Nét đặc sắc của trang phục thày cúng Dao quần chẹt Thanh Hóa

Trong kho tàng văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trang phục truyền thống là một biểu trưng văn hóa, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi vùng, miền, mỗi tộc người. Đặc biệt, đối với các tộc người thiểu số, thày cúng là những người rất được coi trọng, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cả tộc người, với mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi giã cõi đời. Do đó, trang phục thày cúng Dao quần chẹt ở Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người Dao. Nó “tham dự” và được sử dụng một cách có ý thức vào mọi hoạt động của xã hội, cộng đồng. Mỗi lễ hội, tùy thuộc vào tầm quan trọng, thày cúng Dao quần chẹt lại mặc trang phục khác nhau. Đây chính là biểu hiện về bản sắc văn hóa của cộng đồng thông qua trang phục, qua đó thể hiện tư duy về kỹ thuật và thẩm mỹ khá cao của người Dao quần chẹt.

Trong vòng xoáy phát triển của nền kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc hay trong cộng đồng một tộc người hiện nay đang có sự biến đổi mạnh mẽ do quá trình tiếp xúc và giao thoa văn hóa giữa các dân tộc. Do đó, trang phục truyền thống của các dân tộc cũng đã có nhiều thay đổi. Trước đây, đồng bào thường tự dệt vải, tự cắt may và thêu họa tiết hoa văn trang trí lên trang phục, thì hiện nay, nhờ sự phát triển của ngành dệt may, đồng bào đã mua vải có sẵn sau đó chỉ thêu họa tiết hoa văn trang trí lên trang phục mặc ngoài, còn trang phục mặc trong thì mua sẵn. Duy chỉ có trang phục thày cúng là ít có biến đổi nhất, và vẫn giữ được những nét truyền thống.

Trang phục thày cúng Dao Quần Chẹt Thanh Hóa

Trang phục truyền thống của người Dao quần chẹt được định hình bởi quá trình du canh, du cư và tập quán nông nghiệp của tộc người, nguyên liệu làm nên trang phục hoàn toàn là tự cấp: trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm… Do đó, trang phục cũng nhuốm màu của tự nhiên, của cỏ cây, hoa lá, chim muông. Với những màu sắc cơ bản như màu chàm, xanh, đỏ, vàng, trắng và những đồng bạc…cùng với tài năng khéo léo, sáng tạo, thông qua một số kỹ thuật như thêu, ghép vải, dệt, người phụ nữ Dao quần chẹt đã tạo nên các mô típ hoa văn sáng tạo, độc đáo được thể hiện qua từng yếu tố tạo nên bộ trang phục của thày cúng như: mũ đội đầu, áo dài, dây lưng, váy, xà cạp.

Bộ trang phục thày cúng Dao quần chẹt bao gồm mũ, áo dài theo kiểu truyền thống, áo dài năm thân không có tay, dây buộc ngoài mũ, áo, dây lưng, váy, xà cạp đều được trang trí hoa văn. Bộ trang phục này chỉ dành riêng dùng trong khi tiến hành các nghi lễ. Trong bộ trang phục này có một số yếu tố cấu thành cũng như hoa văn khác biệt với trang phục mặc trong ngày thường.

Mũ của thày cúng Dao quần chẹt có 2 loại: Một loại mũ hình chữ nhật và một loại mũ “hình thang cân lộn ngược”, một loại mũ hình hộp chữ nhật làm bằng giấy bồi khá cứng gồm bốn mặt bên (15cm x 17cm) và một mặt đỉnh mũ. Nền mũ sơn đỏ, bốn mặt đều có hình vẽ, ở mặt mũ được trang trí bằng sơn màu vàng, đỏ, xanh với vẽ hình Tam Thanh, hình gà trống, hình hoa và lá sen. Hai bên mũ còn đính 2 tai mũ bằng vải cũng được vẽ hình mây, sóng nước, các hình vẽ này nằm trong khung hình chữ nhật màu xanh. Sau khi đội mũ còn phải buộc thêm ra ngoài mũ một dải vải màu đỏ. Dải vải này mỗi đầu còn nối thêm một đoạn vải đen, nửa đầu đính thêm nhiều chuỗi hạt cườm và các quả bông màu trắng, đỏ và xanh.

Còn loại mũ “hình thang cân lộn ngược”, cũng được làm bằng giấy bồi, ở trước và sau của mũ cũng được trang trí bằng bằng tranh vẽ với các màu xanh, đỏ, trắng. Mặt trước vẽ hình Tam Thanh và mặt sau vẽ hình hổ phù, cả hai hình vẽ này đều thêu trên nền hồng và trong một cái khung màu chàm.

Thày cúng Dao quần chẹt chỉ mặc áo dài của nữ khi hành lễ. Tùy thuộc vào bài cúng hoặc giai đoạn cúng mà người thày cúng phải mặc thêm hai loại áo nữa. Một loại được làm, trang trí giống như áo của nữ. Một loại thứ hai là áo khoác không có tay, làm bằng vải màu chàm, nửa thân dưới loe rộng, hai bên bằng vải màu đỏ. Phần trang trí ở thân trước là ba cặp rồng chầu chung một mặt nguyệt, và chính giữa thân áo là một hình mặt hổ phù, ở sát gấu áo thêu hoa văn hình sóng nước. Phần trang trí thân sau thì chính giữa thân là một hình con rồng to hai bên có một cặp rồng nhỏ, bên dưới là một cặp chim phượng chầu mặt nguyệt, bên dưới nữa là đôi sư tử chầu lên mặt nguyệt, dưới cùng là hoa văn hình sóng nước. Các hoa văn này được thêu bằng chỉ màu trắng, đỏ, vàng, xanh, trên nền áo màu chàm. Gấu áo được trang trí bằng các tua chỉ màu vàng.

Thày cúng thường dùng hai loại dây lưng. Một loại không có hoa văn trang trí. Còn một loại làm rất công phu. Loại dây lưng này là một băng vải tự dệt bằng chỉ đỏ trên đó trang trí bằng hoa văn khắc vạch bằng chỉ màu chàm. Đặc biệt trên dây lưng này còn đeo 12 chiếc khăn vuông thêu hoa văn. Các khăn thêu này được thêu các khung hình vuông đồng tâm, trên mỗi khung này được thêu hoa văn hình dích dắc giao nhau (quàng nghim),hình con chim (nọ) và hình xương cá bằng chỉ màu xanh, chàm, đỏ.

Một hiện tượng khá lý thú là khi hành lễ thày cúng Dao quần chẹt cũng mặc váy, nhưng hoa văn ở váy được thêu bằng chỉ màu. Váy của thày cúng Dao quần chẹt làm bằng vải màu chàm. Phần trang trí cũng tập trung ở gấu váy, các họa tiết trang trí được bố cục theo dải băng ngang dọc theo chân váy. Hoa văn trang trí được thêu bằng chỉ màu trắng và đỏ với các họa tiết hình chữ thập ngoặc kép (tầm cầu ngàn), hình chim (nọ), hình hoa (pèng nhom) và guồng nước (sìa tỏi).

Chỉ khi hành lễ, thày cúng Dao quần chẹt mới mang xà cạp. Xà cạp này giống xà cạp của Dao tiền. Nhưng mặt xà cạp chỉ có một nửa (theo chiều dọc) được thêu hoa văn, các họa tiết hình chữ thập ngoặc kép và chim.

Trang phục truyền thống của thày cúng Dao quần chẹt chính là phương tiện lưu truyền, nơi cất giữ và phản ánh quá trình lịch sử văn hóa của cả cộng đồng được thể hiện qua kết cấu hình khối, màu sắc, đường nét, các họa tiết họa văn trang trí trên tổng thể bộ trang phục. Thông qua kỹ thuật cắt may, tạo hình kiểu dáng và nghệ thuật trang trí trên trang phục như kích thước, mô típ hoa văn, màu sắc hoa văn… chúng ta có thể thấy rằng bộ trang phục truyền thống của thày cúng Dao quần chẹt không đơn thuần chỉ có chức năng bảo vệ cho cơ thể con người khỏi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mà còn mang nhiều giá trị văn hóa vật chất, tinh thần và biểu hiện nhiều yếu tố tạo hình độc đáo, ẩn chứa nhiều thông tin về đời sống tộc người, thể hiện tư duy thẩm mỹ, và quan niệm về cái đẹp của một tộc người.

Tác giả: Bùi Thị Hằng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *