hoa thanh lịch của người Thăng Long- Hà Nội xưa như vẫn được ca ngợi.

Có thể lấy mốc thời điểm Lý Công Uẩn định đô năm 1010 và đặt tên là Thăng Long đến thời điểm trước năm 1945 là Hà Nội xưa; thời điểm năm 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay là giai đoạn phát triển tiếp theo. Thăng Long – Hà Nội xưa, trong quá trình phát triển của mình đã trải qua nhiều thay đổi thăng trầm thịnh suy của các triều đại phong kiến, thậm chí bị xâm lấn và cai trị bởi ngoại bang, nhưng Thăng Long – Hà Nội vẫn phát triển để dần tạo nên một cốt cách, một bản sắc văn hóa riêng cho mình. Có thể chia thời kỳ này làm 3 giai đoạn: thời kỳ Lý – Trần, thời kỳ Lê – Nguyễn, thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ đến trước năm 1945.

Lối sống là những cách thức tổ chức các hoạt động của đời sống con người: lao động, sản xuất, các hình thức thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần.

Lối sống bao gồm nhiều yếu tố cấu thành: cách thức lao động, sản xuất; các phong tục tập quán; cách thức giao tiếp, ứng xử với nhau; quan niệm về đạo đức và nhân cách…

Nếp sống được hiểu như là những cách thức ứng xử, giao tiếp, những chuẩn mực đạo đức của lối sống một cá nhân hay một nhóm xã hội được các nhóm xã hội khác thừa nhận là hay, là đẹp, lấy đó làm giá trị tham chiếu lối sống cá nhân mình, nhóm xã hội mình. Như vậy, có thể coi nếp sống như là mẫu số chung về cách thức ứng xử, là khuôn mẫu chung cho mọi hoạt động của một cộng đồng người xác định.

Nói người Thăng Long – Hà Nội xưa hào hoa thanh lịch là nói về niềm tự hào của người Hà Nội, là nói đến cái nếp sống đã được thừa nhận hình thành qua bao thăng trầm của lịch sử, nó định hướng chuẩn mực ứng xử cho các cá nhân, nhóm xã hội khác nhau sống trong cùng một cộng đồng, dù ai cũng hiểu rằng, mỗi nhóm xã hội, cá nhân đều có một lối sống riêng.

1. Nếp sống của cư dân Thăng Long – Kẻ Chợ thời kỳ Lý – Trần

Đây là thời kỳ đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng cùng phát triển, trong đó đạo Phật có vai trò lớn hơn một chút trong chế độ chính trị bấy giờ. Về cơ sở kinh tế xã hội, thì Thăng Long thời bấy giờ đã hình thành những khu phố thị sầm uất, là kinh đô của cả một nước nên đây cũng là nơi ở của nhà vua và tầng lớp quý tộc, quan lại triều đình. Trong xã hội cũng đã có sự phân biệt đẳng cấp, trên có vua, quan, dưới có sĩ, nông, công, thương. Cách ăn mặc của người Hà Nội thời kỳ này cũng theo đó mà phân ra các phong cách và kiểu dáng, chất liệu khác nhau.

Nếp sống của người dân Kinh thành Thăng Long thời Lý – Trần có thể chấm phá ở một số nét. Về quần áo và trang sức: “Vua mặt áo long cổn, quần tía, răng đen, búi tóc cài trâm vàng, cung điện sơn son thếp vàng. Quan lại, sĩ tử mặc áo dài thâm, cổ áo vòng khít, áo 4 vạt (tứ thân), quần thâm, búi tóc, cài trâm sắt. Chân đi dép da hoặc guốc hoặc chân đất, đầu quấn khăn . Đàn ông dân thường hay đóng khố cởi trần, quân sĩ cũng vậy, chân tay đều có xăm hình giao long (rồng) và các hình khác, ai cũng biết chèo thuyền và bơi lội. Nữ mặc áo ngắn đến bụng, xẻ ngực bó sát vào người, phía trong mặc yếm che kín. Yếm tròn sát cổ, có trang trí những hình hạt gạo, ngoài ra cũng có một loại áo cánh ngắn, cổ vuông, để hở một phần vai và ngực hoặc kín ngực hở một phần vai và lưng”.

Qua những đặc điểm trên có thể thấy nếp sống của dân kinh thành thời Lý – Trần là nhân hậu, hòa bình, vẫn mang nhiều nét văn hóa xóm làng và chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Đó là cái tình nghĩa hồn nhiên, chất phác của văn hóa cư dân trồng lúa nước bản địa. Nếp sống cung đình phong kiến đã tách khỏi văn hóa dân gian nhưng chưa xa cách nhiều mà vẫn mang yếu tố dân gian. Tục xăm mình chẳng hạn, từ vua đến dân đều có (đến cuối triều Trần mới bãi bỏ). Các qui định ứng xử giữa tầng lớp quan lại, quý tộc chưa chặt chẽ như các thời kỳ sau. Vua tôi quan hệ thân mật như anh em, thường cùng nhau bày tiệc rượu, trong tiệc rượu thì cười đùa vui vẻ không kể đạo quân thần. Tuy nhiên trong nếp sinh hoạt của Thăng Long thời bấy giờ cũng bắt đầu manh nha những yếu tố văn hóa đặc trưng riêng. Một biểu hiện của đời sống thị dân Thăng Long là sinh hoạt ban đêm như buôn bán đêm, thú ăn đêm và đi chơi đêm. Uống trà trở thành nếp phổ biến từ vua quan cho đến thứ dân. Những lễ hội và sinh hoạt văn hóa lành mạnh diễn ra khá phổ biến quanh năm và cả vào ban đêm như hát ả đào, đánh cờ, chèo, tuồng, ngắm trăng…

Nhìn chung thời Lý – Trần, nếp sống người Thăng Long vẫn mang đậm tính dân gian, hài hòa với thiên nhiên và tạo vật. Nhiều hội lễ, đình đám, món ăn còn tồn tại đến ngày nay. Nếu cho rằng nét hào hoa thanh lịch người Thăng Long – Hà Nội đã có từ thời gian này thì e hơi khiên cưỡng. Tâm hồn con người kinh kỳ thời này không khác mấy tâm hồn con người thôn quê chất phác mộc mạc, lối sống tiểu nông của cư dân nông nghiệp lúa nước có lẽ là nếp sống chủ đạo của Thăng Long thời kỳ này.

 

2. Nếp sống người Thăng Long – Hà Nội thời Lê – Nguyễn

Thăng Long – Kẻ Chợ đến thời nhà Lê lấy tên là Đông Kinh, lúc này đã có lịch sử phát triển hơn 400 năm, với vị thế là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước (vai trò kinh tế thương mại của Thăng Long không phải là yếu tố quan trọng, mặc dù là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao thương bởi do yếu tố tự cung tự cấp tương đối độc lập của hệ thống làng xã nước ta thời kỳ đó). Đến thời nhà Nguyễn, mặc dù đã mất đi vai trò trung tâm hành chính của cả nước do vị trí kinh đô đã được chuyển về Phú Xuân – Huế, Hà Nội vẫn đóng vai trò trung tâm hành chính đầu não của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ với những phố thị sầm uất và một bề dày lịch sử văn hiến đầy tự hào.

Thời nhà Lê, Thăng Long đã có những thay đổi lớn lao về mọi mặt của đời sống chính trị xã hội. Đạo Khổng trở thành tư tưởng chính thống của nhà nước phong kiến. Nho học rất được chú trọng, được tôn là quốc học. Khoa cử thúc đẩy, hình thành tầng lớp nho sĩ trí thức đông đảo. Kinh đô có Quốc Tử giám, Thái học viện. Vua Lê Thánh Tông chia nước làm 13 đạo, hầu hết các đạo ở đồng bằng đều lập trường công, ấn định quy chế thi cử 3 năm tổ chức thi hương một lần, ngoài ra còn tổ chức những kỳ thi ân khoa khác. Từ triều Lê, người thi đậu rất vẻ vang: có lễ xướng danh, lễ vinh quy, lễ khắc tên tiến sĩ vào bia đá ở Văn Miếu.

Nền nếp nho gia quy định rất chặt chẽ những cách thức ứng xử giữa các cá nhân, các nhóm xã hội với nhau. Đẳng cấp xã hội được xác tín qua quan niệm về tứ dân: sĩ, nông, công, thương. Dưới chế độ phong kiến Lê – Nguyễn, nếp sống của người Thăng Long bắt đầu phân hóa thành hai dòng đối lập: lối sống của giai cấp thống trị: vua, quý tộc và tầng lớp quan lại lấy Nho giáo làm tư tưởng chủ đạo và lối sống dân gian của các nhóm xã hội bị cai trị thợ thủ công, người buôn bán và nông dân. Tuy nhiên, trong xã hội lúc này nổi lên một nhóm người đóng vai trò trung gian, là cầu nối giữa hai lực lượng xã hội mang tính chất đối kháng kia, đó là tầng lớp nho sĩ – những người về lý thuyết đi học để làm quan. Thoạt tiên lớp người này có cơ cấu không lớn lắm, năm 1463 có chừng 1400 người dự thi ở Thăng Long, năm 1475 tăng lên khoảng 3000 nho sinh. Theo thời gian, cùng với sự phát triển cường thịnh của Nho giáo, số nho sĩ đông dần lên: dưới triều Tự Đức, theo Đại Nam thực lục, có 17713 thí sinh dự thi năm 1870, trong đó lấy 8 người đỗ tiến sĩ. Vì mục đích mở các khoa thi thời bấy giờ không phải để khuyến khích dân chúng cắp sách đi học mà là để tuyển lựa người ra làm quan, nên số đỗ đạt là rất ít. Chẳng hạn khoa thi hương tại Hà Nội năm 1876 có 4,500 sĩ tử lều chõng đi thi, chỉ có 25 người đủ điểm đậu để được danh hiệu cử nhân, còn gọi là hương cống, và 50 người đậu vớt (điểm thấp hơn) để được danh hiệu tú tài, còn được gọi là sinh đồ.

Mỗi lần đến kỳ thi, là một sự kiện nổi bật của kinh thành Thăng Long khi có đến vài ngàn nho sinh ở những vùng xung quanh vác lều chõng đến trọ đợi ngày thi. Thời nhà Nguyễn, mặc dù không còn là kinh đô của một nước, song không vì thế mà đời sống văn hóa của Thăng Long – Hà Nội ở TK XIX kém hơn trước. Thiếu vắng đi kỳ thi hội trước kia do triều đình tổ chức 3 năm một lần, nhưng đây vẫn là nơi tụ hội của các nho sĩ, nho sinh tới trọ học ở các trường tư và đi thi hương. Văn Miếu vẫn một tháng đôi lần các danh nho, danh sĩ tới bình giảng sách như thời Lê – Trịnh. Điều này đã được phản ánh khá cụ thể và sinh động qua tác phẩm Lều chõng nổi tiếng của nhà văn Ngô Tất Tố.

Như vậy, thành phần chủ yếu của tầng lớp nho sĩ lại là những nhà nho không đỗ đạt , hoặc chỉ đỗ thấp như tú tài (không được làm quan nhưng cũng được miễn sưu thuế). Họ làm nhiều thứ nghề như thày địa lý, thày lang, nhưng đông hơn cả là làm ông đồ (dạy học), hoặc đơn giản là đi học để thi tiếp kỳ sau. Phần lớn nhà nho có nếp sống thanh bần, nếu có túng thiếu, nghèo khó thì cũng cố giữ lấy cái danh. Nhiều người theo đuổi những thú vui tao nhã như chơi cờ, cây cảnh, chơi cổ vật… Là nơi đô hội phồn hoa, Thăng Long thu hút nhiều nho sĩ, những tao nhân mặc khách đến lưu lại, tầng lớp trí thức này, với lối sống thanh tao theo khuôn phép nho gia, có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín là những đức tính mà họ theo đuổi, chắc chắn có ảnh hưởng sâu sắc đến các tầng lớp, nhóm xã hội thời đó. Quang Trung khi kéo quân ra Thăng Long còn lo làm sao thu phục được kẻ sĩ Bắc Hà, điều đó chứng tỏ vai trò và tầm ảnh hưởng của tầng lớp này lớn đến thế nào trong xã hội thời đó.

Tuy có địa vị chính trị xã hội cao hơn các nhóm xã hội khác trong tứ dân, nhưng khác với tầng lớp vua chúa, quan lại, tầng lớp nho sĩ lại có cuộc sống đời thường tương đối giản dị, gần gũi với các thứ dân khác (người thân trong gia đình như vợ, mẹ , hàng xóm, hàng phố có thể là nông dân hay buôn bán) vì thế có sự va chạm tiếp xúc thường xuyên, tạo nên sự giao thoa giữa các lối sống khác nhau. Những chuẩn mực đạo đức, lối ứng xử có lễ có nghĩa của tầng lớp nho sĩ đã tác động một cách tự nhiên đến lối sống của các nhóm xã hội khác, được các nhóm xã hội đó chắt lọc những chuẩn mực phù hợp, tạo ra một nếp sống mà mọi người trong cộng đồng đều chấp nhận như một tập quán, thói quen.

Có thể nói rằng, nếp sống người Thăng Long – Hà Nội xưa thực sự được hình thành và phát triển trong các triều đại Lê – Nguyễn, thời kỳ mà nho giáo và tầng lớp nho sĩ có một ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Một bộ phận tinh hoa của lối sống tầng lớp trí thức này được cộng đồng dân cư Thăng Long – Hà Nội tiếp thu, chuyển hóa nó thành một nếp sống, một cách thức ứng xử thanh lịch và hào hoa.

 

3. Ảnh hưởng văn hóa phương Tây thời kỳ Pháp thuộc

Từ năm 1885, Hà Nội trở thành thuộc địa của Pháp. Thời kỳ này, diện mạo Hà Nội có những thay đổi mạnh mẽ cả về chính trị, xã hội lẫn không gian: từ việc thay đổi thể chế chính trị, sự xuất hiện chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, thành phố được mở rộng, xuất hiện tầng lớp trí thức Tây học và giai cấp công nhân. Ngoài khu phố thị cũ, thành phố còn mọc lên những khu phố tây và những công trình công cộng mang kiến trúc Pháp để phục vụ cho tầng lớp cai trị mới. Nhận thức được vai trò của Hà Nội như là một trung tâm chính trị xã hội quan trọng, thực dân Pháp đã cho xây dựng, mở rộng thành phố, với ý đồ biến Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế, chính trị của bộ máy cai trị trên toàn cõi Đông Dương.

Trước những biến động xã hội đó, nếp sống văn hóa người Hà Nội được định hình và phát triển trong hàng mấy thế kỷ trước đó không khỏi có những xáo trộn, các giá trị, chuẩn mực cũ bị thách thức bởi văn hóa, lối sống phương Tây của tầng lớp cai trị mới. Nhưng với truyền thống và bản lĩnh văn hóa của mình, người Hà Nội không những không bị nô dịch về mặt văn hóa mà còn biết chắt lọc những tinh hoa của văn hóa Pháp làm giàu có thêm bản sắc, nếp sống vốn có của mình.

Cũng chính trong thời gian này, cùng với sự giao thoa văn hóa Đông -Tây, đã xuất hiện nhiều sản phẩm, hiện tượng văn hóa được cho là đặc sản của đất Hà Nội mà sau này trở nên nổi tiếng, trở thành nét đẹp riêng có của Hà thành, những giá trị đó còn tồn tại cho đến ngày nay.Về ẩm thực, bên cạnh những món ăn dân dã đã có trước đây, xuất hiện thêm nhiều món ăn, món quà Hà Nội rất nổi tiếng như: phở, chả cá, bánh tôm, bún thang… thể hiện nét tinh tế, sành điệu trong nghệ thuật ăn uống của người Hà Nội. Thời kỳ này, bên cạnh cái áo dài thâm, cái áo tứ thân truyền thống thì đã xuất hiện bộ quần áo âu phục phổ biến trong giới công chức, đặc biệt là sự xuất hiện chiếc áo dài tân thời mà sau này trở thành chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Đây là sự sáng tạo, cách điệu từ chiếc áo tứ thân của 2 họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ vào năm 1934. Hình ảnh những thiếu nữ tha thướt trong tà áo dài đã đi vào văn chương, thi ca như một nét đẹp duyên dáng của đất Hà thành. Về kiến trúc nhà ở, do nhu cầu về việc mở rộng, đất nông nghiệp của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp trong nội đô, những mái nhà tranh vách đất của nông dân ngày một ít dần đi nhường chỗ cho những phố tây với đường phố rộng rãi. Kiến trúc này kết hợp với kiến trúc nhà ống truyền thống ở khu phố thị thương mại tạo nên diện mạo một Hà Nội khác, có nét đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại.

Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả Đông Dương nên có đời sống văn hóa nghệ thuật sôi nổi, nhiều hiện tượng xã hội mang tính cách mạng như phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào thơ mới của nhóm Tự Lực Văn Đoàn đều diễn ra ở đây. Một lớp danh sĩ theo tây học đã xuất hiện tiêu biểu như: Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… trong lĩnh vực văn chương; Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… trong lĩnh vực hội họa. Nhiều tác phẩm của những văn sĩ, danh họa này đã ghi lại bằng văn chương, bằng hình ảnh của một Hà Nội xưa hào hoa, thanh lịch giúp các thế hệ sau này có thể hình dung và tự hào về nếp sống văn hóa đầy bản sắc của người Hà Nội.

Trên thực tế, thực dân Pháp mở trường lớp là mong muốn đào tạo ra một nhóm người giúp việc, làm tay sai cho chúng trong việc khai thác, bóc lột thuộc địa. Sâu xa hơn, giống như mọi kẻ thống trị ngoại bang khác, thực dân Pháp muốn đồng hóa, bắt dân tộc ta phải nô dịch, phụ thuộc chúng về mặt văn hóa. Tuy nhiên, tầng lớp trí thức tây học này phần lớn xuất thân từ những gia đình có truyền thống nho sĩ cũ đã sẵn có trong mình một tinh thần yêu nước truyền thống và một bề dày văn hóa dân tộc lâu đời nên đã có những phản kháng công khai hoặc ngấm ngầm sự áp đặt của những kẻ thực dân cai trị; một mặt vẫn tiếp thu nền học vấn văn minh phương tây, mặt khác vẫn duy trì và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Như vậy, một lần nữa, tầng lớp trí thức lại đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nếp sống văn hóa, là nhóm xã hội trung gian truyền tải và chắt lọc những giá trị văn hóa, lối sống phương Tây làm để giàu có thêm nếp sống hào hoa thanh lịch của người Hà Nội. Đây là một quá trình không hề mong muốn từ những kẻ thực dân cai trị.

 

Kết luận

Trải qua một nghìn năm gây dựng và phát triển đến nay, Thăng Long – Hà Nội luôn là trung tâm kinh tế, chính trị ,văn hóa quan trọng bậc nhất của đất nước. Là mảnh đất tụ hội nhiều tinh hoa nhân tài vật lực của dân tộc, Thăng Long – Hà Nội đã sớm hình thành nên bản sắc văn hóa độc đáo của mình, đó là sự thanh lịch hào hoa trong nếp sống, tinh tế trong giao tiếp ứng xử. Để có được nếp sống văn hóa đáng tự hào như vậy, người Hà Nội đã phải trải qua một quá trình lâu dài chắt lọc những cái hay cái đẹp của tập quán lối sống mọi tầng lớp xã hội trong cộng đồng, trong đó nổi bật lên vai trò quan trọng mang tính định hướng giá trị xã hội của lối sống tầng lớp trí thức nho sĩ. Chúng ta có thể dễ dàng thấy được nhiều dấn ấn của lễ nghĩa, chuẩn mực đạo đức nho gia trong nếp sống cư dân Hà Nội xưa.

Thời kỳ Pháp thuộc, Hà Nội xuất hiện thêm nhóm xã hội mới, đó là tầng lớp công chức, tầng lớp trí thức tây học mới. Bên cạnh sự tha hóa, sự áp đặt về văn hóa của những kẻ thống trị, nhóm xã hội này cũng đã chắt lọc được những thành tố văn hóa tích cực, phù hợp với mình để làm giàu có thêm bản sắc văn hóa của đất Thăng Long – Hà Nội.

         Như vậy, ta có thể thấy vai trò của nhóm xã hội là tầng lớp trí thức có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong việc hình thành nên nếp sống thanh lịch của người Hà Nội xưa. Điều đó đặt ra cho đội ngũ trí thức mới của Hà Nội ngày nay nhiệm vụ nặng nề trong việc kế thừa và phát huy nếp sống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội, đồng thời phải đóng góp và cổ vũ cho những nếp sống mới văn minh, phù hợp, đáp ứng được kỳ vọng của người dân muốn xây dựng Hà Nội trở thành một thủ đô vừa văn minh, hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 316, tháng 10-2010

Tác giả : Nguyễn Anh Tuấn

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *